Ông Nguyễn Đình Lương

1. Nhớ lại ngày 3/2/1994, Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton công bố bỏ hoàn toàn cấm vận với Việt Nam; hai nước mở văn phòng liên lạc từ cuối tháng 1/1995. Sáu tháng sau, ngày 11/7/1995 (tức sáng 12/7 theo giờ Việt Nam) Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ. Theo đó vài tuần sau, đầu tháng 8/1995 tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Warren Christopher và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm đã ký Nghị định thư chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ. Không lâu sau đó, năm 1996, phía Hoa Kỳ chuyển cho Việt Nam bản dự thảo Hiệp định Thương mại giữa hai nước để nghiên cứu. Đang làm trợ lý Bộ trưởng Thương mại, ông Nguyễn Đình Lương được Phó Thủ tướng Trần Đức Lương (thời điểm đó) chỉ định nhận nhiệm vụ Trưởng đoàn đàm phán song phương Việt - Mỹ.

Một trong những trang của Bản dự thảo Hiệp định do Mỹ đề xuất được Việt Nam sửa chữa

Cầm bản dự thảo và đọc qua, Nguyễn Đình Lương có phần choáng ngợp bởi các điều khoản trong Hiệp định do Mỹ soạn thảo đều tuân theo các nguyên tắc chuẩn mực của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)- nghĩa là chuẩn mực của nền kinh tế thị trường. Cơ man những khái niệm mới lạ, phức tạp, khó hiểu trong khi nền kinh tế của Việt Nam vẫn nặng về mệnh lệnh, bao cấp. Dù đã có những kinh nghiệm của khoảng 20 năm từng đàm phán với các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, nhưng với Hoa Kỳ - một quốc gia có thể chế chính trị hoàn toàn khác biệt và nền kinh tế đứng đầu thế giới thì ông Lương không khỏi xao động. Vả lại, khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ (BTA) trong bối cảnh xã hội ta còn đeo đẳng dư âm của lịch sử... Cho nên, lúc bấy giờ đề cập đến BTA là tâm lý nghi ngại bao trùm lên tất cả. Có một điều cũng cần nói - ông Nguyễn Đình Lương tâm sự, các thành viên trong đoàn đàm phán của ta (kể cả tôi) lúc đó hiểu biết về Mỹ rất chàng màng. Tôi cũng đánh đường sang Trung Quốc, Liên bang Nga, Ba Lan, Hungari để gặp lại những chuyên gia từng đối thoại trên bàn đàm phán, xin ý kiến tham vấn của họ, nhưng rốt cuộc đều không có phương án khả dĩ với mình. Muốn đối thoại với Mỹ phải hiểu họ. Ông Lương yêu cầu và khích lệ mỗi thành viên trong đoàn nỗ lực tìm hiểu, nghiên cứu và nắm thật chắc những gì có liên quan đến lĩnh vực mình được phân công. Bản thân ông cũng phải dành nhiều thời gian đọc, nghiền ngẫm không chỉ về kinh tế, chính trị, luật pháp, mà cả lịch sử và văn hóa nước Mỹ. Cho nên hơn bốn năm trên bàn đàm phán, kể cả Chủ nhật, ngày lễ, thậm chí những ngày Tết cổ truyền ông Nguyễn Đình Lương không hề được "xả hơi" bởi bị cuốn vào những nguyên tắc, quy định của WTO, là những định chế của NAFTA (Hiệp định Mậu dịch tự do Bắc Mỹ gồm các nước Canada, Mỹ, Mexico), rồi Tổ chức GATT và những câu chuyện xung quanh đặc trưng văn hóa Mỹ...

