Nhiều văn bản còn chồng chéo, thiếu tính đồng bộ

Trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành trung ương đã ban hành hơn 200 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đội ngũ nhà giáo. Các văn bản có nội dung điều chỉnh khá rộng, từ chế độ đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá đến những nội dung cụ thể, đặc thù, như: chuẩn nghề nghiệp giáo viên viên mầm non, phổ thông, các chương trình bồi dưỡng giáo viên, khen thưởng, tiền lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên... đã giúp các địa phương, cơ sở giáo dục xây dựng Đề án vị trí việc làm, thực hiện việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Tuy nhiên, các quy định pháp luật về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục còn được quy định tại nhiều văn bản khác nhau, thiếu tính đồng bộ, thống nhất, thậm chí chồng chéo, gây khó khăn cho việc tra cứu, áp dụng trong thực tiễn; nhiều vấn đề chưa được điều chỉnh.

doan-giam-sat-ban-van-hoa-xa-hoi-lam-viec-tai-truong-mam-non-chau-hoi-quy-chau-ve-viec-thuc-hien-chinh-sach-phap-luat-doi-voi-giao-vien-can-bo-quan-ly-giao-duc.jpg
Đoàn giám sát Ban Văn hóa-Xã hội làm việc tại Trường Mầm non Châu Hội - Qùy Châu về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục

Trên địa bàn huyện Qùy Châu có 37 trường học/12 xã, thị trấn và 01 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Tổng số giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn toàn huyện: 1.015 người. Trong những năm qua, các chế độ, chính sách đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được huyện quan tâm, triển khai thực hiện theo đúng quy định. Cô Lương Thị Hà - Phó Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Qùy Châu cho rằng: trong quá trình triển khai thực hiện các quy định, cho thấy còn có bất cập so với thực tiễn như: chế độ tăng cường Tiếng Việt, lớp ghép được quy định tại Nghị định 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính chỉ quy định giáo viên dạy tại điểm trường lẻ mới được hỗ trợ, còn giáo viên dạy ở điểm trường chính không được hỗ trợ, trong khi điểm trường chính có rất đông con em là người dân tộc thiểu số theo học; việc thực hiện trợ cấp lần đầu được quy định tại Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 08/10/2019 của Chính phủ quy định giáo viên tại địa bàn xã công tác tại trường không được hưởng chế độ nhưng giáo viên từ nơi khác đến dạy tại trường lại được hưởng chế độ; bất cập trong việc thực hiện chế độ đứng lớp đối với giáo viên nghỉ sinh (giáo viên ở miền xuôi thì được hưởng, nhưng giáo viên ở địa bàn khó khăn thì không được hưởng chế độ)....điều này đã gây khó khăn, lúng túng trong triển khai thực hiện

dong-chi-dau-thi-huong-lan---chuyen-vien-phong-to-chuc-can-bo--so-giao-duc-va-dao-tao-trao-doi-nhung-bat-cap-tu-cac-quy-dinh.jpg
Đồng chí Đậu Thị Hương Lan - Chuyên viên phòng Tổ chức cán bộ- Sở Giáo dục và Đào tạo trao đổi những bất cập từ các quy định

Trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn có 67 trường học/23 xã, thị trấn và 01 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Tổng số giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tại các cơ sở giáo dục là 1.602 người. Trên địa bàn huyện các chính sách đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đã được thực hiện kịp thời, tuy nhiên có một số khó khăn, bất cập từ các quy định như: quy định về thuyên chuyển, biệt phái giáo viên nhất là chế độ đối với giáo viên biệt phái về phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện còn bất cập, chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non còn thấp, chưa tương xứng với thời gian làm việc,…. Đây cũng là bất cập được huyện Hưng Nguyên phản ánh khi làm việc với Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh.

Theo đồng chí Nguyễn Song Hào - Trưởng phòng Nội vụ huyện Nghĩa Đàn cho rằng: Khi bổ nhiệm vào một ngạch công chức làm việc tại phòng, sở, sẽ không còn được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên do Quyết định số 42/2011/QĐ-TTg bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động làm công tác quản lý giáo dục đã hết hiệu lực; còn Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo thì quy định giảng viên, giáo viên chuyển về phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ không được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo. Sự bất cập này đã gây nhiều khó khăn trong việc luân chuyển giáo viên giỏi có kinh nghiệm, có chất lượng về công tác tại phòng, ban, sở để đáp ứng yêu cầu mà thực tiễn đặt ra.

hinh-anh-minh-hoa.jpg
Ảnh minh họa

Làm rõ những bất cập trong các quy định liên quan đến chính sách đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, đồng chí Đậu Thị Hương Lan - Chuyên viên phòng Tổ chức cán bộ - Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng hiện nay trong các quy định đang còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn như: Việc quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nhà giáo chưa đồng bộ, thống nhất giữa Nghị định số 76/2019/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC. Do đó, xảy ra tình trạng bất cập, khi nghỉ thai sản, giáo viên công tác tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không được hưởng phụ cấp ưu đãi theo quy định tại Nghị định 76/2019/NĐ-CP, còn các vùng còn lại vẫn được hưởng phụ cấp ưu đãi theo Quyết định số 244/QĐ-TTg. Mặt khác, các văn bản của các Bộ, ngành liên quan trong việc xác định tiêu chí xã miền núi còn có mâu thuẫn, chồng chéo, dẫn đến việc xác định căn cứ pháp lý tính hưởng mức phụ cấp ưu đãi của các cơ sở giáo dục ở xã, phường, thị trấn thuộc vùng miền núi gặp khó khăn, bất cập, thiếu thống nhất trong thực hiện, như: việc thực hiện chi trả phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên công tác vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khi nghỉ thai sản: có địa phương chi trả (Qùy Hợp, Nghĩa Đàn chi trả nhưng chi trả ở mức 50% theo quy định tại Quyết định 244/2005/QĐ-TTg thấp hơn mức chi trả được quy định tại Nghị định 76/2019/NĐ-CP ngày 08/10/2019), nhưng có địa phương lại không chi trả (Qùy Châu, Con Cuông, Kỳ Sơn).

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục

Từ những bất cập trên mong rằng trong thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhất là chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, kịp thời điều chỉnh những bất cập phù đảm bảo công bằng và phù hợp với thực tiễn như: xem xét bảo lưu chế độ phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên biệt phái về phòng Giáo dục và Đào tạo; thống nhất quy định về ưu đãi nghề trong trường hợp giáo viên nghỉ chế độ thai sản theo Thông tư số 01/2006/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC và Nghị định số 76/2019/NĐ-CP; quy định cụ thể các vùng, đơn vị hành chính thuộc miền núi, đồng bằng, trung du,…để các địa phương xác định mức phụ cấp ưu đãi phù hợp... Từ đó, tạo điều kiện thuận cho các địa phương thực hiện thống nhất, đảm bảo quyền lợi của giáo viên, góp phần xây dựng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.

Nguyễn Thị Vân

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh