Nữ dược sĩ vươn lên từ đôi chân tật nguyền
Trên chiếc xe 3 bánh dành cho người khuyết tật, chị Phạm Thị Phượng (sinh năm 1982) dẫn chúng tôi đến mô hình “Trồng rau má theo hướng thủy canh tuần hoàn” tại phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò.
Những ai tiếp xúc với chị Phượng, hầu như sẽ quên đi đôi chân tật nguyền của chị, quên đi rằng, chị là nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ hai, mà thay vào đó, họ sẽ mãi nhớ gương mặt rạng rỡ, cử chỉ nhanh nhẹn của chị trong giao tiếp, trong công việc. Phải chăng năng lượng sống tích cực ấy đã thúc đẩy chị tìm tòi, học hỏi để thực hiện mô hình ý nghĩa, nhằm nâng cao giá trị cho cây rau má địa phương, giúp chị nhận được giải Khuyến khích Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh toàn quốc năm 2024".
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Nghi Hương, chị Phạm Thị Phượng đã quen thuộc với những mảnh vườn trồng dày rau má. Loài rau giản dị ấy vừa làm nên món ngon trong các bữa cơm gia đình, lại vừa là nguyên liệu của thức uống thơm ngon, mát lành, xoa dịu nắng gió khắc nghiệt của mảnh đất miệt biển mỗi khi Hè đến.
Tuy nhiên, khi đất chật người đông, cây rau má từ chỗ nương thân trên những thửa đất vườn rộng rãi, ngày càng khó để tìm được nơi để phát triển. Từ thực tế đó, chị Phượng đã nung nấu ý tưởng xây dựng mô hình trồng rau má vừa sạch, an toàn, vừa tiết kiệm diện tích đất. Đáp ứng 2 điều kiện ấy chỉ có hướng trồng bằng phương pháp thủy sinh.
Là một dược sĩ, lại luôn khao khát tìm hiểu các kiến thức về sinh học, chị đã tìm tòi các tài liệu nghiên cứu và cùng chồng đầu tư 200 triệu đồng để xây dựng mô hình có diện tích rộng hơn 200m2. Trong đó, lắp đặt hơn 1.200m đường ống để chứa nước thủy sinh, trên mỗi ống có khoét lỗ, tạo giá thể nhằm có môi trường sống lý tưởng cho rau má. Dưới hệ thống đường ống là các ao nuôi cá liền kề, tạo sự gắn kết hợp lý giữa chăn nuôi và trồng trọt. Mô hình đã cho thu hoạch vụ đầu tiên với gần 1 tạ thành phẩm vào cuối tháng 9 vừa qua.
Theo đánh giá của các chuyên gia, cây rau má từ mô hình của chị phát triển tốt, chất lượng ổn định, sau khi sấy khô được nhiều khách hàng chọn mua. Dẫu rằng, để đưa mô hình vào vận hành và phát triển vẫn còn rất nhiều điều cần phải hoàn thiện, song với nỗ lực không ngừng nghỉ, vợ chồng chị Phượng tin rằng điều đó sẽ chẳng khó thực hiện.
Đồng hành cùng vợ trong suốt chặng hành trình vừa qua, anh Phan Lệ Hàn chia sẻ, từ khi sinh ra, đôi chân của vợ anh đã gần như mất khả năng di chuyển, lớn lên cùng với nạng gỗ và xe lăn. Thay vì chán nản, tự ti, bằng tinh thần lạc quan, chị Phượng đã học tập đầy say mê và quyết tâm. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, chị thi đậu vào Trường Cao đẳng Y tế Nghệ An, chuyên ngành Dược sĩ.
Năm 2008, chị tốt nghiệp, đi xin việc tại nhiều cơ sở y tế và đơn vị doanh nghiệp, tuy nhiên, vì bất lợi không thể di chuyển linh hoạt, chị gần như không có cơ hội để được nhận vào làm.
Bởi vậy, kể từ năm 2010 chị tự mở hiệu thuốc để bán. Ban đầu chỉ là những hộp thuốc nhỏ đơn giản, nhưng bằng kiến thức chuyên môn của mình, chị đã nỗ lực để mở rộng cửa hàng. Giờ đây, khi chị quyết tâm tìm hướng đi để xây dựng mô hình kinh tế mới, anh luôn đặt niềm tin vào vợ để dốc lòng giúp sức.
Anh tâm niệm rằng, mô hình này không chỉ là một phương pháp canh tác tiên tiến mà còn là một cách để chị Phượng chứng minh nghị lực sống của mình. Nhìn vợ điều khiển chiếc xe 3 bánh rong ruổi mỗi ngày bao nhiêu bận từ cửa hàng cho tới mô hình trồng rau, anh mỉm cười tâm sự: “Cô ấy là vậy đấy, luôn đầy năng lượng tích cực, luôn mạnh mẽ vượt qua mọi trở ngại để trở thành nguồn cảm hứng cho tôi và cả những người xung quanh…".
Tạo dựng thương hiệu xanh từ hai bàn tay trắng
Những ngày qua, thông tin Dự án “Hệ sinh thái dinh dưỡng từ nông sản xanh” của chị Nguyễn Thị Mến (sinh năm 1991) - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Mom Beauty (thành phố Vinh) được trao giải Đặc biệt tại Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” toàn quốc năm 2024 đã mang lại niềm tự hào lớn cho phụ nữ Nghệ An.
Ít ai biết rằng, sau thành tích nổi bật ấy là cả một hành trình gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng của người con gái đến từ huyện miền núi Tân Kỳ.
Mến tâm sự, chị sinh ra trong một gia đình thuần nông tại xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ. Năm 2015, chị lập gia đình và rời quê về thành phố Vinh sinh sống. Tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán nên chị luôn ấp ủ mong muốn được làm việc đúng với chuyên ngành của mình. Tuy nhiên, vì mới sinh con nhỏ, chị tạm thời gác lại ước mơ để làm tròn thiên chức của một người mẹ. Nhận thấy con có biểu hiện thấp còi, chị đã rất lo lắng và cố gắng làm các loại bột cho con ăn dặm. Thấy con ngày càng ổn định sức khỏe và thể chất, chị đã chia sẻ các sản phẩm mà mình đã làm lên mạng xã hội.
Các bài chia sẻ này thu hút rất nhiều sự quan tâm của các mẹ bỉm sữa trong, ngoài địa bàn thành phố. Từ đó, họ đặt các đơn hàng đầu tiên để nhờ chị làm. Khi lượng khách hàng ngày càng đông, chị phải thuê phòng trọ, mua máy móc và chú tâm để làm trọn vẹn từng sản phẩm. Cho tới năm 2018, nhận thấy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm bột ngũ cốc dinh dưỡng ngày càng lớn, chị quyết định thành lập công ty.
Thời điểm khởi nghiệp, chị gặp rất nhiều khó khăn khi vốn ít và thị trường cạnh tranh lại quá khốc liệt. Vậy nhưng, bằng những nhạy bén trong kinh doanh và sở hữu kinh nghiệm nhất định trong việc tạo nên chất lượng sản phẩm, chị đã từng bước điều hành công ty vượt qua khó khăn.
Sau nhiều nỗ lực, công ty của chị đã gặt hái nhiều thành quả như Top 10 thương hiệu - sản phẩm/dịch vụ nổi tiếng Asean năm 2022; Top 10 Sao Vàng Thương hiệu Việt Nam năm 2020 và năm 2023; Chứng nhận OCOP chất lượng 4 sao do UBND tỉnh Nghệ An trao tặng… Tuy nhiên, với chị, điều quan trọng là chị đã trở thành chỗ dựa, truyền cảm hứng để hỗ trợ cho nhiều phụ nữ có được thu nhập ổn định từ mô hình của mình.
Ngoài 50 lao động nữ làm việc trực tiếp tại các xưởng sản xuất, chị cũng đã mở rộng chuỗi 46 cửa hàng kinh doanh sản phẩm trên địa bàn cả nước. Từ đây, đã có hơn 2.000 mẹ bỉm sữa kết nối với các đại lý, cửa hàng để xây dựng kênh bán hàng, góp phần tự chủ kinh tế, ổn định cuộc sống. Cùng đó, chị là cầu nối để tiêu thụ nông sản cho 19 hộ nông dân chuyên canh tác hạt tại các huyện Tân Kỳ, Nam Đàn, Nghĩa Đàn, Hưng Nguyên với số lượng ổn định.
Chị Nguyễn Thị Mến