Đã gần tháng nay, nhà thơ Thạch Quỳ mệt, rồi vào viện. Đêm trước khi mổ đặt ống xông dạ dày, ông vẫn còn kịp “bộc bạch” trên facebook đầy tếu táo, lạc quan thế này: “Chuẩn bị lên bàn mổ/ Chọc ống vào dạ dày/ Không ăn được thì đổ/ Thức ăn vào chỗ này… Cứ sống được là may/ Thịt rau gì cũng vậy/ Thực bất tri kỳ vị/ Chính là ta, chứ ai”. Ấy là ông nói thế, nhưng lòng thì ngổn ngang trăm mối. Bạn bè, người thân, đặc biệt là bạn bè văn nghệ tới tấp hỏi và đến thăm ông. Luôn thấy ông cười, nói, kể chuyện, rồi cùng ghé mặt chụp ảnh trong bộ dạng hom hem, gầy yếu (tạng người ông xưa nay vốn đã hom hem, đã từng được ví von là bộ xương di động). Ông là vậy, thường gắng gượng, muốn mình giản dị và vững chãi như một hòn đá nhỏ trên rú Cuồi (hay còn gọi núi Quỳ) làng Đông Bích quê ông…
Tôi đã đến làng Đông Bích của ông, ngắm rú Cuồi xanh mờ trong mây xám. Đến để thấy đồng bãi, miếu thờ, ngõ hẻm, cỏ hoa… trong thơ ông và những người con họ Vương làng Đông Bích nổi tiếng trên văn đàn (nhà thơ Vương Trọng, nhà thơ Vương Trâm, nhà thơ Vương Cường… là chú, là em của nhà thơ Thạch Quỳ). Đến để chạm tay vào màu xanh cây trái trong mảnh vườn nhỏ của gia đình ông. Mảnh vườn đẹp như một giấc mơ với muôn vàn lá hoa đầy hoang dại mà bình yên, tôi có cảm giác như hoa lá ấy vẫn còn nguyên từ thời Thạch Quỳ viết lên tường nhà bài thơ đầu tiên của cuộc đời mình: “Xuân đến, hoa đào nở trong mưa/ Thoi oanh giục giã, ý nhi chờ/ Hè sang gốc cũ rờn xanh lá/ Thoáng bóng thời gian tan trong mơ…”…
Có lần, Thạch Quỳ đã kể với tôi về bài thơ đầu tay ấy, đầy thú vị. Rằng đó là năm 1954, khi ấy cậu bé Vương Đình Huấn mới 13 tuổi. Bài thơ được viết bằng than củi trên bức tường nhà bếp của nhà thơ Vương Trâm, Vương Trọng (chú ruột của nhà thơ Thạch Quỳ) và đã bị ông quên khuấy ngay sau khi viết ra nó. Ấy vậy mà người làng Đông Bích thì đi qua đọc và vẫn nhớ, và cách đây chừng vài năm, nhà thơ Vương Trâm khi đó còn sống đã đọc lại cho Thạch Quỳ nghe lại, chuẩn xác tới từng dấu chấm, phẩy. Thạch Quỳ những ngày thơ ấu, vẫn thường dùng than, dùng gạch hoặc dùng cây, que để viết lên tường, lên cánh cửa, lên đất, lên cát những bài thơ của mình như thế… Và một “thiên đường” để cho cậu bé Huấn ngày ấy tìm đến và say mê với những tưởng tượng, ấy là những phiến đá của núi Quỳ. Ông kể rằng “Trên núi Quỳ thì rất nhiều đá. Đủ các loại đá. Có những tảng đá to như tấm giong, tấm phản. Cũng có những cột đá dựng đứng lên trời như những cây cột chống. Dân làng tôi gọi những tảng đá đó là đá xe kéo, đá xe cồ, đá Bụt, đá vụt mo…muôn hình vạn trạng không kể xiết. Tôi rất yêu đá. Đá rất sạch, rất cứng rắn và màu của đá thì âm thầm lặng lẽ rất hòa hợp với thiên nhiên cây cỏ xung quanh.” Cái bút danh Thạch Quỳ cũng từ đó mà ra: “Núi Quỳ nhỏ bé, khiêm nhường, chẳng mấy ai biết đến. Nếu như đó là núi Hồng Lĩnh, hay núi Thái Sơn, hay đỉnh Phan-xi-păng chẳng hạn, thì chắc chắn tôi không dám lấy tên những trái núi lớn lao, hùng vĩ đó để đặt bút danh cho mình. Tôi yêu đá, tuổi thơ chăn trâu, kiếm củi ngày nào chẳng ở cùng đá núi. Tôi cũng ví mình như một hòn đá của trái núi nhỏ bé ấy thôi. Cái tên Thạch Quỳ cũng khiêm nhường và bình dị vậy thôi. Không có gì đặc biệt, không có gì đáng phải để ý cả”.
Cũng từ năm tháng ấy, năm tháng mà cậu bé 13, 14 tuổi của làng Đông Bích mơ mộng nơi một góc rú Cuồi, nỗi khát khao sáng tạo, khát khao bày tỏ và lưu giữ lại tất thảy những rung động trước cuộc sống lớn dần trong ông. Ông kể rằng, bản thân mình đã bắt đầu bằng… tiểu thuyết. Ông đã viết những trang tiểu thuyết và gửi chúng tới Nhà xuất bản Thanh Niên. Tuy nhiên, chỉ có gửi đi mà không hề có hồi đáp, nhưng ông không nản mà nhận ra, mình hợp với thơ hơn. Rồi Thạch Quỳ chọn con đường rời quê để theo đuổi sự nghiệp học hành. Mùa hè năm 1957, cậu học trò ấy đã cuốc bộ từ ngôi làng mình từ 4 giờ sáng để đến với Vinh lúc 5 giờ chiều với giấc mơ thi đậu vào cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng. Trước mắt cậu trò nhỏ là tan hoang gạch vụn. “Gạch vụn chất cao từng đống sừng sững hai bên đường như những con đê. Lần đầu đến Vinh, tôi chẳng thấy thành, thấy phố ở đâu, chỉ thấy toàn gạch vụn. Gạch nằm trơ trụi hai bên bờ đường. Gạch lù lù từng đống nhô cao nằm khuất trong cỏ dại. Gạch sóng soài nằm chắn ngang đường lớn. Gạch ngoằn ngoèo như những vồng khoai chạy dài lẩn khuất trong các ngõ nhỏ. Đâu đâu cũng gạch. Cả thành phố ngổn ngang gạch vụn”. Để rồi sau đó, cái ấn tượng về gạch đã đi vào thơ ông, bài thơ nổi tiếng về “Gạch vụn thành Vinh”. Xong 3 năm cấp 3 ở Vinh, Thạch Quỳ vào học tại Đại học Sư phạm Vinh, và cũng năm đó (1960) bài thơ đầu tiên của ông được đăng trên Tạp chí uy tín về văn chương nước nhà là Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Bài thơ có nhan đề “Mà thương cũng nhiều” biểu dương anh bộ đội diệt hổ. “Những ngày ấy, rừng rậm và hổ nhiều, khắp nơi cổ vũ cho việc diệt hổ. Chứ giờ thì hổ được đưa vào sách đỏ bảo tồn. Bài thơ nội dung cũng bình thường, nghĩ lại thì có chút ngượng ngùng, nhưng ngày ấy được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi xúc động vô cùng, cứ ngắm nghía bài thơ trên trang báo mãi…”
Từ bài thơ đầu tay trên báo, đến hàng chục tập thơ sau này, Thạch Quỳ đã cho chúng ta thấy cả một quá trình tìm tòi suy ngẫm, sáng tạo miệt mài. Ngay những ngày bắt tay vào sáng tạo, ông đã tự đề ra cho mình một bảng cấm: “Cấm viết chữ người khác đã viết, cấm viết ý nghĩ người khác đã nghĩ, cấm viết mông lung không dính líu đến sự thật, cấm viết sự thật trần trụi không cảm xúc, thiếu thẩm mỹ”. Và ông nói: “Nói cho cùng, cái bảng cấm tôi tự đề ra cho mình khi sáng tác chính là những yêu cầu nghiêm ngặt của nghệ thuật mà tôi buộc mình phải thực hiện. Bạn cứ đọc bất cứ bài nào, câu nào trong thơ tôi rồi so với cái bảng cấm tôi tự đề ra cho mình ở trên, bạn sẽ thấy rõ tôi đã thực hiện hoàn toàn nghiêm túc, nghiêm ngặt, nghiêm chỉnh cái bảng tự cấm ấy”.
