anhbia11.jpg

“Người của núi” là biệt danh mà Thành Dũng, Phó Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tương Dương gán cho nhà báo Ngô Nhật Lân giữa cuộc “nhậu phủi” bên dòng Nậm Nơn trong một chuyến đi của chúng tôi nơi “sơn cùng thủy tận”.

Còn nhớ bận ấy chừng trung tuần tháng 6 năm 2020, tôi nhận được điện thoại của Nhật Lân. Cảm giác là lạ bởi với tôi hầu như Nhật Lân chỉ gọi điện vào cuối tuần và nội dung thì cũng chỉ í ới cà phê “một đen - một nâu”. Lâu nay bỗ bã thân tình xưng hô lúc “ngài”, lúc “thày”, lúc thì “Cua Đồng”… bỗng dưng lão trở chứng “Chào đồng chí Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn” làm tôi… giật cả mình. Nghe cái cung cách xưng hô lòng thòng tôi lập tức phủ đầu:

- Có chuyện chi à?

- Sáng mai bận chi không, lên rừng với tui một chuyến.

- Mấy giờ?

- 5 rưỡi xuất phát.

- Có “biến căng” à?

- Cứ đi khắc biết!

- Ok.

2.jpgTôi và Nhật Lân quen nhau cũng đã vài chục năm, khi tôi mới nhận nhiệm vụ cán bộ chủ trì ở phường Hưng Dũng còn Nhật Lân lúc ấy cũng chân ướt chân ráo về “nhận nhiệm vụ” làm…con rể Làng Đỏ. Đằng vợ Nhật Lân và nhà tôi chỉ cách “dăm quăng dao” nên cũng tiện bề hàn huyên kiểu trà dư tửu hậu. Ngày tôi bảo vệ luận văn thạc sĩ thì Nhật Lân là người hướng dẫn viết bài báo khoa học, điều làm tôi "lú não" mỗi lúc nghĩ lại chuyện này là khi hướng dẫn tôi viết bài báo được đánh giá khá cao ấy thì Nhật Lân đang đường đường là một… họa sĩ! Chuyện Nhật Lân quay xe từ nghề vẽ sang nghiệp viết cũng na ná như chuyện ngụ ngôn lừa rớt xuống giếng, nhưng chi tiết thú vị này tác giả sẽ xin cất dành để hầu bạn đọc vào một dịp khác.

Trở lại với chuyến công tác miền Tây xứ Nghệ, sáng hôm sau tôi dậy sớm, đến điểm hẹn thì đã thấy Nhật Lân đứng tựa đuôi xe đốt thuốc lá. Lại nhớ có lần Đào Tuấn hay ai đó “đá đểu” Nhật Lân là “có dấu hiệu của nhà thơ”, hơi nhựa nhưng quả là trông cái hình ảnh “cẳng thấp cẳng cao” đứng phì phèo điếu Thăng Long trắng hếu ấy thì khó mà cãi thật. Mà không cẩn thận lão lại “quay xe” lần nữa để bỏ báo đi làm thơ cũng nên! Nghi lắm, ai còn lăn tăn với phán đoán này thì hãy đọc mấy câu sau xem sao: “Những người dân phía núi/ Như cây xoan ngày đông/ Cứ âm thầm lặng lẽ/ Lá vàng gửi thinh không”. Hoặc như: “Này đá ơi mày bao nhiêu tuổi/ Mà khắp thân vằn vện nếp nhăn?

Đấy không là thơ thì là gì nữa! Nhầm Nhật Lân với nhà thơ thì chưa, nhưng nhầm Nhật Lân là kiểm lâm, là công an thì rồi. Thậm chí có lần vào thăm mỏ đá, lão đi trước, tôi theo sau, mấy chú thợ khoan im thin thít vì tưởng Nhật Lân ở bên bộ phận kiểm tra nổ mìn.

bc1c31d3c7b304ed5da2.jpg
Phóng viên Nhật Lân tại chốt biên giới Nậm Cắn

Lên xe thấy Nhật Lân có vẻ kiệm lời nên tôi cũng không hỏi gì thêm. Khi tôi bắt đầu thiu thiu chợp mắt thì nghe giọng Nhật Lân nói như độc thoại: “Vụ Piêng Cọoc khởi tố rồi”. Tôi đáp lại kiểu cầu âu: “Phá rừng thì tù thôi”. Nhật Lân im lặng, có lẽ phải đến gần năm phút sau, khi xe đã qua rừng Săng Lẻ (Tương Dương) thì lão mới hồi đáp: “Nếu đơn giản rứa thì cần chi ta phải lên”.

