Đây chỉ là một số nội dung chính sách do HĐND xem xét, quyết định bằng nghị quyết tại các kỳ họp của mình.
Phân tích chính sách: Vai trò quan trọng đối với xây dựng, ban hành Nghị quyết HĐND tỉnh
Đứng trước vô vàn vấn đề của cuộc sống, HĐND – cơ quan ban hành chính sách ở địa phương sẽ phải đặt ra đề bài để cơ quan trình chính sách trả lời những câu hỏi: bất cập, vướng mắc ở đâu? Mức độ nào? Nguyên nhân gì? Mục tiêu của chính sách đối với những bất cập, vướng mắc đó là gì? Có những phương án giải quyết nào; mỗi phương án đó có tác động như thế nào đến các nhóm đối tượng khác nhau? Lựa chọn phương án nào phù hợp nhất? Đây chính là những yếu tố của khái niệm phân tích chính sách theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) để xem xét, đánh giá chính sách trong dự thảo nghị quyết do UBND và các chủ thể khác trình HĐND.
Vậy thì HĐND cần biết, sử dụng phân tích chính sách để làm gì? Thường trực Hội đồng nhân dân dựa trên phân tích chính sách để có căn cứ xem xét, quyết định có chấp thuận đề nghị xây dựng nghị quyết do các cơ quan trình hay không. Các Ban của HĐND cần biết để trực tiếp tiến hành phân tích chính sách, đánh giá tác động khi các Ban là chủ thể trình dự thảo nghị quyết; có thêm cách tiếp cận, thông tin để thẩm tra dự thảo nghị quyết. Cá nhân đại biểu HĐND cần biết phân tích chính sách để đối chiếu xem việc này đã được các cơ quan trình dự thảo nghị quyết thực hiện đúng theo yêu cầu hay chưa. Đây cũng là cơ sở để đại biểu đánh giá có đáng đưa một chính sách vào chương trình xây dựng nghị quyết của HĐND hay không. Đặc biệt, đại biểu có thể sử dụng cách tiếp cận phân tích chính sách để xem xét, thảo luận, biểu quyết về các chính sách trong dự thảo nghị quyết trình HĐND.
Từ xác định bất cập trong thực tiễn cần giải quyết bằng chính sách
Trong thẩm tra của các Ban, trong xem xét của đại biểu Hội đồng nhân dân, phương pháp phân tích chính sách trước hết cần xác định vấn đề bất cập trong thực tiễn. Xem ở địa phương, có vấn đề gì bất cập, vướng mắc cần giải quyết bằng chính sách? Mức độ nghiêm trọng của vấn đề là gì? Những câu trả lời kèm số liệu, thực tế dẫn chứng để lập luận sự cần thiết đề ra giải pháp giải quyết vấn đề (trong báo cáo thẩm tra thường dùng khái niệm xem xét sự cần thiết ban hành chính sách).
Có thể rà soát xem trong dự thảo nghị quyết, tờ trình, các tài liệu khác có thông tin về những vấn đề đó không; đánh dấu những quy định có liên quan đến vấn đề quan tâm. Đánh giá xem cơ quan có trách nhiệm (ví dụ, UBND) đã xác định đúng, trúng vấn đề bất cập cần phải giải quyết chưa? Nếu chưa, vấn đề bất cập là gì? Nếu đã xác định đúng, trúng vấn đề, UBND có đề ra mục tiêu gắn với vấn đề? Trên thực tế, nhiều khi “vấn đề” mà cơ quan trình dự thảo nêu ra có thể không phải là vấn đề bất cập. Qua tiếp xúc cử tri, khảo sát, giám sát, hỏi ý kiến chuyên gia, HĐND, đại biểu HĐND lại phát hiện “vấn đề” nằm ở chỗ khác. Ví dụ, báo cáo của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng tiến trình xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch còn chậm vì bà con chưa hưởng ứng dồn điền, đổi thửa, thiếu vốn để đầu tư v.v…Nhưng qua khảo sát, doanh nghiệp cho rằng không thấy hấp dẫn để đầu tư vì Quy hoạch sử dụng đất manh mún và có nơi chưa quy hoạch xong hoặc chưa đồng bộ.
