Hồi 2020 cũng chưa có quán ăn Việt Nam nào ở gần khu tôi ở. Chỉ nghe nói ở Ansan, tỉnh Gyeonggi mới là khu phố có nhiều người Việt và nhà hàng Việt, và ở Seoul thì cũng chỉ có ở gần một số ga như ga Dongdaemun chẳng hạn. Thế mà lần này, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi phát hiện ra gần nhà mình ở không chỉ có tiệm tạp hóa Việt bán đủ thứ mà còn có mấy nhà hàng, quán nhậu, tiệm kinh doanh điện thoại treo biển Việt Nam.

Điều đặc biệt của những cửa hàng này là chủ tiệm, chủ nhà hàng đều là các sinh viên Việt Nam. Quán thì ba bốn bạn hùn vốn lại với nhau, quán thì chỉ một người. Người đứng tên kinh doanh là những sinh viên đã tốt nghiệp, đổi tư cách visa thành visa doanh nhân, lập công ty kinh doanh đa ngành nghề. Tôi kể đây vài trường hợp để thấy được sự năng động, chịu khó và vươn lên mạnh mẽ của những bạn trẻ Việt Nam bên đây trong việc kiếm sống, ăn học.

Quán “Điểm nóng” DNN

Quán này nằm đối diện nhà tôi luôn, ở 58 phố Imun-ro, còn tòa nhà tôi ở là 53 Imun-ro. Hồi cuối tháng 2 năm nay, tôi mới sang, sau khi vào phòng lúc 11 giờ đêm, tôi đi xuống phố tìm cửa hàng tiện lợi để mua cái gì ăn, bỗng giật mình thấy dòng chữ điện tử, “Điểm nóng” nháy liên tục, ghé nhìn vào trước lối xuống cầu thang thì còn thấy dòng chữ “Ngõ 58 Trần Duy Hưng” rất gây chú ý. Đoán đây là một quán ăn Việt Nam, sau tìm hiểu thì ra đây là một quán nhậu, khách hàng chủ yếu là người Việt đến uống rượu vào buổi tối, nhất là những tối cuối tuần. Có hôm tối thứ bảy, tôi ghé quán thấy đông nghịt người nên lại quay ra. Chủ quán là một thanh niên sinh năm 94 quê Hà Nội tên là Sơn. Sơn sang học bên này, học xong thì chuyển tư cách visa thành visa kinh doanh. Sơn bảo: “Đây chỉ là một nhánh của công ty cháu thôi, cháu còn kinh doanh nội thất, vận chuyển hàng Nhật Việt và tài chính nữa ạ. Hồi này quán đổi tên thành DNN theo tên công ty và chuyển thành buffet lẩu hải sản. Sơn thuê một số sinh viên Việt Nam thay nhau làm bán thời gian ở quán. Điều này vừa tạo điều kiện cho các bạn Việt Nam có việc làm thêm để góp phần trang trải tiền ăn học vừa dễ huấn luyện các bạn nấu được các món đúng khẩu vị của ẩm thực Việt. Sơn đã có vợ hiện đang là du học sinh người Việt và hai vợ chồng vừa có cháu nhỏ. Hôm trước, trong một buổi tụ họp anh em người Việt ở một địa điểm khác, khi chuyển về đi ăn trưa ở quán ăn Nắng Ơi, một quán gần cổng trường tôi dạy, cũng do một cựu sinh viên làm chủ quán thì chúng tôi ngồi xe 12 chỗ của Sơn mới mua. Tôi bảo: “Sao mua xe to thế?”. Sơn bảo: “Công ty cháu đông người, tiện cho công việc kinh doanh của công ty ạ.”

Tiệm tạp hóa và nhà hàng  “Choén”

Tiệm tạp hóa, nhà hàng “Choén”

Tiệm tạp hóa này cách chỗ tôi ở khoảng 200 mét. Từ phía sau tòa nhà tôi ở đi theo một con phố nhỏ đến cuối phố, chỗ gần con phố lớn nối vào cổng Trường Đại học Kyunghee, nơi có nhiều sinh viên Việt Nam theo học là tiệm tạp hóa Việt Nam tên là “Choén”. Tiệm này được mở khoảng 2 năm trước, sau khi hết COVID. Chủ tạp hóa này là một số bạn sinh viên Việt Nam hùn lại với nhau (cũng có sự hỗ trợ từ gia đình ở Việt Nam) trong đó bạn tốt nghiệp rồi và thay đổi visa doanh nhân sẽ đứng tên xin giấy phép. Tiệm bán đủ thứ, hầu như không thiếu thứ gì cho bữa ăn Việt như giò, chả, nem chua, nước mắm, bột canh, mì tôm Việt Nam, cua đồng, cá basa, mắm tôm, trứng vịt lộn, rau răm, thì là, lá mơ, lá lốt, … Hiện hầu hết các loại rau Việt Nam đều được trồng bên này. Nguồn cung cấp chính là do các cô dâu lấy chồng Hàn Quốc ở các tỉnh đem sang trồng rồi phát triển rộng ra thành kinh doanh.

Đôi bạn thân cùng quê, cùng sang Hàn du học, cùng mở quán tạp hóa và quán ăn

Vậy nên thỉnh thoảng tôi mua lá mơ tía về ăn mà to hơn cả ở Việt Nam. Đầu năm nay nhóm “Choén” này lại mở thêm quán ăn “Choén” ở cách nhà tôi một quãng chừng 100 m trên con phố tôi đang ở luôn. Quán ở trên tầng hai của một ngôi nhà 3 tầng góc ngã ba, view khá đẹp vì nhìn ra 2 mặt phố. Phía trên tầng 3 là một cửa hàng sửa chữa mua bán điện thoại cũng của một bạn cựu sinh viên người Việt. Thỉnh thoảng tôi và mấy người bạn Việt qua đây ăn những món ăn Việt Nam cho đỡ nhớ nhà. Các bạn sinh viên Việt Nam vừa đi học vừa trông quán nên thay nhau làm.

Tuyền - vừa là sinh viên vừa là đồng chủ quán kiêm đầu bếp

Hôm gia đình tôi sang Hàn Quốc một thời gian, tôi cũng đưa vợ và con trai qua đây ăn tối. Con trai tôi còn khen bún bò Huế ở đây ngon hơn cả ở Việt Nam. Tôi thì thấy các bạn nấu phở cũng rất ngon. Thực đơn chủ yếu phục vụ cơm trưa tối với những món bình dân như các loại set cơm nhà (kiểu cơm mẹ nấu ở Việt Nam), phở, bún bò Huế, bún chả, bún đậu mắm tôm, gỏi cuốn, chả giò…Tuy nhiên vì các bạn này là sinh viên, phải đi học, không thật nhiều thời gian nên lượng bán nhiều khi cũng có hạn. Ví dụ có hôm bọn tôi 3 người sang định ăn phở thì được trả lời, dạ phở chỉ còn một bát vì nãy có một tốp người Hàn vào họ ăn toàn phở. Hỏi một vài món cũng báo số lượng còn mấy, còn mấy, ví dụ lẩu Thái còn 2 nồi, cá chép om dưa còn một nồi. Cháu nữ bảo: “Bọn cháu không đủ người nên chuẩn bị bán số lượng cũng vừa phải, vì còn thay nhau đi học nữa chú ạ.”

Ở quán này, tôi hay nói chuyện với hai bạn một bạn nữ tên là Tuyền và một bạn nam tên là Tuân. Hai bạn này người cùng quê ở Bắc Giang, cùng học hồi phổ thông, cùng sang đây, chơi với nhau rất thân, toàn tao mày. Hiện hai bạn đang là sinh viên năm thứ hai ở hai trường Đại học khác nhau. Tôi nói đùa tại sao hai đứa không yêu nhau, lấy nhau cho tiện. Bạn nữ cười, bao nhiêu người bảo bọn cháu thế mà bọn cháu chỉ tao mày với nhau được thôi. Nghe tôi hỏi thế, bạn nam chỉ cười bẽn lẽn. Bạn nữ nói:Nó có bạn gái rồi đó chú ạ.”

Một ngăn tủ của quán tạp hóa Choén

Có hôm tôi rẽ vào tiệm tạp hóa “Choén” thì thấy cửa mở nhưng không thấy ai, có nghe chuông kêu một tiếng, rồi tiếng nói từ loa phát ra: Chú Nam phải không ạ?”. “Ừ cháu nào đấy”. “Cháu Tuyền đây ạ”. “Cháu đang ở đâu đấy?”. “Cháu đang ở quán ăn ạ.  Chú mua gì ạ?”. “À chú mua gói bột canh với túi hành khô.” “Chú dùng tiền mặt phải không ạ?”. “Ừ, đúng rồi”. “Thế chú cứ lấy đồ rồi chú để tiền ở trước cái màn hình ở bàn hộ cháu. Bột canh 3 nghìn, hành khô hai nghìn chú ạ”. Đúng là các bạn đã tận dụng tối đa công nghệ “số hóa” để bán hàng thật.

Quán cà phê Việt Nam (Vietnam coffee-OVN cà phê)

Nếu đi từ phía cổng số 1 ga Hoegi theo con phố Hoegi-ro đi về phía Trường Đại học Kyunghee, qua ngã tư cắt con phố Imun-ro khoảng bảy chục mét trên vỉa hè bên trái, ta sẽ có thể nhìn thấy tấm biển hiệu nhỏ xinh, bắt mắt với  hình vẽ lá cờ Việt Nam “VIET NAM COFFEE”. Đó chính là quán OVN cà phê (OVN là ôi Việt Nam) ở 172 Hoegi-ro. Quán này ở dưới tầng hầm, rẽ vào là thấy ngay trước lối xuống cầu thang một loạt câu nói kiểu giới trẻ ca ngợi cà phê:

Tôi từng vào quán này một số lần và lần nào đến cũng có cảm giác ấm cúng, phần vì màu vàng của tường quán, lại dưới hầm, phần vì cách bài trí trong quán rất bắt mắt, rất Việt Nam, kiểu như “oai fai”. Quán có treo những tấm biển bằng tiếng Việt rất ngộ nghĩnh như:

Tuyển người em yêu

Những điều kiện

Rất chi là cơ bản

Đủ thì nhào zô!

Nhà mặt phố

Bố làm to

Cho nhiều tiền

Tính phải hiền

Mặt đẹp trai, 1m82

Nấu ăn giỏi

Không lăng nhăng.

OVNCAFE

Hôm cuối tuần rồi, qua quán tôi có dịp nói chuyện với Hà, cô gái chủ quán kiêm nhân viên phục vụ, quê Hà Giang. Được biết Hà nhận lại quán này được hơn một năm nay. Hiện Hà là sinh viên năm thứ ba ngành quản trị kinh doanh thuộc một trường Đại học ở đây. Hà bảo: “Buổi sáng cháu đi học nên cháu thuê một chị làm từ 10 giờ đến 3 giờ. Buổi chiều cháu làm từ 3 giờ đến 12 giờ đêm. Cuối tuần thì đến 1 giờ. Lúc nào không có khách thì cháu học bài. Cũng có những lúc khách nhiều thì quay như chong chóng”. Tôi đã chứng kiến, đêm cuối năm 31/12, tôi với mấy người bạn Việt Nam ghé quán thấy quán kín hết các bàn. Toàn là sinh viên Việt Nam. Vậy mà chỉ có mình chủ quán kiêm nhân viên. Tôi nói đùa: “Thế này thì cháu không cần tập thể dục nhỉ, vì chạy và khuấy cà phê, nước uống liên tục cả mấy tiếng một ngày”. Hà cười: “Dạ đúng thế, đúng thế ạ.”

