“Lợi kép” khi đưa sản phẩm OCOP vào siêu thị
Là cơ sở sản xuất giò me lâu đời ở Nam Đàn, sản phẩm giò me Châu Hường (Nam Nghĩa, Nam Đàn) được công nhận 4 sao OCOP cấp tỉnh. Trước đây, sản phẩm làm ra chủ yếu bán cho các nhà hàng, các đại lý và bán lẻ tại các chợ nên lượng hàng bán ra không nhiều, việc mở rộng quy mô sản xuất gặp không ít khó khăn. Do đó, ngoài kênh tiêu thụ truyền thống, chị Nguyễn Thị Châu, chủ xưởng sản xuất đã tìm cách để tìm kiếm thị trường. “Có bất kỳ hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại nào là tôi đăng ký tham gia. Dẫu biết rằng, đưa hàng đi thì bán không được là bao, chi phí đi lại nhiều, chủ yếu mời khách ăn thử. Nhưng chính nhờ qua các chương trình đó mà người tiêu dùng biết đến sản phẩm giò me của chúng tôi, đơn hàng từ đó tăng lên, không chỉ là khách nội huyện, nội tỉnh mà từ các tỉnh thành khác cũng rất nhiều”, chị Châu cho biết.
Năm 2018, giò me Châu Hường được công nhận 4 sao OCOP, từ đó, mở ra cơ hội phát triển sản xuất. Chị tìm đến các hệ thống bán lẻ hiện đại để “chào hàng”, với chất lượng sản phẩm và đầy đủ các loại giấy tờ, thủ tục, sản phẩm giò me 4 sao OCOP của chị được đưa vào bán tại hệ thông siêu thị GO! trong cả nước. Đến thời điểm hiện tại là đã 6 năm, sản phẩm giò me được đưa vào bán tại siêu thị GO!, trung bình mỗi tháng bán được khoảng 80-100kg, riêng tháng cao điểm lễ, tết thì lên đến đầu hàng tấn. Doanh thu mỗi tháng khoảng 20-30 triệu đồng. “Con số doanh thu này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu của chúng tôi. Song, cái được lớn nhất khi đưa sản phẩm vào siêu thị đó chính là sự quảng bá, là uy tín và sự thăng hạng thương hiệu. Chính nhờ kênh phân phối này, khi người tiêu dùng mua ở siêu thị, họ tin tưởng vào sản phẩm, từ đó, có nhiều đơn hàng từ các đối tác khác. Nhờ đó, chúng tôi mở rộng sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương”. Trong năm 2024 này, sản phẩm giò me của cơ sở này đang hoàn thiện các thủ tục để đưa vào hệ thống Lotte mart, Vinmart…
Một trong những đơn vị có sản lượng hàng hoá tiêu thụ lớn nhất ở siêu thị GO! Vinh là các sản phẩm của C ông ty cổ phần biển Quỳnh (Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai) với doanh thu khoảng 1 tỷ đồng/tháng. Các sản phẩm: Tôm bóc nõn, bề bề bóc nõn, bạch tuộc, mực nang và các loại cá tươi, cá một nắng... Bà Dương Thị Lệ Mỹ, Giám đốc siêu thị GO!Vinh cho biết: “Hiện có 12 sản phẩm OCOP của Nghệ An đang được phân phối trong hệ thống siêu thị Go!. Phía siêu thị tạo mọi điều kiện để đặc sản, sản phẩm đặc trưng của tỉnh có mặt tại kệ hàng của siêu thị như: việc hướng dẫn các doanh nghiệp điều kiện cần thiết để đưa sản phẩm vào hệ thống, hoàn thiện các hồ sơ thủ tục, giấy tờ pháp lý để đưa hàng vào siêu thị. Bên cạnh đó siêu thị còn phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh tổ chức gian hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh tại siêu thị GO Vinh thường niên nhằm quảng bá hình ảnh sản phẩm tỉnh nhà đến khách hàng nhiều hơn”.
Vượt qua những “rào cản”
Qua khảo sát, tại một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi lớn trên địa bàn tỉnh đã và đang bày bán khá nhiều các mặt hàng Việt Nam, song số lượng các sản phẩm OCOP của Nghệ An có mặt trên các kệ hàng rất khiêm tốn, chỉ đếm được trên đầu ngón tay và chủ yếu thuộc nhóm thực phẩm. Do thiếu tính đa dạng nên khi người tiêu dùng muốn mua các sản phẩm OCOP khác thì phải tìm cách liên hệ trực tiếp với chủ thể sản xuất. Chị Phạm An Nhiên, một khách hàng cho biết: “Bạn bè, anh em ở các nơi khác về, muốn dẫn họ đi mua sản phẩm OCOP làm quà, vào siêu thị nhưng chỉ có rất ít sản phẩm, không đúng cái mình cần nên phải hỏi người quen, nhờ đặt hàng và gửi xe xuống. Rất bất tiện”.