Đã là cây bút phóng sự điều tra có “số má”. Vốn liếng giải thưởng so trong “làng” nói như một đồng nghiệp cùng cơ quan thì: “Nhật Lân mà thứ Hai thì ít ai Chủ nhật”. Nhưng chơi với lão tôi lại cứ thấy câu “Văn là người” có vẻ không ứng nghiệm. Với Nhật Lân thì đôi khi có cảm giác người một đàng mà văn một nẻo! Khi nhìn lão khó hiểu, khắc khổ, lạnh lùng nhất thì cũng là văn lão sục sôi nhất. Phần “giống” với khổ chủ có lẽ là văn lão không màu mè, không lên gân, cũng không dẫn dụ độc giả bằng sự lắt léo của câu chữ. Cái làm cho người đọc không rứt khi đọc bài của Nhật Lân chính là nội dung. Tự thân câu chuyện cũng như cách tiếp cận trực diện tự nhiên thế mà hút hồn bạn đọc. Nhật Lân nắm bắt vấn đề nhanh, trực giác tốt, có những phán đoán nội tâm chuẩn xác kết hợp với đó là lối lập luận chặt chẽ, sắc sảo. Ưu điểm nổi trội của lão là tính “độc lập tác chiến” cao. Phần giống với chủ nhân nhất trong những bài viết của Nhật Lân có lẽ là tố chất hội họa. Nó chứa cái thẩm mỹ tự nhiên, đa sắc, bố cục độc đáo gợi cảm, phần viết đã thế, phần ảnh càng thế.

3-2.png

Có người nói Nhật Lân dũng cảm lại có người nói Nhật Lân liều, thậm chí có người còn nghĩ là lão khó tính, chỉ là chưa thấy ai nhận xét Nhật Lân may mắn cả. Ngày còn ở báo Lao động Nghệ An, vừa cầm bút chưa kịp ấm tay Nhật Lân đã dấn ngay vào: “Đằng sau dự án trồng rừng Innov Green” rồi băng qua “Quy hoạch Thành cổ Vinh, ba mươi năm vẫn hoàn quy hoạch”. Khi ai đó đưa Nhà văn hóa Lao động lên bàn nghị sự thì Nhật Lân chính là tác giả của lời tuyên bố: “Tài sản Công đoàn do tổ chức Công đoàn quyết định” bài báo lúc ấy tựa như một tiếng đập bàn của công luận và kết quả sau đó thì… tài sản Công đoàn vẫn ở lại với Công Đoàn!

Chuyển công tác về báo Nghệ An “sân” dành cho Nhật Lân rộng hơn. Lão gắn với lĩnh vực tài nguyên môi trường, với miền núi. Vẫn cái dung mạo ngang ngang nhưng nén căng năng lượng ấy bạn đọc lại gặp Nhật Lân qua những tuyến bài như: “Loại bỏ tính cục bộ trong kinh doanh nước sạch”, “Vỡ đập bùn thải trên đỉnh Lan Ton”. Nhật Lân viết nhiều, đa dạng. Các sai phạm trong nhiều dự án bất động sản được Nhật Lân cắt những nhát sắc lẹm… Nhưng có lẽ miền đất lão “nghiện” nhất vẫn là rừng. Theo dõi dăm hôm vài bữa lại thấy Nhật Lân đầu đội mũ cối tay chống gậy lội rừng đâu đó. Mà công nhận lão khỏe thật! Vừa thấy tay xách nách mang “Theo dấu chân voi rừng” ở Bắc Sơn, Quỳ Hợp, hôm sau đã “Xuyên đêm săn xe quá khổ quá tải” dọc đường 48 rồi. Tuần trước mới thấy đứng giữa “… vườn chè trái phép ở Thanh Mai”, tuần sau đã chống nạnh bên đám gốc cây “…rừng Túm Lụm”. Mới thoáng “Phượt trên đỉnh Phà Cà Tủn” được mấy bữa lại thấy lom khom chui trong hầm để “Rút giấy phép khai thác vàng núi Phu Phen”. Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương… những Xiêng My, Nga Ngoi, Lượng Minh, Na Hứm… hình như chỗ nào lão cũng thấy mặt lão “check in” cả. Sau mỗi chuyến đi là một tác phẩm báo chí đáng đọc đến với độc giả. Có những lúc vỗ mặt sai phạm kiểu như “Ngang nhiên rút ruột Sông Lam” nhưng cũng có lúc trĩu nặng ưu tư như “Chuyện đời lâm nghiệp” hay thổn thức “Khát vọng một miền đá trắng”, “Phiêng Lâng, chuyện hãy còn dài”…

