Báo cáo tổng kết Đề án giải quyết việc làm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2020, đã có 189.056 lao động được giải quyết việc làm, bình quân hàng năm tạo việc làm mới cho 37.811 người. Tuy nhiên, sự phân bổ lực lượng lao động thời gian qua vẫn chủ yếu là "hướng ngoại". Kết quả giải quyết việc làm trong tỉnh chỉ chiếm 36,7%, trong khi số lao động đi làm việc ở địa phương khác và đi làm việc ở nước ngoài chiếm đến 63,3%. Trong dòng lao động chiếm phần đa đó, không thể phủ nhận hiệu quả kinh tế từ xuất khẩu lao động: mỗi năm người lao động đi làm việc ở nước ngoài chuyển về tỉnh khoảng 500 triệu USD, nhiều hộ gia đình trở nên khá giả, giàu lên từ nguồn thu nhập đi làm việc ở nước ngoài.
Lao động làm việc ngoại tỉnh tập trung ở nhóm tuổi 15 - 40, trong các nhà máy, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất với các lĩnh vực như điện tử, may mặc, giày da hoặc hành nghề tự do tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang...
Đại dịch Covid - 19 đã kéo theo nhiều hệ lụy. Dòng người ly hương phải trở về quê để tránh dịch, trong số đó phần lớn là người ở độ tuổi lao động (chiếm 75,89% - số liệu báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội). Và điều đáng quan tâm là số lao động này chủ yếu không có giao kết hợp đồng lao động, hay còn gọi là lao động tự do, chiếm đến 62,9%. Bởi vậy, có thể dễ dàng nhận thấy, trong dòng người hồi hương, nhiều người hành trang không có gì đáng giá, nói lên sự vất vả mưu sinh nơi đất khách quê người.
Bên cạnh việc nỗ lực thực hiện các giải pháp để giải quyết việc làm cho lao động hồi hương do dịch Covid - 19, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Đề án và Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Chỉ tiêu đặt ra trong Đề án nêu trên đã có sự điều chỉnh đáng kể giữa tạo việc làm nội tỉnh và ngoại tỉnh. Cụ thể: phấn đấu tạo việc làm mới nội tỉnh chiếm 66,2% (tăng 29,5% so với giai đoạn 2016 - 2020); giải quyết việc làm ngoại tỉnh với tỷ lệ 6,4% (giảm 22,7% so với giai đoạn 2016 - 2020) trên tổng số người được giải quyết việc làm mới. Chỉ tiêu này nếu thực hiện thành công thì lực lượng lao động sẽ là nguồn lực to lớn cho sự phát triển của tỉnh và an sinh xã hội cũng sẽ được đảm bảo.
Bên cạnh những thuận lợi là nhiều cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung và lao động việc làm nói riêng đã được ban hành; xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu sang các nước Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế; môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh không ngừng được cải thiện, thì khó khăn, thách thức đặt ra cho lĩnh vực này vẫn còn nhiều. Dịch Covid - 19 dự báo vẫn đang diễn biến phức tạp, tỷ lệ thất nghiệp không chỉ của tỉnh mà trên phạm vi cả nước Quý 3/2021, theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, cao nhất trong 10 năm qua đã tạo ra áp lực lớn cho công tác giải quyết việc làm. Lực lượng lao động Nghệ An đang còn những hạn chế nội tại cần được khắc phục như năng suất lao động thấp (chưa bằng mức bình quân chung của cả nước), chất lượng và cơ cấu lao động chưa đáp ứng yêu cầu. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến số lượng, chất lượng việc làm thì việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng lao động sẽ là yêu cầu tất yếu đặt ra. Tại phiên chất vấn về công tác giải quyết việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 vừa qua, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội còn cho biết 70% lao động về quê hiện không có trình độ tay nghề.
Trong thời gian tới, thị trường lao động Nghệ An cũng nằm trong xu thế chung đòi hỏi phải có sự đổi mới một cách toàn diện, bền vững nhằm huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực. Cũng như các thị trường khác, cung - cầu lao động phải gặp nhau mới là thị trường lao động hoàn hảo. Xét về phía "cung", ngoài "lượng" phải đảm bảo về "chất" - nghĩa là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Xét về phía "cầu", cần phải tạo ra nhiều việc làm với điều kiện và mức thu nhập thỏa đáng để người lao động được làm việc, được tham gia vào nền kinh tế. Để đạt được điều này cần phải tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, chuẩn bị tốt hạ tầng các khu công nghiệp như VSIP, WHA Hemaraj, Hoàng Thịnh Đạt...nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư thứ cấp, trong đó có những doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, tuyển dụng nhiều lao động. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, triển khai dự án, nhất là dự án lớn, trọng điểm. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, nâng tầm các hợp tác xã để thu hút lao động tại địa phương. Khuyến khích khởi nghiệp; hỗ trợ người lao động tự tạo việc làm, ổn định cuộc sống. Và để kết nối cung - cầu lao động thì cần hoàn thiện hệ thống thông tin về thị trường lao động, trong đó, dữ liệu về lao động phải được số hóa, cập nhật và kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu về dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội...Hệ thống dịch vụ việc làm cũng cần có sự đổi mới, năng động, đa dạng và hiệu quả hơn để thúc đẩy thị trường lao động phát triển.
Như vậy, có thể thấy, để thực hiện thành công các phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu về lao động việc làm trong giai đoạn mới phù hợp với bối cảnh, tình hình mới và đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thì cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành, cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp. Thực hiện được mục tiêu về lao động, việc làm trong giai đoạn mới, người lao động có thể yên tâm đảm bảo cuộc sống mà không phải đi xa, có thể "ly nông bất ly hương" và đóng góp công sức của mình để xây dựng quê hương./.
Nguyễn Thị Anh Hoa
Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh