Nhà báo Lý Văn Sáu - Cuộc đời cống hiến cho Báo chí cách mạng Việt Nam
Trọn đời vì Báo chí cách mạng
Lý Văn Sáu tên khai sinh là Nguyễn Bá Đàn, sinh ngày 5/11/1924 tại làng Yên Nhân, nay là xã Nhân Thành, huyện Yên Thành trong một gia đình nhà nho có truyền thống yêu nước. Cha ông là Cử nhân Nguyễn Trọng Thuần, sinh năm 1890, đỗ Cử nhân năm Ất Mão 1915, khi mới 22 tuổi. Ông Thuần là người chí thiết của Phó bảng Phan Võ tại quê nhà, của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng trong những ngày làm quan ở miền Trung. Lý Văn Sáu nhớ về cha mình: “Ông là người xây nên nhà trường đầu tiên của làng tôi để dạy quốc ngữ. Ông dựng nên chợ đầu tiên của làng Yên Nhân trên bờ sông Hàn… Cha tôi thương người hoạn nạn, quý người đồng hương, đùm bọc bà con, dòng họ. Làm quan đồng lương không bao nhiêu nhưng trong nhà bao giờ cũng có một hai cụ đồ Nghệ sa cơ lỡ vận ở chơi hàng tháng, co bốn năm người họ hàng mà cha mẹ tôi nuôi ăn học, dạy nghề, túng thiếu không kêu ca. Với những người tù chính trị, ông tìm mọi cách giúp đỡ, làm nhẹ án và không bao giờ tra tấn họ”.
23-9-1945, Nam Bộ kháng chiến bùng lên, Lý Văn Sáu tham gia kháng chiến ở Khánh Hòa, trong Trung đội dân quân tự vệ. Thời ấy, ông có bút danh, bí danh là Đại Tây.
Khi Mặt trận Nha Trang bị vỡ, Nhân dân và nhiều cán bộ tản cư ra vùng tự do. Còn lại một số ít người lên cứ. Lý Văn Sáu thuộc số ít ấy cùng với Phạm Cự Hải - Phó Chủ tịch, Tôn Thất Vỹ - Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Khánh Hòa. Ông được chỉ định làm Trưởng ty Thông tin tỉnh. “Ty Thông tin” Khánh Hòa lúc ấy chỉ có hai người, ông Sáu và ông Huỳnh Thẩn. Nhiệm vụ được giao lúc đầu là qua radio theo dõi, nắm bắt tình hình trong nước và thế giới, nắm bắt chỉ đạo của Trung ương qua Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1947, ông Sáu được kết nạp vào Đảng.
Viết về Lý Văn Sáu, không thể không nói đến Nguyễn Minh Vỹ (1914 – 2002), Chủ tịch Khánh Hòa trong ngày đầu kháng chiến, người anh, người dìu dắt Lý Văn Sáu trên nhiều bước đường cách mạng, người đưa Lý Văn Sáu vào nghề báo, người sáng lập Báo Thắng, thể hiện tinh thần quyết chiến quyết thắng của Nhân dân tỉnh Khánh Hòa. Lý Văn Sáu được giao làm chủ bút (Tổng Biên tập). Đây là tờ báo địa phương sớm nhất trong cả nước, tiền thân của báo Khánh Hòa ngày nay; là một dấu mốc, một trang lịch sử đáng tự hào của Khánh Hòa nói riêng và của cả lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Cùng với Báo Thắng, ông Vỹ còn giao cho ông Sáu chủ biên tờ báo địch vận mang tên Le Trait d’Union (Cái gạch nối). Ông Vỹ cũng là người tác thành cho cuộc hôn nhân của ông Sáu với nữ cán bộ Ngọc Ánh...
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Hồ giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp (Bộ trưởng Nội vụ), Trần Huy Liệu (Bộ trưởng Thông tin), Xuân Thủy (Thường vụ Tổng bộ Việt Minh phụ trách Tuyên truyền), do Xuân Thủy chủ trì thành lập Đài Phát thanh quốc gia (Đài Tiếng nói Việt Nam), Sở Thông tin Bắc Bộ (tiền thân của Thông tấn xã Việt Nam) và thành lập một tổ chức tập hợp, đoàn kết các nhà báo Việt Nam.
