Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - Từ tuổi thơ đến tuổi thơ và hành trình mở ra những chân trời mới
Cậu bé bán kem
Sinh ra ở Làng Ngò, thuộc xã Quỳnh Sơn (nay là Sơn Hải), huyện Quỳnh Lưu, lên 7 tuổi, cậu bé Khang theo gia đình chuyển về Vinh, bắt đầu theo vỡ lòng. Khang là con thứ tư. Bảy anh em ai cũng học giỏi, nhưng khổ nỗi, cả bảy anh em đều đi học nên học phí là gánh nặng không kham nổi đối với một gia đình nghèo, đông con; dù khoản học phí thời ấy chỉ có tám hào một tháng.

Bởi vậy, đứa nào cũng phải đi làm phụ giúp ba mạ. Khang được mạ sắm cho hai cái phích đựng kem và tham gia vào "hội bán kem" từ mùa hè năm 13 tuổi. Gió Lào bỏng rát, bụi đường mù mịt, khi mọi người trốn nóng trong nhà thì "đội quân" bán kem vẫn mải miết trên đường…
Suốt những năm tháng bán kem, trẻ em ai chả thích ăn kem, thế mà Khang không hề ăn một que kem nào khi nó có thể bán kiếm tiền.Tiền bán kem suốt mùa hè dành dụm mua sách vở, quần áo chuẩn bị năm học mới…
Tính cách là thiên bẩm nhưng nó cũng được hình thành theo hoàn cảnh. Biết yêu thương, trách nhiệm. Ở tuổi “vỡ lòng”, Khang đã chăm chỉ, chu đáo hiếm thấy. Hôm nào cũng thức dậy từ 4 giờ sáng, nhóm bếp, nấu nước ủ tích chè xanh cho ba, luộc khoai cho cả nhà ăn sáng. Biết đi chợ, lo xa như người lớn, khi ba mạ đến kỳ lĩnh lương thì mua cá nục, cuối tháng cạn tiền thì mua cá trích, cá đốm…
Tốt nghiệp cấp 3 lớp chuyên toán năm 1968, Nguyễn Xuân Khang bước vào cuộc đời sinh viên tại Khoa Vật lý, ĐHTH Hà Nội. Cuộc sống sinh viên thời chiến tranh nơi sơ tán vô cùng kham khổ càng thức dậy trong anh những ý chí, khát vọng lớn.
Năm 1970, việc động viên tuyển quân được tiến hành ở các trường đại học. Rất nhiều sinh viên, trong đó có Khang háo hức được ra mặt trận để sống cuộc sống có ý nghĩa nhất: trực tiếp chiến đấu đánh đuổi xâm lược, giải phóng dân tộc. Nhưng đôi mắt cận thị nặng khiến đợt tuyển quân nào Khang cũng bị loại ngay từ vòng đầu.

Bất cứ cuộc lên đường nhập ngũ của sinh viên khoa Lý, chàng sinh viên Xuân Khang đều có mặt với tâm trạng thương nhớ và ngậm ngùi. "Thương nhớ các bạn và ngậm ngùi thân phận "trừ 12 đi - ốp" của mình. Bạn bè đi rồi, mình nằm nhà nhiều đêm trằn trọc, khổ tâm lắm", thầy Khang chia sẻ. Và anh càng quyết tâm học tập, học cho cả anh em, bạn bè, đem tri thức phục vụ đất nước sau này.
Tốt nghiệp khoa Vật lý năm 1972, thầy Khang được giữ lại trường dạy Vật lý cho học sinh Khối phổ thông chuyên Toán của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thời ấy, thầy hay nói trêu rằng mình là "nhà giáo" nhưng toàn phải lấy "giáo án" để mà "dán áo". Chỉ có đúng một bộ áo quần lành lặn để đi dạy học. Sáng dạy học xong, tối về lại tranh thủ giặt bộ đồ đó cho sạch sẽ để mai kịp mặc đi dạy…
Năm 1973, đám cưới thầy Khang - cô Như tổ chức trong nhà ăn tập thể, chỉ có nước chè, ít kẹo, lạc rang, thuốc lá. Bộ áo trắng, quần xanh mới là phải mượn của bạn. Chỉ tình yêu là bền bỉ, sắt son.
Người tiên phong trong mở trường dân lập
Thầy Nguyễn Xuân Khang được giữ lại Trường Đại học Tổng hợp nhưng không dạy đại học mà được phân công dạy Vật lý cho khối THPT Chuyên Toán (A 0) của Trường Đại học Tổng hợp.
Từ kinh nghiệm bản thân và những gì thu nhận được qua 10 năm dạy học, thầy Khang rất trăn trở với chất lượng học sinh và bất cập của các trường công lập và hệ thống giáo dục hiện hành.

