untitled4.png

“Tiếng Việt-ru bên nôi
Tiếng mẹ-thương vô bờ
Ru con vào đời bằng những vần thơ...”

(Lời thơ: Hà Quang Minh)

Tiếng Việt là tiếng mẹ, tiếng quê hương, là tâm hồn và văn hóa Việt Nam. Từ ngọn nguồn tiếng mẹ của một làng quê giàu truyền thống văn hóa và cách mạng trên dải đất miền trung đầy nắng gió, huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An), một nhà giáo, một nhà nghiên cứu đã lặng thầm dành cả cuộc đời mình, đặt chân đến rất nhiều vùng lãnh thổ, quốc gia trên thế giới, như một sứ giả mang ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam lan tỏa đến bạn bè thế giới.

Từ cội nguồn tiếng Mẹ

Nguyễn Thiện Nam sinh ra và lớn lên ở làng Đại Định, xã Thanh Văn (nay là xã Đại Đồng), huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An) - một làng quê thuần nông, có bề dày văn hóa đã sản sinh ra những tên tuổi lớn như Giáo sư Ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ...

Nhà nghèo, bố mất sớm, từ nhỏ Nguyễn Thiện Nam đã là cậu học trò thông minh, học giỏi, luôn đứng đầu lớp và nhiều tài lẻ. Lớn lên trong sự tảo tần, hy sinh của mẹ, sự khó nhọc, lam lũ, mộc mạc mà đằm thắm của người dân quê nhà, cùng với những nét văn hóa độc đáo, riêng nhất của mảnh đất “nhút mặn chua cà” Thanh Chương. Tất cả đã dần ngấm vào máu thịt của ông, trở thành tri thức, chiều sâu về văn hóa Việt trong ông.

ta-i-pho-ng-nghie-n-cu-u-khi-la-pgs-thi-nh-gia-ng-cu-a-dh-ngoa-i-ngu-tokyo-2002-1024x768.jpg
PGS, TS Nguyễn Thiện Nam khi thỉnh giảng tại Đại học Ngoại ngữ Tokyo đầu những năm 2000.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ-một người đồng hương nổi tiếng trong giới âm nhạc nước nhà nói về Nguyễn Thiện Nam: “Anh ấy là một người tài hoa, một tấm gương sáng của dòng họ và của làng Đại Định, tổng Đại Đồng. Chính cái chất Nghệ và sự hồn hậu, mộc mạc của người Nghệ đã làm cho Nguyễn Thiện Nam thêm đắm say văn hóa Việt, ngôn ngữ Việt và cũng từ sự đắm say đó, anh ấy đã thăng hoa để có được nhiều công trình nghiên cứu về tiếng Việt có giá trị…”

Trong hành trình dài hơn 40 năm công tác, gắn bó với ngành Việt Nam học, dù bận rộn đến mấy, Nguyễn Thiện Nam vẫn thường xuyên trở về quê hương, về với cội nguồn tiếng Mẹ. Với ông, về quê chỉ đơn giản để thắp nén hương lên bàn thờ dòng họ, tổ tiên... Để cùng trò chuyện, nhâm nhi bát nước chè xanh đậm đà tình làng nghĩa xóm... hay đơn giản chỉ để nhìn ngắm vẻ đẹp độc đáo của những mái nhà xưa, nơi tuổi thơ ông lớn lên và gắn bó. Tất cả là mạch nguồn cảm xúc, nuôi dưỡng tâm hồn và truyền cảm hứng, để ông tiếp tục với sự nghiệp, nghiên cứu và lan tỏa tiếng Việt, văn hóa Việt đến với cộng đồng thế giới.

untitled.png

Hành trình đưa tiếng Việt ra thế giới

Đến với tiếng Việt từ những năm 1980, khi Nguyễn Thiện Nam vừa tốt nghiệp chuyên ngành Ngôn ngữ học của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Anh đã bắt đầu sự nghiệp của mình bằng những chuyến đi...

Campuchia-đất nước đầu tiên anh đặt chân đến, với biết bao hoài bão của sức trẻ. Những năm tháng ấy, Campuchia đang ngập chìm trong sự đói nghèo và di chứng của nạn diệt chủng Pol Pot. Nguyễn Thiện Nam thuộc những thế hệ giáo viên đầu tiên đặt chân đến Campuchia để giảng dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam sau khi chế độ Pol Pot sụp đổ. Thời ấy, tài liệu dạy tiếng Việt cho người nước ngoài còn rất thiếu thốn, cũng không có nhiều kinh nghiệm của các thế hệ đi trước cho đối tượng sinh viên là người Campuchia.

Nguyễn Thiện Nam tự mày mò nghiên cứu cách dạy làm sao để người học dễ hiểu, dễ tiếp thu nhất. Điều đặc biệt là người trí thức mới 22 tuổi ngày ấy đã không chỉ dừng lại ở việc gieo chữ. Anh còn nghiên cứu, cho ra đời những cuốn giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, viết bằng cả hai thứ tiếng, tiếng Việt và tiếng Khmer. Đó cũng là những giáo trình song ngữ Việt-Khmer dạy tiếng Việt cho người nước ngoài đầu tiên của Việt Nam.

Hoàn thành nhiệm vụ tại Campuchia với hành trang của tuổi 20 là những kỷ niệm đau đáu về xứ sở Angkor. Ít ai biết được trong hành lý trở về của ông có hẳn một thùng gồm hàng nghìn bài kiểm tra, tập làm văn tiếng Việt của sinh viên Campuchia vì ông mường tượng rằng, trong sự nghiệp của mình, chắc sẽ có lúc cần đến chúng.

Sau đó, ông được sang Nhật Bản làm thực tập sinh sau đại học, rồi về nước giảng dạy và cơ duyên mới lại đưa ông trở lại Nhật Bản làm Phó Giáo sư thỉnh giảng. Cộng tác cùng các giáo sư Nhật Bản, Nguyễn Thiện Nam biên soạn sách học tiếng Việt, đồng thời thực hiện chương trình dạy tiếng Việt trên internet qua các video bài giảng bằng hình ảnh.

Mỗi video là một tình huống thực tế thường diễn ra trong cuộc sống hằng ngày của người Việt để học sinh Nhật Bản dễ hình dung và nắm bắt ngôn ngữ, phong tục, văn hóa của người Việt. Sau hàng chục năm, hiện những bài giảng đó vẫn được sử dụng trên trang mạng của Đại học Ngoại ngữ Tokyo: http://www.coelang.tufs.ac.jp/modules/vi/

Cũng những năm tháng ấy, anh được Đài Truyền hình NHK-kênh truyền hình lớn nhất Nhật Bản mời làm nhân vật, giới thiệu về văn hóa Việt Nam trong một chương trình nhiều kỳ phát sóng.

vo-i-ca-c-cha-u-ta-i-tru-o-ng-tie-ng-vie-t-bi-nh-minh-thu-y-si-4032x3024.jpg
PGS, TS Nguyễn Thiện Nam giới thiệu về văn hóa Việt Nam trong chương trình "Câu đố văn hóa thế giới".

Trên đất nước có sự phát triển vượt bậc về văn hóa, kinh tế-xã hội, được truyền dạy tiếng Việt, lan tỏa văn hóa Việt Nam đến những tâm hồn Nhật Bản đầy lòng tự tôn dân tộc là một niềm vinh dự và thôi thúc anh tiếp tục sáng tạo, nghiên cứu khoa học về Ngôn ngữ.

Ông cùng với một nhóm đồng nghiệp trở thành chuyên gia giúp Chính phủ Việt Nam xây dựng chương trình và huấn luyện cho giáo viên người Việt ở nước ngoài dạy tiếng Việt. Đến nay, ông đã tham gia huấn luyện cho hơn 300 giáo viên người Việt ở nước ngoài trong các khóa học hằng năm. Sau Nhật Bản, Nguyễn Thiện Nam đã đặt chân đến rất nhiều nước trên thế giới để giảng dạy, trao đổi hợp tác và tham dự nhiều hội thảo tầm cỡ về tiếng Việt và văn hóa Việt như: Mỹ, Pháp, Đức, Italy, Bỉ, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia… Ở đâu, bằng kiến thức kinh nghiệm ngày càng phong phú của mình, ông cũng nỗ lực quảng bá về tiếng Việt, văn hóa Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm về dạy học tiếng Việt cho người nước ngoài một cách bền bỉ, với tinh thần hợp tác thân thiện và hiệu quả nhất có thể.

