Nhac-si-An-Thuyen--Anhtieude.jpgnhac-si-an-thuyen--sapo.jpg

Nhạc sỹ An Thuyên đã đến với cõi hồng trần bởi một nét duyên riêng. Có lẽ vì vậy, mà cả cuộc đời mình, ông đau đáu, nặng lòng yêu thương con người, đặc biệt là những số phận thiệt thòi, kém may mắn. Trong ký ức của bè bạn, người yêu nhạc, Ông - người nhạc sỹ có trái tim rộng lớn, đã yêu đến tận cùng Nhân dân, đất nước, quê hương mình, đã tận hiến đến phút giây cuối cùng cho nền âm nhạc Việt Nam.

1.jpgNhạc sỹ An Thuyên sinh ra và lớn lên ở làng Kẻ Đáy, thôn Quỳnh Kim, huyện Quỳnh Lưu, nay thuộc phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai. Xưa kia, vùng đất này được bao bọc tứ bề là sông. Người làng quanh năm sống bằng nghề đan đáy, thả sông, trì trật trên vùng chiêm trũng, xăn quần chấm bẹn, mà đời sống vẫn đạm bạc, nghèo khó. Có lẽ vì vậy mà miền đất ao chuôm chua mặn, cùng cái nghèo của quê hương cứ day dứt, ám ảnh ông trong suốt cuộc đời. An Thuyên từng tâm sự: Trong âm nhạc của tôi, có một niềm đau đáu, đó là quê mình nghèo. Trong các ca khúc của tôi không bao giờ tôi viết chữ nghèo, Neo đậu bến quê, Ca dao em và tôi, Hà tĩnh mình thương, Huế thương.... không có một từ nghèo nào, nhưng đó là nỗi day dứt lớn nhất của tôi. Khi mình sống đó, mình thấy bình thường nhưng khi mình ra đi, càng thương quê hương hơn, càng thương đất nước mình nghèo.

nhac-si-an-thuyen--a1.jpg

Dẫu vậy, ít có vùng đất nào mà đời sống tinh thần lại phong phú, sôi động với nhiều hình thức văn nghệ dân gian như mảnh đất này. Gia đình nhạc sỹ An Thuyên vốn là một gánh hát, với các thành viên: bố, các anh, chị đều là diễn viên, còn An Thuyên lúc ấy cũng tham gia như một nhạc công nhí nhỏ tuổi. 11 tuổi An Thuyên đã biết thổi sáo, kéo nhị, theo gia đình lưu diễn khắp nơi. Cụ Trịnh Xuân Mao xóm 5 - Tiến Thành - Quỳnh Thắng vẫn nhớ rõ những ngày dạy và học đầy thú vị với cậu bé An Thuyên. Lúc đó, thời gian chủ yếu dành cho việc sản xuất nông nghiệp của hợp tác xã, thầy và trò tranh thủ học bất kỳ khi nào và thường học trực tiếp ngay trên các nhạc cụ. Những gam nhạc đầu tiên được học trên chính mảnh sân của ông giáo làng. Điều khiến cụ Xuân Mao ngạc nhiên là An Thuyên học đâu nhớ đó, chẳng mấy chốc đã thuộc nằm lòng các bài học của thầy.

Những bài học vỡ lòng đó đã chắp cánh cho niềm đam mê âm nhạc trong con người chàng thiếu niên An Thuyên, để bung tỏa thành những bản nhạc mà từ năm 1965, nhiều người đã phải ngỡ ngàng. Ngay từ khi mới võ vẽ học nhạc, An Thuyên đã làm cả làng, cả xã ngạc nhiên, tự hào khi sáng tác thành công bài Nối gót anh hùng. Với những nét nhạc hào sảng của một người cộng sản dám quên mình cho đất nước, ca khúc đã đưa đến nguồn cảm hứng mới mẻ, để An Thuyên tự tin bước vào con đường mà mình đã lựa chọn.

nhac-si-an-thuyen-trong-1-lan-ve-tham-que.jpg
Nhạc sĩ An Thuyên trong một lần đi thực tế sáng tác tại quê nhà. Ảnh: Tư liệu