Lễ ký tắt Hiệp định BTA

Trưởng đoàn đàm phán phía Hoa Kỳ là Joe Damond, thua kém ông Nguyễn Đình Lương 20 tuổi, lại không nếm trải qua chiến tranh ở Việt Nam nên ông cho rằng "Đây là một may mắn và đúng thời điểm". Damond cũng thừa nhận những ngày đầu ngồi vào bàn đàm phán bản thân cũng không có chút hiểu biết gì về cơ chế vận hành của nền kinh tế Việt Nam. Âu cũng là điều dễ hiểu bởi suốt 20 năm liền sau năm 1975, Mỹ cấm vận, cô lập Việt Nam. Còn cảm nhận xuyên suốt của Nguyễn Đình Lương trước bản dự thảo BTA là "cục xương khó gặm". Phải tìm cách gì đây? Chưa biết phải hỏi, chưa giỏi phải học. Ông Lương đề nghị các thành viên trong đoàn Việt Nam nêu nhiều câu hỏi, từ vĩ mô đến tiểu tiết để Damond và đoàn Mỹ giải thích, trả lời. Bằng cách đó, kết hợp với sự tham vấn của một số chuyên gia người Mỹ, gần hai năm sau, đoàn Việt Nam đã hình thành nên bản Hiệp định BTA chính thức (sau nhiều trang sửa chữa, tẩy xóa bản dự thảo) và được phía Mỹ chấp nhận. Tiến trình đàm phán BTA không phải lúc nào cũng xuôi chèo, mát mái mà đã có thời điểm xẩy ra trục trặc, sự cố tưởng như phải dừng lại. Nhưng với thiện chí và sự cầu thị của cả đôi bên, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) đã được ký kết ngày 13/7/2000 (có hiệu lực đầu năm 2001) và đích thân Tổng thống Mỹ Bill Clinton công bố tại khuôn viên Nhà Trắng trong họp báo chiều cùng ngày. Có thể nói BTA đã góp phần phá vỡ "tảng băng" trì trệ của nền kinh tế bao cấp, đồng thời tạo tiền đề cho Việt Nam gia nhập tổ chức WTO sau đó không lâu và đưa nền kinh tế nước nhà hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

2. Cũng là học trò trường Huỳnh Thúc Kháng - Vinh năm xưa, nhưng ông Trương Đình Tuyển kém Nguyễn Đình Lương hai tuổi. Cả hai ông đều công tác ở Bộ Thương mại nhưng khi Hiệp định BTA vào giai đoạn "nước rút" thì đầu năm 2000, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển được Bộ Chính trị điều động về làm Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An. Thời gian làm Bí thư Tỉnh ủy quê nhà không dài (chỉ hai năm rưỡi), nhưng ông Tuyển đã để lại khá nhiều giai thoại. Chẳng hạn xuống dự Đại hội Đảng bộ một huyện nọ, sau khi kết thúc ông liền đón xe về mà không ở lại ăn "cơm khách" dù đã được chủ nhà chuẩn bị tươm tất. Đó là trong khoảng hơn hai năm ông đã xử lý kỷ luật sáu Bí thư và Phó Bí thư huyện có biểu hiện tiêu cực và năng lực yếu kém. Nhưng lưu truyền trong lòng dân sâu đậm hơn cả là hình ảnh nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, một ông quan đầu tỉnh Trương Đình Tuyển gầy guộc, ở nhà tập thể, hết giờ làm việc cuối buổi chiều thường đạp xe ra chợ Vinh hoặc chợ Quán Lau mua thức ăn và tự nấu lấy để khỏi phiền lụy người phục vụ. Ông còn có tiếng là tác giả của những bài thơ đậm chất triết lý về con người và thời cuộc…

Ông Trương Đình Tuyển

Trở lại Bộ Thương mại cuối năm 2002 (sau này là Bộ Công thương), một trọng trách nặng nề đặt ra đối với ông Trương Đình Tuyển là làm sao để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đây là một "sân chơi" lớn có tiếng nói và ảnh hưởng mang tính quyết định tới hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu và mỗi quốc gia thành viên. Nguyên tắc là các nước sau khi đệ đơn tham gia đều phải tiến hành các cuộc đàm phán. Quy trình đàm phán gia nhập WTO của mỗi quốc gia được tiến hành theo hai giai đoạn: Giai đoạn đầu nhằm minh bạch hóa chính sách thương mại; Giai đoạn 2 là đàm phán về mở cửa thị trường. Đồng thời việc đàm phán được tiến hành theo hai phương thức đa phương và song phương. Cho nên nếu đàm phán BTA đã phức tạp thì đàm phán vào WTO còn cam go hơn nhiều. Theo ông Trương Đình Tuyển thì Việt Nam nộp đơn xin gia nhập WTO từ tháng 1/1995, nhưng những năm đầu đàm phán còn gặp trở ngại do độ "mở" nền kinh tế của ta còn thấp, cơ chế quản lý còn chịu ảnh hưởng nhiều của thời bao cấp; Việt Nam lại thiếu chuyên gia đàm phán thương mại, trong khi các vấn đề đặt ra của WTO lại là những vấn đề mới và phức tạp.

