06084617dsc_0051-060846-065848.jpg

Nhà văn Trần Huy Quang (bên phải) và tác giả - nhà văn Phạm Ngọc Tiến.

Vâng, người đi vội, đúng như thế, thật khó để tìm ra một cái tên khác cho bài viết vội vã này bởi anh - nhà văn Trần Huy Quang đã vội vã, rất vội vã rời bỏ dương thế, rời bỏ chúng ta đi về một cõi khác một cách không thể đột ngột hơn, vội vã hơn dù biết là anh đang mắc trọng bệnh.

Chỉ mới ít ngày gần đây thôi tôi đã bàng hoàng khi nghe tin nhà văn Trần Huy Quang, người anh khả kính của tôi, của thế hệ nhà văn chúng tôi, thế hệ những nhà văn khoác áo lính sau thế hệ của anh, bị bệnh K. Chưa kịp kiểm chứng cụ thể thông tin, chưa kịp thăm hỏi anh chưa kịp làm bất cứ động thái gì thì anh đã đột ngột ra đi.

Sự ra đi của anh ngoài nỗi đau chung như tất cả những người khác yêu quý kính trọng anh, với tôi còn là một sự tiếc nuối muộn mằn của chậm trễ, của ân hận đã đánh mất đi cơ hội duy nhất được viết về anh khi anh đang còn khỏe mạnh, đang còn đau đáu với văn chương dù anh đã lặng lẽ xa rời nó nhiều năm nay vì những lý do bất khả kháng.

Xa rời nhưng không đánh mất, không ngoảnh mặt và mừng thay anh đang manh nha quay trở lại bằng những ký ức của chính cuộc đời anh, một nhà văn xứ Nghệ tài năng và tâm huyết. Anh đang viết ra những gì thuộc về anh, dòng họ anh, đồng đất anh, quê hương và đất nước anh.

Một năm trước cũng dịp cuối năm, năm 2021, tự nhiên tôi thôi thúc viết một chân dung về anh. Không có nguyên cớ cụ thể chi cả, chỉ là thôi thúc tự nhiên xuất phát từ sự kính trọng một văn tài có đóng góp nhiều cho văn học đổi mới và là người viết nhân cách có tầm ảnh hưởng lớn đến thế hệ viết văn kế tiếp trong đó có tôi. Cũng phải nói rất thật, sự thôi thúc này không thể cắt nghĩa, chỉ biết tôi nảy ý nghĩ và nung nấu cần phải thực hiện ngay.

Sự thôi thúc khiến tôi chủ động gặp nhà báo Trần Cao, Phó Tổng Biên tập báo Nông nghiệp Việt Nam bàn về chuyện này. Có chuyện gặp bởi viết về nhà văn Trần Huy Quang là rất khó cả trong việc viết lẫn đăng tải. Khó viết là vì từ nhiều năm nay nhà văn Trần Huy Quang gần như lặng lẽ trên văn đàn sau tai nạn văn chương hy hữu và bản thân anh cũng rất khó tính không chấp nhận bất cứ ai viết về mình. Khó đăng tải cũng chính từ tai nạn văn chương kia.

Sở dĩ tôi gặp Trần Cao là vì Cao là cháu ruột nhà văn trong khi cả Cao và tôi đều được nhà văn Trần Huy Quang tin tưởng, yêu mến. Khi nghe tôi thổ lộ, nhà báo Trần Cao rất ủng hộ. Chúng tôi thống nhất sẽ đăng tải bài chân dung trên một website của tỉnh Nghệ An là quê hương của nhà văn Trần Huy Quang.

Tôi thúc ép Trần Cao tổ chức một chuyến đi về thăm nhà văn Trần Huy Quang ở quê nhà Quỳnh Minh, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Chuyến đi cứ lần lữa khi tôi bận khi Cao vướng việc và cả dịch Covid-19 nữa nên không thành. Sự lần lữa này khiến cho bài viết dự định buộc phải dừng lại không thể thực hiện để bây giờ thành nỗi ân hận muộn mằn của tôi.

Trang Đại biểu Nhân dân tỉnh Nghệ An là địa chỉ tôi từng đăng tải một số bài viết trong đó có chân dung cố nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, doanh nhân Lê Thanh Thản. Tôi gặp nhà báo Nguyễn Như Khôi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An đề đạt nguyện vọng. Tôi biết nhà báo Nguyễn Như Khôi khi anh là Giám đốc Đài PT&TH Nghệ An trong một dự án phim truyện về con người và vùng đất Nghệ An mà tôi là biên kịch.

Nghe tôi trình bày ý định, anh Khôi đồng ý sau khi chúng tôi thống nhất nội dung bài chân dung nhà văn Trần Huy Quang. Dù việc này không thành do tôi chậm trễ nhưng thâm tâm tôi rất cảm ơn nhà báo Nguyễn Như Khôi đã công tâm trong việc ghi nhận một văn tài xứ Nghệ, tất nhiên trong đó có cả những thận trọng cần thiết về tai nạn văn chương năm nào với những hệ lụy đời người của nhà văn khả kính.

Năm 2019 trước dịch Covid-19, biết tin nhà văn Trần Huy Quang về ở hẳn quê nhà Quỳnh Minh, Quỳnh Lưu, tôi cùng một số nhà báo, nhà văn thân tín ở báo Nông Nghiệp Việt Nam trong một chuyến công tác ghé thăm anh. Lúc đó cũng khá lâu tôi không được gặp nhà văn Trần Huy Quang. Khỏi nói cuộc gặp vui chừng nào. Tôi mang từ Hà Nội một chai rượu tặng anh.

Trần Huy Quang là người trầm tính, kiệm lời nhưng hôm đó anh trở nên sôi nổi, hoạt bát vui vẻ nói nhiều điều. Trong khuôn viên ngôi nhà cổ của gia đình, dù mất điện buổi tối, anh giới thiệu cặn kẽ về nơi anh sinh sống với nếp sinh hoạt hiện tại và những dự định lâu dài. Trần Huy Quang không quên khoe chum rượu của anh dành đãi bạn bè. Anh bảo tôi, cảm ơn chú tặng chai rượu nhưng rượu này mới quý mới ngon mới hợp với anh. Tối đó nhà báo Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập báo Nông Nghiệp Việt Nam mời mấy anh em kéo nhau ra bãi biển Quỳnh Phương vui một trận tưng bừng. Đó là lần tôi được gặp nhà văn Trần Huy Quang sau cùng. Nhớ anh quá!

Tôi biết nhà văn Trần Huy Quang cuối những năm của thập niên tám mươi thế kỷ trước. Trước đó Trần Huy Quang làm ở báo Độc Lập. Sau một loạt bút ký, phóng sự nổi tiếng “Câu chuyện về ông vua lốp”. “Lời khai của bị can” giành những giải thưởng lớn và đóng góp nhiều vào văn chương đổi mới, anh chuyển về làm biên tập văn xuôi ở ban Văn của báo Văn Nghệ. Đây cũng là giai đoạn báo Văn Nghệ cực thăng hoa. Chỉ tính riêng mảng bút ký, phóng sự báo Văn Nghệ đã cho xuất hiện một loạt bài đình đám gây ra những hiệu ứng lớn trong xã hội.

Bản thân là người thành công ở thể tài này, hiển nhiên có được thành tựu đó là đóng góp không nhỏ của nhà văn Trần Huy Quang trong vai trò biên tập, bà đỡ. Lúc đó cánh viết văn trẻ chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ tài năng của anh. Bấy giờ được những nhà văn đàn anh ở ban Văn như Ngô Ngọc Bội, Hoàng Minh Tường và Trần Huy Quang để mắt biên tập cho truyện ngắn là cả một niềm hạnh phúc lớn của chúng tôi.

Ở thời điểm những tác phẩm ký của anh làm xôn xao văn đàn, Trần Huy Quang còn ra mắt cuốn tiểu thuyết “Nước mắt đỏ”. Tôi vinh dự được anh ký tặng cuốn tiểu thuyết. Khi ấy tôi đang chập chững in những truyện ngắn đầu tiên. Luôn có một mối quan hệ giữa những nhà văn đàn anh và những cây bút trẻ.

Tôi hay đến chơi ở báo Văn Nghệ và thường la cà ở phòng các biên tập viên văn xuôi. Có vẻ như tôi thân với nhà văn Hoàng Minh Tường hơn Trần Huy Quang. Anh Tường dễ gần và dễ tính thường kể tông tốc những gì liên quan đến bài vở các tác giả trẻ gửi. Nhà văn Trần Huy Quang thì đúng một ông đồ Nghệ kiệm lời có vẻ thâm trầm sâu sắc chỉ nói những gì cần nói. Nhưng anh lại hay nói những chuyện liên quan đến văn chương rất cần thiết cho người viết trẻ mà ít nhắc đến những gì anh ta viết.

Tôi cảm nhận được Trần Huy Quang có cảm tình với tôi. Bằng chứng là anh hay kể những ý tưởng để tạo nên những truyện ngắn. Những gì anh nói hiểu là sự dạy dỗ cũng được nhưng ở Trần Huy Quang sự thẳng thắn không có nghĩa là những dạy bảo phải như thế này như thế nọ. Anh có cách kiến giải sự việc như một ông giáo giàu kinh nghiệm. Tôi học được nhiều điều từ nhà văn Trần Huy Quang qua những câu chuyện anh kể một cách rời rạc và nhát gừng sau khi xâu chuỗi lại. Sau này thậm chí tôi sử dụng cả tứ truyện mà anh kể.

Tôi nhớ nhất là câu chuyện về cái Tháp Bút bị lún và ngòi bút không chạm vào được Đài Nghiên khi ánh nắng đứng bóng, người ta phải đắp thêm xi măng vào ngòi bút. Một câu chuyện thâm thúy và tôi đã đợi mãi nhưng không thấy anh viết nên đã viết ra truyện “Bút giả” dựa theo tứ truyện anh kể. Chỉ là một truyện ngắn mini và chỉ đăng trên facebook cá nhân nhưng đó là một kỷ niệm rất ý nghĩa với tôi.

Năm 1991 tôi có truyện ngắn “Họ đã trở thành đàn ông” tham dự cuộc thi truyện ngắn của báo Văn Nghệ. Truyện đăng xong có đôi chút dư luận và được một vài nhà phê bình điểm trong mặt bằng cuộc thi. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên lúc đó tôi chưa quen biết, trong một bài có tính khái quát tổng kết ở phút 89 cuộc thi có nêu trường hợp truyện ngắn của tôi với nhận xét mang tính nước đôi trung dung là truyện hay nhưng kết dở như một cầu thủ rê dắt giỏi nhưng không sút được vào cầu môn và có thể có giải hoặc không. Kết quả truyện “Họ đã trở thành đàn ông” không lọt qua được vòng sơ khảo. Có nhà văn tỏ ý tiếc cho tôi vì truyện ngắn này không được sự ủng hộ của một nhà văn trong ban sơ khảo đánh điểm liệt.

Đang trẻ đang hăng tiết quả thật tôi cũng có ý này nọ nhưng nhà văn Trần Huy Quang bảo thẳng tôi, chú nghĩ thế không thành nhà văn được đâu, nhà văn chỉ có một sứ mạng là viết, khi tác phẩm công bố nó không thuộc về tác giả nữa mà là của độc giả. Sau này khi đã có những thành tựu cá nhân tôi thấy vô cùng thấm thía kiến giải của nhà văn Trần Huy Quang. Thâm tâm tôi biết ơn anh rất nhiều về những chỉ dạy thật tâm này.

Một sự kiện hy hữu xảy ra ở báo Văn Nghệ năm 1992. Đó là truyện ngắn “Linh nghiệm” của nhà văn Trần Huy Quang gặp phải tai nạn nghề nghiệp. Chẳng nên nhắc lại những gì đã xảy ra nữa vì câu chuyện đã vô cùng xưa cũ nhưng qua câu chuyện mà phần nào tôi được chứng kiến, một điều rất ấn tượng với tôi đó là ứng xử của nhà văn trong cuộc Trần Huy Quang.