Sáng 22-8-1945, Xuân Thủy triệu tập các cán bộ trẻ, giỏi ngoại ngữ mà ông biết, tập trung xây dựng Đài Phát thanh quốc gia trước. Trần Kim Xuyến được giao chuẩn bị bản tin đầu tiên để phát trên Đài, đó là tin về Lễ Độc lập, toàn văn Tuyên ngôn Độc lập và danh sách Chính phủ bằng ba thứ tiếng Anh, Pháp, Hoa.
Lý Văn Sáu là người có biệt tài về học ngoại ngữ. Người ta kể rằng, năm 1956 ông được cử đi học Trường Đảng ở Liên Xô. Ông tự học tiếng Nga mấy ngày trên tàu hỏa mà sang Nga có thể phiên dịch cho cả đoàn. Vì thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, năm 1954, ông được cử làm sĩ quan liên lạc bên cạnh Ủy ban Quốc tế và Ban Liên hợp đình chiến theo Hiệp định Giơ-ne-vơ.
Đúng 11h30 phút ngày 7/9/1945, Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng chương trình đầu tiên, mở đầu bằng câu Đây là Tiếng nói của Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Một số người sống vào thời kỳ đó kể lại rằng, khi nghe câu này, đã nhảy lên vui mừng, khóc giàn dụa: hàng nghìn năm người Việt mới cất lên tiếng nói của mình! Và mãi mãi, câu Đây là Tiếng nói của Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trở thành một ký ức, một tình cảm thiêng liêng.
Nhưng lúc đó, do hạn chế kỹ thuật, Đài tiếng nói Việt Nam chưa phủ sóng toàn quốc. Theo chỉ đạo của Đặc phái viên Chính phủ Phạm Văn Đồng, Đài Tiếng nói Nam Bộ được thành lập và phát sóng buổi đầu tiên vào ngày 1-6-1946 tại đình làng Thọ Lộc, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi.
19 giờ, ngày 01/12/1947, tại rừng tràm ở xã Nhơn Hòa Lập, huyện Mộc Hóa (Long An) Đài Tiếng nói Nam Bộ kháng chiến cất lên nhạc hiệu Tiến quân ca và lời hiệu triệu kháng chiến do Giáo sư Phạm Thiều - Ủy viên Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ, Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ, đọc trực tiếp trên sóng. Khi Đài Tiếng nói Nam Bộ kháng chiến ra đời thì Đài Tiếng nói Nam Bộ đổi tên thành Đài Tiếng nói Miền Nam.
Năm 1949, Liên Khu V giao cho Lý Văn Sáu trực tiếp biên tập, giúp Giám đốc Nguyễn Văn Nguyễn điều hành Đài Tiếng nói Miền Nam (Bí danh Ban Tây Sơn).
Năm 1960, Lý Văn Sáu về công tác tại Vụ Báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương.
Năm 1962-1966 là Phó Trưởng Cơ quan đại diện của Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam tại Cu Ba.
Năm 1968 – 1973, dự Hội nghị Pa-ri, là người phát ngôn của Mặt trận rồi Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.
Tháng 9/1973 là Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, văn hóa của Ban Miền Nam (Ban Thống nhất).
Tháng 5/1975: Phó Giám đốc thứ nhất Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh.
Tháng 7/1977-1986: Được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam kiêm Tổng Biên tập Đài Truyền hình Trung ương 1977-1980; Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam 1980-1985.
Năm 1987 – 1991 là Phó Tổng Biên tập Thông tấn xã Việt Nam và nghỉ hưu tại đây.
Cuộc đời Lý Văn Sáu là cuộc đời của một nhà báo – chiến sĩ, nhà ngoại giao cách mạng. Mỗi bước đời của ông đều gắn bó chặt chẽ với sự phát triển của báo chí, với lịch sử nước nhà.