2.jpg

Sau khi tốt nghiệp trường Văn hóa nghệ thuật Nghệ An, An Thuyên được điều về công tác tại phòng Văn nghệ của Ty văn hóa Nghệ An. Đây là những năm tháng để lại những dấu ấn quan trọng trong cuộc đời và sáng tác của ông. Để có được những câu hát dân gian thắm đượm hồn cốt của quê hương xứ sở, ông đã cùng các cộng sự miệt mài về với các làng quê, tìm gặp rất nhiều nghệ nhân để chắt lọc, gìn giữ những câu hò, điệu ví dân gian mang tâm hồn, cốt cách của con người, quê hương xứ Nghệ. Trong gần 5 năm, suốt một dải sông Lam từ Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên về Cửa Hội, qua Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành về Nghi Lộc, cứ thế, ông miệt mài đi, miệt mài ghi chép, học hỏi, mặc đạn bom, mặc sốt rét ác tính, ngã nước “thập tử nhất sinh”... Năm năm đó, trái tim ông đã cùng chung nhịp đập với những thổn thức, buồn đau..., khát khao mãnh liệt của người lao động xứ Nghệ. Tâm hồn ông đắm đuối trong dòng suối dân gian vô cùng phong phú ấy, tạo nên một lối đi riêng trong nền âm nhạc Việt Nam. Nhạc sỹ Văn Thế vẫn nhớ: năm 1972, trong chuyến đò dọc lên các xã Thanh Lĩnh, Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, với nhạc sỹ An Thuyên và nghệ nhân Nguyễn Trọng Đổng, ông đã ghi âm được làn điệu Đại Thạch do nghệ nhân Trọng Thìn ở Cát Văn đàn hát. Chuyến đi kỳ thú, để lại nhiều kỷ niệm khó quên về An Thuyên và cái cách ông tìm hiểu, khai thác vốn văn hóa dân gian xứ Nghệ.

Những chuyến đi vào với đời sống người dân, học từ văn hóa dân gian, để chất dân gian thắm đượm trong mỗi mạch máu, với nhạc sỹ An Thuyên là niềm hạnh phúc lớn. Đó là suối nguồn theo năm tháng bồi đắp và làm nên nét riêng có trong âm nhạc An Thuyên. Năm 1972, ca khúc Em chọn lối này, ông viết chỉ trong một giờ đồng hồ, khi cùng các chiến sỹ công binh mở đường tại huyện Tương Dương. Tới năm 1978, tại Hội diễn quân khu 4, ca khúc này lần đầu tiên vang lên qua sự thể hiện của đội văn nghệ Tỉnh đội Nghệ An và sau đó, lan tỏa rộng rãi qua tiếng hát của ca sỹ Thanh Hoa. Đúng như tên của ca khúc, An Thuyên đã chính thức bước vào một hành trình, một lối đi riêng, mà mỗi nhịp đập trong huyết quản ông đều vang lên khao khát, đưa âm nhạc đến gần hơn với công chúng qua những tác phẩm hiện đại mà rất đậm chất dân gian.

11.jpg

Năm 1978, nhạc sỹ An Thuyên được điều về tổ sáng tác của Đoàn Văn công Quân khu 4. Một năm sau, đoàn sơ tán về xã Nam Tiến, Nam Đàn. Tại đây An Thuyên đã có cơ hội gặp gỡ, chuyện trò với người dân Kim Liên, nghe lại những câu hát phường vải, và cả những câu chuyện chân thực, cảm động về Bác Hồ. Lòng thương nhớ Bác luôn dạt dào trong trái tim rất nhạy cảm của người nhạc sỹ. Chính điều đó đã thôi thúc ông viết bài hát Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác chỉ trong một đêm, trong giàn giụa nước mắt. Hình ảnh chân thực của vị lãnh tụ vĩ đại hiện lên trong rộng dài câu ví, giặm đã đi vào âm nhạc Việt một cách cảm động, ấm áp và thiết tha tình đời như thế. Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo nhận xét: “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác rất đậm đà chất liệu của ví phường vải, ví đò đưa và của những điệu giặm Nghệ - Tĩnh. Nhịp của điệu giặm vè và ví đò đưa đã ngấm sâu vào An Thuyên tự bao giờ, tạo ra một bài hát rất mới mẻ, bởi vì tất cả sự thân thuộc của dân ca đã ngấm vào và được anh phát triển lên, tạo ra một phần nhịp chậm của ví và nhịp nhanh của vè giặm. Hai tiết tấu đó cộng lại, làm cho bài hát vô cùng sinh động...”

