Điểm sáng trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của tỉnh là xuất khẩu hàng hóa với tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3.700 triệu USD, vượt kế hoạch HĐND tỉnh giao là 3.000 triệu USD, đánh dấu năm thứ 4 vượt xa chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Trong đó, là một trong bốn mặt hàng xuất khẩu chính, xuất khẩu nông sản đạt kết quả rất ấn tượng. Kim ngạch xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh ghi nhận sự tăng trưởng vượt trội qua các năm: năm 2021 đạt 387 triệu USD, năm 2023 tăng lên 478 triệu USD và 10 tháng năm 2024 ước đạt 475 triệu USD (tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023). Con số này cũng đã vượt xa mục tiêu 220 triệu USD đặt ra tại Đề án Phát triển xuất khẩu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 481/QĐ-UBND ngày 25/02/2022 của UBND tỉnh.
Các mặt hàng xuất khẩu nông sản chủ lực gồm: gỗ và sản phẩm gỗ, hàng thủy sản, tinh bột sắn, hoa quả và nước hoa quả, gạo, nhựa thông, tùng hương, chè, hạt tiêu,… Nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023 như: gạo (tăng 99%), tinh bột sắn (tăng 40,5%), dăm gỗ (tăng 22,5%). Thị trường xuất khẩu nông sản của tỉnh đã mở rộng sang 85 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu nông sản chính, thể hiện ở con số: năm 2022 chiếm đến trên 76% và năm 2023 chiếm đến 70% kim ngạch xuất khẩu nông sản của tỉnh với các mặt hàng dăm gỗ, thủy sản, tinh bột sắn,… Tiếp theo là thị trường Đài Loan với hàng thủy sản, chè, sản phẩm sữa,…; thị trường Nhật Bản với mặt hàng viên nén gỗ, thủy sản và thị trường Thụy Sỹ với mặt hàng hoa quả chế biến, nước hoa quả,… Tham gia vào thị trường xuất khẩu nông sản hiện có khoảng trên 60 doanh nghiệp, tiêu biểu có 06 doanh nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu trên 20 triệu USD và 13 doanh nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 triệu USD.
Vượt ra ngoài địa bàn tỉnh và hơn thế nữa, vượt qua biên giới ra với thị trường quốc tế đã cho thấy nông sản của tỉnh đã và đang đi theo hướng phát triển bền vững. Điều kiện để nông sản vươn xa, có chỗ đứng trên thị trường chính là chất lượng và thương hiệu. Đặc biệt, nhiều sản phẩm OCOP đã xuất sang các thị trường lớn, “khó tính” như đồ gỗ mỹ nghệ của Công ty Đức Phong xuất sang Đức, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Đan Mạch; hải sản biển Quỳnh xuất sang Mỹ, nước mắm Vạn Phần Diễn Châu xuất sang Nhật Bản; sản phẩm miến lươn ăn liền, mì từ rau củ, sữa hạt,… cũng đã có hợp đồng ngoại thương với bạn hàng ở các nước Châu Âu, Mỹ, Thái Lan. Một số sản phẩm OCOP khác như mật ong, tinh bột nghệ, tinh bột sắn dây, bột rau củ cũng đang hoàn thiện các thủ tục và chứng chỉ xuất khẩu để gửi hàng mẫu đi các nước như Mỹ, Châu Âu chào hàng và ký hợp đồng.
Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Các Hiệp định thương mại tự do, nhất là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA), Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP)…đã mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt nói chung và nông sản Nghệ nói riêng thâm nhập vào các thị trường đầy tiềm năng.
Đạt kết quả tích cực và được đánh giá là dư địa, triển vọng phát triển còn rất lớn song cần nhìn nhận những rào cản, hạn chế, thách thức đang đặt ra cho lĩnh vực xuất khẩu nông sản của tỉnh. Đó là những nông sản có kim ngạch xuất khẩu lớn đa phần vẫn là hàng sơ chế, ở dạng thô như bột cá, dăm gỗ,… Chủng loại hàng hóa xuất khẩu đơn điệu, ít xuất hiện mặt hàng mới với kim ngạch cao. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp vẫn còn phụ thuộc vào nguồn hàng của các tỉnh khác như gạo, cao su, nguyên liệu chanh leo, cà phê, hạt điều,… Các sản phẩm OCOP có hạn sử dụng ngắn, tiêu chuẩn kỹ thuật chưa đáp ứng được các thị trường xuất khẩu lớn. Nhìn chung, trình độ sản xuất chưa cao, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, hoạt động sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu vốn đầu tư cũng như chưa quan tâm đúng mức đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Sự gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ còn ít, chưa mạnh mẽ. Mặc dù đến nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như chè với 8.646 ha, cao su với 9.368 ha, mía với 20.206 ha, lạc với 12.902 ha, cam với 4.735 ha, dược liệu với 1.460 ha song việc đăng ký xây dựng mã vùng trồng thì còn rất hạn chế. Quan hệ bạn hàng thiếu ổn định, còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc và luôn chịu sự cạnh tranh bởi các nước Thái Lan, Ấn Độ, Indonexia có những mặt hàng tương tự như gạo, lạc, hoa quả tươi,… Và ngay cả thị trường được xem là “dễ tính” và chủ đạo như Trung Quốc mới đây cũng đã có thông báo sẽ áp dụng chỉ nhập khẩu hoa quả tươi có chứng nhận mã vùng trồng từ Việt Nam. Điều này lại càng đặt ra những yêu cầu cao hơn, khắt khe hơn cho nông sản nếu muốn tham gia vào thị trường xuất khẩu và hưởng ưu đãi thuế quan từ các cam kết.