Nhân chứng của câu nói Phi-đen
Hầu như người Việt Nam thời chống Mỹ ai cũng thuộc lòng câu nói của Phi-đen Ca-xtrô “Vì Việt Nam, Cu Ba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình".
Từ thế kỷ 18, người dân Cuba đã biết đến Việt Nam khi người anh hùng Cuba Hose Marti từng viết bài báo “Một cuộc dạo chơi trên đất của những người An Nam” để nói lên sự anh dũng của những người dân Việt Nam kiên cường chống thực dân Pháp. Sau chiến thắng Điện Biên và trong chống Mỹ, nhiều trường học, tên đường, tên làng ở Cu Ba mang tên Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi… Cu Ba là nước đầu tiên đặt quan hệ ngoại giao với Mặt trân dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam.
Trong một bài báo đăng trên tạp chí Nghiên cứu quốc tế điện tử ngày 01/12/2016, nhà báo Lý Văn Sáu kể:
“Có một kỉ niệm khó quên với tôi trong thời gian công tác ở Cu Ba, đó là lần tôi được trực tiếp chứng kiến câu nói của lãnh tụ Fidel… Nhân đây tôi cũng muốn nhắc lại nguyên văn câu nói của Fidel khi đó là: “Vì Việt Nam, chúng ta sẵn sàng hiến dâng đến cả máu của chính mình”, trong đó hai từ được ông nhấn mạnh là “đến cả” và “chính mình”. Chủ tịch Fidel đã tuyên bố câu nói ấy tại cuộc mít tinh có sự tham dự của hơn một triệu người tại Quảng trường Cách mạng ở Thủ đô La Habana.
Khi Fidel vừa dứt câu tuyên bố mạnh mẽ ấy, cả quảng trường Cách mạng như vỡ òa bởi những tiếng hò reo và tràng pháo tay của những người tham dự…
Câu nói của người đứng đầu nhà nước Cu Ba đã biểu thị sự ủng hộ mạnh mẽ và tinh thần đoàn kết với Nhân dân Việt Nam.
Hồi đó, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Cu Ba dự hội nghị là đồng chí Trần Danh Tuyên – Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, còn Trưởng đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là đồng chí Trần Văn Thành – Ủy viên Mặt trận. Ngay chiều hôm sau, lãnh tụ Fidel cho mời hai Trưởng đoàn đại biểu của miền Nam và miền Bắc Việt Nam tới gặp riêng. Tôi cũng được dự vì là phiên dịch cho hai đồng chí Trưởng đoàn. Fidel tiếp ba chúng tôi tại Cung Cách mạng.
Mở đầu cuộc gặp, Chủ tịch Fidel nói: “Hôm nay tôi gặp các đồng chí để giải thích vì sao trong cuộc mít tinh ngày hôm qua, tôi lại nói rằng “Vì Việt Nam, chúng ta sẵn sàng hiến dâng tới cả máu của chính mình”. Tôi nói ra câu ấy trước hết là vì tình đoàn kết vô điều kiện mà chúng tôi dành cho nhân dân Việt Nam và thể hiện quyết tâm của chúng tôi luôn luôn ủng hộ các đồng chí trong cuộc đấu tranh chống Mỹ. Thứ hai, bối cảnh hiện nay buộc tôi phải nói ra như vậy bởi trong năm 1966 Cu Ba đã được Trung Quốc cam kết cung cấp gạo, món lương thực chủ yếu của chúng tôi, nhưng đến gần thời điểm này (tháng 7/1966), phía Trung Quốc lại thông báo rằng năm nay Trung Quốc vì phải dành gạo cho Việt Nam nên không có gạo cho Cu Ba. Hai bên trước đó đã thỏa thuận rồi, vậy mà giờ đây Trung Quốc lại tuyên bố như vậy. Quyết định này của Trung Quốc thực sự đã làm khó chúng tôi vì giờ đây chúng tôi làm thế nào tìm ra kịp đối tác để mua hoặc xin viện trợ? Tôi biết sự việc không hẳn như những gì họ giải thích, còn nếu quả thực là vì Việt Nam thì chúng tôi sẵn sàng nhịn đói để Nhân dân Việt Nam có gạo mà chiến đấu, thậm chí chúng tôi còn sẵn sàng hiến dâng tới cả máu của chính mình”.