Có rất nhiều bài thơ trong những tháng năm đầy cam go và cũng sung sức nhất của mình ông đã viết trong bóng tối. Đó là những tháng năm sinh viên, với kỷ luật khắt khe của nhà trường bắt đồng loạt sinh viên phải đi ngủ và thức vào một khung giờ nhất định. Thạch Quỳ đã phải dùng bút chì và những mẩu giấy ghi lại những cảm xúc, nhưng suy nghĩ nung nấu của mình trong đêm tối và sáng mai ra tranh thủ chép lại. Rồi sau này, khi ra dạy học, ông lại sống cuộc sống tập thể, ăn cơm tập đoàn: “Ngày hai buổi đi dạy, đêm cũng phải soạn bài tập thể đến 11 giờ mới được đi ngủ, ngủ cũng ngủ tập thể, 4 người trong 1 phòng, kỷ luật gò bó lắm. Tôi lại dạy toán, nếu để các đồng nghiệp biết mình làm thơ thì rất dễ bị phê bình. Mà nghiệp làm thơ thì tôi không bỏ được. Vậy nên, tôi không thể để tên mình in dưới các bài thơ. Tôi cần phải có bút danh để giữ bí mật về việc viết lách của mình. Đấy là nguyên cớ vì sao tôi phải có bút danh”.
Năm 1967 ông ra tập thơ đầu tiên: “Sao và đất”. Tiếp đó, là “Tảng đá nhành cây” (1973), “Điệu hát nguồn sống và đất” (1978), “Nguồn gốc cơn mưa” (1978), “Con chim tà vặt” (1986), “Cuối cùng vẫn một mình em” (1986), “Đêm Giáng sinh” (1990); “Bức tường” (2009), “Người lặn biển” (2018) “Tuyển thơ Thạch Quỳ” (2018)…Ông viết nhiều, viết khỏe trong một gian đoạn dài nhưng luôn nghiêm túc, chọn lọc và thực hiện đúng “bảng cấm” của mình đặt ra. Có thể nói, cái gì cũng có thể vào trong thơ Thạch Quỳ và được ông nhìn dưới góc độ độc đáo, đầy tính triết lý mà vẫn chứa chan tình cảm. Ông viết về quê hương, làng Đông Bích, đá núi, con chim tà vặt, cái nghèo… đều khiến người ta rơi nước mắt. Ông viết thơ triết lý khiến người ta vỡ òa thú vị và không thôi suy ngẫm. Ông viết về tình yêu đầy trong ngần, tinh tế, tha thiết và rung động.
Thơ Thạch Quỳ cũng đúng như con người ông, luôn trăn trở kiếm tìm để những người đọc như tôi, như chúng ta tìm thấy, nhìn thấy niềm vui, sâu thẳm nỗi buồn đẹp đẽ, sự kiêu hãnh, những yêu thương run rẩy. Và chúng ta không phủ nhận rằng đã gặp trong thơ ông cái Tôi cô đơn sừng sững. Cái Tôi loay hoay trong nỗi đời chật hẹp. Cái Tôi vẫy vùng và cả kiêu ngạo. Cái Tôi khiêm nhường, bao dung. Cái Tôi tự biết đứng dậy sau mỗi khổ ải, lỗi lầm. Tôi mà là chúng ta đấy. Cái Tôi trong mỗi chúng ta. Trong một cuộc trò chuyện, Thạch Quỳ đã lý giải cái Tôi cô đơn: “Tôi nghĩ rằng cảm giác cô đơn không ngăn trở năng lực sáng tạo mà ngược lại, nó là một động lực thúc đẩy sự sáng tạo. Có thể nói cảm giác cô đơn xui khiến người ta phải làm việc, đặc biệt là những công việc thuộc về lao động trí óc. Các nhà khoa học, các nhà văn… những người lao động trí óc luôn luôn một đèn một bóng đêm. Không một đèn một bóng làm sao có khoa học, văn học, nghệ thuật và các thành tựu vật chất tinh thần khác để đóng góp cho nền văn minh và thúc đẩy sự tiến bộ xã hội? Cô đơn, cô độc để tập trung trí tuệ cho công việc. Trên đời này, có những công việc không thể chia sẻ cùng ai, không có ai có thể cùng chung vai gánh vác. Ai có thể viết thay Secxpia, Ban-zac, Tônxtôi, nghĩ thay Niuton, Anhxtanh, Menđelêep? Muốn rèn cái tôi bản lĩnh, rắn chắc, có khi người ta cũng phải rèn luyện cả sức chịu đựng sự cô đơn, cô độc nữa. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần trân trọng cái tôi, phấn đấu rèn luyện cái tôi ẩn chứa trong mỗi cá nhân với ý thức Cái Tôi đồng nghĩa với cá tính sáng tạo”.