Để phát huy tiềm năng, dư địa xuất khẩu nông sản, đóng góp nhiều hơn cho kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và phát triển kinh tế của tỉnh cần quan tâm đồng bộ cả 03 vấn đề cốt lõi, đó là nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển thị trường xuất khẩu và đầu tư hạ tầng phục vụ xuất khẩu.
Trước hết, để gia tăng giá trị sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trên thị trường cần tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu, tăng tỉ trọng sản phẩm đã qua chế biến, hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến công nghệ chế biến sản xuất, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ. Triển khai có hiệu quả Đề án phát triển chế biến thủy sản tập trung trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 4494/QĐ-UBND ngày 29/12/2023 của UBND tỉnh. Chú trọng tới việc xây dựng thương hiệu sản phẩm; hướng dẫn nông dân về quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) dựa trên các tiêu chuẩn như GlobalGAP, VietGAP, ASC bao gồm cả về kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường. Quan tâm xây dựng và quản lý mã số vùng trồng, vấn đề được xem là chìa khóa, giấy thông hành để nông sản ra được thị trường quốc tế. Thực hiện nhịp nhàng, đồng bộ chương trình khuyến công, hỗ trợ máy móc thiết bị hiện đại chế biến nông sản như máy chiếu xạ, máy xử lý hơi nước nóng, kho bảo ôn,… và chương trình khuyến nông, hỗ trợ xây dựng bao bì, nhãn mác, sở hữu trí tuệ. Ở tầm vĩ mô, cần rà soát, xây dựng và quản lý quy hoạch sản xuất các sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh như thủy sản, sắn, lạc, chè, dứa, chanh leo,… đáp ứng nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy sản xuất, chế biến xuất khẩu.
Trong khâu tìm kiếm đầu ra, phát triển thị trường xuất khẩu nông sản cần tăng cường phối hợp với Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại các nước, xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin để dự báo chính xác biến động thị trường nông sản. Phối hợp chặt chẽ với Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương để đưa nông sản của Nghệ An lên các sàn thương mại điện tử toàn cầu uy tín. Từng bước chuyển xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch đối với các mặt hàng có thị trường chính là Trung Quốc; duy trì và phát triển bền vững thị trường Trung Quốc. Thực hiện có hiệu quả việc mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới qua các cửa khẩu phụ Thông Thụ, Thanh Thủy theo các Quyết định công bố của UBND tỉnh để tạo vòng cung ứng nguyên liệu từ Lào, Thái Lan. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản sang các thị trường “khó tính”, cao cấp như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Trung Đông, Mỹ,…thông qua việc tổ chức các đoàn giao dịch kết nối cung cầu, tham gia hội chợ triển lãm quốc tế. Trong đó, lưu ý việc xây dựng chứng chỉ Halal để đa dạng hóa thị trường, gia nhập vào thị trường tiềm năng này.
Giải pháp rất quan trọng nữa đó là tập trung đầu tư hạ tầng phục vụ xuất khẩu đảm bảo đồng bộ, hiện đại như cảng biển, cơ sở vật chất tại cửa khẩu, sân bay, đường giao thông, hệ thống điện, nước v.v… Triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kết nối Logictics, thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản. Ngoài ra, cần tiến hành đánh giá, tổng kết Đề án phát triển xuất khẩu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025 để trên cơ sở đó đề ra mục tiêu, kế hoạch cụ thể cho giai đoạn tiếp theo.
Phát huy kết quả đạt được, với việc đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hiệu quả, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng thông qua thiết lập các mối liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ như mục tiêu, nhiệm vụ mà ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đề ra, chắc chắn rằng nông sản Nghệ sẽ định vị tốt hơn chỗ đứng trên thị trường quốc tế./.