Làng Đáy nghèo khó năm xưa, âm hưởng ví, giặm luôn là điểm tựa trong các sáng tác của An Thuyên. Năm 1993, khi gặp những cay đắng, va đập của cuộc đời, tâm hồn ông lại miên man trở về với bến nước, con đò xưa, như tìm về miền cứu rỗi. Tác phẩm Neo đậu bến quê chính là sự trở lại của nhạc sỹ với quê hương trong tâm tưởng, một bến quê đẹp như bức tranh, hun hút trong niềm nhớ nhung, và buồn, một nỗi buồn trong trẻo, man mác và thấm thía đến lạ lùng.

Suốt cả cuộc đời mình, nỗi ám ảnh làng quê Việt, sự ngọt ngào của những câu dân ca đã chắp cánh cho âm nhạc của An Thuyên tỏa sáng, một vẻ đẹp dung dị, đằm thắm mà đầy tình tứ, lãng mạn nơi thôn quê. Đó cũng là kết quả của sự giao thoa giữa nét hồn hậu, sâu lắng trong văn hóa Nghệ và sự bay bổng của văn hóa xứ Bắc, sự sang trọng cổ xưa của Huế, nét rộn ràng, khoáng đạt của văn hóa Tây Nguyên... để có những tác phẩm lay động lòng người như: Huế thương, chiều sông Thương, Hà Nội tình yêu của tôi, Đi tìm bóng núi, Tình ca mặt trời,... Trong đó, Ca dao em và tôi được xem là điển hình trong chùm ca khúc về quê hương của nhạc Việt.

Nhac-si-An-Thuyen--A3.jpg3.jpg

Có lẽ, khí chất người Nghệ, sự bộc trực khảng khái, sự quyết liệt đến cực đoan, nhưng tình nghĩa đến thiết tha đã ảnh hưởng nhiều đến nhạc sĩ An Thuyên, đã góp phần làm nên những thành công của ông trong con đường sự nghiệp.

Nhạc sỹ An Thuyên về công tác tại trường Văn hóa nghệ thuật quân đội khi nhà trường đang đứng trước bờ vực giải thể, chỉ có 7 giáo viên và 14 học viên. Những ngày đó, trường còn là dãy nhà lá. Không có phòng thu, thầy trò nắm tay nhau luyện thanh bên những đống gạch vụn. Thầy An Thuyên đã cất công mời các thầy giỏi về xây dựng trường, lặn lội lên rừng xuống biển, tìm được các tài năng, đặc cách mời về trường học tập. Dám làm, dám chịu trách nhiệm, ông dám phá bỏ tất cả các cơ chế cũ, làm nên một nhà trường có hình hài mới. Ông cùng các đồng sự miệt mài không quản ngày đêm, giảng dạy, biểu diễn, làm tất cả để gây dựng nên một ngôi trường có uy tín trong công tác đào tạo. Với phương châm, dạy cái xã hội cần, đào tạo gắn liền với thực tiễn, học sinh của trường luôn gắn học với hành, đồng thời được tiếp cận với những phương pháp giảng dạy tiên tiến, hiện đại trên thế giới.

Trong nhiều năm qua, trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội đã là cái nôi để đào tạo nên những lớp nghệ sỹ được công chúng yêu mến như: Hồ Quỳnh Hương, Phạm Phương Thảo, NSƯT Thanh Thúy, Lưu Hương Giang, Bùi Lê Mận, Văn Mai Hương... Hàng trăm người con vùng dân tộc ít người được ông tuyển về, tạo điều kiện học tập, trở thành những tài năng - những người chiến sỹ trên mặt trận văn hóa, bảo vệ miền đất thiêng của quê hương nơi miền núi, hải đảo.