Có một lần hai anh em trên xe, tôi hỏi thẳng: “Đã khi mô bị dọa chưa?”. “Chưa hề!”, Nhật Lân khẳng định. Tôi lại hỏi: “Có sợ không?” “Mình có mần chi sai mô mà phải sợ!”. Thấy cởi mở tôi tranh thủ học lỏm: “Có mẹo chi bật mí cho với?”. Nhật Lân vừa hạ kính hóng gió vừa trải lòng: “Có lẽ xuất phát từ dân tay ngang nên buộc tui phải nỗ lực gấp nhiều lần. Bí quyết của tui là học hỏi học hỏi và học hỏi. Học tất cả mọi người, học cả cái cái thành công đồng thời cũng học hỏi từ cả cái thất bại của họ. Tiếp theo nữa là phải đi nhiều, đi càng nhiều viết càng thuận”. “Mần răng mà ung khui được nhiều thông tin rứa?”, tôi truy tiếp. Vẫn thái độ thoải mái ban nãy, Nhật Lân bộc bạch: “Nguồn tư liệu thì nhiều, điều quan trọng nhất là mình phải gây dựng được lòng tin. Khi người ta tin mình, hiểu mình, đồng cảm với mình thì người ta sẽ chia sẻ với mình”. Có một chi tiết khá thú vị là cách đây chưa lâu tác giả bài viết này tình cờ nhìn thấy một tấm hình Nhật Lân chụp cùng nhóm bạn mặc đồng phục. Cảm giác như Nhật Lân không hợp với kiểu trang phục “quy đồng mẫu số” này. Không dám nói là lạc lõng nhưng quả thực khi Nhật Lân trông giống với mọi người nhất thì cũng là lúc trông Nhật Lân khác với Nhật Lân nhất.

3-1.jpg

Trong mắt bạn bè và cả đồng nghiệp Nhật Lân cũng khá nhiều điểm cộng. Có lần chị Hồ Ngân, Phó Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Nói thật, Nhật Lân là một nhà báo chỉ có chuyên môn và chuyên môn. Làm thật, làm chân chính, đeo bám đến cùng. Cái Nhật Lân kém nhất có lẽ là… chạy quảng cáo”. Hay như một trong những người hay lội rừng cùng Nhật lân, ông Lê Văn Giáp - Phó Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện Quế Phong thì bày tỏ: “Nhật Lân trách nhiệm, công tâm, nhiệt tình… Tay nớ nỏ khác chi anh em nhà tui, rất… bám rừng”. Phóng viên Phan Giang (Trung tâm VHTT huyện Quỳ Hợp) thì “phàn nàn”: “Đi với anh Nhật Lân học được nhiều điều nhưng riêng cái nghiệp vụ thì hơi bị khó, khi mô anh cũng có cách tiếp cận khác biệt”.

Viết về Nhật Lân, nhà báo Phạm Thùy Vinh có lần thổ lộ trên trang cá nhân rằng: “Anh là nhân vật bí hiểm, đóng vai “yếu tố bất ngờ”. Trai phố nhưng luôn thấy ở rừng. Họa sỹ mà chủ yếu là vẽ…chữ. Có tuổi rồi mà cứ phải… “tăng động” mới chịu. Hồi mới gặp, mình từng rất chủ quan khi nhìn cái vẻ mặt lầm lỳ, cái điệu bộ chừng như dửng dưng bất cần của anh mà nghĩ rằng: Nhìn tướng mạo nớ mần chi mà biết viết báo. Để rồi, sau này khi đã là một đồng nghiệp ở cùng cơ quan mới “té ngửa” ra rằng bên trong cái lầm lỳ ấy là sự dũng cảm, là những dấn thân, đằng sau sự dửng dưng kia lại là thái độ quyết liệt, còn sau nét bất cần là trái tim nồng ấm… Tất cả mọi điều ấy, nếu bạn còn nghi ngờ, thì hãy đọc các tác phẩm báo chí của anh í.”