Đại sứ Palestine Saadi Salama, từng là sinh viên được Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Nam giảng dạy tiếng Việt đầu những năm 1980 chia sẻ: “Tôi là một chàng trai Palestine may mắn khi được đến và học tập tại Việt Nam, tại Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt. Tôi tự hào vì có thể nói tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ”. Học tiếng Việt muốn sâu phải gắn với hiểu văn hóa Việt Nam, kiên trì không bỏ cuộc khi gặp khó khăn-đó là bí quyết của Đại sứ Saadi Salama.

untitled2-1.png
PGS, TS Nguyễn Thiện Nam thuyết trình tại Viện lãnh đạo toàn cầu (Global Leadership Academy) của Đại học ngoại ngữ Hàn Quốc năm 2018.

Tự học ngoại ngữ và sử dụng được nhiều thứ tiếng

Việc đầu tiên trong hành trình lan tỏa tiếng Việt và văn hóa Việt của Nguyễn Thiện Nam là phải hiểu sâu sắc về văn hóa, ngôn ngữ của người học. Bởi theo ông, người thầy phải hiểu được về đất nước, con người, ngôn ngữ bản địa của từng học sinh, thì mới có thể tạo được sự gần gũi, thấu hiểu và truyền được cảm hứng để học trò yêu lại ngôn ngữ của dân tộc mình.

Luôn tự học, tự trau dồi bản thân là phương châm sống và làm việc của Nguyễn Thiện Nam. Điều này giúp ông có được một nền tảng tri thức sâu rộng, để mỗi ngày, ông lại hoàn thiện hơn vai trò là sứ giả ngôn ngữ và văn hóa Việt của mình. Riêng cách mà Nguyễn Thiện Nam học ngoại ngữ cũng thật đặc biệt. Ở bất kỳ tuổi nào ông cũng có thể bắt đầu học một ngôn ngữ mà mình thấy cần thiết và yêu thích.

Năm 22 tuổi, khi giảng dạy ở Campuchia ông tự học tiếng Khmer, tự học tiếp tiếng Anh và bắt đầu có tình yêu với tiếng Pháp vì hồi đó ông nghe người Campuchia nói tiếng Pháp hay quá dù không hiểu gì. Ông tự hứa với mình, khi có thời gian ông sẽ học tiếng Pháp và đến năm ngoài 40 tuổi ông mới thực hiện được điều này. Thời kỳ đi dạy ở Nhật Bản, ông sử dụng tốt tiếng Nhật. Sau này về nước, ông học tiếng Trung Quốc rồi Hàn Quốc. Với mỗi thứ tiếng ông đều dành một khoảng thời gian nhất định và tập trung tâm trí. Ông có một kinh nghiệm là nhẩm dịch những bài tiếng Việt sang ngoại ngữ để tập nói. Cứ như thế, ông đã có thể sử dụng tốt 3 ngoại ngữ là tiếng Khmer, tiếng Anh, tiếng Nhật và có thể giao tiếp cơ bản, sử dụng để giảng dạy tiếng Việt khi cần thiết 3 ngoại ngữ nữa là tiếng Pháp, tiếng Trung và tiếng Hàn.

Gần 40 năm găn bó với nghề, Nguyễn Thiện Nam đã lên lớp hàng trăm nghìn tiết dạy cả trong và ngoài nước. Cũng không biết bao nhiêu thế hệ sinh viên người nước ngoài đã rời ghế giảng đường Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, mang trong mình hành trang là tiếng Việt-văn hóa Việt trở về quê hương của họ. Nhiều người trong số họ sau này trở lại Việt Nam đảm nhận những trọng trách lớn ở các Đại sứ quán tại Hà Nội.

