Xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp là phù hợp
Dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội có quy định tiền lương nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Theo ĐBQH Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang), trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 Khóa VIII về “định hướng chiến lược phát triển giáo dục đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000” và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” đã khẳng định: Lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm chế độ phụ cấp phù hợp với tính chất công việc và theo vùng theo quy định của Chính phủ.
Những quan điểm, chủ trương của Đảng nêu trên thể hiện sự nhất quán, rõ ràng mối quan hệ biện chứng giữa chế độ đãi ngộ về tiền lương đối với trọng trách, sứ mệnh của nhà giáo trong việc đào tạo nguồn nhân lực, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, trên thực tế, Điều 76, Luật Giáo dục năm 2019 mới chỉ quy định nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp, được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ. Như vậy, việc triển khai chính sách này qua luật, qua thực tế cuộc sống và giữa chủ trương của Đảng chưa đồng nhất với nhau, đại biểu nêu rõ.
Hiện nay, nhà giáo vẫn hưởng mức lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức viên chức và lực lượng vũ trang nên chưa phù hợp. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu phát triển chính sách của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã có đề tài nghiên cứu về đời sống nhà giáo vùng Nam Bộ. Qua khảo sát tại 3 tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh và Hậu Giang cho thấy, thu nhập nghề giáo khi không có nhóm nghề tay trái, chỉ đáp ứng trung bình 51,87% nhu cầu chi tiêu hàng tháng; còn có nghề tay trái thì đáp ứng 62,55%, giáo viên có thâm niên dưới 10 năm là 45,7%. Dẫn ví dụ nêu trên, đại biểu Châu Quỳnh Dao bày tỏ thống nhất cao với quy định trong dự thảo Luật lần này, đó là tiền lương nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Cùng quan điểm, ĐBQH Lê Thị Ngọc Linh (Bạc Liêu) nhấn mạnh, việc quy định chính sách ưu tiên về chế độ tiền lương và phụ cấp cho các đối tượng nhà giáo là cần thiết và phù hợp, nhằm khuyến khích thu hút nguồn nhân lực và những người giỏi sẽ tham gia vào ngành sư phạm nhiều hơn, giúp ngành giáo dục ngày càng bảo đảm về số lượng và tốt về chất lượng. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát kỹ, bảo đảm đúng và trúng đối tượng được thụ hưởng.
ĐBQH Thái Văn Thành (Nghệ An) khẳng định, chính sách mới về tiền lương, phụ cấp có ảnh hưởng rất lớn đến nhà giáo. Nếu Luật được ban hành và có hiệu lực sẽ nhanh chóng giải quyết được những khó khăn về đời sống của nhà giáo, nhất là đối với nhà giáo cấp học mầm non, chuyên biệt hay nhà giáo công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Nên nghiên cứu xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo
Đồng tình về mặt chủ trương, song theo ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh), quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp là chưa rõ ràng, dễ dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau.
Đại biểu cũng lưu ý, các phụ cấp ưu đãi nghề chưa đủ hấp dẫn, đặc biệt đối với nhà giáo công tác vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Việc ưu tiên nhà giáo ở các ngành nghề đặc thù còn thiếu cơ chế cụ thể về mức độ ưu tiên, khiến chính sách khó thực thi đồng bộ, dẫn đến nhà giáo không cảm thấy được bảo đảm về thu nhập, đặc biệt ở các vùng khó khăn, dẫn đến tình trạng thiếu hụt giáo viên ở những nơi này.
Do đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo, bảo đảm mức lương cao hơn rõ ràng so với các ngành khác trong khối hành chính sự nghiệp. Đồng thời, tăng phụ cấp ưu đãi nghề, đặc biệt ở các khu vực khó khăn với tỷ lệ phụ cấp từ 50 - 100% tùy theo mức độ đặc thù của từng địa phương. Quy định rõ mức độ ưu tiên và cơ chế thực thi cho nhà giáo ngành nghề đặc thù, bảo đảm công bằng, hiệu quả.
Từ thực tiễn công tác tại ngành giáo dục, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết, đội ngũ nhà giáo đang chiếm 70% đội ngũ viên chức trong toàn bộ lực lượng của xã hội, trong khi chúng ta lại áp bảng lương của hệ thống viên chức cho đội ngũ nhà giáo, kể cả quy định xếp ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp cũng không phù hợp.
Do đó, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị, cần xây dựng một bảng lương riêng cho 70% đội ngũ viên chức là nhà giáo để phù hợp với đặc điểm và vị trí công việc của mỗi người thầy. Chế độ tiền lương cần bù đắp thỏa đáng hao phí lao động để nhà giáo yên tâm, say sưa, tâm huyết với nghề, "không phải lo làm thêm để kiếm sống". Và, để nhà giáo yên tâm công tác, đại biểu kiến nghị phải quy định nhà giáo là đối tượng được mua nhà ở xã hội như quy định đối với đối tượng sĩ quan trong quân đội.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn xúc động bày tỏ: “Kỷ niệm ngày 20.11 năm nay rất đặc biệt, niềm hạnh phúc của các nhà giáo lại được nhân lên rất nhiều vì đúng vào thời điểm này, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Nhà giáo. Chưa nói đến nội dung, chỉ riêng việc Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội về dự án Luật Nhà giáo đã là một sự ghi nhận, động viên rất to lớn đối với nhà giáo”.
Liên quan đến vấn đề đại biểu nêu về tiền lương nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập, Bộ trưởng nêu rõ, khi xây dựng các văn bản luật, Bộ cũng có cái nhìn tổng thể với ngành khác, chứ không muốn "ngành của mình có gì đặc quyền, đặc lợi hay có một điều gì đó ưu ái, bất thường".
“Nhà giáo vốn dĩ là những con người sống trách nhiệm, bao dung, vị tha, không thể nào mình sống sung sướng mà bên cạnh mình những người khác nghèo hơn mình, nhà giáo không chấp nhận điều đó. Chỉ có điều, một phần rất lớn trong số 1,6 triệu nhà giáo vẫn còn ở mức chưa đủ sống; và khi chưa đủ sống thì khó có thể toàn tâm, toàn ý dạy học được”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chân thành.
Bộ trưởng cũng nêu rõ, đối với một đất nước khi vừa mới thoát nghèo, cũng chưa phải một nước giàu, nên khi cần ưu tiên, chắc chắn không thể "dàn hàng ngang" ưu tiên cho tất cả mọi ngành, mọi lĩnh vực. Cho nên, khi xét một đột phá chiến lược là quốc sách hàng đầu, thì dứt khoát phải có "một vài sự ưu tiên". Cụ thể, lương thế nào để bảo đảm được cuộc sống ở mức tối thiểu cho nhà giáo, thì dự thảo Luật có quy định nguyên tắc, còn lại Chính phủ sẽ quy định cụ thể.
Với 90 ý kiến thảo luận tại tổ và 37 ý kiến thảo luận tại hội trường với dự án Luật Nhà giáo, Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến, đồng thời nêu rõ, "khó khăn của nhà giáo chỉ là một phần lý do để xây dựng luật, chính yếu là phải chú trọng phát triển lực lượng nhà giáo".