Tính chủ động trong công tác lập pháp được tăng cường

Nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV (2021 - 2026) là nhiệm kỳ đầu trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Tuy nhiên, trong những năm đầu của nhiệm kỳ, đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động nghiêm trọng về kinh tế - xã hội và sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, sự bất ổn từ xung đột chính trị, căng thẳng thương mại quốc tế và các thách thức như biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, đã đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc tăng cường nội lực, ứng phó có hiệu quả với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Ở trong nước, yêu cầu tiếp tục cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy nhà nước một cách mạnh mẽ cũng đặt ra những đòi hỏi cấp thiết đối với việc hoàn thiện thể chế, đặc biệt là đối với các vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền và tháo gỡ các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu cho rằng, hoạt động lập pháp của Quốc hội trong nhiệm kỳ Khóa XV đã được quan tâm một cách sâu sắc, tiếp tục để lại nhiều dấu ấn tại các kỳ họp, bảo đảm nền tảng pháp lý để tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới, góp phần đưa đất nước đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

z6158430493435-f2a800f26b4c3df1bd7d5a1da394d099.jpg
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu phát biểu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật nêu rõ, tính chủ động trong công tác lập pháp được tăng cường, với sự đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tính đến hết tháng 11.2024, đã có 140/156 nhiệm vụ lập pháp đã hoàn thành (chiếm 89,74%). Đáng chú ý, trong số 61 văn bản luật được Quốc hội thông qua trong nhiệm kỳ này (tính đến hết Kỳ họp thứ Tám) có đến 55 văn bản thuộc các nhiệm vụ lập pháp được xác định trong Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật (90,16%). “Điều đó cho thấy công tác xây dựng Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ đã bám sát đúng yêu cầu, đòi hỏi của công cuộc phát triển của đất nước”, Ủy viên Thường trực Hoàng Minh Hiếu nhấn mạnh.

Hoạt động lập pháp của Quốc hội đã đáp ứng linh hoạt, kịp thời các yêu cầu của cuộc sống. Điều này thể hiện qua việc đây là nhiệm kỳ Quốc hội đầu tiên có tổ chức các kỳ họp bất thường của Quốc hội, góp phần đáp ứng nhanh hơn yêu cầu ban hành các văn bản luật để kịp thời điều chỉnh các vấn đề cấp thiết phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Số lượng các luật, nghị quyết được thông qua tại các kỳ họp Quốc hội được tăng lên; chất lượng của các đạo luật được thông qua trong nhiệm kỳ được đánh giá cao; kịp thời thể hiện những định hướng mới trong công tác lập pháp.

Nhìn từ góc độ của các đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, việc xây dựng, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội được các đại biểu Quốc hội Khóa XV xem xét, cho ý kiến và biểu quyết thông qua theo hướng: bảo đảm ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, quy định những nội dung đúng thẩm quyền của Quốc hội, tạo điều kiện thuận lợi, giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính; chuyển mạnh từ luật thiên về quản lý sang kết hợp hài hòa giữa quản lý có hiệu quả với kiến tạo phát triển, khuyến khích đổi mới sáng tạo, kiên quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.

z6158441299278-5edda3879bc79bd68b4a65ae461129ed.jpg
Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên phát biểu

Bên cạnh đó, lược bỏ khỏi các dự thảo luật những quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ và cơ quan khác; không luật hóa các nội dung thông tư, nghị định; đối với những vấn đề cụ thể còn đang trong quá trình vận động, chưa ổn định thì luật chỉ quy định khung và giao cho Chính phủ quy định chi tiết, bảo đảm linh hoạt trong điều hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể

Nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV chuẩn bị bắt đầu bước vào năm cuối cùng, năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện thành công nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2021 - 2026, trong đó có yêu cầu cấp bách của công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong giai đoạn mới, để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, các đại biểu cho rằng, hoạt động lập pháp của Quốc hội cần tiếp tục được cải tiến, đổi mới.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu, cần kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Công tác xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, nâng cao năng lực phản ứng chính sách và giải quyết hiệu quả, kịp thời những vấn đề thực tiễn đặt ra, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể.

Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo, dữ liệu lớn trong hoạt động xây dựng pháp luật. Tập trung kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong xây dựng pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư cách đạo đức tốt, thành thạo chuyên môn, nghiệp vụ...

img-0235.jpg
Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, GS.TS. Võ Khánh Vinh phát biểu tại Hội thảo

Nhấn mạnh lập pháp là một trong những chức năng chính của Quốc hội, thể chế pháp luật là một nguồn lực, động lực của phát triển đất nước, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, GS.TS. Võ Khánh Vinh cho rằng, cần tiếp tục đổi mới căn bản, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động lập pháp, bảo đảm quản trị quốc gia bằng Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Để phát huy vai trò của lập pháp, Nghị quyết số 27-NQ/TW đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đổi mới căn bản, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động lập pháp, bảo đảm quản trị quốc gia bằng Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Do đó, GS.TS. Võ Khánh Vinh đề xuất, cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả theo hướng quy định rõ hơn quy trình xây dựng chính sách, phân định rõ quy trình lập pháp và quy trình xây dựng văn bản dưới luật; phát huy tính năng động, sáng tạo, tích cực, vai trò, trách nhiệm của các chủ thể, đặc biệt là Chính phủ trong quy trình lập pháp.

“Đồng thời, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học tham gia xây dựng pháp luật; hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, giải trình và tiếp thu ý kiến của Nhân dân đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm đồng bộ, kịp thời trong xây dựng chính sách, pháp luật giữa Quốc hội với Chính phủ, giữa các bộ, giữa Trung ương và địa phương”, GS.TS. Võ Khánh Vinh nói.

Ghi nhận các ý kiến tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Chủ nhiệm Đề tài khoa học cấp bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam - 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển cho biết, Hội thảo được tổ chức là hoạt động nối tiếp những hội thảo trước đó nhằm hoàn thiện Đề tài khoa học cấp bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam - 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”, hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6.1.1946 - 6.1.2026).

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh việc tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới cần gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, cuộc cách mạng về sắp xếp, tổ chức bộ máy và yêu cầu về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Minh Trang