Ông Hà Danh Hiệu - Chi hội trưởng nông dân xóm Phú Thọ, xã Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn)

Với đặc thù riêng, xóm Phú Thọ, xã Nghĩa Hội có 124 hội viên Hội nông dân, trong đó có tới 90% hội viên là người dân tộc Thái, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Xác định, muốn tập hợp hội viên, nâng cao phong trào hội thì các hoạt động của Hội phải gắn liền với quyền lợi thiết thực của hội viên. Do đó, hàng năm Chi hội xóm Phú Thọ đẩy mạnh thực hiện các hoạt động về tư vấn, hỗ trợ hội viên nông dân phát triển kinh tế, tạo động lực và niềm tin cho hội viên.

Ông Hà Danh Hiệu là tấm gương điển hình trong mọi phong trào, hoạt động ở địa phương.

 Với vai trò là Chi hội trưởng, hàng năm ông Hiệu luôn nhận thức rằng, việc tập hợp hội viên hiện nay nếu chỉ đi vận động “suông” thì khó thuyết phục mà cần tích cực tuyên truyền hội viên, nông dân tham gia vào tổ chức Hội thông qua các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, mang lại quyền lợi cho nông dân. Cụ thể như: Trực tiếp cung ứng 15-20 tấn/năm phân bón NPK các loại cho hội viên vay trả chậm, giúp hội viên kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất, không gặp khó khăn về tài chính và đảm bảo mùa vụ đạt năng suất cao; tuyên truyền cho hội viên, nông dân tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi; vận động con em hội viên đi xuất khẩu lao động... Ông Hiệu cũng là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội, đến nay tổ đang quản lý hơn 4 tỷ đồng tiền ủy thác cho 54 hội viên vay thông qua 6 chương trình, không có lãi tồn, không có nợ quá hạn xảy ra. Quá trình quản lý nguồn vốn vay, bản thân đã thường xuyên thăm hỏi, động viên các hộ vay phát huy có hiệu quả nguồn vốn, có nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, cải thiện cuộc sống cho gia đình và ngày càng phát triển.

Bên cạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân, ông còn thường xuyên vận động hội viên tích cực thi đua sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế để làm giàu, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới… Với cách làm thiết thực, cụ thể, gắn bó sát sườn với quyền lợi của nông dân nên hội viên rất tin tưởng Hội, ngày càng gắn bó với tổ chức; luôn tham gia đầy đủ các hoạt động phong trào do Hội phát động.

Ông Đặng Trọng Viện, Chi hội trưởng Chi hội 5, xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc

Xác định nông dân là chủ thể, là nòng cốt, quyết định sự thành công trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Do đó, trong những năm qua, dựa trên cơ sở nghị quyết của Chi bộ thôn, của Ban Chấp hành hội nông dân xã, ông cùng Ban Chấp hành Chi hội đã cụ thể hoá thành những chương trình hành động thiết thực, tích cực vận động hội viên thực hiện các mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, Chi hội đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền và vận động hội viên đóng góp sức người và của xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương. Theo đó, Chi hội đã huy động thành công 1.735 ngày công, đóng góp trên 100 triệu đồng dựng xây, nâng cấp thiết chế văn hoá của xóm. Những nỗ lực này không chỉ thể hiện sự đoàn kết, chung tay của hội viên mà còn khẳng định vai trò của Chi hội nông dân trong việc thúc đẩy các hoạt động xây dựng, phát triển hạ tầng xây dựng nông thôn mới.

Ông Đặng Trọng Viện tại Lễ tuyên dương chi hội trưởng nông dân xuất sắc giai đoạn 2022-2024. Ảnh- T.P

Hằng năm, Chi hội đăng ký với Ban Thường vụ Hội nông dân xã, tổ chức thực hiện trồng và chăm sóc mô hình "Hàng cây nông dân ơn Bác", đến nay, Chi hội đã trồng và đảm nhận chăm sóc 1,5 km đường cây xanh; tham gia xây dựng các công trình như xây nhà thu gom rác thải tại địa bàn xóm và thùng thu gom rác thải từ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng; tuyên truyền vận động hội viên tiến hành phân loại các loại rác đầu nguồn tại gia đình; tham gia có hiệu quả phong trào ngày chủ nhật xanh, ra quân dọn dẹp vệ sinh đường làng; vận động hội viên áp dụng công nghệ sinh học và sản xuất phân hữu cơ từ phế phụ phẩm nông nghiệp, chỉnh trang vườn hộ hướng tới xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới.