Và ông nói về cái Tôi cô đơn bất lực, vẫy vùng: “Tôi cho rằng sự tiến triển của lịch sử thường vẫn chậm chạp hơn những mong muốn đổi thay tuy tha thiết nhưng luôn có phần nóng vội ở trong lòng người. Với lịch sử, một trăm năm chỉ là một khoảnh khắc nhưng với con người một trăm năm thì đã kết thúc cả một đời người. Con người, tuy hiểu quy luật của lịch sử “cái gì đến sẽ đến”, nhưng không mấy ai đủ kiên nhẫn để chờ cái “phải đến” của lịch sử. Chính sự thiếu kiên nhẫn đó đã gây ra các cung bậc tâm trạng ở trong lòng người.
Người ta biết những sự việc tiêu cực, nhàm chán, buồn nản mà họ đang phải đương đầu, theo quy luật, trước sau gì rồi cũng sẽ đi qua. Nhưng người ta muốn những sự tiêu cực, nhàm chán, buồn nản đó phải đi qua ngay từ ngày hôm nay. Không làm được việc đó ngay tắp lự theo ý muốn nên người ta cảm thấy mình bất lực. Thiếu người đồng cảm với mình trong hiện tại, không đủ kiên nhẫn để chờ đợi cái tốt đẹp sẽ đến trong tương lai nên người ta cảm thấy cô đơn. Cô đơn, bất lực cũng chỉ là trạng thái tâm lý, tâm trạng bình thường ở thời điểm mà xã hội còn nhiều tiêu cực, nhiều điều chưa như ý. Chúng ta hy vọng tâm trạng, tâm lý đó cũng là một động lực của khát vọng để hướng đến sự biến đổi cuộc sống theo chiều hướng tốt đẹp hơn”.
Trong cuộc đời của mình, Thạch Quỳ không ít lần có những cơ hội đi xa và có cơ hội để tiến xa hơn trên con đường sáng tạo ở một vùng đất khác. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, ông đã ở lại và trọn cuộc đời mình gắn bó với quê hương xứ Nghệ. Trong đó hẳn có những điều mà ông già “triết gia” này suy ngẫm và lựa chọn. Ông tự biết mình, và biết bằng lòng, biết chấp nhận những quy luật cuộc sống. Ông cũng không tự huyễn hoặc và cũng không oán thán với những cú đòn của số phận. Ông trân trọng và yêu thương cuộc sống này.
Mỗi lúc buồn nản, mỏi mệt, tôi luôn tìm đến ông để trò chuyện, để thấy mình có thêm động lực, niềm vui sống. Tôi yêu thích những câu chuyện của ông, những quan niệm sống và sáng tạo của ông. Ông xứng đáng là một “kỳ nhân” của xứ Nghệ, tạo dựng nên một “thương hiệu Nghệ” trong lòng công chúng cả nước. Dù ông có nói về cái Tôi của mình: “Không nhỏ bé tầm thường, không vĩ đại/ Có thể vứt đi trong xó tối u buồn/ Có thể đứng trên hai chân vững chãi/ Tôi một mình, tôi lớp lớp triều dâng… Từng đối mặt với bạo tàn chết chóc/ Máu trào tuôn, sẹo tự đóng trong hồn/ Tôi mệt mỏi đến không còn sợ chết/ Nhưng vẫn lòng ham sống thật tôi hơn”.
Vâng, tôi mong lòng ham sống ấy sẽ giúp ông trở lại, vui vẻ trong bộ dạng củi khô của mình, và lại tiếp tục mỉm cười, và khi đó tôi sẽ nhắc ông “chú đã lắp răng giả vào chưa mà cười thế?”
* Tác giả bài viết: Thùy Vinh (TBT Tạp chí Sông Lam)
* Tác giả ảnh: Quốc Khánh, Hải Vương, Trung Hà, Sách Nguyễn