5f4cae9643a89cf6c5b9.jpg
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm

Tháng tư này, đã hai năm vắng bóng Hoàng Nhuận Cầm. Hai năm trước (2021), vào chiều ngày 20, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đột ngột từ giã bạn bè và những câu thơ ấp ủ trong trái tim tươi ròng áo lính.

Nhưng thơ lính của anh thì lúc nào cũng rực cháy.

Năm 1971, đang học năm thứ nhất Khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội thì Cầm nhập ngũ, vào thẳng chiến trường Trị Thiên ác liệt. Có thể nói, từ chiến trường, anh đã tốt nghiệp xuất sắc bằng Đại học Tổng hợp Văn với chùm thơ đạt giải Nhất Báo Văn nghệ năm 1972-1973. Ban Giám khảo đã nhìn ra một tài năng thơ khi tuổi hai mươi. 20 năm sau, năm 1993, tập thơ Xúc xắc mùa thu của Hoàng Nhuận Cầm lại đạt Giải thưởng Hội Nhà văn, mở đường cho anh đến với Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Hoàng Nhuận Cầm còn là một biên kịch phim nổi tiếng. Nếu như “Đằng sau cánh cửa” còn bỡ ngỡ dấu chân của một nhà thơ bước vào điện ảnh thì các phim “Đêm hội Long Trì”, “Hà Nội mùa Đông năm 46” đã mang một tầm vóc lớn. Và một bộ phim gây ấn tượng, mang đến cho Cầm giải Cánh diều vàng biên kịch 2011 là “Mùi cỏ cháy” viết về lính Hà Nội ở Quảng Trị. Ba từ “Mùi cỏ cháy” đã có trước đó trong bài thơ Phương ấy.

hnc3_fotor.webp
Hoàng Nhuận Cầm (đứng giữa, hàng 2) cùng lớp Văn A, khoá 21, Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội ngày 26/9/1977

PHƯƠNG ẤY

Đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy

Gặp lại mùi cỏ cháy suốt thời trai

Ngôi sao rơi trên dãy kẽm gai dài

Cái vùng đất không tiếng gà cất gáy

Bao hăng nồng cỏ cháy rát hoàng hôn.

Là cái phương sao quá bồn chồn

Đón thư mẹ qua bảy vòng lửa khói

Vết thương đỏ, viên đạn thì sáng chói

Chiếc lá xanh kỳ lạ trút trong đời.

Tiếng mùa mưa hồn hậu đến bên tôi

Tiếng thương nhớ không lời trên tóc mẹ

Tiếng Tổ quốc trên môi khi đạn xé

Tiếng cuối cùng khi khẩu súng nắm trên tay.

Chỗ Hiến nằm - giờ trời trắng heo may

Chỗ Thi ngủ - bình minh rơi tím đất

Mặt trận xưa, đồng trưa đưa cỏ mật

Ơi chiến hào tha thiết tuổi hai mươi.

Cái chiến hào tha thiết ở trong tôi

Xanh thăm thẳm lưng đèo giao thừa tới

Người con gái cõng mình qua đạn xối

Tình yêu thầm, kín lại lối giao liên.

Là cái phương chưa rõ cả mặt em

Chưa khóc kịp bao bạn bè nhắm mắt

Là cái phương nấm mộ người giữ đất

Chớp bên đường như một ánh sao nâu.

Phương ấy dài ngút ngút Cà Mau

Nơi trắng sóng, lá rừng xanh ngắt ngắt

Ôi phương ấy ở đâu tôi cũng gặp

Hát vô bờ chữ Đất, lá cây ơi!

Phương ấy còn ở mãi trong tôi

Ngỡ nâng lấy tay mình, ngỡ như người biết nói

Phương ấy ơi! Suốt đời như dấu hỏi

Trên hai vai tuổi trẻ - trước chân trời.

Đã có nhiều đề thi, nhiều hướng dẫn phân tích và bài phê bình về bài thơ này như một bài thơ viết về chiến tranh.

