Lễ trao giải Sản phẩm thủ công mỹ nghệ là một trong các hoạt động của Festival làng nghề Việt Nam năm 2022 và khai mạc Hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam. Ông Kha Văn Thương là người duy nhất của Nghệ An đạt giải tại Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam 2022. Sản phẩm bàn ăn mây tre đan do chính bàn tay khéo léo của ông Kha Văn Thương làm ra bằng chính các nguyên liệu mây, tre tại địa phương.

ong-kha-van-thuong-nhan-giai-dac-biet-97.png

Ông Kha Văn Thương nhận giải Đặc biệt Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam 2022. Ảnh: CSCC

“Bộ bàn ăn mây tre đan” của ông Kha Văn Thương đã xuất sắc vượt qua gần 400 sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên cả nước để giành giải Đặc biệt. Theo thông tin từ Ban tổ chức Festival làng nghề Việt Nam năm 2022, Hội thi có gần 400 sản phẩm của 190 tác giả, nhóm tác giả của cả 3 miền Bắc, Trung và Nam tham dự. Hội thi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phát động từ tháng 6/2022 đến đông đảo nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế, các tổ chức, cá nhân, các Hiệp hội và các cơ quan quản lý ở các địa phương.

Trong các tác phẩm dự thi, miền Bắc có 247 sản phẩm của 126 tác giả; miền Trung có 32 sản phẩm của 15 tác giả; miền Nam có 85 sản phẩm của 49 tác giả. Các sản phẩm được phân theo nhóm gồm: nhóm gốm sứ và thủy tinh (37 sản phẩm); nhóm dệt, thêu đan, móc (83 sản phẩm); nhóm mây, tre, lá (93 sản phẩm); nhóm sơn mài, khảm trai, gỗ mỹ nghệ (75 sản phẩm) và nhóm khác (76 sản phẩm) với các thể loại: sừng, trai ốc, chạm khắc đá, kim khí, hoa, tranh.

Hội thi nhằm tôn vinh, khơi dậy và khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế sản phẩm thủ công phát huy ý tưởng sáng tạo, kỹ thuật, mỹ thuật, ứng dụng cao và đáp ứng các tiêu chí về phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Hội thi cũng nhằm tạo môi trường để các nghệ nhân, thợ giỏi giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, kết nối xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm; góp phần vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và lan tỏa các giá trị truyền thống đến người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

may-9137.jpg

Một bộ bàn ghế mây do người dân đan ở Tương Dương, Nghệ An. Ảnh tư liệu

Qua hội thi, các tác giả có cơ hội để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Đó cũng là cơ hội để các nghề, làng nghề khác nhau có thể kết hợp để tạo ra những sản phẩm mới có giá trị cao.

Đối với nghề mây tre đan, theo chia sẻ của chủ nhân giải Đặc biệt Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam 2022, để sống được và đam mê với con đường đã chọn, ngoài kinh nghiệm và sự khéo tay thì chất lượng nguyên liệu và cách xử lý nguyên liệu là yếu tố quyết định đến sự thành công của sản phẩm. Những thành công của ông Kha Văn Thương sẽ là cơ sở, động lực để người dân địa phương ở Tam Quang, nhất là những người có cùng đam mê có thêm lựa chọn trong phát triển kinh tế từ chính các nguyên liệu sẵn có của địa phương.

Hoài Thu