Nha-tho-Tran-Huu-Thung---A1.jpgthtt.jpgTôi nhớ lần Đại hội IV-Văn nghệ Nghệ Tĩnh (9/1987) ở Trạm 25, TP Vinh, sắp đến giờ khai mạc mà mọi người vẫn cứ chạy ra, chạy vào ngó nghiêng, nhớn nhác. Hỏi mới biết là chuyện “Văn phòng Hội đã cho người xe ra Diễn Châu đón anh Thung, không hiểu sao sát giờ vẫn chưa thấy?”.

Rồi đến khi Nhà thơ bước vào hội trường, ai nấy ùa đến chào hỏi, bắt tay, khiến ông luống cuống giữa vòng vây không kịp thở, cũng không thể nói được câu gì đủ đầy như ông vẫn thường nói với mọi người.

Tôi chỉ dám đứng từ phía xa mà… ngóng, mà cảm phục, mà hiểu tấm lòng của các thế hệ anh em văn nghệ sỹ gần xa với Nhà thơ. Và thầm “ghen tỵ” với những ai từng được sống, làm việc, sinh hoạt văn nghệ với ông, gọi ông thật chân tình, gần gũi kiểu “anh Thung”, kể chuyện đầy tự hào “tau vừa ngồi với anh Thung…” nơi nọ, lúc kia…

Còn tôi, kể từ ngày gặp ông ở quê, chỉ một mực “chú - cháu”. Không thể khác, vì tôi chỉ là một đứa học trò mới ra trường, về nhận việc ở quê, vọc vạch đôi câu ba chữ, ngồi ghé làm quen chiếu làng văn quê nhà.

Nhưng kể ra, tôi lại có sự may mắn hiếm thấy không dễ gì nhiều người khác có thể có được. Ấy là khi được đi với ông hàng tháng trời, rong ruổi khắp địa bàn Diễn Châu, trao đổi công việc trong suốt cả năm 1989 khi ở Diễn Châu, khi ở Vinh trong quá trình làm phim tài liệu “Thăm quê thấy nhiều gợi mở” mà ông là tác giả kịch bản và viết lời bình.

nha-tho-tran-huu-thung-ngoi-ngoai-cung-ben-trai-cung-van-nghe-sy-nghe-an-nam-1984.jpg
Nhà thơ Trần Hữu Thung (ngồi ngoài cùng bên trái) cùng văn nghệ sỹ Nghệ An năm 1984

Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 1990 diễn ra tại thành phố quê hương Bác nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người, bên cạnh nhiều kết quả đáng nói hồi đó, “chú, cháu” chúng tôi rất, rất vui vì bộ phim dự thi nói trên đoạt giải cao nhất trong số các tác phẩm dự thi của đài, của tỉnh đăng cai.

Nếu có thể gọi là “thành công” thì chắc chắn, người góp công lớn của bộ phim không ai khác chính là Nhà thơ Trần Hữu Thung, trước đó từng là tác giả kịch bản phim truyện nổi tiếng “Ngày ấy bên sông Lam”. Nên nhớ, chỉ trước đó ít lâu, nhà-thơ-về-hưu đã vượt lên trên các cây viết văn xuôi sừng sỏ của đất nước này để đoạt giải A Cuộc thi viết bút ký-phóng sự do Báo Văn nghệ phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức, với bút ký nổi tiếng “Ký ức đồng chiêm”.

Lần này, tuy tuổi cao, sức khỏe có hạn và tham gia vào một lĩnh vực mới là phim tài liệu truyền hình, ông vẫn chứng minh được sức vóc của một “đô vật” có hạng trong cuộc tụ hội nhân tài, vật lực của phim tài liệu truyền hình cả nước.

Hơn 30 năm trước, rõ ràng quê nhà Diễn Châu đã làm được điều mà ít nơi làm được, là sự tôn trọng, đánh giá cao cống hiến của mọi nhân tài, con em quê hương, bất kể tuổi tác, đang làm việc hay đã nghỉ hưu. Rất đáng mừng là truyền thống này luôn được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân nơi đây gìn giữ, phát huy.

nha-tho-tran-huu-thung---a3.jpg

Điều bây giờ nhiều địa phương đang tích cực làm thì chính Diễn Châu đã triển khai từ hơn 30 năm trước, để góp phần quảng bá hình ảnh thiên nhiên, đất nước, con người, tiềm năng, lợi thế, chính sách thu hút đầu tư… để đi trước đón đầu thời kỳ hội nhập và phát triển.

Nhà thơ Trần Hữu Thung hồi đó khi nghe ý tưởng của lãnh đạo huyện, sự góp sức của Đài Truyền hình Nghệ An đã hăng hái tham gia, không ngại đi đến bất cứ nơi đâu trên địa bàn để có được những cảnh phim ưng ý nhất, không ngại khuya khoắt, sớm hôm, duyệt đi bàn lại để có được những lời bình vừa đắc địa lại vừa mang đậm dấu ấn không lẫn vào đâu được của tác giả “Thăm lúa” và “Ký ức đồng chiêm”.

Do được cùng đi thực tế, trao đổi, trò chuyện với Nhà thơ Trần Hữu Thung trong suốt quá trình làm bộ phim đó, sau này tôi thường “khoe” với bạn bè rằng, tôi hiểu, biết Diễn Châu cho đến nay là nhiều hơn, sâu hơn so với… quê mình!

1.jpg
Bài thơ: Thăm lúa - Trần Hữu Thung - Ngọc Hà diễn ngâm

Tôi cũng không bao giờ quên chuyện một buổi chiều ngồi trên đê cỏ may hóng gió biển, chợt nhớ bài viết của Nhà thơ Võ Văn Trực về tình bạn với Nhà thơ Trần Hữu Thung, liền cất tiếng hỏi “Bạn vong niên là răng, chú?”. Vốn dốt Hán văn, hiểu biết lõm bõm, tôi ngờ có thể bị… chê, không biết chừng? Nhưng không. Ông thủng thỉnh và bất ngờ như lâu nay vẫn thế trước tất cả bè bạn, anh em (và lần này là chú-cháu), rằng: “Bạn vong niên là bạn khác tuổi. Như chú với cháu!”

Tôi ngạc nhiên, thán phục và vô cùng biết ơn vì câu nói đó của ông.

Được đà câu chuyện, tôi mạnh dạn hỏi ông, ý là nhiều người, trong đó có tôi thích nhất câu “Lúa níu anh trật dép” trong bài Thăm lúa, một từ địa phương Nghệ Tĩnh hoàn toàn, cùng với nhiều từ địa phương khác như ri, ni, nách, giừ, lổ, răng, sây.., được đưa vào bài thơ vô cùng tự nhiên, đắc địa; riêng chú, chú thích nhất câu mô, khổ mô trong bài? Ông im lặng hồi lâu, rồi nói chậm rãi, không đi thẳng vào câu hỏi mà lại hướng về một điều khác, lớn hơn, đó là nếu viết đúng, viết hết lòng mình, vừa phải, hợp lý thì câu, từ địa phương có thể trở nên phổ biến hơn, phổ thông hơn. Sau này, khi có thời giờ để đọc lại, nghiền ngẫm thêm về thơ ông, tôi thấy ông luôn nhất quán về định hướng rất riêng, rất đặc sắc đó. Từ thưở ban đầu với hình ảnh cô gái trong bài thơ Thăm lúa hồn nhiên, thẳng thắn bộc bạch nỗi lòng “Không nhớ anh răng được” cho đến khi về hưu ở quê nhà, viết những câu thơ tình yêu tuổi xế chiều vẫn giữ tấm lòng chân thật, thẳng thắn, không thể không nói ra, thốt lên tự đáy lòng “Em ơi phải thú thật rằng/ Quên nhau khó lắm, chi bằng nhớ nhau”.

Đó cũng là lần đầu tiên trong đời, tôi nhận ra một con người mà sức vóc sáng tạo bền bỉ và phong phú đến vậy, lại luôn hiện ra trong mắt mọi người, kể cả với người chập chững như tôi, với một phong thái đặc trưng giản dị, gần gũi và thuyết phục hoàn toàn từ lúc nào không biết. Tôi cũng nhận ra rằng, mọi thành công mà ông có được, từ thời trai trẻ và cả sau khi về hưu, luôn gắn bó chặt chẽ với mảnh đất này, vạt lúa vừa sậm hột này, giọt sương long lanh đầu ngọn cỏ này, con chiền chiện này, núi Hai Vai này,…

nha-tho-tht-va-nha-nghien-cuu-thai-kim-dinh-trong-mot-lan-gap-go.jpg
Nhà thơ Trần Hữu Thung và nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh trong một lần gặp gỡ. Ảnh tư liệu: Phan Thắng

Tôi từng được một vài người đi trước sẻ chia câu chuyện lựa chọn “đường đi, nước bước” cho mình, hướng đi đường ngắn, chặng dài và từng có lúc nghĩ mình đã sai bước, chọn đường lùi khi rời phố về quê, không khác gì một bước lùi tiến tới thất bại toàn tập. Khi trước mặt, sau lưng có biết bao “tấm gương” về sự thành đạt ở một nơi đô hội, thông thoáng nào đó, về sự níu kéo cố hữu nào đó…

Chỉ đến khi nghe về Trần Hữu Thung qua anh em, bè bạn, đọc thơ văn của ông, trực tiếp nghe ông nói thật khẽ, thật sâu, tôi mới hiểu, rằng, càng trở về quê, càng đi sâu vào miền quê dân giã thì con người và tài năng của ông càng phát sáng, theo cách đặc sắc của riêng ông.

Và thành công được như Trần Hữu Thung, giành được sự ghi nhận và thán phục của anh em, bè bạn gần xa ngay cả lúc “ở quê” như ông, chắc chắn không có nhiều, nếu không nói ông là số 1, là hiếm!

Nha-tho-Tran-Huu-Thung---A5.jpgĐến bây giờ tôi vẫn mang theo sự nuối tiếc, ân hận về một điều ông dành cho tôi nhưng đã không thực hiện được. Ấy là lần tôi ra thăm ông ở khu tập thể Bệnh viện Diễn Châu, như hiểu được ý tứ nào đó của tôi sau những lần chú, cháu chuyện trò, ông nói “Lúc nào gom toàn bộ thơ của cháu, đưa chú xem, may chi nói được vài câu…”. Tôi mừng quýnh, líu ríu dạ thưa.

Nhưng tôi chưa kịp ngồi mổ cò trên máy từng chữ (khó nhọc và đầy lo lắng) thì ông đã đi xa vào một ngày cuối tuần năm ấy.

Đó là một trong những điều khiến tôi nghĩ thật lâu, thật kỹ để tới năm 2003 mới hoàn thành bài thơ “Ở quê” với lời đề tựa “Kính viếng Nhà thơ Trần Hữu Thung”. Xin được dẫn bài thơ, thay cho lời kết bài, lời muộn màng của một người đi sau luôn hết mực yêu kính Nhà thơ:

Ở QUÊ

Thơ đưa ông từ người nông dân thành nhà thơ từ Vinh ra Hà Nội rồi ra thế giới

Còn ông, ông chọn con đường từ Hà Nội về Vinh rồi về quê!

Ở quê, ông luôn là người mạnh khỏe

Với sức vóc của một đô vật

Thỏa sức cày xới vốn tiếng Nghệ

Ở quê, ông lặng lẽ lật trong từng lớp sò cát

Làm sánh lại nước mắm Vạn Phần

Tiếng bễ lò rèn sắt Nho Lâm, tiếng chuông đồng Diễn Tháp

Ở quê dân giã bún-cá-giá-ruốc

Nước vục gàu mo khỏa trần sông Bùng

Khuya hò bên tê đồng nghe chân dùng dằng

Ở quê, ông gánh vai này “Ký ức đồng chiêm” vai kia “Chuyện trạng”

Giữa chặng nghỉ đọc những câu thơ vụt đến

Ở quê, áo gụ thuốc lào chén rượu nhạt

Bạn xa về thăm ngày một đông

Giờ ông đi Thăm lúa, không thể tìm gặp

Nhìn khắp đồng chỉ thấy núi Hai Vai trầm ngâm!

Sông Bùng - lèn Hai Vai. Ảnh tư liệu: Trần Cảnh Yên

Vinh-Hà Nội 1999-2022

Bùi Sỹ Hoa