Đối với học sinh, thầy An Thuyên dường như không có khoảng cách. Ấn tượng về thầy là sự gần gũi, là tấm lòng độ lượng và nhân ái vô bờ. Đến bây giờ, gợi lại ký ức, NSUT Phương Thảo vẫn vô cùng xúc động: “Gần như nhiều lúc Thảo quên mất rằng, đó là một người thầy của mình. Bởi vì thầy quá gần gũi. Khi mà Thảo là học sinh, có lẽ trên đời này rất hiếm có một An Thuyên thứ hai, trong vai trò là Hiệu trưởng mà không có khoảng cách với học trò, không chỉ Thảo, tất cả học sinh của trường Nghệ thuật quân đội cũng có cảm nhận như vậy”

Nhac-si-An-Thuyen-va-ban-be.jpg
Ảnh trái sang, trên xuống: Nhạc sĩ An Thuyên và nhạc sĩ Nguyễn Cường; Nhạc sĩ và bạn bè; Nhạc sĩ An Thuyên trao đổi với nhạc sĩ Giáng Son; Nhạc sĩ cùng với con trai là nhạc sĩ An Hiếu (ngồi trong) họp bàn dự án âm nhạc mới. Ảnh: Tư liệu

Từ tấm bé, Nhạc sĩ đã thấm cái nghèo khó của làng quê, nên đến khi có dư dả hơn, món ăn ngon nhất với ông, vẫn là cá trích kho mặn, tấm áo đẹp nhất vẫn là áo trắng đơn sơ. Có lẽ vì thế mà ông dễ đồng cảm hơn với những số phận kém may mắn chăng? Ông đã đặc cách vào trường cho những cô bé chân đất từ các vùng quê, chưa biết chút gì đến nhạc lý, chỉ có một niềm đam mê âm nhạc và tài năng thiên bẩm. NSƯT Bích Ngọc là một trong rất nhiều học trò như vậy của ông. Thầy đã trực tiếp dìu dắt chị trong quãng thời gian học ở trường, giúp chị vượt qua những gian nan, khổ cực thời kỳ đầu tiên học nhạc lý. Đối với NSƯT Bích Ngọc, thầy An Thuyên thực sự là người cha thứ hai mà chị vô cùng tôn kính.

Hay em Nguyễn Công Vũ, một cậu bé khuyết tật, không thể hòa nhập trong cộng đồng, thế mà đã được yêu thương và trưởng thành dưới mái trường quân đội. Từ một cậu bé tự kỷ, chậm nói và nép mình với thế giới xung quanh, em đã vươn lên, tự tin để hòa vào cuộc sống không chút giới hạn. Tay trái của Công Vũ không thể hoạt động được bình thường, nhạc sỹ An Thuyên đã hoàn toàn đồng cảm với hoàn cảnh của em. Từng ngày, dưới mái trường Văn hóa nghệ thuật Quân đội, Công Vũ đã miệt mài luyện tập, vượt qua những khó khăn khi tập cách đặt từng ngón tay lên các phím đàn, để rồi em qua 3 năm dự bị, 3 năm trung cấp và sau đó, Công Vũ hoàn thành 4 năm hệ Đại học chuyên ngành sáng tác. NSND Công Nhạc, bố của Công Vũ chia sẻ: “Tôi - gia đình tôi và nhất là con trai đầu của tôi - cháu Nguyễn Công Vũ chịu một cái ơn rất lớn của anh An Thuyên. Nếu anh Thuyên không nhận vợ chồng nhạc sĩ vui vầy bên con cháu vào khi cháu đang học dở lớp 7 thì cháu không được như bây giờ”...

22.jpg
Hình ảnh thường thấy của nhạc sĩ An Thuyên ở Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Ảnh: Tư liệu

4.jpgTầng 3, Khu tập thể Văn phòng Chính phủ, Vạn Bảo, Ba Đình là nơi nhạc sỹ An Thuyên đã sống cùng gia đình trong suốt hơn 20 năm ở Hà Nội. Sẽ không có gì đặc biệt nếu không có sự hiện diện của các máy hát cổ mà ông tỉ mẩn sưu tầm, cất giữ suốt bao năm qua. Ngay cả khi im lặng, chúng vẫn thầm thì kể câu chuyện về niềm đam mê âm nhạc, về sự đi tìm những thanh âm ẩn giấu qua thời gian của người nhạc sỹ xứ Nghệ tài hoa.