Bên cạnh đó, Chi hội thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng, tổ tự quản, tổ chức tuần tra, giám sát và tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác của hội viên cũng như người dân về việc giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông. Đồng thời, tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa, thể thao lành mạnh, nhằm tạo sự gắn kết trong cộng đồng và thúc đẩy lối sống văn minh.

Nhờ đó sự chung tay đồng lòng và đoàn kết đó, năm 2022 xóm 5 đã đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, năm 2023 đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu thông minh và là xóm duy nhất trên địa bàn xã xây dựng thành công mô hình làng văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh.

Ông Phạm Công Bưởi, Chi hội trưởng Chi hội Thống Nhất, xã Đông Sơn (huyện Đô Lương)

Chi hội Thống Nhất, xã Đông Sơn có 301 hộ, với 1.300 nhân khẩu và có 285 hội viên. Để làm tốt công tác xây dựng tổ chức Hội, phát triển, quản lý hội viên, nâng cao chất lượng hội viên, bên cạnh việc thực hiện công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của Hội các cấp thì việc bảo vệ và đem lại quyền, lợi ích cho hội viên được xác định là “xương sống” trong mọi phong trào, hoạt động Hội.

Ông Phạm Công Bưởi phát biểu tham luận tại Hội nghị biểu dương chi hội trưởng nông dân xuất sắc 2022-2024. Ảnh- T.P

Trong công tác phát triển hội viên, từ năm 2022 đến nay, Chi hội đã kết nạp thêm 25 hội viên, đạt 120% kế hoạch đề ra, nâng tổng số hội viên của Chi hội lên 285 người. Để duy trì sinh hoạt Chi hội định kỳ, Chi hội tùy tình hình thực tế trong từng giai đoạn để bố trí thời gian họp phù hợp, nếu “nông vụ tấn thời” thì họp vào buổi tối, nội dung ngắn gọn, có những vấn đề quan trọng, cấp thiết thì được thông báo trên nhóm Hội qua Facebook, Zalo, hệ thống loa truyền thanh. Điều quan trọng nhất để thu hút hội viên tham gia các cuộc sinh hoạt, đó là nội dung phải phong phú, đa dạng, gắn liền với cuộc sống và quyền lợi của hội viên. “Phải xác định được nội dung trọng tâm của cuộc họp là gì để truyền tải hiệu quả nhất. Đồng thời, mỗi lần họp là để hội viên gặp mặt, chia sẻ tâm tư, tình cảm cũng là dịp để Chi hội nắm bắt nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của hội viên. Từ đó, chia sẻ với họ, gỡ vướng cùng họ và có tham mưu cho hội cấp trên sát thực nhất”, ông Bưởi chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhằm tạo sự đoàn kết, gắn bó trong hội viên, Chi hội xây dựng và duy trì quỹ Hội để tổ chức các hoạt động như thăm hỏi khi ốm đau; động viên khen thưởng hội viên tích cực; tổ chức tham quan, học hỏi… Chi hội đa dạng các hình thức gây quỹ như: Vận động hội viên đóng góp, nhận thực hiện các công trình nạo vét mương, phát đường băng cản lửa để gây quỹ… Nhờ đó, Chi hội luôn duy trì nguồn quỹ từ 27 đến 30 triệu đồng/năm.

Đối với những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, Chi hội vận động các hội viên khác hỗ trợ ngày công lao động, cung cấp con giống để phát triển kinh tế. Đặc biệt, từ chương trình “Viên gạch nghĩa tình”, Chi hội đã hỗ trợ cho 3 gia đình hội viên khó khăn với tổng cộng 9.000 viên gạch không nung, hỗ trợ hơn 60 ngày công xây dựng nhà ở, ổn định cuộc sống.

Bên cạnh đó, Chi hội đã thành lập được 2 tổ Hội nông dân nghề nghiệp là tổ hội nghề nghiệp trồng cây ăn quả với 15 thành viên và tổ hội nghề nghiệp nuôi ong lấy mật với 18 thành viên tham gia. Việc thành lập các tổ hội giúp các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng gắn kết cộng đồng./.