Lạc – Cây trồng chủ lực ở Diễn Châu
Vừa thu hoạch xong sào lạc, anh Cao Văn Công (xóm 1, Diễn An, Diễn Châu) rất phấn khởi khi lạc Đông được mùa, giá bán cao. Anh Công cho biết: “Đầu vụ, lạc gặp mưa lớn kéo dài, ngập sâu trong nước; sau đó, khi lạc đang chắc củ thì lại gặp lũ, tưởng chừng như mất trắng. Thế nhưng, nhờ làm tốt công tác thuỷ lợi, tích cực chăm sóc, cây lạc Đông vụ này vẫn đạt năng suất khá. Mỗi sào lạc đạt năng suất 1,2-1,3 tạ”.
Vụ Đông năm nay, toàn xã Diễn An trồng 25ha lạc, năng suất ước đạt 26 tạ/1ha, sản lượng khoảng 65 tấn. Lâu nay, lạc là cây trồng đưa lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Diễn An, thường thì người dân sản xuất mỗi năm 2 vụ, lạc Đông và lạc Xuân. Lạc Xuân năng suất cao, diện tích trồng cũng nhiều hơn so với lạc Đông. Song, giá lạc Đông lại cao hơn lạc Xuân do người dân bán lạc giống. Chị Nguyễn Thị Tý (xóm 4, Diễn An) cho biết: “Nếu như lạc Xuân giá 30.000 đồng/kg thì lạc Đông có giá 38.000 đồng/kg. Người dân chủ yếu trồng để lạc giống cho vụ Xuân và bán cho các hộ có nhu cầu”.
Tại Diễn Thịnh – Địa phương được coi là “vựa” lạc của Nghệ An, vụ Đông này, người dân Diễn Thịnh trồng 255ha lạc. Hiện, người dân đã thu hoạch được 90% diện tích. Mặc dù, vụ này, thời tiết rất bất lợi khi mưa lũ diễn biến phức tạp, cây lạc bị tác động nặng nề nhưng năng suất lạc vẫn đạt khá. Ước đạt khoảng 1tạ/sào. Chị Thu xóm 8, xã Diễn Thịnh trồng 4 sào lạc, sản lượng đạt 4-5 tạ khô, với giá bán hiện tại, chị thu về được 15 – 16 triệu đồng, trừ chi phí giống, phân bón, chị còn khoảng 12 triệu đồng. “Nhà tôi trồng 4 sào lạc Đông, giống lạc L20. So với các năm thì năm nay lạc được mùa, năng suất ước đạt 1,1 tạ/sào. So với năm ngoái, vụ Đông năm nay, năng suất cao hơn khoảng 15-20kg/sào. Chủ yếu là trồng để giống cho vụ sau và cung ứng giống cho các vùng trồng khác”, chị Thu cho biết.
Do dự đoán được năm nay thời tiết thất thường, mưa nhiều nên ngay từ khi bước vào vụ sản xuất, địa phương đã tuyên truyền bà con trồng những giống lạc ngắn ngày nhưng vẫn đảm bảo năng suất tốt như L20, L14… Toàn bộ diện tích lạc sau khi trồng đều được phủ ni-lon để đảm bảo kỹ thuật; trong quá trình mưa lớn gây ngập úng, công tác tiêu úng được xử lý tốt nhằm đảm bảo cây lạc sinh trưởng và đảm bảo năng suất cuối vụ.
Lạc vụ Đông năm nay vừa được mùa, giá bán khá cao. Hiện, giá lạc giống dao động 38.000 - 40.000 đồng/kg. Với mức giá này, bà con đã có thu nhập ổn định khoảng 4,5 triệu đồng/sào. “Do lạc Đông chủ yếu là lạc giống nên giá bán cao, tiêu thụ khá dễ dàng. Năm nay, lạc được mùa, được giá nên người dân rất phấn khởi”, ông Hoàng Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Diễn Thịnh cho biết.