Trong buổi gặp thầy Văn Như Cương (lúc đó là giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội) vào năm 1988, từ câu chuyện tâm huyết về giáo dục, các thầy cùng đi đến một nghi vấn khoa học: Nghị quyết Đại hội VI của Đảng đã khẳng định “Kiên quyết xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp”, đã chấp nhận nhiều thành phần kinh tế, chấp nhận sự bình đẳng và cạnh tranh của chúng; trong giáo dục tại sao không? Hai người thầy Xứ Nghệ đã nói là làm, cùng viết một bức thư, đồng ký tên, gửi Bộ trưởng Giáo dục Phạm Minh Hạc xin lập trường tư thục. Không ngờ Bộ trưởng phản hồi ngay, ông hoan nghênh và đề nghị hai nhà giáo viết đề án gửi Bộ để xem xét, nếu được thì cho thành lập.
Thầy Khang nhận viết đề án vì từng làm đề án lập khối chuyên Lý của Đại học Tổng hợp, lại có hơn 10 năm dạy phổ thông nên có ít nhiều kinh nghiệm.
Chừng một tuần, thầy Khang đã viết xong đề án xin thành lập trường phổ thông dân lập, thầy Cương đọc xong thống nhất gửi lên Bộ. Ngay sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc họp để nghe và "chất vấn" về đề án và yêu cầu chuẩn bị cho những bước tiếp theo: cơ sở vật chất, đội ngũ, tên trường…
Chưa lập trường, chưa phân cấp trưởng - phó, thầy Khang tự nguyện coi mình là cấp phó giúp việc cho thầy Cương, không nề hà việc "bếp núc", chạy khắp nơi tìm thuê địa điểm; thầy cũng là người đề xuất tên trường là Lương Thế Vinh với lý giải đây là nhân vật có tuổi thơ cực kỳ thông minh, học trò rất thích, lại hợp về nghề dạy toán của thầy Cương, dạy lý của thầy Khang…

Chỉ ba ngày sau hai thầy đã báo cáo Bộ đề án bổ sung và sau đó Bộ gửi công văn cho UBND Thành phố Hà Nội, tổng cộng chỉ mất chục ngày từ buổi họp đầu tiên… Một kỷ lục về mặt hành chính lúc ấy.
Thế nhưng vì việc này chưa có tiền lệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa có quy chế về trường dân lập nên thành phố không biết quản lý loại hình trường này thế nào. Nhận được công văn phản hồi của thành phố do Phó Chủ tịch Trần Thị Tâm Đan ký, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nghiêm Chưởng Châu liền chỉ đạo soạn quy chế tạm thời về loại hình trường phổ thông dân lập. Là người nghiên cứu, lập đề án, thầy Khang cũng được mời tư vấn trong quá trình soạn thảo quy chế này.
Tháng 3-1989 Bộ xong được quy chế tạm thời. Đó là "cái gậy" để không những Hà Nội mà cả nước cho thành lập và quản lý các trường phổ thông dân lập…
Trường Lương Thế Vinh được thành lập ngày 1-6-1989 như vậy.
"Năm đầu đã tuyển chọn được 800 học sinh. Ngày khai giảng, khách đến kín cả sân trường. Trên diễn đàn, thầy Văn Như Cương hào sảng đọc diễn văn khai mạc trường dân lập đầu tiên của Thủ đô, của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Tôi ngồi dưới giàn giụa nước mắt", thầy Khang hồi tưởng.
Ngôi trường của đời tôi
Từ khi Trường Lương Thế Vinh thành lập, đến đầu những năm 1990, cả nước có hàng chục trường dân lập ra đời. Là một người từng học lớp chuyên rồi dạy lớp chuyên, thầy Khang vẫn luôn ấp ủ ước mơ mở một trường dân lập năng khiếu để tập hợp học sinh giỏi, không những ở Hà Nội mà của các tỉnh khác.
Rồi thầy bắt đầu nghĩ về một trường dân lập mới để thực hiện tâm niệm ấy. Năm 1992, thầy Khang bàn giao và xin rút hoàn toàn công việc ở Trường Lương Thế Vinh, lại một lần nữa bắt tay lập đề án thành lập trường. Lần này là ngôi trường của đời mình: Trường phổ thông dân lập năng khiếu Marie Curie.

Thầy Khang kể: "Cách đây hơn 33 năm, Tết Nhâm Thân 1992, sau đêm giao thừa, tôi tự "giam" mình trong một không gian đặc biệt suốt 3 ngày đêm. Không đi đâu, không gặp ai, tôi tập trung cao độ, dành tất cả tâm huyết và kinh nghiệm để thực hiện một ý tưởng ấp ủ nhiều năm: hoàn thành đề án thành lập trường của cuộc đời mình".
Ngày 29-8-1992, UBND Thành phố Hà Nội ban hành quyết định cho phép thành lập Trường phổ thông dân lập cấp 2 - 3 Marie Curie.
Học sinh giỏi cấp quốc gia hoặc giải nhất cấp tỉnh được tuyển thẳng, miễn học phí, cấp học bổng. Học sinh ở tỉnh khác về học được bố trí ăn ở nội trú tại trường. Học sinh khác thi 60 phút, trắc nghiệm năng lực trí tuệ theo chuẩn quốc tế (Test Raven). Hơn 1.000 thí sinh dự tuyển. Kết quả, lần đầu tuyển sinh đã "vỡ trận", gần 600 học sinh trúng tuyển, thành lập 17 lớp, trong đó có 2 lớp 11 ngoài kế hoạch.
Trong 10 ngày tuyển đủ giáo viên. Nhiều thầy giáo dạy giỏi nổi tiếng ở Hà Nội sẵn sàng hợp tác với trường. Những cô giáo vừa tốt nghiệp đại học sư phạm, tràn đầy sức trẻ, cũng xin gia nhập đội ngũ giáo viên của trường.

Ngày 6-9-1992, Trường Marie Curie tổ chức trọng thể lễ thành lập trường và khai giảng năm học đầu tiên 1992 - 1993.
Thầy Khang nghẹn ngào nhắc đến những năm tháng như mơ: "Học trò ăn, ở, học hành, vui chơi… ở trường. Mỗi lần bố mẹ bạn đến thăm, cả phòng nội trú coi như bố mẹ của mình, quà bánh dùng chung… Một số thầy cô giáo cũng ở nội trú. Thầy cắt tóc, cô vá áo cho trò. Những đêm mùa hạ, thầy trò tắm ở bể nước lớn trong trường, thầy gội đầu cho trò, trò kỳ lưng cho thầy, múc nước dội cho nhau…"
Marie Curie cũng là một trong số hiếm hoi trường dân lập có xe ô tô đưa đón học sinh vào thời điểm ấy. Học trò còn làm thơ: "Chọn trong những từ yêu thương/ Em gọi bác lái xe là bố/ Vì em nhớ, khi em còn bé nhỏ/ Chỉ có bố mới đưa em đến trường/ Chỉ có mẹ mới chiều chiều đến đón…".