Bàn làm việc của ông, trong ký ức của những người thân, luôn sáng ánh đèn. Quỹ thời gian có hạn, khát vọng của ông lại quá lớn, thế nên, thời gian ông dành cho mình chỉ vẻn vẹn 4 tiếng trong ngày. Rất nhiều đêm, ánh đèn đó đã sáng cho đến khi bình minh chạm cửa. Những ngày ở cùng cha, nhạc sỹ An Hiếu đã học hỏi ở ông nhiều về phong cách làm việc đặc biệt ấy “Ngoài công việc quản lý, thì việc quan trọng nhất đối với bố tôi, đó là nghe nhạc, nghe để thẩm thấu, để hiểu để mở mang cái kiến thức âm nhạc của mình, và thứ hai, đó là viết nhạc, đó là công việc diễn ra thường ngày, giống như đi mài mực ấy, thì đến lúc sẽ có những giai điệu hay, bài hát tốt. Nếu thỉnh thoảng mới viết thì không thể làm được điều đó...”.

nhac-si-an-thuyen-va-vo.jpg
Vợ chồng nhạc sĩ vui vầy bên con cháu. Ảnh: Internet

Với phong cách làm việc miệt mài, say mê đó cho đến những ngày cuối của cuộc đời, nhạc sỹ An Thuyên vẫn bận rộn với nhiều dự án âm nhạc, đó là vở nhạc kịch Kiều, dự định ra mắt vào cuối năm 2015, là tổng tập nhạc thiếu nhi - Giai điệu Tuổi thần tiên, vừa mới xuất bản xong tập 1... Ý nguyện xây dựng văn hóa là nền tảng, là cốt lõi của sự phát triển kinh tế doanh nghiệp của ông cũng chưa kịp hoàn thành... Năm 2020, trong một lần tìm lại email của cha mình, nhạc sỹ An Hiếu đã vô tình tìm thấy bản thu âm cũng như văn bản của các ca khúc thiếu nhi do Nhạc sỹ An Thuyên sáng tác. Đó là 9 bài hát thiếu nhi phổ thơ Phạm Hổ với những câu chuyện gần gũi về quả na, quả khế, quả thị, hay đơn giản là những trỏ chơi thả diều, thuyền giấy của tuổi thơ. Anh đã tiếp tục dự án âm nhạc này của cha mình, phát hành 9 ca khúc thiếu nhi dưới hình thức hoạt hình vào tháng 9 năm 2020, đưa đến các em thiếu nhi những ca khúc dung dị, trong sáng và gần gũi.

Sáng tác nhiều ca khúc, nhưng với quê hương Quỳnh Thắng, Quỳnh Lưu, những ngày đầu năm 2015, ông mới ra mắt anh em họ hàng bài hát Quỳnh Thắng - miền quê yêu thương. Bài ca là một lời tự sự trong sáng về hành trình từ miền quê hoang vu, đến một vùng đất trù phú, thấm đượm hơi thở dân ca. Lời ca đẹp như áng thơ, nhưng sao giai điệu cứ thoang thoảng nỗi buồn như có điều chi còn trăn trở, chưa trọn vẹn? Câu kết vẫn luôn trở lại với người nghe như một sự day dứt: Trái tim đỏ thắm ta dành quê hương, hãy về Quỳnh Thắng, miền quê yêu thương... Như một định mệnh, đó cũng là lời cuối cùng, nét tâm tình sau chót mà nhạc sỹ An Thuyên tri ân mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình. Ông ra đi quá đột ngột lúc 16h20 ngày 3/7/2015, sau một cơn đau do bệnh nhồi máu cơ tim nặng, ở tuổi 66 - độ tuổi đang tràn đầy sung sức để sáng tác, trong niềm tiếc thương của anh em, bạn bè, đồng nghiệp và hàng triệu người yêu nhạc. Nhớ về An Thuyên, nhớ mãi niềm bộc bạch của người nhạc sĩ tài hoa, có trái tim luôn nhân hậu với quê, với đời: Ước mong của tôi là mang văn hóa xứ Nghệ để hòa lẫn vào văn hóa Việt Nam, văn hóa nhân loại để có một tiếng nói An Thuyên trong nền âm nhạc Việt Nam mà rất đậm đà chất Nghệ của mình.

nhac-si-an-thuyen--a6.jpg

Lê Xuân