Là cơ sở chế biến hải sản có tiếng tại thị xã Cửa Lò, Công ty TNHH Tâm Tài có 3 sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP vào năm 2023 gồm: cá thu nướng, chả cá thu và ruốc bông cá thu. Hiện nay, các sản phẩm đó của Công ty được phân phối đến nhiều địa phương trên cả nước với sản lượng lớn, doanh thu tiền tỷ mỗi tháng. Thế nhưng, các sản phẩm này vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi đưa vào các kênh bán lẻ hiện đại. Chị Nguyễn Thị Tài, đại diện Công ty TNHH hải sản Tâm Tài chia sẻ: “Dù các sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh, đạt chuẩn về quy định chất lượng và an toàn thực phẩm nhưng để đưa được sản phẩm vào các kênh bán lẻ như siêu thị, cửa hàng tiện lợi cần đáp ứng đủ các loại hóa đơn, chứng từ, thủ tục. Do đó, dù rất muốn đưa sản phẩm của mình vào siêu thị nhưng chúng tôi chưa biết bắt đầu từ đâu. Thời gian tới, ngoài việc tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, cơ sở sẽ chủ động hơn trong việc tìm kiếm, kết nối với bộ phận nhập nguồn hàng của các siêu thị lớn nhỏ trong tỉnh để đẩy mạnh hợp tác, tiêu thụ sản phẩm ra thị trường”. Bên cạnh đó, sau khi vào được siêu thị, việc để sản phẩm được tiêu thụ nhanh chóng thì thương hiệu cũng cần đồng hành với các chương trình khuyến mại, kích cầu mà hệ thống siêu thị đưa ra. Chưa kể, các chủ thể OCOP còn phải đáp ứng với yêu cầu công nợ dài ngày, chiết khấu theo quy định của các siêu thị…
Thực tế cho thấy, số lượng các sản phẩm OCOP của tỉnh được công nhận đã gia tăng theo từng năm; chất lượng, mẫu mã, giá cả đều đã được các chủ thể sản xuất cải tiến tích cực. Trong khi đó, hệ thống bán lẻ hiện đại của tỉnh đang phát triển vô cùng sôi động với các trung tâm thương mại, siêu thị và hệ thống cửa hàng tiện lợi, được người tiêu dùng ưa chuộng mỗi khi đi mua sắm. Đây là cơ hội lớn để các sản phẩm OCOP của tỉnh “bứt phá”, không chỉ giúp doanh nghiệp, HTX mở rộng đầu ra, chủ động được kế hoạch sản xuất, kinh doanh mà còn góp phần nâng cao vị thế cho sản phẩm OCOP của tỉnh.
Là chủ thể OCOP có mặt tại hệ thống bán lẻ từ sớm, chị Nguyễn Thị Châu, chủ cơ sở sản xuất giò me Châu Hường cho biết: “Với kinh nghiệm của tôi, để đưa được hàng vào siêu thị, các doanh nghiệp, HTX cần đổi mới tư duy, tập trung vào việc ổn định sản phẩm cả về lượng và chất. Ngoài ra, cần phải nhạy bén, chủ động hơn trong việc kết nối, hợp tác và đàm phán với các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm sạch... để liên kết với nhau, tạo thành chuỗi giá trị lớn, mang lại hiệu quả cho cả đôi bên”.
Về phía siêu thị, bà Dương Thị Lệ Mỹ chia sẻ: “Mặc dù bao bì, mẫu mã sản phẩm OCOP đã có rất nhiều cải thiện hơn so với thời gian trước nhưng mở rộng thị phần các sản phẩm này tại kênh phân phối bán lẻ còn nhiều thách thức. Sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ dẫn tới sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế. Các sản phẩm mang tính thời vụ cao, ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố thời tiết, trong khi đó hệ thống siêu thị thường yêu cầu nguồn cung ổn định”.
Hiện các ngành chức năng của tỉnh cũng đang tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ liên kết sản xuất, đưa nông sản vào kênh tiêu thụ hiện đại. Ngành Công thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh sẽ rà soát, hỗ trợ một số siêu thị trên địa bàn tỉnh xây dựng điểm bán hàng OCOP; mở các phiên giới thiệu, trưng bày để tìm kiếm các kênh bán lẻ hiện đại... Ông Cao Nguyên Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh cho biết: “Nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP và đặc sản tỉnh Nghệ An tới người tiêu dùng, các nhà phân phối, đại lý, siêu thị, thời gian qua, với vai trò của mình Trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, các nhà phân phối kết nối cung cầu nhằm tìm kiếm đầu ra ổn định cho các sản phẩm OCOP và đặc sản của tỉnh. Qua đó, tạo cơ hội tốt cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm tỉnh Nghệ An tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tìm kiếm các nhà đầu tư để phát triển, mở rộng sản xuất các sản phẩm có lợi thế, tiềm năng, các sản phẩm của tỉnh, từ đó tăng cường năng lực cung cấp sản phẩm OCOP cả về số lượng và chất lượng, vươn ra thị trường quốc tế, góp phần nâng cao giá trị và vị thế của nông sản Nghệ An”.