Thầy Nam là một người rất tuyệt vời, chính thầy đã dạy tôi tiếng Việt từ những ngày đầu tiên đến Việt Nam. Thầy không chỉ dạy tôi kiến thức mà còn giúp tôi hiểu thêm về văn hóa Việt Nam, làm tôi yêu thêm đất nước Việt Nam. Vì thế sau khi tốt nghiệp, tôi đã tự nguyện đến Việt Nam công tác và gắn bó với đất nước của các bạn.

Bà Chika Tsujimoto, Trưởng ban Chính trị của Đại sứ quán Nhật Bản

Chắp cánh cho tiếng Việt bay xa

Khi còn trên cương vị là Trưởng khoa Việt Nam học và Tiếng Việt-Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS, TS Nguyễn Thiện Nam luôn trăn trở, tìm tòi để phát triển và đổi mới phương pháp giảng dạy, hướng đến thu hút ngày càng nhiều du học sinh các nước đến Việt Nam theo học. Từ sự năng động, sáng tạo trên nền tảng của tri thức, Nguyễn Thiện Nam như người thuyền trưởng bền bỉ, đưa con tàu chở văn hóa Việt vươn khơi tới bến bờ nhiều đại dương như hôm nay.

Giờ đây, tiếng Việt đã trở thành một ngoại ngữ được đưa vào giảng dạy trong nhiều trường đại học nổi tiếng thế giới và khu vực như: Mỹ, Pháp, được công nhận là môn thi đại học ở Hàn Quốc, là môn “chuyên ngữ” trong một số trường phổ thông ở Nhật Bản, là ngoại ngữ tự chọn trong trường phổ thông từ lớp 1 đến 12 ở Đài Loan (Trung Quốc)… Đây là niềm vui lớn của những người dành cả một đời cho tiếng Việt như ông. Ông luôn trăn trở làm thế nào để có thể vừa đưa tiếng Việt ra với các nước, nhưng đồng thời cũng phải tạo được những giáo trình chuẩn làm nền tảng để dạy tiếng Việt cho người nước ngoài và dạy cho người Việt ở nước ngoài. Bởi người Việt Nam sinh sống, làm việc trên khắp thế giới, là nguồn lực quan trọng, là hiện thân sống động và có sức hấp dẫn nhất của văn hóa Việt. Họ chính là cầu nối quan trọng gắn kết quê hương, đất nước với bạn bè quốc tế.

undefined-4032x3024.jpg
PGS, TS Nguyễn Thiện Nam và GS Imai Akio, nhà Việt Nam học Nhật Bản, Phó Hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ Tokyo.

Luận án Tiến sĩ “Khảo sát lỗi ngữ pháp tiếng Việt của người nước ngoài và những vấn đề liên quan” của ông bảo vệ đầu năm 2001 đã tạo một dấu mốc trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ. Ông đã so sánh 4 hệ thống ngữ pháp Việt-Khmer-Anh-Nhật, dựa vào lý thuyết phân tích lỗi để từ đó, lý giải những nguyên nhân gây ra lỗi tiếng Việt của sinh viên nước ngoài mà ông đặt tên tiếng Việt là lỗi giao thoa (Interlingual Errors-lỗi do người học “mượn” tri thức tiếng mẹ đẻ) và lỗi tự ngữ đích (Intralingual Errors-lỗi do người học “mượn” những tri thức mới từ ngôn ngữ đích để tạo lập những kinh nghiệm mới nhưng không phù hợp nên gây ra lỗi). Thùng hàng chứa đầy những bài thi giấy đã ố màu của hàng nghìn sinh viên Campuchia mà ông lọ mọ mang về khi kết thúc hành trình nghĩa vụ quốc tế đã là những ví dụ sống động cho những khám phá khoa học trong lĩnh vực còn mới mẻ ở Việt Nam.

Bên cạnh những cuốn "Dạy tiếng Việt cho người Campuchia" viết từ năm 1980, "Cuốn Tiếng Việt nâng cao" của Nguyễn Thiện Nam là giáo trình đầu tiên, đề cập đến những phương pháp giảng dạy khoa học, tiến bộ nhằm giúp người học dễ tiếp cận tiếng Việt, lại có khả năng nâng cao trình độ ngôn ngữ và văn hóa Việt cho người nước ngoài.