Phát ngôn nổi tiếng ở Pa-ri
Thắng lợi của Hội nghị Pa-ri do thắng lợi ở chiến trường là quyết định. Nhưng những nhà ngoại giao theo Tư tưởng Hồ Chí Minh tại Hội nghị Pa-ri bằng ngoại giao chính trường, ngoại giao Nhân dân, ngoại giao báo chí đã góp phần rất to lớn vào kết quả của Hội nghị, vào việc làm cho thế giới hiểu Việt Nam, thúc đẩy phong trào biểu tình ủng hộ Việt Nam lan khắp thế giới và ngay tại sân nhà Mỹ.
Nhà báo Nguyễn Thành Lê, Cố vấn kiêm Người phát ngôn của Đoàn đàm phán hội nghị Pari về Việt Nam đã viết trong cuốn sách “Mặt trận Ngoại giao với cuộc đàm phán Pari về Việt Nam” do Bộ Ngoại giao chủ biên viết: “Cuộc đàm phán ở Pari kết hợp nhiều hình thức đấu tranh phong phú gồm:
-Đấu tranh trong các phiên họp công khai;
-Đàm phán trong các cuộc họp riêng;
-Đấu tranh trong các cuộc họp báo và trả lời phỏng vấn các nhà báo;
-Đấu tranh với đối phương bằng cách vận động và tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức các đoàn thể, các cá nhân thuộc những khuynh hướng chính trị, tôn giáo khác nhau”.
Xuân Thủy phụ trách hoàn toàn ba trong bốn hình thức là Đấu tranh các phiên họp công khai; Đấu tranh trong các cuộc họp báo, trả lời phỏng vấn các nhà báo và Đấu tranh vận động, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới rất thành công. Ông đã cho điều động những nhà báo thạo ngoại ngữ, giỏi nghiệp vụ làm nòng cốt thực hiện ba công việc trên. Cùng với Xuân Thủy, còn có Nguyễn Minh Vỹ, Nguyễn Thành Lê, Lý Văn Sáu, Hồng Hà, Hà Đăng, Nguyễn Hữu Chỉnh, Hoàng Phong, Lê Bình, Xuân Oanh, và nhiều nhà báo tài năng khác.
Nhà báo Hà Đăng, nguyên thành viên của Đoàn Miền Nam dự Hội nghị Pa-ri, lúc nào kể về sự kiện này cũng đầy hào hứng. Hào hứng và nhớ kỹ nhất là câu trả lời của nhà báo – người phát ngôn Đoàn Mặt trận Lý Văn Sáu.
Ngay tại cuộc họp báo sau phiên họp đầu tiên của Hội nghị Pari ngày 25/1/1969, một nhà báo Mỹ trải ra một tấm bản đồ khá lớn và hỏi người phát ngôn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam: "Mặt trận các ông thường khoe là kiểm soát được tới hai phần ba lãnh thổ Nam Việt Nam, vậy ông vui lòng chỉ cho tôi xem trên tấm bản đồ này các vùng giải phóng đó ở đâu?". Câu hỏi thật hóc búa. Sau Mậu Thân, địch nống ra chiếm lại nhiều vùng giải phóng. Thực tế có nhiều vùng cài răng lược; nhiều vùng ban đêm là của Giải phóng, ban ngày của ngụy. Chính quyền, đồn bót của Mỹ ngụy có ở khắp nơi. Nếu trả lời cụ thể, chắc chắn đối phương sẽ đưa ra những chứng cớ để phản bác lại. Đây là cuộc họp báo đầu tiên, thành công hay thất bại rất quan trọng. Nhiều người trong hai đoàn ta toát mồ hôi, lo lắng. Lý Văn Sáu điềm tĩnh xuất thần:
"Điều ông hỏi cũng là điều Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn muốn biết. Xin ông hãy đọc thông báo quân sự của Mỹ ngày hôm nay, xem máy bay của họ ném bom nơi nào ở miền Nam Việt Nam, những nơi ấy chính là vùng giải phóng của chúng tôi đấy". Tiếng vỗ tay vang lên khắp phòng họp, hứng khởi nhất là tiếng vỗ tay của anh em mình vì đã vượt qua được một thách thức…
Tại cuộc họp báo khác, một nhà báo Pháp hỏi: "Ông nghĩ gì về việc trưởng đoàn Sài Gòn khoe khoang bản chất tốt đẹp của chính quyền họ?". Lý Văn Sáu đáp: "Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn chính quyền Sài Gòn tự cho mình là độc lập, dân chủ, yêu nước". Tiếng cười lại vang lên. Người ta không ngờ rằng, người cộng sản vô thần lại có thể thuộc Kinh thánh và vận dụng một cách humour (hài hước) theo kiểu Phương Tây. Hôm sau, tờ báo công giáo La Croix viết: "Người phát ngôn Việt Cộng cũng đang dùng ngụ ngôn trong Kinh Thánh". Trong Kinh Phúc âm, Mt 19, 23-30 Chúa Giê-su phán trước các môn đệ rằng: “Thầy bảo thật các con: Người giàu có thật khó mà vào Nước Trời. Thầy còn bảo các con rằng: Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời”. Câu trả lời thể hiện một tư thế đĩnh đạc, một trình độ văn hóa cao như vậy càng làm cho thế giới hiểu và khâm phục Việt Nam.
Tháng 3/1969, Mỹ đem bom B 52 rải thảm khu vực Trung ương Cục đóng nhưng không tiêu diệt được cơ quan đầu não của ta. Một nhà báo nước ngoài hỏi Lý Văn Sáu: “Trung ương Cục của ông biến đi đâu mà tài thế?” Ông chỉ vào tim mình nói: Các nhà lãnh đạo của chúng tôi ở trong lòng dân nên quân Mỹ không thể nào tìm bắt họ được. Có thể giờ này họ đang ở Sài Gòn!
Tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, có một câu nói của Lý Văn Sáu được đặt trang trọng: “Đừng quên Việt Nam. Nhớ Việt Nam để đừng sai phạm một lần nữa ở Việt Nam”!
Đằm thắm tình yêu, giữ bền đạo nghĩa
Trên bước đường cách mạng, Lý Văn Sáu đã gặp được một người con gái Khánh Hòa nhan sắc, trung kiên cách mạng, mang trong mình những phẩm chất quý giá nhất của người phụ nữ Việt Nam. Vào một sớm tinh mơ năm 1948, Trưởng ty Thông tin 23 tuổi Nguyễn Bá Đàn có dịp gặp và cùng đi một đoạn đường do giao liên dẫn về nơi công tác với một nữ cán bộ trẻ 17 tuổi có đôi mắt đen láy. Họ đi cùng nhau trong ba giờ, chắc chỉ nói chuyện kháng chiến rồi ai theo đường nấy, không ai nghĩ có ngày sẽ gặp lại. Cho đến một trưa tháng 9-1948, đoàn cán bộ đang ăn bữa cơm trưa do đồng bào tiếp tế dưới chân đèo Rù Rì, trên đường chờ ra đảo Hòn Tre, căn cứ kháng chiến của Thành ủy Nha Trang, chợt nghe ai nhắc đến tên Ánh. Anh bỏ chén, hỏi thăm và tìm bằng được người con gái mà mình đã vô tâm bỏ qua mọi manh mốí, không một hẹn hò. Cô Ánh bấy giờ đang sốt cao, trú tạm dưới một làng chài. Hai người chỉ gặp nhau được mươi phút. Ngay đêm đó, anh Đàn hạ quyết tâm viết một bức thư tình ba điểm:
“Chị Ngọc Ánh,
Sau mấy lần gặp Chị tôi rất có cảm tình với Chị và xin được đặt vấn đề như sau:
1.Nếu Chị cũng có cảm tình với tôi thì ta sẽ cùng nhau tìm hiểu.
2.Nếu Chị không muốn thì ta vẫn là bạn của nhau.