Ngày 7/11/2006, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển và Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy ký Nghị định thư về việc Việt Nam gia nhập WTO

Cũng phải năm, bảy năm sau, nền kinh tế của chúng ta "theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa" hội nhập sâu hơn, hàng loạt bộ luật được sửa đổi và xây dựng mới cho phù hợp; mặt khác tranh thủ các diễn đàn như APEC, ASEM, ASEAN... thì tiến trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam mới có sự chuyển biến tích cực. Hiếm có cuộc đàm phán nào kéo dài tận 11 năm kể từ khi chuẩn bị cho đến khi kết thúc, chúng ta phải đối diện với hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đàm phán đa phương và 28 nước theo phương thức đàm phán song phương. Trưởng đoàn đàm phán WTO của Việt Nam là ông Lương Văn Tự - Thứ trưởng Bộ Thương mại cùng hơn 30 thành viên thuộc các bộ, ngành thường xuyên nhận được những ý kiến lãnh đạo và chỉ đạo kịp thời, sát sao của Phó Thủ tướng Vũ Khoan và Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển. Bên cạnh cử các đoàn sang Trung Quốc, Liên bang Nga học hỏi kinh nghiệm, Việt Nam cũng mời ông Anthur Dunkel, Nguyên Tổng Giám đốc GATT làm cố vấn trong quá trình đàm phán vào WTO. Trải qua 14 phiên họp đa phương diễn ra căng thẳng vào các năm 1998 - 2002, thể hiện rõ chính sách minh bạch hóa, phía Việt Nam bắt tay đàm phán song phương với 28 quốc gia thành viên có nhu cầu. Trong vai trò là cố vấn cao cấp, ông Trương Đình Tuyển nhớ lại thời điểm đàm phán, Việt Nam là nước đang phát triển ở trình độ thấp, nền kinh tế nước ta trong quá trình chuyển đổi từ quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường. Không ít đối tác đàm phán song phương cho rằng Việt Nam là một thị trường tiềm năng tương lai, với dân số đông và sự ổn định chính trị, nhưng nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Xuất khẩu của nước ta những năm đó chủ lực là gạo, cà phê, điều, thủy sản... trong khi trình độ sản xuất còn thấp, phân tán, nhỏ lẻ; mặt khác có những rủi ro do thiên tai gây ra, nên Nhà nước vẫn phải có hình thức "trợ giá" nông sản. Đây là một trong những vấn đề mà hầu hết các đối tác trong quá trình đàm phán song phương đều "nâng lên đặt xuống", họ lo ngại một lúc nào đó hàng nông sản Việt Nam sẽ tràn ngập thị trường nước họ. Bởi vậy nước nhanh nhất là ba phiên và nước nhùng nhằng nhất trải qua 13 phiên ròng. Cũng theo nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, gay cấn nhất trong quá trình đàm phán song phương là những phiên phải đối diện với Mỹ, Liên minh Châu Âu và Trung Quốc, mà vấn đề cốt yếu là xoay quanh các biểu thuế; các dịch vụ về ngân hàng - tài chính, viễn thông…

Ông Trương Đình Tuyến trong một cuộc đàm phán để Việt Nam gia nhập WTO. Ảnh: tư liệu

Tháng 5/2006, với sự nỗ lực lớn lao, Mỹ đã ký thỏa thuận với nội dung Mỹ dành cho Việt Nam quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR); đánh dấu sự bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương Hoa Kỳ - Việt Nam, đồng thời mở đường cho Việt Nam tiến vào "sân chơi" WTO. Đúng 17 giờ ngày 7/11/2006 (giờ Việt Nam) tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sỹ), dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và đoàn đàm phán, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cùng Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (khi đó) Pascal Lamy hoàn tất ký Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam. Vậy là kể từ thời điểm này, chúng ta trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại lớn nhất toàn cầu .

Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, trong một Hội nghị góp ý kiến phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Nghệ An

Việc ký Hiệp định BTA với Hoa Kỳ, đặc biệt là sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức WTO đã phá vỡ "tảng băng" trì trệ của nền kinh tế quan liêu bao cấp, làm cho hệ thống chính sách pháp luật của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và phù hợp với thông lệ quốc tế hơn. Cũng có nghĩa nó tạo lối mở cho nền kinh tế theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng. Theo đó đến 2024, nước ta đã có mối quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; tiến hành ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nền kinh tế trên thế giới. Tuy chưa hết khó khăn nhưng tham gia "sân chơi" WTO đã giúp Việt Nam năm 2023 đạt tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa là 683 tỷ USD; trong đó cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 với mức tăng trưởng đạt 28 tỷ USD (gấp hơn 2 lần năm 2022). Đáng chú ý, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai (sau Trung Quốc) với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt gần 111 tỷ USD. Cuối năm 2023, Việt Nam - Mỹ đã chính thức xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, tạo động lực mới cho hợp tác hai nước trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế-thương mại, khoa học-công nghệ, và giao lưu Nhân dân... Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, nền kinh tế nước ta có độ mở ngày càng cao, dĩ nhiên ấy là thành tựu chung của Đảng và Nhà nước; là đóng góp của các ngành, các cấp và của nhiều người nhưng không thể không kể đến vai trò "sứ giả" của những người Nghệ như các ông Nguyễn Đình Lương và Trương Đình Tuyển./.