Cùng với quyết định đúng đắn, kịp thời đó, Quốc hội khóa XV đã điều hành chương trình kỳ họp một cách linh hoạt, hiệu quả, đem lại một số thành công nổi bật của kỳ họp đầu tiên, đó là:

Đã kịp thời quyết định bổ sung Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV trong đó có nội dung tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch covid-19, tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ chủ động, linh hoạt hơn trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch, kịp thời kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Đây là quyết định đúng đắn, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tế, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội trước Nhân dân; khẳng định Quốc hội luôn hành động, đồng hành cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch, chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân đã được dư luận Cử tri và Nhân dân cả nước đồng tình, ủng hộ, tin tưởng, phấn khởi.

plugin_ckeditor_upload.upload.b7908188220f079f.546fc3a06e2063e1baa36e682048e1bb9969207472c6b0e1bb9d6e67204469c3aa6e2048e1bb936e672e6a7067.jpg

Toàn cảnh Hội trường Diên Hồng kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Tổng kết kỳ họp thứ nhất, có 29 Nghị quyết được ban hành, trong đó có 17 Nghị quyết về tổ chức bộ máy và nhân sự; 11 Nghị quyết chuyên đề (về các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025: phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công, đầu tư công trung hạn; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; hai chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, chương trình giám sát của Quốc hội, thành lập Đoàn giám sát chuyên đề năm 2022) và Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Xem xét các báo cáo về tổng kết công tác bầu cử và kết quả xác nhận tư cách của đại biểu Quốc hội khóa XV; đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Đánh giá về kết quả tổng kết bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Quốc hội khẳng định sự lãnh đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, khoa học, kịp thời, chuyên nghiệp, sáng tạo của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp, các ngành, các tổ chức phụ trách bầu cử; sự hưởng ứng, tham gia tích cực, trách nhiệm của Cử tri, Nhân dân từ Trung ương đến địa phương đã đem lại kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công tốt đẹp, cả nước đã bầu được 499 đại biểu Quốc hội, 266.022 đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Các đại biểu được bầu bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, cơ cấu hợp lý và tỷ lệ đại diện của các tầng lớp Nhân dân trong Quốc hội; tỷ lệ đại biểu kiêm nhiệm làm việc trong các cơ quan hành pháp, tư pháp giảm, tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách tăng; tỷ lệ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trúng cử là người dân tộc thiểu số, phụ nữ đạt cao hơn so với nhiệm kỳ trước; trình độ chuyên môn của những người trúng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp cao hơn so với nhiệm kỳ trước.

Về công tác tổ chức, nhân sự, Quốc hội khẳng định đây là nội dung trọng tâm của kỳ họp, có ý nghĩa quan trọng, quyết định trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước trong cả nhiệm kỳ được Quốc hội chuẩn bị kỹ lưỡng, tiến hành bài bản, bảo đảm dân chủ, đúng chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật và đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao.

Quốc hội đã quyết định số lượng thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (gồm Chủ tịch Quốc hội, 04 Phó Chủ tịch Quốc hội, 13 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội); cơ cấu tổ chức của Chính phủ (gồm 18 Bộ và 04 cơ quan ngang Bộ); cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ (gồm Thủ tướng Chính phủ, 4 Phó Thủ tướng Chính phủ và 22 bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ).

Bầu, phê chuẩn 50 chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước (Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm 09 Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước, 04 Phó Thủ tướng Chính phủ, 18 Bộ trưởng, 04 Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, 01 Phó Chủ tịch, 04 Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh). Đồng thời, phê chuẩn 04 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên thệ trước Quốc hội, trước đồng bào, cử tri cả nước theo quy định của Hiến pháp, thể hiện rõ trách nhiệm, cam kết mạnh mẽ, quyết tâm cao hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và Nhân dân.

Về các Nghị quyết chuyên đề, trên cơ sở mục tiêu của từng Nghị quyết, Quốc hội đã thể hiện sự điều hành dân chủ, thống nhất, quyết liệt nhưng uyển chuyển đã ban hành các Nghị quyết phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước, thông qua những nhiệm vụ và giải pháp của mỗi Nghị quyết để tổng lực toàn bộ sức mạnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm từ hệ thống chính trị đến toàn dân đồng lòng, chung sức vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trước mắt là tiếp tục tập trung thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh covid-19, thực hiện tốt các nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, bảo đảm kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; các giải pháp tiết kiệm chi được thực hiện triệt để nhằm bảo đảm nguồn lực cho việc phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; tiếp tục tăng cường quan hệ đối ngoại … Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số. Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại. Phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hoà giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển; thực hiện cải cách tiền lương; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo... Tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng bền vững, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước, nợ công, quản lý tài sản công, tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán,...

Đồng thời, đề ra một số giải pháp cơ bản như: nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật, pháp lệnh, nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, khắc phục các vướng mắc, bất cập, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước.

Có thể khẳng định rằng, Kỳ họp thứ nhất đã rất thành công, tạo tiền đề, động lực và mở ra một khởi đầu tốt đẹp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, khẳng định tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo các nội dung trình Quốc hội cũng như các điều kiện bảo đảm và tổ chức kỳ họp theo đúng quy định của pháp luật. Công tác điều hành của Đoàn Chủ tịch chủ động, linh hoạt, sáng tạo, duy trì không khí nghị trường sôi nổi trong tất cả các ngày làm việc. Các vị đại biểu Quốc hội đã phát huy trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết, thảo luận, tranh luận dân chủ, thẳng thắn, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, có chất lượng, góp phần tạo nên thành công của kỳ họp.

Cùng với những đóng góp vào thành công chung của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, về công tác nhân sự, các vị Đại biểu Quốc hội của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã được Quốc hội phê chuẩn tham gia các chức danh thuộc Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Cụ thể: Ủy viên Hội đồng Dân tộc (Đại biểu Võ Thị Minh Sinh, UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh và Đại biểu Vi Văn Sơn, TUV, Trưởng ban Dân tộc tỉnh); Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách (Đại biểu Nguyễn Thị Vân Chi); Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách (Đại biểu Thái Thanh Quý, UVBCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh); Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật (Đại biểu Hoàng Minh Hiếu); Ủy viên Ủy ban Pháp luật (Đại biểu Trần Nhật Minh, Đại biểu chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An); Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh (Đại biểu Trần Đức Thuận); Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục (Đại biểu Đặng Xuân Phương); Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục (Đại biểu Thái Văn Thành, TUV, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo); Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại (Đại biểu Phạm Phú Bình); Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường (Đại biểu Thái Thị An Chung, TUV, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh).

Trước thềm kỳ họp thứ hai, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, đánh giá về những thành công của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV cũng là một kênh thông tin quan trọng để các ngành, các cấp, Đại biểu và Cử tri trong tỉnh nắm bắt được những chủ trương, chính sách của Quốc hội và Chính Phủ thông qua hệ thống Nghị quyết đã ban hành cho cả nhiệm kỳ để từ đó có chương trình, kế hoạch cụ thể phát triển kinh tế-xã hội trong tỉnh./.

Phan Hậu

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh