Đề cao sự sáng tạo của từng bản, địa phương.

Bản Trung Thành, xã Châu Thành (huyện Quỳ Hợp) có 198 hộ dân đều là đồng bào dân tộc Thái. Hiện đường đi trong bản được bê tông hơn 99%. Người dân có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, không còn tình trạng chuồng trại chăn nuôi làm sát nhà ở; mỗi nhà đều làm bờ rào, trồng hoa, cây cảnh, rau xanh, tạo cảnh quan sạch - đẹp. Một số tư tưởng lạc hậu dần được xoá bỏ, con em ở bản ngày càng quan tâm việc học, trang bị các kiến thức, kỹ năng và học nghề, kiếm việc làm. Từng hộ dân biết cải tạo chuồng trại, ruộng vườn, áp dụng kiến thức để phát triển kinh tế. Nhờ đó, số hộ nghèo ở bản từ 98 hộ (chiếm gần 50% hộ dân trong bản), trong vòng 5 năm lại đây giảm còn 42 hộ (21,21%). Theo đồng chí Lô Thanh Trợ - Bí thư Chi bộ, kết quả này là thành quả kiên trì tuyên truyền, vận động, xây dựng nông thôn mới của bản và xã, lấy sự tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên “nói đi đôi với làm” để lan toả.

Bộ mặt nông thôn mới xã Bồng Khê (huyện Con Cuông) đổi thay

Ở thôn Tân Cát, xã Bình Sơn (huyện Anh Sơn), trước yêu cầu xây dựng nông thôn mới, ban cán sự thôn tổ chức rà soát, đánh giá lại các tiêu chí chưa đạt; xây dựng kế hoạch, xác định các nội dung phải làm, dự trù kinh phí từng công trình, phần việc cụ thể, đưa ra bàn bạc, thống nhất từ chi uỷ, chi bộ, đoàn thể và họp dân trước khi triển khai. Cùng với huy động sức dân, trong đó phát huy vai trò đầu tàu, gương mẫu của cán bộ, đảng viên để lan toả; thôn Tân Cát còn viết thư kêu gọi ủng hộ của con em xa quê, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã thông qua đăng tải trên các trang Zalo, Facebook. Khi hoàn thành từng công trình, phần việc được quyết toán công khai thu – chi rõ ràng, minh bạch. Bằng cách làm cụ thể, sâu sát đó, năm 2023, xóm Bình Sơn đã hoàn thành nhiều công trình, gồm: đường giao thông; cổng chào thôn; xây dựng khuôn viên và mua sắm trang thiết bị, bàn ghế nhà văn hoá.

Lên xã miền núi Bồng Khê (huyện Con Cuông), được trưởng thôn Thanh Nam - đồng chí Võ Đức Đạo, chia sẻ: Chủ trương làm đường giao thông được cấp uỷ, chính quyền xã chỉ đạo tập trung đầu năm 2024. Đích thân lãnh đạo, công chức xã xuống cùng với thôn tuyên truyền, giải thích, vận động người dân; trực tiếp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, chỉ đạo giải toả, di dời cột điện, đường nước… Cách quan tâm, sâu sát, gần dân đó của xã Bồng Khê là động lực để từng cán bộ trong ban quản lý thôn, các chi đoàn, chi hội thôn Thanh Nam cùng tích cực hơn trong tuyên truyền, vận động dân. Nếu như trước đây, việc gì, ở đâu khó khăn là bỏ, nhưng giờ thì kiên trì để làm bằng được. Từ kiên trì, trực tiếp với dân, nói cho dân hiểu, người dân thôn Thanh Nam đã tự nguyện hiến đất, phá tường rào kiên cố và đóng góp tiền mua sỏi, thuê máy móc, nhân công đổ đường; bình quân mỗi hộ đóng 13 – 14 triệu đồng và nhiều hộ đóng 30 – 40 triệu đồng.

Mở rộng đường tại thôn Thanh Nam, xã Bồng Khê (huyện Con Cuông).

Không riêng ở thôn Thanh Nam, mà ở các thôn Tân Lập, Liên Tân, Tân Dân…, người dân cũng rất tích cực; có hộ đóng góp tiền mặt 60 – 70 triệu đồng. Nhờ đó, chỉ trong hơn 5 tháng triển khai quyết liệt, xã Bồng Khê đã mở rộng đường và bê tông 34 tuyến đường, từ 2,5 – 3 m lên 5 – 7 m (tính riêng mặt đường bê tông là 4 – 6 m); với tổng chiều dài hơn 6 km.

Thực tế, ở một xã miền núi như Bồng Khê chỉ trong một thời ngắn đã huy động sức dân đóng góp trên 2 tỷ đồng, hiến gần 7.800 m2 đất, phá dỡ hơn 7.000 m bờ rào, cùng hàng nghìn ngày công là việc không hề dễ dàng. Trao đổi của đồng chí Phan Trọng Trung – Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Bồng Khê, cho biết: Bên cạnh sâu sát với dân để tuyên truyền, vận động, phát huy tính nêu gương của cán bộ, đảng viên, thì đích thân người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền xã tích cực bám nắm các phòng, ngành cấp huyện trong di dời cột điện, trong cung ứng, hỗ trợ xi măng kịp thời. Bên cạnh tập trung xây dựng hạ tầng giao thông gắn với chỉnh trang bộ mặt nông thôn khang trang, sạch đẹp hơn, thì địa phương cũng đang tích cực đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, đồng thời tạo mọi điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư dây chuyền may vào điều bàn, giải quyết việc làm và phát triển các dịch vụ đi kèm, tạo thu nhập ổn định cho người dân, từ đó đầu tư xây dựng nông thôn mới bền vững.

Phát huy quyền làm chủ của người dân

Bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An là phát huy dân chủ, khơi dậy sức mạnh của Nhân dân thông qua cơ chế “Dân biết, dân bàn dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Đường nông thôn ở bản Trung Thành, xã Châu Thành (huyện Quỳ Hợp) được khép kín bê tông 99%.

Ở xã Tăng Thành (huyện Yên Thành), địa bàn bán sơn địa, điều kiện kinh tế thuần nông, nhưng nhờ phát huy sức mạnh của Nhân dân cùng sự đầu tư của Nhà nước đã xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2023 vừa qua. Cách làm ở xã Tăng Thành, theo chia sẻ của đồng chí Đào Văn Khai - Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã, trên cơ sở nghiên cứu các tiêu chí theo quy định; cấp uỷ, chính quyền xã đều cụ thể hoá bằng các chủ trương, công việc cần làm và đặt ra yêu cầu về quy hoạch, tiêu chuẩn, kỹ thuật… để chuyển tải, đưa thông tin đến với Nhân dân và chính người dân tự bàn bạc cách làm như thế nào. Ví dụ trong xây dựng nhà văn hoá và thiết chế văn hoá, thể thao ở xóm, xã, đặt ra yêu cầu về diện tích khuôn viên, nhà hội trường xóm phải đảm bảo ít nhất 200 chỗ ngồi và có 10 hạng mục đi kèm, gồm: sân khấu ngoài trời, cột cờ, sân bóng đá, sân bóng chuyền, đường đi bộ, khu vui chơi ngoài trời, nhà vệ sinh, bờ bao…. Trên cơ sở đó, ở các xóm, người dân tự họp bàn cách triển khai, thành lập các ban xây dựng, ban vận động, ban giám sát đầu tư cộng đồng… Theo đó, ở mỗi xóm có một cách vận động nguồn lực riêng; có xóm người dân đồng thuận huy động đóng góp từ trẻ sơ sinh đến người 80 tuổi, hoặc từ 6 tuổi đến 70 tuổi với một mức chung; có xóm chia nhiều mức huy động, gồm từ sơ sinh đến 6 tuổi là 1 mức, từ 6 tuổi đến 60 tuổi là 1 mức, không huy động trên 60 tuổi…, để làm nhà văn hoá gắn với các thiết chế đồng bộ. Tương tự làm đường giao thông nông thôn, xã cũng đưa ra định hướng tối thiểu về bề rộng của nền đường và mặt đường bê tông, nhựa là bao nhiêu mét, hệ thống thoát nước, cây xanh như thế nào; còn việc triển khai làm do người dân tự họp bàn thống nhất và trở thành tài sản của dân, dân hưởng thụ và dân tự có quy chế bảo vệ chăm sóc mang tính bền vững. Trong phát triển kinh tế, trên cơ sở định hướng và quy hoạch của địa phương, người dân cũng chủ động, sáng tạo phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tạo thu nhập với bình quân thu nhập đạt hơn 77 triệu đồng/người/năm. Đời sống văn hoá, thể thao của người dân được chăm lo khi cơ sở vật chất văn hoá, thể thao từ xã đến xóm được đầu tư đồng bộ. Ngoài sân thể thao hơn 10.000 m2 và 2 sân thể thao nhân tạo chung của xã; ở 7/7 xóm đều quy hoạch được khu văn hoá, thể thao, vui chơi giải trí cho người dân có quy mô 3.500 - 6.500 m2/xóm và đầu tư đồng bộ các hạng mục: nhà văn hoá, sân khấu ngoài trời, sân bóng đá, sân bóng chuyền hơi, đường dạo bộ, bộ dụng cụ thể dục ngoài trời, đu quay, tủ sách, nhà vệ sinh tự hoại… Hệ thống giao thông được nâng cấp đồng bộ đến từng hộ gia đình gắn với hệ thống cây xanh, thảm hoa, tạo không gian xanh - sạch - đẹp – văn minh, trở thành miền quê đáng sống.

Làm đường giao thôn nông thôn tại ở bản Trung Thành, xã Châu Thành (huyện Quỳ Hợp).

Kết quả huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới từ năm 2016 đến năm 2023 ở xã Tăng Thành là hơn 208 tỷ đồng; trong đó Nhân dân đóng góp chiếm gần 58%, tương đương hơn 120 tỷ đồng; doanh nghiệp ủng hộ 1,4%, tương đương 2,8 tỷ đồng.

Cũng chú trọng phát huy quyền làm chủ, xã Nghi Lâm, từ một địa phương có điểm xuất phát thấp hơn so với các địa phương trong huyện, địa phương này đã vươn lên và trở thành 1 trong 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của huyện Nghi Lộc. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, cấp uỷ đã phân công rõ trách nhiệm từng đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban chấp hành và cán bộ, công chức phụ trách lĩnh vực, xóm; trực tiếp họp cùng dân tuyên truyền, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và chủ động tìm biện pháp, giải pháp giải quyết theo chức trách, nhiệm vụ hoặc báo với cấp uỷ, chính quyền cùng vào cuộc. Về cách thức, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, đồng chí Trần Văn Bình – Bí thư Đảng uỷ xã nhấn mạnh: Cấp uỷ, chính quyền và hệ thống chính trị nhất quán tư tưởng, quan điểm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” gắn với thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”. Việc tôn trọng dân, tin dân của cán bộ, công chức, đã thực sự phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, dấy lên phong trào cùng chung sức, đồng lòng, đóng góp tiền của và ngày công hoàn thành từng nội dung, tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Một con số để minh chứng sức dân to lớn, đó là trong tổng hơn 192 tỷ đồng huy động xây dựng nông thôn mới nâng cao từ đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025 đến nay, thì người dân đã ủng hộ 123 tỷ đồng cùng với tự nguyện hiến 2.300 m2 đất; đóng góp hơn 11.000 ngày công lao động để làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hoá, chỉnh trang cảnh quan nông thôn…

Từ việc thực hiện tốt phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, các địa phương trong tỉnh đã khơi dậy sức mạnh và nguồn lực cô cùng lớn trong Nhân dân để xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Tính riêng năm 2023, Nhân dân đã đóng góp gần 537 tỷ đồng; hiến 97.132 m2 đất; đóng góp 450.939 ngày công lao động và tự nguyện phá dỡ nhiều công trình kiến trúc, cây cối, hoa màu… Dự kiến năm 2024, sẽ huy động đóng góp từ người dân khoảng gần 500 tỷ đồng, bao gồm tiền mặt và ngày công, hiến đất quy đổi. Chính nhờ sự đồng thuận chung sức, đồng lòng của người dân, đến thời điểm này, Nghệ An có tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới khá cao, chiếm 77,85%, tương đương 320/411 xã; trong đó có 101 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 31,56% và 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, chiếm 5% xã nông thôn mới); 9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới và 1 đơn vị đang trình Trung ương thẩm định công nhận (thời điểm đến tháng 9/2024)./.