Đặc biệt, cần phân biệt vấn đề với hiện tượng. Nhiều khi tưởng chừng như "vấn đề" hiển nhiên lộ diện trong sự kiện, nhưng trên thực tế, vấn đề lại nằm chỗ khác. Trên thực tế, có vô số hiện trạng diễn ra gây lo ngại trong công chúng, nhưng chỉ có một phần trong số đó trở thành vấn đề cần giải quyết bằng chính sách, pháp luật.
Đến đưa ra phương án chính sách
Tiếp đó, cần xem xét dự thảo văn bản (ví dụ, tờ trình của UBND) có đề xuất các phương án quy định, giải pháp khác nhau để giải quyết vấn đề, đạt mục tiêu đề ra không? Các phương án đó có gắn với các vấn đề đã xác định và các mục tiêu đã đề ra? Các phương án đó đáp ứng ở mức độ nào các tiêu chí tính hợp hiến, hợp pháp; tính công bằng; hiệu quả v.v…? Tờ trình có tính toán chi phí – lợi ích và đánh giá tác động về mặt kinh tế, xã hội của từng phương án?
Cuối cùng, xem xét dự thảo văn bản (ví dụ, tờ trình của UBND) có lập luận, đề xuất phương án phù hợp nhất để giải quyết vấn đề, đạt mục tiêu đề ra không? Phương án đó có gắn với các vấn đề đã xác định và các mục tiêu đã đề ra? So với các phương án khác, phương án đó có đáp ứng ở mức độ tốt nhất các tiêu chí đầy đủ, công bằng; hiệu quả; khả thi v.v…? So với các phương án khác, phương án đó có phù hợp nhất về chi phí – lợi ích và tác động xã hội?
Như vậy, việc phân tích chính sách để cung cấp cho các cơ quan của HĐND, đại biểu HĐND cách tiếp cận, thông tin, số liệu, bằng chứng nhằm xem xét, đánh giá các chính sách đưa ra trong dự thảo nghị quyết có trúng vấn đề bất cập đang xảy ra hay không, có nhận diện trúng các nguyên nhân, có đề ra trúng mục tiêu không? (thông qua việc xác định vấn đề, mục tiêu). Các chính sách đó có đáp ứng nhu cầu phát triển chung của địa phương không? (thông qua việc đánh giá tác động về kinh tế, xã hội, thủ tục hành chính, hệ thống pháp luật đối với giải pháp chính sách đưa ra). Quyền, lợi ích của người dân địa phương có được đảm bảo trong dự thảo nghị quyết không? (thông qua việc đánh giá tác động về kinh tế, xã hội, thủ tục hành chính, quyền con người, giới). Tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo nghị quyết với hệ thống pháp luật (thông qua nội dung đánh giá tác động đối với hệ thống pháp luật). Tính khả thi của các chính sách, tính phù hợp với tình hình, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương (thông qua nội dung đánh giá tác động về kinh tế, xã hội, về các nguồn lực (chi phí- lợi ích) từ phía Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân để đảm bảo thi hành chính sách, pháp luật…; thái độ, phản ứng xã hội đối với chính sách/giải pháp chính sách thông qua kết quả tham vấn các đối tượng liên quan…). Bình đẳng giới có được bảo đảm trong dự thảo nghị quyết (thông qua nội dung đánh giá tác động về giới).
Nếu ví toàn bộ chu trình chính sách như khám, chữa bệnh, thì có thể coi phân tích chính sách như khám bệnh, kê đơn. Việc xác định vấn đề bất cập, nguyên nhân của vấn đề chính là bắt mạch cuộc sống xem đang đau ở đâu, đau như thế nào, đến mức nào, tại sao đau, tức là bắt bệnh. Xác định mục tiêu của chính sách, đề ra các phương án, lựa chọn phương án chính sách là các bước để kê đơn chữa những cơn đau của cuộc sống. Chính vì thế, làm chính sách vừa phải xuất phát từ con tim để cảm nhận, thấu hiểu nhịp đập của đời, đồng thời phải qua bộ não phân tích lạnh lùng để nhận diện chính xác nguồn cơn của bệnh và đưa ra phương án chữa trị hiệu quả. Làm sao bắt mạch cuộc đời, phân tích chính sách mang lại lợi ích cho dân./.