Tôi chỉ mạo muội nêu thêm một khía cạnh khác: Đây là một bài thơ tình yêu, gửi cho một người mà Hoàng Nhuận Cầm say mê. Cô ấy tên Phương, một người con gái Hà Nội tài sắc. Chính Hoàng Nhuận Cầm nói cho tôi biết chuyện ấy. Cũng như tôi biết, ở lớp đại học năm 1971, Cầm đã có một mối tình thơ mộng thuở sinh viên với một cô gái tên Th.

Trước hết, nói về một bài thơ chiến tranh. Đây là bài thơ viết sau giải phóng, hay nói đúng là hồi ức của một người lính về mặt trận. Đó là hiện thực, nhưng là hiện thực của tâm trạng.

Chiến tranh, ở Trị Thiên, mà không chỉ Trị Thiên, hiện ra với tất cả sự khốc liệt của nó: Tất cả đều bị hủy diệt, đến cả những đồng cỏ cũng cháy, không còn sinh vật nào sống sót: Một vùng đất không tiếng gà cất gáy. Một bức thư cũng phải vượt qua bảy vòng lửa khói, đây là một con số ước lệ, nó có thể nhiều hơn nữa, nó có thể đã thấm máu giao liên trước khi đến tiền tuyến hay hậu phương. Chỉ còn người lính và súng đạn mà người lính thì cũng không thể nguyên vẹn với những vết thương đỏ ròng, phơi thịt, phơi xương. Sự khốc liệt của chiến tranh, sự rõ ràng của chiến tranh được nhà thơ miêu tả trong một câu thơ rất tượng trưng: Vết thương đỏ, viên đạn thì sáng chói/ Chiếc lá xanh kỳ lạ trút trong đời. Câu thơ dồn tụ, rực lên những màu sắc tương phản, đa nghĩa. Vết thương đỏ lên đau đớn, mà đẹp đẽ, cao cả của sự hiến thân vì nước. Viên đạn sáng lên mang ý chí người lính, mang tất cả căm hờn, lý tưởng của người lính để bay về phía quân thù một cách trúng đích. Cái chết (lá xanh trút) như một sự cao cả, lại như một sự ngỡ ngàng, phi lý, kỳ lạ…

Có hai câu thơ rất nhẹ nhàng mà đau xót:

Chỗ Hiến nằm - giờ trời trắng heo may

Chỗ Thi ngủ - bình minh rơi tím đất

Hiến hay Thi hay Nam, Dũng, Quang, Cường… tên những bạn bè, đồng đội.

Nhưng Hiến và Thi đây cũng chính là nhà thơ Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân). Anh người gốc Bến Tre, theo gia đình tập kết ra Bắc, tốt nghiệp Khoa Sử, Đại học tổng hợp Hà Nội. Cuối năm 1964, vượt Trường Sơn vào miền Nam chiến đấu; hy sinh ngày 21 tháng 5 năm 1968 tại ấp Phước Quảng, Long An trong một trận càn của quân đội Mỹ ở tư thế như anh từng viết về người chiến sĩ Giải phóng quân trong bài Dáng đứng Việt Nam hai tháng trước đó, tháng 3-1968:

Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt

Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng

Và Anh chết trong khi đang đứng bắn

Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.