Từ phòng học phải đi thuê rồi chuyển địa điểm vài nơi, giờ đây Marie Curie đã trở thành một hệ thống trường từ mầm non đến THPT hiện đại bậc nhất Thủ đô với 4 cơ sở ở các quận: Nam Từ Liêm, Hà Đông và Long Biên (Hà Nội).
"Chúng ta đã gặp nhau, không phải trong một cuộc hội hè, không phải trên "trường đua kinh tế", mà tại một ngôi trường, khi đến đều ước một cái gì đó cao hơn, xa hơn!", nhà giáo Nguyễn Xuân Khang xúc động phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập trường.
Với tôi, thầy Khang là một người “nghiện” việc, “nghiện” trường. Khái niệm “hưởng thụ” đối với ông là được nhìn thấy thành quả tốt đẹp của giáo dục, thấy từng lứa học trò lớn lên thành những người tử tế, có thể làm tốt hơn những việc mình đã làm.
“Ông nội” của những đứa trẻ Làng Nủ
Ngày 10-9-2024, cơn bão lịch sử Yagi đã gây ra sạt núi và lũ quét kinh hoàng xóa sổ cả Làng Nủ (huyện Bảo Yên, Lào Cai), cướp đi 60 sinh mạng, trong đó có nhiều trẻ em. Trước tang thương ấy, thầy Nguyễn Xuân Khang đã đến làng Nủ và nhận nuôi 22 cháu bé của làng còn sống sót. Đó là một “dự án” của trái tim đã làm rung động hàng triệu trái tim khác, còn các cháu và dân làng Nủ gọi thầy là “ông nội”.

Dự án "nuôi" các con được bắt đầu từ tháng 10-2024, bằng cách mỗi tháng gửi cho mỗi con 3 triệu đồng để ăn học, kéo dài ít nhất đến năm 2039, khi cháu bé nhất đủ 18 tuổi.
Với hành động cao đẹp đó, thầy Khang được vinh danh là một trong mười công dân ưu tú của thủ đô năm 2024.
Khi được phỏng vấn, thầy đã trả lời tôi trong nước mắt:
"Tôi có ý định nuôi tất cả các con còn sống sót sau đợt lũ quét. Cách đây một tuần, chúng tôi đã đến tận nơi, đến từng nhà, từng trường ở Làng Nủ. Các cháu mất nhiều lắm, chỉ còn lại rất ít, thực sự rất đau xót. Chúng tôi đã lập được danh sách 22 cháu, trong đó 12 bé gái, 10 bé trai, cháu bé nhất 3 tuổi đang học mẫu giáo và cháu lớn nhất 17 tuổi đang học lớp 12. Tôi quyết định nuôi tất cả các con.
Tôi tuổi đã cao, mong sống được nhiều thêm một chút để chứng kiến tất cả các con trưởng thành. Nếu không được như vậy, tôi ra đi sớm hơn, đã có con tôi, cháu tôi, đồng nghiệp trong Trường Marie Curie sẽ thực hiện ước nguyện của tôi cho đến khi đứa bé nhất trưởng thành".
“Khi đứa bé nhất trưởng thành” là khi thầy Khang 90 tuổi.


