Bắt nhịp xu thế

Đầu năm 2023, gia đình ông Võ Đình Thanh ở phường Nghi Hương (TX. Cửa Lò) mạnh dạn đầu tư 300 triệu đồng xây dựng nhà màng, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, hạt giống, phân bón… trên diện tích 600m2 với thiết kế 3 khung nhà màng liền kề, đưa vào trồng 11 luống dưa, với khoảng 1.100 dây dưa lưới. Nhờ chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng nên dưa lưới của gia đình ông Thanh phát triển tốt. Chỉ sau 75 ngày trồng, vườn dưa đã bắt đầu cho thu hoạch, sau khi trừ chi phí cho lãi ròng 40 triệu đồng/vụ. Hiện nay, gia đình ông đã thu hoạch xong vụ 2 trong năm.

Các sản phẩm nông sản được dán tem truy xuất nguồn gốc được đưa vào hệ thống siêu thị

Ông Võ Đình Thanh chia sẻ: “Hệ thống nhà màng có ưu điểm vượt trội, giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập. Tôi luôn thực hiện tốt chế độ dinh dưỡng và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học nên đảm bảo an toàn để sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tôi quan tâm đến khâu chọn giống và học hỏi thêm trên internet những tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Ngoài ra, việc sử dụng phương thức tưới nước nhỏ giọt kèm phân bón, lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nguồn nước tưới, giảm công sức của người lao động, vì hoàn toàn sử dụng bằng máy đưa nước và phân đến tận gốc từng cây”.
Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Cửa Lò Nguyễn Thanh Tuyền đánh giá: Mô hình canh tác dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của ông Võ Đình Thanh ở phường Nghi Hương đã mở ra hướng phát triển nông nghiệp mới cho người dân trên địa bàn thị xã Cửa Lò. Đây là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu. Đó cũng là cơ hội giúp nông dân tiếp cận với kỹ thuật công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Nhiều sản phẩm OCOP của Nghệ An đã được đưa lên sàn thương mại điện tử

Thời gian gần đây, với sự trợ giúp của các cấp, các ngành, Hội Nông dân các cấp, hoạt động thanh toán trực tuyến (online) mua sắm hàng hóa, vật tư nông nghiệp đầu vào; hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản thông qua các trang thương mại điện tử, mạng xã hội… được nông dân nhanh chóng ứng dụng rộng rãi. Qua đó, tạo thuận lợi cho nông dân trong việc tiêu thụ sản phẩm, nhất là những nông sản có giá trị cao. Chị Nguyễn Thị Phượng - nông dân xã Nghi Ân, thành phố Vinh cho biết: Dưa lưới đầu tư cao, theo đó, giá thành cao, vì vậy, để tiêu thụ được sản phẩm tôi thường đăng lên các trang mạng xã hội, các hội, nhóm hỗ trợ lẫn nhau tiêu thụ. Khi đăng tải thì kèm sản phẩm, kỹ thuật hàng ngày lên để người dân được biết các quy trình đảm bảo an toàn, cách làm, cách tiêu thụ, giá trị của cây dưa lưới. Cùng đó, tôi sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử trên điện thoại thông minh (smartphone) rất tiện ích mà không mất nhiều thời gian.

Hoạt động đồng hành

Đẩy mạnh chuyển đổi số đang được tỉnh Nghệ An xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội. Để hỗ trợ nông dân, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 2345/UBND-TH ngày 6/4/2022 về việc triển khai kế hoạch đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử năm 2022. Theo đó, 100% hộ sản xuất nông nghiệp có sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử được đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh, các kỹ năng khác, nhằm bồi dưỡng, nâng cao kiến thức bán hàng, thanh toán trực tuyến trên nền tảng số; đẩy mạnh số lượng người truy cập và hoạt động trên sàn thương mại điện tử từ 15-20%. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 536/KH-UBND ngày 25/7/2022 về truyền thông hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử tỉnh Nghệ An, nhằm thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản của tỉnh.

Nông dân Nghi Lộc ứng dụng công nghệ phát triển mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng

Với vai trò của mình, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tích cực lồng ghép nội dung chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp vào phong trào, công tác Hội. Nhất là về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, từ đó, thúc đẩy việc áp dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp. Việc hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân, các chi, tổ hội nghề nghiệp bắt đầu ngay từ việc nhỏ nhất, là những kiến thức cần thiết về chuyển đổi số, nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, Internet và thương mại điện tử... Từ đó, từng bước tạo sự chuyển biến về nhận thức, tư duy trong từng hội viên, các chi, tổ hội nghề nghiệp, để tham gia chủ động, hiệu quả vào tiến trình chuyển đổi số một cách phù hợp nhất.

Nông dân ứng dụng công nghệ xây dựng sản phẩm OCOP nâng cao giá trị nông sản.

Để đẩy mạnh tiêu thụ và quảng bá sản phẩm cho nông dân, những năm qua, Hội Nông dân tỉnh phối hợp cùng Bưu điện tỉnh triển khai lựa chọn các sản phẩm OCOP đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Đến nay, đã đưa được 197 sản phẩm lên sàn, đồng thời, tập huấn cho hơn 3.000 cán bộ hội, hội viên, nông dân, hộ sản xuất nông nghiệp về tiếp cận công nghệ số… Điều này phần nào cho thấy thói quen giao dịch điện tử đang ngày càng phát triển; nhận thức của hội viên, nông dân về ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp, về tầm quan trọng của việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm ngày càng nâng cao.
Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Võ Văn Phong, bên cạnh nâng cao hiệu quả trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghệ số cũng giúp người nông dân thuận tiện hơn trong học hỏi kỹ thuật, tìm hiểu thị trường, liên kết hợp tác sản xuất... Đây là điều kiện quan trọng, góp phần để nông nghiệp truyền thống dần chuyển đổi sang hiện đại. Sự thay đổi này không chỉ hiện hữu ở những doanh nghiệp quy mô lớn, mà ngay cả những chi, tổ hội nghề nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác cũng đã từng bước áp dụng phù hợp. Từ đó, góp phần triển khai thực hiện tốt các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh và từng địa phương.

Việc xây dựng thương hiệu nâng cao giá trị cho sản phẩm nông sản của Nghệ An

Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh đang tiếp tục phối hợp với các ngành triển khai kế hoạch chuyển đổi số trong nông nghiệp để hỗ trợ nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bằng công nghệ; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để chuyển biến mạnh tư duy, nhận thức cho người dân từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường; áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại; ứng dụng công nghệ cao, sinh thái, nông nghiệp sạch, hình thành chuỗi giá trị; nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, làm giàu từ nông nghiệp, nông thôn… đảm bảo phát triển sản xuất bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, người nông dân cũng cần thay đổi tư duy, chủ động vào cuộc thì mới làm chủ được công nghệ số, đáp ứng xu thế phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại.