Đối với bà con Nhân dân bản Nhân Tài, xã Cẩm Sơn, đặc biệt là đối với gia đình chị Can Thị Nhung để có được như ngày hôm nay phải kể đến công lao rất lớn của ông Lô Văn Kiểm, Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận của bản. Chị Nhung chia sẻ: Trước đây, gia đình chị là một trong những hộ nghèo của xã, không biết tận dụng đất để canh tác, không biết cách chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thấy hoàn cảnh gia đình chị khó khăn, ông Kiểm đã cùng với ban cán sự bản và chi hội phụ nữ đến tận nhà tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cụ thể để chị thay đổi tư duy, cách làm ăn. Hiện nay gia đình chị đã thoát được nghèo, trở thành hộ khá giả của bản nhờ biết chăn nuôi lợn, gà, đào ao thả cá, trồng chè nguyên liệu, thu nhập mỗi năm sau khi trừ chi phí đạt hơn 100 triệu đồng.
Bản Nhân Tài, xã Cẩm Sơn hiện có 212 hộ, 810 nhân khẩu trong đó gần 70% là đồng bào dân tộc Thái. Là người uy tín của bản, ông Lô Văn Kiểm luôn xác định việc gì có lợi cho dân thì làm, bản thân và gia đình phải gương mẫu thực hiện trước thì bà con trong bản mới làm theo. Ngoài ra ông cũng thường xuyên tới từng hộ gia đình trong bản để tuyên truyền, vận động Nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm ăn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt chăn nuôi, đưa cây con giống mới vào sản xuất, tích cực ủng hộ phong trào xây dựng Nông thôn mới. Ông Kiểm cho biết: Trong những năm qua, bản Nhân Tài xã Cẩm Sơn đã có sự đổi thay về mọi mặt. Từ một bản nghèo nhưng đến nay thu nhập bình quân đạt 38 triệu đồng/người/ năm; Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt gần 85%, an ninh trật tự được giữ vững. Với những đóng góp của mình, trong đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, ông Lô Văn Kiểm vinh dự được bầu làm đại biểu HĐND huyện Anh Sơn khóa XIX nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Chúng tôi đến thăm ngôi nhà nhỏ của ông Bạch Đình Dung nằm trên tuyến đường biên giới nối 4 bản nhỏ Cao Vều với nước bạn Lào. Ở tuổi 65, trông ông vẫn rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Với lối nói chuyện mộc mạc, gần gũi, khiến chúng tôi cảm thấy như thân quen từ lâu. Rồi ông say sưa kể về tình cảm gắn bó với quê hương, với đồng bào biên giới bằng rất nhiều việc làm ý nghĩa, trách nhiệm. Ông tâm sự: Năm 1874 khi đó ông mới 18 tuổi, đã lên đường nhập ngũ tham gia chiến đấu tại Campuchia, đến năm 1981 ông xuất ngũ và về tham gia các hoạt động tại địa phương. Từ năm 1994 đến nay ông được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng bản Vều 3. Bao nhiêu năm làm trưởng bản thì cũng chừng ấy năm ông Dung nhiệt tình, gương mẫu, gần gũi với dân, trở thành điểm tựa vững chắc của bản làng. Ông Dung chia sẻ: Là trưởng bản ở vùng biên giới, có đường biên giáp với nước bạn Lào, trong đó 70% là đồng bào dân tộc Thái, đời sống bà con còn gặp rất nhiều khó khăn, ông luôn tâm niệm, để dân hiểu, dân tin và dân làm theo thì trước hết bản thân mình phải gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, các cuộc vận động triển khai tại cơ sở. Ngoài ra phải đi đến tận từng gia đình để nắm rõ từng hoàn cảnh và hướng dẫn họ cách làm ăn, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới. Với sự nhiệt huyết, tận tâm với công việc chung, những năm gần đây bà con bản Vều 3 cùng nhau đoàn kết, gắn bó, chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng bản làng ngày một giàu đẹp. Hiện toàn bản có 78 ha rừng nguyên liệu, 9 ha chè công nghiệp, 20 mô hình chăn nuôi gia súc gia cầm đã mang lại thu nhập khá cho bà con. Từ chỗ trên 50% hộ nghèo đói, năm 2014 đến nay bản chỉ còn 10% hộ nghèo, các phong trào văn hóa, thể dục thể thao ngày càng phát triển.
Ông Nguyễn Hữu Sáng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Anh Sơn cho biết: Anh Sơn là huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Nghệ An, có đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung ở 8 xã, 19 thôn, bản với trên 1.900 hộ, hơn 8.500 nhân khẩu chiếm 7,6% dân số toàn huyện. Những năm qua, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc ở huyện Anh Sơn thực sự là điểm tựa vững chắc cho bà con Nhân dân vươn lên xóa đói giảm nghèo, bảo tồn bản sắc văn hóa, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên các bản làng. Những công lao của các già làng, trưởng bản, người có uy tín đã và đang góp phần rất quan trọng vào sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cùng với đó, để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp huyện Anh Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện tốt chính sách dân tộc trên địa bàn. Tổng kinh phí thực hiện các chính sách dân tộc trong 5 năm qua là trên 111 tỷ đồng. Trong đó đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên 42 tỷ; Hỗ trợ phát triển sản xuất chương trình 135 trên 5 tỷ đồng; Hỗ trợ các chính sách trên 61 tỷ đồng. Ngoài ra các cấp, các ngành cũng thường xuyên phối hợp tổ chức mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị sản xuất nông nghiệp; hình thành và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế ở các xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như xã Thọ Sơn, Bình Sơn, Thành Sơn; chuyển đổi trồng mía nguyên liệu cho năng suất đạt 80-100 tấn/ha; phát triển vườn rừng ở Bình Sơn, Tam Sơn; trồng chè công nghiệp ở bản Cao Vều xã Phúc Sơn, mô hình Dệt thổ cẩm ở xã Thành Sơn, Tam Sơn….
Thời gian tới, huyện Anh Sơn sẽ tiếp tục tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật, những tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là những kiến thức, kinh nghiệm về phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; gắn phát triển kinh tế với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cho đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy có hiệu quả vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín. Tạo điều kiện thuận lợi, thường xuyên gần gũi và phát huy vai trò của các già làng, người có uy tín trong việc tham gia đóng góp và thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh được triển khai tại địa phương. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những điển hình người tốt, việc tốt, gương sản xuất giỏi trong đồng bào các dan tọc thiểu số… để già làng, trưởng bản, người có uy tín thực sự là hạt nhân, chỗ dựa quan trọng trong việc giải quyết hiệu quả các vấn đề đặt ra ngay tại cơ sở.
Thái Hiền