Vì sao chỉ tiếp tục giảm 2% thuế GTGT trong 6 tháng?
Chiều 1/6, giải trình và làm rõ một số nội dung liên quan việc giảm 2% thuế GTGT theo Nghị quyết 43, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, theo tờ trình, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT 2% từ 1/7/2023 đến hết năm. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng thời gian giảm là ngắn và đề nghị kéo dài thời gian giảm đến hết năm 2024 hoặc 2025.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính nêu rõ, phương án trình đã được Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội thẩm tra và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp này.
Thêm vào đó, Nghị quyết 43 chỉ có hiệu lực cho đến hết năm nay. Phương án trình phù hợp với cân đối ngân sách và mục tiêu chính sách nhằm kích cầu tiêu dùng và giải quyết khó khăn một cách tức thời, tức là trong giai đoạn hiện nay.
"Vì những lý do đó cho nên phương án đề xuất là giảm 2% thuế GTGT trong 6 tháng", Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận chiều 1/6. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Liên quan đến đề xuất đưa ô-tô vào diện được giảm thuế GTGT 2% (áp dụng mức thuế suất 8%), bao gồm cả dòng xe dưới 24 chỗ ngồi, Bộ trưởng Tài chính cho biết, ô-tô là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, không thuộc phạm vi của Nghị quyết 43. Ô-tô không nằm trong diện được giảm thuế là do chính sách này tập trung giảm thuế cho những lĩnh vực thiết yếu.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, vấn đề là phải làm mọi cách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả bằng việc tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, tạo ra một thị trường tốt hơn sẽ có tác dụng lớn hơn việc giảm thuế.
Về đề xuất giảm 50% phí trước bạ với ô-tô trong nước, Bộ trưởng Tài chính cho biết đã trình với Chính phủ và Chính phủ đã đồng thuận với kiến nghị này.
Sửa Luật Đầu tư công để khắc phục giải ngân chậm
Tại phiên họp, Bộ trưởng Tài chính cũng báo cáo làm rõ về các vấn đề liên quan quyết toán ngân sách. Trước ý kiến của một số đại biểu về giao vốn chậm, bổ sung nhiều lần, chuẩn bị đầu tư dài, chuyển nguồn lớn…, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng cần tư duy thiết kế lại Luật Đầu tư công, nếu không năm nào cũng sẽ có chung nhận định giải ngân chậm.
Bộ trưởng chỉ rõ, hiện nay công tác chuẩn bị đầu tư quá lâu, kéo dài từ khi có chủ trương đầu tư rồi đến phê duyệt dự án, thiết kế, phê duyệt thiết kế, tổng dự toán, lập hồ sơ mời thầu, tiến hành đấu thầu, đền bù giải phóng mặt bằng...
Trong khi đó, phần thi công xây lắp và quyết toán lại nhanh. Do đó, Bộ trưởng đề nghị Quốc hội ủng hộ để thiết kế lại Luật Đầu tư công.
Bộ trưởng Tài chính cũng đề nghị hoàn thiện pháp luật ở một số lĩnh vực như hay ngân sách phải linh hoạt hơn, chủ động hơn.
Theo đó, có thể giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định các danh mục đầu tư, phân cấp về vấn đề rừng, đất, tách phần đền bù giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án, sử dụng dự phòng đầu tư công, dùng ngân sách cấp này để chi cho ngân sách cấp khác…
Bộ trưởng nhấn mạnh, Chính phủ vừa qua rất nỗ lực trong vấn đề hoàn thiện pháp luật. Trong năm 2022, Chính phủ đã ban hành 103 Nghị định, trong đó Bộ Tài chính chiếm khoảng 33%. Bộ cũng tham mưu cho Chính phủ ban hành 34 Nghị định và 77 Thông tư.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, muốn giải quyết các nút thắt phải tập trung hoàn thiện pháp luật, dùng một luật để sửa nhiều luật, dùng một nghị định để sửa nhiều nghị định nhưng phải tổng hợp hết những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn để hóa giải được những nút thắt.