Cô sinh viên - Chủ quán cà phê kiêm nhân viên Thu Hà

Quán có bán nhiều loại đồ uống như: matcha cốt dừa, sữa chua đánh đá việt quất, trà đào, chanh muối, nước sấu, cà phê trứng… Cũng có các loại đồ ăn nhẹ như bánh mì trứng, bánh mì gà…

Dù quán không phải là rộng lắm nhưng vẫn có hai không gian, tựa như hai phòng được ngăn bằng vách kính trong thành hai phòng, phía trong là ngăn ngồi bệt với bàn thấp. Góc bên trái ngăn trong lại có một bàn áp vách kính với 2 chiếc ghế, tạo không khí rất riêng tư. Quán có nhiều sách “Thần đồng đất Việt” và điều tôi thấy khá đặc biệt là có treo ảnh Bác Hồ.

Hôm cuối tuần vừa rồi tôi qua quán thì tình cờ bắt gặp một nhóm nhạc đang đàn hát vui vẻ. Tôi hỏi Hà: “Có sự kiện gì đây cháu?”.  Hà bảo: “Đây là nhóm nhạc người Việt bên này ạ. Kiểu mỗi người một nơi một nghề nhưng cùng sở thích và khả năng nên họ gặp nhau cuối tuần để tập luyện với nhau, chú ạ”. Vì các bàn đều kín nên Hà dọn mấy đồ trên cái bàn ở cuối phòng cho tôi ngồi rồi hỏi tôi ngồi được không. Tôi bảo ok. Sau đó tôi gọi cốc ca cao nóng cho ngọt và ấm rồi ngồi xem mấy bạn này luyện tập. Nhóm nhạc này hôm nay có 6 người, thay nhau đàn hát, một bạn chơi ooc gan, một bạn chơi ghi ta điện. Các bạn ấy hát những bài hát mới mà tôi không quen, nhưng thấy hát tiếng Việt nên cũng thích nghe. Đã lâu lắm rồi tôi không nghe “nhạc sống” như thế này, lại đang ở nước ngoài nên cảm giác rất hưng phấn. Chừng nửa tiếng sau có mấy bạn hỏi nhau nhà vệ sinh ở đâu, Cô chủ đã bảo nhưng họ nghe chưa rõ, nên lại hỏi nhau, người thì bảo trên tầng 2 người thì bảo ra ngoài. Tôi đã biết nên lúc đó tôi nói luôn: Ra ngoài rẽ phải khoảng 10m là đến. Nó thụt vào bên trong một tí”. Lúc đó cả 3 bạn đang trao đổi đều giật mình, ôm đầu ôm ngực kêu lên kiểu rất ngạc nhiên: “Ô bọn con tưởng chú là người Hàn.”, “Ừ nãy giờ em cứ nghĩ chú í là người Hàn”.

Sau đó một cậu đi ra ngoài còn tôi nói chuyện với một cô và một cậu khác. Cô bé là sinh viên biết nói giọng Bắc nhưng là người Huế. Còn cậu nữa người Bắc Giang. Cậu đàn oóc thì người Quảng Bình... Trong nhóm thì có 3-4 bạn là sinh viên các trường Đại học và mấy bạn nữa thì sang lao động. Các bạn ấy đang luyện để chuẩn bị có buổi biểu diễn Xuân Quê hương 2024 do Sứ quán Việt Nam tổ chức. Ban nhạc của mấy bạn này tên là TỨ PHƯƠNG, nghĩa là tứ phương tụ hội.

Về cuối cô chủ quán cũng lên hát, sau đó có bạn mời tôi hát, tôi bảo, chú cũng quan tâm đấy, nhưng tí nữa. Các bạn bắt đầu kêu đói bụng, kiểu muốn đi ăn tối. Tôi bèn nói “Để chú hát chút nha. Các bạn có vẻ rất vui và hỏi : “Chú hát bài gì chú?” Tôi bảo: "Đâu phải bởi mùa Thu". Tôi cũng kịp khoe: “Tác giả lời bài hát này là nhà thơ Giáng Vân, bạn học cùng lớp cấp 3 đến hết Đại học của chú. Bọn chú có 3 người học cùng một lớp từ cấp 3 ở Trường Phan Bội Châu Nghệ An rồi học cùng đến hết Đại học luôn”. Đã hơn một năm rồi tôi chả hát hò gì, mua đàn về rồi cũng cất ở góc phòng chứ không bật bông gì như hồi năm COVID 2020 tôi cũng qua đây một năm. Thành ra tôi sợ quên lời và tôi cầm điện thoại hát. Khi tôi hát xong, các bạn reo hò và một bạn kêu, chú ơi "Em ơi Hà Nội phố" đi chú. Tôi lại hát luôn bài đó. Chỉ thấy các bạn chơi nhạc giỏi. Sau đó tôi còn hát cho các bạn nghe món tủ của tôi là “Ví giặm” tôi giải thích và minh họa luôn thế nào là “hò”, “ví đò đưa”, “giặm”, điệu “tứ hoa”. Đúng là kỷ niệm không dễ có trong những ngày xa xứ.

Cửa hàng điện thoại của 2 bạn Tú - Thủy ở số 62 phố Imun-ro, Dongdaemun

Tôi gặp một số bạn Việt Nam và khi nói chuyện về quán này đều khen đồ uống và đồ ăn nhẹ của quán này rất là ngon. Quán cà phê này đúng là điểm tụ hội của người Việt ở khu vực này, và cả của những người Hàn thích cà phê Việt hay nhớ Việt Nam nữa.

Tôi cũng đã đi khá nhiều nước nhưng có lẽ chưa ở đâu tôi lại gặp những quán ăn, cửa tiệm gần nhau đều do sinh viên, cựu sinh viên làm chủ, đều là những người dưới 30 tuổi như khu vực tôi đang ở đây. Chứng kiến công việc vừa học vừa kinh doanh của các bạn, tôi thầm cảm phục những người trẻ tuổi này. Các bạn thật tháo vát, giỏi tiếng, hiểu rõ luật pháp. Tức là sinh viên thì không thể có tư cách visa kinh doanh, như vậy chỉ có những bạn đã tốt nghiệp, làm thủ tục tài chính thì mới có visa kinh doanh. Ví dụ nhà hàng Mộc Quán ở gần cổng trường Đại học Kyunghee cũng có nhiều món ngon mà tôi và mấy người bạn Việt Nam đã ghé hôm cuối tháng 12 vừa rồi do 2 vợ chồng mở. Cô vợ đã chuyển visa để đứng tên, còn anh chồng vẫn đang theo học với visa du học sinh. Cửa hàng điện thoại có biển hiệu là “Thanh Thủy Mobile” ở 62 Imun-ro, cách quán nhậu “Điểm nóng” khoảng 10 m cũng vậy, chỉ cần Tú là chồng chuyển visa còn vợ, Thủy vẫn đang là visa du học sinh, thế mà Tú và Thủy còn mở một cửa hàng nữa ở Techone. Tôi khen vợ chồng tháo vát quá. Tú bảo: “Thì cuộc sống mà chú, không làm việc này thì sẽ làm việc khác, nghĩa là cứ phải làm một việc gì đấy ạ.” 

Những bạn trẻ người Việt mà tôi kể ở bên đây không chỉ là tự kinh doanh, tự làm giàu, tự khẳng định được sự chăm chỉ, chịu khó của một thế hệ người Việt mới ở nước ngoài mà họ còn góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam, minh chứng cho sự hội nhập, làm ăn của giới trẻ ở xứ người.

Seoul giáp Tết 2024