Chợt thấy anh, giặc hốt hoảng xin hàng

Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn

Bởi Anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm

Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công

Thi là nhà văn Nguyễn Thi (1928-1968), tên khai sinh Nguyễn Hoàng Ca, quê Nam Định, tham gia kháng chiến tại Miền Nam trong quân ngũ, tập kết ra Bắc năm 1954. Năm 1962, đang làm việc tại Tạp chí Văn nghệ quân đội, ông tình nguyện vào Nam, hy sinh ở mặt trận Sài Gòn, trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968. Trước Nguyễn Thi, ông lấy bút danh là Nguyễn Ngọc Tấn, tác giả của hai tập truyện ngắn đầy chất thơ và cũng đầy suy tư, trách nhiệm: Trăng sáng và Đôi bạn. Vào Nam, ông viết được hai tác phẩm nổi tiếng Người mẹ cầm súng và Ở xã Trung Nghĩa. Ngoài truyện, ông còn viết thơ, trong kháng chiến chống Pháp đã có những câu thơ thể hiện một trái tim dào dạt một tình yêu lớn: Những mối tình bằng nước mắt/ Có bao giờ phai nhạt em ơi/ Hái tất cả mùa xuân trên mặt đất/ Anh làm thơ yêu tặng một con người.

Phương ấy, là phương của những người tài năng nhất, anh dũng nhất. Ai không nhớ thì thôi, còn người lính thì không bao giờ quên được, không bao giờ phản bội, quên ơn những ai đã đổ máu vì Tổ quốc, vì cuộc sống hòa bình.

Sự khốc liệt của chiến tranh do đế quốc Mỹ gây ra không hủy diệt được tất cả. Ở đây còn sự bất tử. Đây là sự bất tử của tình yêu trong lòng người lính:

Tiếng mùa mưa hồn hậu đến bên tôi

Tiếng thương nhớ không lời trên tóc mẹ

Tiếng Tổ quốc trên môi khi đạn xé

Tiếng cuối cùng khi khẩu súng nắm trên tay…

Và khi trở về, sống trong thời hậu chiến, sự bất tử ấy là trách nhiệm với cuộc sống, với đồng đội:

Phương ấy còn ở mãi trong tôi

Ngỡ nâng lấy tay mình, ngỡ như người biết nói

Phương ấy ơi! Suốt đời như dấu hỏi

Trên hai vai tuổi trẻ - trước chân trời.

***

Như trên đã nói, “Phương ấy” là người con gái tên Phương. Người con gái ấy ở phố Phan Bội Châu, mang tâm hồ Hà Nội và học Văn. Cầm yêu. Đương nhiên. Người con gái ấy có yêu Cầm không? Điều này tôi không biết rõ, và chính Cầm cũng không biết rõ Là cái phương chưa rõ cả mặt em. Nhưng chắc chắn cô ấy đã rất quý Cầm, yêu bài thơ và cuộc đời của những người lính chống Mỹ.

Tôi có cảm giác rằng, là thực hay tưởng tượng, trong một đêm trong suốt, Cầm đã “áp ngực vào Phương ấy”. Và Phương đã cảm nhận được từ trái tim, từ lồng ngực trai trẻ, đầy thổn thức của Cầm cả một cuộc chiến tranh và tâm hồn người lính; cả quá khứ, hiện tại và tương lai đồng hiện. Tất cả những câu thơ đều là cảm nhận của Phương, miêu tả của Phương, tình yêu của Phương đối với Cầm và Tổ quốc.

Nay thì cả Cầm và Phương đều thành người thiên cổ.

Đời người không dài, thậm chí chỉ là thoáng chốc, chỉ như ánh sao băng.

Cầm đã ra đi như thơ anh từng dự báo:

Nhớ thu đến - Hạ đi trong trống trận

Tiễn tuổi thơ không một tiếng kèn

Đó hoa phượng, ôi mười năm hoa phượng

Rơi ngút ngàn trên những hố bom đen.

Anh bất ngờ rơi xuống giữa tay em

Mầu hoa trắng cuối cùng năm mười sáu

Những hừng đông nối nhau vào chiến đấu

Bao nốt trầm xa biếc lá me rơi...

(Dưới màu hoa rất đỏ)

Mong cho mọi lớp trẻ lớn lên, đều có một tình yêu đẹp, hồng lên cùng hoa phượng, xanh mãi thuở hoa niên, không chỉ trong khát vọng, trong dang dở như thế hệ chúng ta, phải thế không Cầm?

Hà Nội, 29 tháng 4 năm 2023