Bác ơi!

 Tết đến. Giao thừa đó

Vẫn đón nghe thơ Bác mọi lần

Ríu rít đàn em vui pháo nổ

Tưởng nghìn tay Bác vỗ sang Xuân…

(Tố Hữu – Theo chân Bác)

Ảnh tư liệu (Nguồn Internet)

Nhớ sao những 30 Tết xưa, khi các cụ già, em nhỏ quây quanh chiếc đài bán dẫn hiệu Orionton của Hung-ga-ri, Mẫu đơn của Trung Quốc hay National của Nhật Bản (mà cả làng chỉ vài ba người có) từ 10 giờ đêm, bắt đầu buổi Tiếng thơ để nghe thơ mới của Tố Hữu và đến buổi phát thanh đặc biệt lúc giao thừa để nghe Lời chúc Tết của Bác Hồ và Thơ chúc Tết của Bác. Trong điều kiện thiếu thốn thông tin của những năm 60 ấy, người ta nghe thơ Tố Hữu, thơ Bác Hồ để biết đường lối, chủ trương của Trung ương trong kháng chiến chống Mỹ ở Miền Nam và xây dựng CNXH ở Miền Bắc. Còn lũ học sinh chúng tôi, cứ nghe đài mà học thuộc lòng thơ Tố Hữu, thơ Bác. Ngoài việc cúng giỗ, thì câu chuyện sôi nổi nhất đầu năm, trong tất cả mọi nhà người Khu IV, chỉ xoay quanh Thơ chúc Tết của Bác Hồ.  Có người nhớ và thuộc hết, có người nhớ câu nọ, câu kia, chắp lại thành bài hoàn chỉnh, chỉ trong sáng Mồng Một, thì hầu như cả làng thuộc hết thơ Bác, và đó là phương hướng hành động cho cả năm. Hồi đó Trung ương không ra nhiều nghị quyết như bây giờ, và trong điều kiện phòng không, cả nước có chiến tranh, cũng không có thời gian, điều kiện học tập nghị quyết dài ngày, nên những Lời kêu gọi, những hiệu triệu, Thơ chúc Tết của Bác thành phương châm hành động của toàn Đảng, toàn Dân…

Xuân Mậu Thân 1968 là mùa xuân ta quyết định đánh thẳng vào đô thị vào các trung tâm đầu não chiến tranh của Mỹ - ngụy như Dinh Độc lập, Bộ Tổng Tham mưu, Sân bay Tân Sơn Nhất, Đại sứ quán Mỹ, Tổng nha Cảnh sát, Đài Phát thanh Sài Gòn…; đánh sập ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ; nếu thuận lợi, có thể giải phóng Miền Nam.

Cuộc Tổng Tiến công nội dậy 1968 không đạt hết các mục tiêu đã đặt ra và quân ta chịu tổn thất khá lớn nhưng đã làm rúng động thế giới, đã đánh sập ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán ở Pa-ri (từ 13-5-1968), tạo ra đà sụp đổ không gì cưỡng nổi của chế độ Sài Gòn.

Trong bài thơ chúc Tết Kỷ Dậu 1969, để khẳng định chiến thắng mang tầm chiến lược của Xuân Mậu Thân, mở đầu bài thơ, Bác quả quyết và dự báo:

Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.

Tiếp đó, Bác kêu gọi đồng bào, chiến sĩ một lòng, một dạ với khát vọng Vì độc lập, vì tự do, với chân lý “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do”. Để có được điều vô giá ấy, chúng ta phải trả bằng mọi giá, giá của máu, giá của sự bền lòng. Và đây là phương pháp: Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào!

Thơ chúc Tết Kỷ Dậu-1969 của Bác Hồ.

Cuối cùng, Bác kêu gọi và dự báo:

Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào

Bắc – Nam sum họp xuân nào vui hơn.

Trung thành với tư tưởng, “Viết cho ai, viết để làm gì”, hầu hết các bài viết của Bác hướng tới quảng đại quần chúng – lực lượng chủ yếu của cách mạng để họ dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Khi viết những bài thể hiện tâm sự riêng hay xướng họa với các bậc túc nho, ngôn từ trong thơ Bác đậm chất cổ điển và tráng lệ, cao cả khác với đời thường, chẳng hạn Khán thư sơn điểu thê song hãn/ Phê trát xuân hoa chiếu nghiễn trì (Xem sách chim rừng vào cửa đậu/ Phê văn hoa núi ghé nghiên soi).

Trong bài thơ chúc Tết cuối cùng, năm 1969, Bác viết bằng lục bát, ai đọc cũng nhớ ngay, hiểu ngay. Nhưng trong hình thức lục bát quen thuộc, giản dị ấy, chứa đựng những tư tưởng lớn chỉ đạo cả cuộc chiến tranh; sử dụng những thi pháp tinh diệu. Tinh diệu nhất là dùng lời ăn tiếng nói của Nhân dân, dễ mà không thô; ý tứ chính xác, mạch lạc như thắng lợi vẻ vang, thắng to… Khi nói về đánh giặc, dùng lối tiểu đối cân xứng, chắc nịch Vì độc lập/ vì tự do; Đánh cho Mỹ cút/ đánh cho ngụy nhào; thể hiện một kết quả không thể nào khác được.

Khi kêu gọi chiến sĩ, đồng bào thì tha thiết, ấm áp, mạnh mà không lên gân. Đọc thơ Bác, phải ở thời điểm ấy, mới thấy hết cái hay và sức mạnh lớn của một bài thơ có khuôn khổ nhỏ. Đây là lời tha thiết của lãnh tụ với Nhân dân, của người cha với đàn con, có tính giục giã, khơi dậy tinh thần hăng hái xung phong, sự tự nguyện. Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào/ Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn. Mục tiêu đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào đã giục giã, càng giục giã, phấn khởi hơn, tăng sức tiến công hơn khi đẩy thêm một bước thổi dào lên tình cảm gia đình, tình cảm Bắc Nam, khát vọng thống nhất, khát vọng hòa bình, khát vọng đoàn tụ là điều da diết nhất đã bao năm chờ đợi.

Nhạc sĩ Huy Thục là người từng phổ thành công bài thơ chúc Tết năm 1968 của Bác. Chuẩn bị đón Xuân 1969, ông được Đài Tiếng nói Việt Nam chuyển cho bản thảo bài thơ của Bác vào ngày 15-12-1968. Lúc này, nhạc sĩ mới ở Trị Thiên ra, áo quần còn vương khói bụi và những kỷ niệm chiến trường. Ngược chiều ông là những đoàn xe phơi phới chở những binh đoàn ra trận. Đọc thơ Bác, lòng ông như muốn cuốn theo những đoàn xe ấy để đi mau đến ngày chiến thắng. Với cảm xúc dâng đầy, ngày 18-12-1968, ông đã phổ xong thơ Bác, “nộp quyển” cho Đài TNVN. Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam đã điều động những nhạc công và ca sĩ nổi tiếng nhất để tập hát và phối âm. Bởi thế, ngay sau khi Bác đọc xong Lời chúc Tết trên đài, bài hát phổ thơ Bác cũng vang lên trên làn sóng như một lời hiệu triệu, cuộn dâng nô nức. Sau này, đồng chí Trần Lâm, Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Đài phát biểu: “Đây là bản nhạc rất kịp thời, thành công nhất, chất chứa âm sắc làn điệu chèo Bắc Bộ và ân tình ví dặm quê Bác, thôi thúc, giục giã lòng người”…