Tính anh vốn bình lặng không thích phô trương và thường hay ẩn mình đi trước đám đông trước những cuộc gặp gỡ "xa lông" đông đảo hay hội nghị ồn ào thì tai nạn càng khiến anh thu mình hơn. Ở trường hợp này nếu là những người thiếu bản lĩnh sẽ có nhiều thái cực xảy ra và dễ nhận chân nhất là sự hèn nhược. Với Trần Huy Quang thì không. Anh bình tĩnh nhận về mình những hệ lụy một cách thật bản lĩnh và rất tự trọng, càng không muốn để phiền lụy đến bất cứ một ai.

Sau này không ít lần tôi chứng kiến khi có ai đó hỏi về tai nạn anh đều bình tĩnh thậm chí mỉm cười hiền hậu khoan dung dù đó là một thái độ hiểm ác dành cho anh. Cũng có lần tôi hỏi anh về những gì xảy ra để hiểu cặn kẽ hơn anh lắc đầu bảo thôi đừng nhắc lại nữa. Một Trần Huy Quang bình thản đón nhận những gì xảy đến và điều đáng khâm phục là anh tiếp tục một cách đàng hoàng những gì thuộc về công việc của mình.

Sau tai nạn văn chương kia, Trần Huy Quang còn cho in đôi ba cuốn tiểu thuyết và ký rồi lặng lẽ ẩn mình. Những năm sau này hầu như không còn thấy tác phẩm của anh ra mắt độc giả. Thi thoảng những người viết trẻ chúng tôi lại tìm đến anh ở căn nhà nhỏ 56A phố Bà Triệu để chơi, để chuyện trò, để hiểu những gì từ anh - một nhà văn tài năng và bản lĩnh có tâm có tình với tất cả. Với tôi, hơn thế nữa anh còn là một người lính dạn dày trận mạc của một thế hệ đàn anh đi trước cả văn chương lẫn chiến trận, cuộc đời.

Nhà văn Trần Huy Quang sinh năm 1943, quê gốc xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, một mảnh đất sinh ra nhiều tài năng văn chương. Trần Huy Quang tốt nghiệp khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội. Anh bắt đầu viết văn trong môi trường quân đội và chiến tranh. Nhà văn Trần Huy Quang không để lại nhiều tác phẩm, chỉ mươi tiểu thuyết, truyện ngắn và ký nhưng đó đều là những tác phẩm đặt dấu ấn vào văn học. Đặc biệt là những bút ký và phóng sự xuất sắc mang tính biến cải, tỉnh thức trong công cuộc đổi mới văn học và xã hội.

Mới đây nhất nhà báo Trần Cao khoe với tôi về những gì nhà văn Trần Huy Quang đang viết. Đó là những trang hồi ức tươi mới của anh về một thời đã qua về những gì cuộc đời anh nếm trải về làng quê yêu dấu của anh. Tôi đọc những trang hồi ức của anh đăng tải trên báo mà mừng rơi nước mắt. Rút cục nhà văn của “ông vua lốp” của “lời khai bị can” của “Nước mắt đỏ” đã quay trở lại sau nhiều năm im lặng.

Buồn thay nỗi mừng chưa trọn thì anh đã vội vã ra đi. Sao lại thế hả anh? Quá đột ngột dù vẫn biết anh bệnh trọng và đã ở ngưỡng tuổi tám mươi. Vẫn biết anh thanh thản chấp nhận sự ra đi này với quyết tâm không trị bệnh K hiểm nghèo, vẫn biết là thế nhưng thật đau lòng. Giờ thì em hiểu cái nhẽ thôi thúc viết về anh năm ngoái như một sự tiên cảm cho cuộc chia tay định mệnh này. Đành phải thế vậy, thể tất cho em vội vã viết đôi dòng về anh, chân dung người đi vội, nhà văn Trần Huy Quang…

Hà Nội đêm 16/12/2022