Vụ Đông năm 2024, Diễn Châu sản xuất 1.000 ha lạc. Lạc vụ Đông được trồng sớm và chủ yếu được trồng tại các địa phương đất cát ven biển với các giống L14, L20 và lạc đỏ. Trồng lạc vụ Thu Đông không khó và không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật, chỉ cần phòng ngừa được chuột phá hoại và có chế độ chăm sóc, bón phân đầy đủ. Vụ Đông này, nông dân Diễn Châu cung ứng ra thị trường trong cả nước tới 1700 tấn lạc giống. Giá lạc giống cao, đem lại thu nhập khá cho người dân Diễn Châu. Không những vậy, nhờ chủ động nguồn lạc giống sẽ góp phần giảm tình trạng sử dụng giống mua trôi nổi trên thị trường, giúp giảm chi phí đầu vào trong sản xuất vụ Xuân tiếp theo.
Xây dựng chuỗi liên kết, nâng hiệu quả kinh tế từ cây lạc
Lạc là cây trồng ngắn ngày có vai trò quan trọng trong hệ thống xen canh, luân canh với các loại cây trồng khác, đặc biệt có ý nghĩa trong việc cải tạo đất đối với những vùng đất bạc màu, nghèo dinh dưỡng. Do vậy, việc đầu tư nghiên cứu để tăng năng suất và mở rộng diện tích trồng lạc trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa quan trọng trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nghệ An chiếm gần 1/4 diện tích trồng lạc của cả nước, đứng đầu về sản xuất lạc nhân. 20 huyện, thành, thị xã của tỉnh đều trồng lạc, trong đó các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Thanh Chương và thành phố Vinh đã hình thành vùng chuyên canh lạc và mô hình trồng lạc công nghệ cao phục vụ xuất khẩu. Diện tích gieo trồng lạc mỗi năm của tỉnh đạt khoảng 17.500-18.000 ha, mang lại tổng sản lượng khoảng 40.000 tấn lạc vỏ. Trong đó, khối lượng lạc vỏ có thể xuất khẩu đạt khoảng 28.000 tấn, tương đương khoảng 19.000 tấn lạc nhân, cung cấp 50 – 60% tổng khối lượng lạc xuất khẩu của cả nước.
Trong những năm gần đây, diện tích sản xuất lạc được duy trì, mở rộng, bên cạnh sản xuất chuyên canh cây lạc thì nhiều địa phương khuyến khích người dân trồng xen với các cây ngắn ngày khác như sắn, ngô, rau, đậu; trồng dưới tán rừng chưa khép tán giai đoạn kiến thiết cơ bản… Đồng thời, xây dựng các mô hình liên kết để trồng lạc công nghệ cao, khép kín từ đầu vào - đầu ra nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế. Có thể kể đến mô hình trồng lạc giống theo công nghệ Hàn Quốc ở Diễn Châu, Nghi Lộc, Nam Đàn; mô hình trồng lạc giống siêu nguyên chủng, mô hình thâm canh cây lạc sen, mô hình sản xuất lạc đen CNC1; sản xuất lạc chuẩn VietGAP…
Bên cạnh đó, có nhiều chính sách để đẩy mạnh chế biến, xuất khẩu lạc, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm lạc ở địa phương. Từ đó, hình thành các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ trong chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ lạc; xây dựng các sản phẩm lạc đạt sao OCOP. Đồng thời, xây dựng và mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm lạc thông qua nền tảng số.
Về lâu dài, lạc vẫn là cây màu truyền thống có giá trị, hiệu quả khá, nên cần khuyến khích phát triển. Theo đó, những địa phương có nhiều diện tích nên quy hoạch thành vùng sản xuất chuyên canh, ưu tiên chủ yếu là đất bãi ven sông, đất màu đồi bằng phẳng; tích cực chỉ đạo nông dân đưa giống mới, áp dụng công nghệ, kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng. Đồng thời, mời gọi, thu hút doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất chuyên canh cây lạc.
Ông Tạ Quang Sáng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: “Có thể khẳng định, lạc là cây làm giàu của nông dân nhiều địa phương: Diễn Châu, Nam Đàn, Quỳnh Lưu. Cây lạc góp phần tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi mùa vụ để nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, hình thành những cánh đồng thu nhập cao, tăng thu nhập cho nông dân các vùng trồng. Thời gian qua, trung tâm đã triển khai nhiều mô hình thâm canh cây lạc, đưa các giống mới vào sản xuất và tìm kiếm, kết nối, xây dựng chuỗi liên kết nâng cao hiệu quả sản xuất lạc…”.