Nhưng nói về Nhật lân thì có lẽ lão xứng nhất với mấy câu mà lão tự chộp được của đồng bào:

“Thằng Lân ơi

Vinh sắp mưa rồi

Mày ở lại đây đi

Đêm nay bản tao vẫn chưa có điện

Đêm nay mày sẽ không có sóng điện thoại

Nhưng có tao, có bà con thôn bản

Mọi người quý chúng mày”.

Chuyến công tác của tôi với Nhật Lân lên Piêng Cọoc chỉ 2 ngày, ngắn đến ngẩn ngơ. Sự việc phá rừng đầu nguồn ở Piêng Cọoc lúc ấy đã quá nổi tiếng và một bản án dường như không còn phải bàn cãi. Lân nói, “Tui đã tiếp xúc với bà con Piêng Cọoc từ vụ dịch sởi năm 2014. Tui tin họ, có thể họ là người sai nhưng chưa hẳn họ là là người xấu”.

be7a9a476d27ae79f736.jpg
Nhà báo Nhật Lân nhận phần thưởng tại Hội nghị “Gặp mặt, tuyên dương Người làm báo tiêu biểu”

Hành quân 70 cây số bằng đường sông, thêm vài tiếng chạy xe máy, vào đến Piêng Cọoc mới thấy trực giác của gã nhà báo 50 tuổi đời hơn 20 năm tuổi nghề đã đúng. Những căn nhà xác xơ xập xệ, những đứa trẻ nheo nhóc, những bữa cơm muối trắng… Và cuối cùng thì sự thật là người dân chặt cây rừng về để gia cố sửa sang lại những ngôi nhà sắp sập. Họ là những kẻ phạm tội đáng thương. Sau chuyến đi thì “Nỗi lo ở Piêng Cọoc” của Nhật Lân nhận được sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc. Sự việc Piêng Cọoc cuối cùng được giải quyết một cách thấu đáo, nhân văn, có lý có tình.

9ff6869e4ffe8ca0d5ef.jpg
Phóng viên Ngô Nhật Lân của Báo Nghệ An tại Lễ trao Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ 3, năm 2020-2021" tại Thủ đô Hà Nội

Lại nhớ trước khi vào rừng, ai đó bàn lùi: “Hình ảnh có rồi, nhân chứng cũng đây rồi, vào rừng cũng rứa”. Một vài người có vẻ xuôi xuôi ở lại, Nhật Lân rít một hơi thuốc lá, lão ném cái phần còn lại xuống nền đất, lấy cái chân miết một cái rõ dài rồi thủng thẳng: “Các ngài mệt thì nghỉ, kiếm giúp tôi một dân bản dẫn đường là được”. Thế là cả đoàn lại kéo nhau hành quân bộ. Mấy nắm xôi mang theo phòng thân thì cho tụi nhỏ dân bản. Mãi tận đến 5 giờ chiều khi đã quay ra trạm phòng hộ đoàn mới dùng… bữa trưa. Ai nấy đói lả người. Vậy mà khi trở ra, tôi thấy Nhật Lân ngồi sau xe máy, một tay vòng ôm chặt tài xế, tay còn lại đưa máy ảnh chụp những căn nhà đang xiêu xiêu trên sườn núi Mai Sơn.

Chuyến công tác trọn vẹn, Nhật Lân đánh xe đưa tôi về tận cổng, đang chuẩn bị vào nhà thì thấy Nhật Lân loáy hoáy mở cốp lấy ra một cái túi và nói: “Có mấy chục trứng gà nhà lấy bên ông ngoại, ngài cầm về thỉnh thoảng rán cho thằng cu”.

Nguyễn Khắc An