Quan trọng hơn, Nguyễn Thiện Nam cùng đồng nghiệp đã hoàn thiện 4 công trình có tính bước ngoặt đối với việc dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ. Đó là “Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài”, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2015. Khung này dựa theo khung tham chiếu châu Âu. Tiếng Việt trở thành ngôn ngữ thứ 38 của thế giới có được bộ khung này. Công trình thứ hai là bộ định dạng đề thi tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài. Định dạng có một bộ đề mẫu hoàn thiện chính thống, được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận, trở thành định dạng đề thi quy chuẩn, áp dụng cho việc giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ trên toàn quốc và được nhiều nước sử dụng. Bước ngoặt thứ ba là việc ông cùng đồng nghiệp, với sự tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng thành công Đề án “Tăng cường dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến cho người Việt Nam ở nước ngoài” (Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 1382/QĐ-TTg, ngày 12/7/2016).

Thời gian gần đây khi ông đi công tác dài hạn ở Hàn Quốc, các đồng nghiệp của ông ở Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã hoàn thành bộ phức hợp ngữ liệu thuộc đề án này với hơn 10.000 trang viết và với sự chỉ đạo sát sao của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, khối lượng dữ liệu đồ sộ này sẽ được số hóa và khai thác qua kênh tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài sắp triển khai, kịp hưởng ứng kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Công trình thứ tư chính là “Chương trình tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài”, một hợp phần thuộc đề án “Nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài” (Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 14/QĐ-TTg ngày 6/1/2017). Chương trình này được ông cùng nhóm đồng nghiệp biên soạn dựa theo Khung năng lực tiếng Việt và được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tháng 11/2018.

Ngoài ra, bộ giáo trình “Tiếng Việt cho người nước ngoài" mà ông cùng đồng nghiệp mới hoàn thành, đã đưa vào thể nghiệm để xuất bản là bộ giáo trình được biên soạn theo Khung năng lực tiếng Việt.

PGS, TS Nguyễn Thiện Nam đã góp phần đào tạo nên đội ngũ giáo viên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài của Việt Nam, truyền cho các bạn trẻ kinh nghiệm và niềm đam mê tiếng Việt. Thầy cũng là người đưa ra sáng kiến tổ chức các lớp đào tạo phương pháp dạy tiếng Việt cho giảng viên ở các nước trong khu vực và trên thế giới. Thầy đã góp phần gìn giữ sự trong sáng tiếng Việt, gìn giữ những giá trị của tiếng Việt không chỉ ở Việt Nam mà còn cả khu vực và thế giới. Thầy là người chắp cánh để Tiếng Việt bay cao hơn và bay xa hơn


GS Phạm Quang Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

untitled3.png

Hơn 40 năm tuổi nghề, với hàng chục công trình nghiên cứu riêng và chung, Nguyễn Thiện Nam và những đồng nghiệp dày dạn kinh nghiệm từ những năm tháng miệt mài dạy tiếng Việt ngày đêm ở Campuchia được xem là “thế hệ vàng” trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Dường như với PGS, TS Nguyễn Thiện Nam, niềm đam mê nghiên cứu, giảng dạy tiếng Việt đã trở thành lẽ sống, ăn sâu trong huyết quản, như ông sinh ra là để sống vì tiếng Mẹ.

Vừa qua tuổi 60, vào độ chín của sự nghiệp nghiên cứu khoa học, hằng ngày ông vẫn miệt mài với một việc làm đặc biệt ý nghĩa: Đưa ngôn ngữ Việt-văn hóa Việt lan tỏa ra thế giới; lặng thầm góp sức để bạn bè khắp năm châu, bốn biển hiểu hơn, yêu hơn đất nước, con người Việt Nam nghìn năm văn hiến.

Nội dung: Nguyễn Mai Linh - Khánh Như
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trình bày: Phùng Trang
Ngày xuất bản: Ngày 1/2/2022