Thầy Khang và các cháu có một bản cam kết thú vị: "Cứ tới ngày 22-12 hàng năm, ông nội và các cháu chụp ảnh gửi cho nhau để biết sức khỏe và sự trưởng thành của mỗi người. Và ngày 22-12-2039, tức 15 năm sau, ông nội 90 tuổi và hai cháu bé nhất đủ 18 tuổi, tất cả sẽ gặp nhau ở Hà Nội để chụp chung một kiểu ảnh tương tự như bức ảnh ông cháu chụp trong ngày 22-12-2024".
Sống làm lá lành
Thầy Khang đã trải qua tuổi thơ trong gian khổ và nhiều đận khó khăn trong cuộc đời. Những lúc đó, thầy đã nhận ra sự vô giá của những sẻ chia, giúp đỡ. Và nó trở thành một lẽ sống, một lời nguyền:
"Ở đời, không mấy khi trả ơn được người đã giúp mình. Chỉ còn cách mình giúp lại người khác. Tôi đã làm, đồng nghiệp của tôi đã làm, con cháu và học trò của tôi sẽ làm với mong muốn thiết tha: tri ân cuộc đời", thầy tâm sự.

Đó là khi thầy góp cả tỉ đồng ủng hộ xây cầu cho bà con miền Tây qua đội xây cầu từ thiện; là việc mua xe cứu thương chở bà con đi viện miễn phí; là khi gửi tiền cho các thầy hiệu trưởng ở Điện Biên để học trò thêm những bữa cơm có thịt; là việc lo từ chăn ấm, cuốn sách, tập vở cho học trò vùng cao; là những chuyến xe chở nặng hàng cứu trợ cho đồng bào miền Trung mùa lũ… Tất cả những con người ấy, địa danh ấy có thể thầy chưa từng gặp nhưng cho đi vì thầy biết khó khăn ấy là thật, cần trợ giúp ấy là thật…
Vào thời điểm quyết định nhận nuôi những đứa trẻ ở Làng Nủ, cũng là lúc thầy đang bộn bề với việc thực hiện cùng lúc 4 dự án lớn với kinh phí cả trăm tỉ đồng cho huyện vùng cao Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang). Dự án đầu chưa kết thúc thì thầy đã bắt tay thực hiện dự án sau… Dự án nào cũng đòi hỏi rất nhiều tâm sức, tiền của.
Khởi đầu là dự án trồng 3 - 4 vạn cây xanh tại cánh rừng ở xã Khâu Vai (huyện Mèo Vạc) vào năm 2021 và kéo dài đến hết năm 2024.

Năm 2022, khi cả nước thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, huyện Mèo Vạc đối diện với thực tế gần như "trắng" giáo viên dạy tiếng Anh ở cấp tiểu học nhưng không thể tuyển được ai. Biết chuyện, thầy Khang quyết định giúp đỡ bằng cách lập ra "Dự án dạy tiếng Anh cho học sinh Mèo Vạc", tuyển mới gần 20 giáo viên chỉ để dạy trực tuyến cho hơn 2.600 học sinh lớp 3 của gần 20 trường tiểu học ở Mèo Vạc, với tổng kinh phí khoảng 2 tỉ đồng/năm học. Dự án kéo dài trong 3 năm học, cho đến khi lứa học sinh này tốt nghiệp tiểu học. Một sự giúp đỡ mà huyện Mèo Vạc gọi là "cứu nguy" cho gần 20 trường học, còn đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo sau khi lên Mèo Vạc dự giờ cũng phải thốt lên, dù chưa từng có tiền lệ nhưng "vô cùng hiệu quả".
Khi việc dạy tiếng Anh cho học sinh Mèo Vạc bước vào năm thứ hai, cũng là lúc thầy canh cánh với nỗi lo khi kết thúc, Mèo Vạc lại khó khăn bởi vẫn thiếu giáo viên. Nhiều đêm không ngủ bởi nỗi lo hiện hữu ấy, năm 2023, thầy Khang chủ động đề xuất với UBND huyện Mèo Vạc về việc phối hợp đào tạo giáo viên tiếng Anh cho huyện với hình thức cử tuyển, kết hợp xã hội hóa, với tên gọi "Đào tạo giáo viên tiếng Anh cho Mèo Vạc". Trường Marie Curie sẽ hỗ trợ đào tạo 30 giáo viên cho huyện Mèo Vạc với dự tính tổng kinh phí 6 - 12 tỉ đồng.
Huyện Mèo Vạc tìm học sinh là con em tại địa phương, trúng tuyển vào các trường đại học đào tạo ngôn ngữ Anh, bố trí cho các em về dạy học tại các trường trên địa bàn huyện sau khi ra trường. Trường Marie Curie hỗ trợ kinh phí ăn ở tối thiểu 5 triệu đồng/em/tháng (từ tháng 12.2023). Mức này có thể tăng lên đến 10 triệu đồng/tháng, tùy vào thành tích học tập của các em; số tiền được chuyển trực tiếp vào tài khoản của các em mỗi tháng thực học.
Lúc dự án đào tạo giáo viên tiếng Anh bắt đầu "chạy", ông lại trăn trở bởi mong muốn từ rất lâu: trẻ em ở nơi cực Bắc của Tổ quốc cũng được học ở một ngôi trường khang trang, hiện đại không kém với trường học ở Hà Nội.
Ý nghĩ ấy thôi thúc thầy Khang. Tết Giáp Thìn 2024, ông lại nhốt mình trong phòng làm việc, tự tay vạch ra kế hoạch xây trường học tặng Mèo Vạc với kinh phí khoảng 100 tỉ đồng. Kiến trúc sư thiết kế trường cho Mèo Vạc cũng là những người đã thiết kế những cơ sở đẹp nhất, hiện đại nhất của Trường Marie Curie Hà Nội.
Ngày 15-3-2025, Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Marie Curie Mèo Vạc đã chính thức khởi công. Thầy Khang sẽ lên để tận tay bàn giao trường cho Mèo Vạc, dự kiến vào tháng 6-2026. Đã có ngôi trường của đời mình, thầy muốn trẻ em ở nơi phên giậu của Tổ quốc cũng có một ngôi trường trong mơ của các em.

Khi tôi hỏi, vì sao những dự án dành cho Mèo Vạc lên tới cả trăm tỉ đều được thầy "quyết" rất nhanh như vậy?. Câu trả lời lại một lần nữa làm tôi bất ngờ: "Khi tôi tròn 30 tuổi, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, lúc ấy tôi có vợ và một con, đã viết tâm thư xung phong tòng quân lên bảo vệ biên giới, nhưng không được toại nguyện. Tôi tâm niệm nếu không được dùng xương máu để bảo vệ biên giới phía Bắc thì nay xin dùng mồ hôi nước mắt giữ đất và giữ nước ở biên cương Tổ quốc. Đó là hạnh phúc!".
Từ một đứa trẻ nghèo bây giờ không nghèo nữa và làm từ thiện hàng trăm tỉ như đã kể, mà thầy Khang, vẫn giữ một cốt cách Xứ Nghệ: ngoài vài bộ quần áo lịch sự đủ để đối ngoại, thầy vẫn ăn mặc giản dị, thích mặc những bộ đồ cũ thoải mái. Món ăn "khoái khẩu” nhất của thầy cũng đậm vị quê hương, đó là mắm tôm và cà muối.
Tôi còn được nghe thầy nói nhiều và cảm nhận một triết lý sống giản dị mà sâu xa từ thầy: Làm lá lành! “Mọi người và chính bản thân tôi cũng thế, thầy nói, có thể xuất phát là lá rách, thậm chí là lá rách nhiều. Nhưng sống cần có mục tiêu, phấn đấu để thoát ra khỏi thân phận thiếu thốn, nghèo hèn của mình; để từ lá rách trở thành lá lành. Khi là lá lành thì mình không những lo được cho bản thân mình, lo được những người thân yêu của mình, cho xã hội”.
“Lá lành” tôi còn hiểu không phải là ông nọ, bà kia, đại gia, tỉ phú; mà là sự trong sạch, lành lặn lương thiện như nhân cách và cuộc sống của thầy./.
Nội dung: Nhà báo Tuyết Mai
Thiết kế: Hoàng Bá