3.Nếu Chị đã có nới khác thì tôi xin rút.
Chúc Chị mau lành bệnh và công tác tốt. Biết lúc nào mới gặp lại Chị”.
Một tuần sau, anh nhận được bức thư còn ngắn hơn, chỉ một câu Em đồng ý điểm 1 của anh.
Hai người làm đám cưới tại chiến khu ngày 20/11/1948. Tổng kết đời mình, sau khi người vợ hiền mất (19/9/1998), Lý Văn Sáu viết trong hồi ký dặn lại các con:
“ Cuộc đời của Ngọc Ánh, người con gái Nha Trang chỉ được 67 năm 7 tháng. Chung sống với ba và làm mẹ của các con còn thiếu hai tháng mới được 50 năm. Mấy câu ba viết vào những ngày sau đó nói lên nỗi niềm của ba:
Xứ trầm hương cho tôi hai của báu
Một con đường cách mạng
Một hòn Ngọc để yêu thương và chiếu sáng con đường
Đường còn đó xă xăm, tít tắp
Ngọc tắt rồi, ai soi bước chân tôi!
…Với ba và các con, má là người tuyệt vời nhất… Má yêu người chân thành, ghét thói tham lam xu nịnh, vùi dập người khác… Các con phải biết thương yêu nhau, biết góp ý xây dựng cho nhau. Các con, các cháu hãy phấn đấu làm cho ba má được vinh dự và vui lòng vì các con, các cháu. Má ra đi đột ngột, không kịp dặn dò gì chúng ta. Cuộc đời luôn có những bất ngờ, hãy sống làm sao cho những đột ngột, bất ngờ không làm cho ta suy sụp, mất hướng đi. Gia đình mà ba má tạo dựng nên và các con tiếp tục phát triển là một gia đình có nguồn gốc trong đấu tranh cách mạng của dân tộc. Phải làm cho cái gốc đó ngày càng vững”…
Vì hoàn cảnh công tác, ông phải sống xa quê, nhưng lòng ông luôn đau đáu về một làng nhỏ Yên Thành. Năm 2009, khi bị cưa cụt một chân, nhiều bệnh tật hoành hành. Ông phải sống trong đau đớn, nhưng vẫn khắc khoải vì một ngày giỗ không về được, gửi lòng qua một bức thư tâm huyết và mấy câu thơ:
Từ ngày cắt cụt một chân
Tấm lòng thương nhớ bội phần nhân thêm
Mong năm sau khá hơn lên
Về quê dù cụt, dù rên cũng về…
Nhưng sức khỏe ông không khá lên được và đã ra đi vào ngày 30/4/2012, ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước đi trọn con đường mà ông và các đồng chí suốt đời cống hiến.
Người ta thường nói rằng khi một người ra đi, cuộc đời và những đóng góp của họ được nhìn nhận và đánh giá trọn vẹn nhất. Trong những lời tiễn biệt, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu viết “Bác Lý Văn Sáu là cán bộ ngoại giao tài ba của Đảng, người cán bộ mẫu mực, trong sáng, thủy chung”.
Đồng chí Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Trung ương, người bạn gần gũi ở Liên khu V và Pa-ri đánh giá: “Anh Lý Văn Sáu sống mãi trong lòng chúng tôi, một người đồng chí, người bạn chí tình và là chiến sĩ vô cùng năng động, sáng tạo trên mặt trận tuyên truyền – báo chí và mặt trận ngoại giao”.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung, nguyên Trợ lý Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu viết: “Trên quê hương Liên khu V, sự cống hiến, tấm lòng và ý chí của anh Lý Văn Sáu, một người anh lớn trong đội ngũ báo chí, văn nghệ Việt Nam, mãi còn đó với non sông, đồng bào đồng chí”.
Đại sứ Cu Ba tại Việt Nam Fredesmán González và tập thể những người Cu Ba ở Việt Nam viết vào sổ tang: “Jose Marti từng nói: “Cái chết không còn là sự thật sau khi người ta đã sống trọn vẹn cuộc đời mình”. Hãy yên nghỉ người bạn phi thường. Ông sẽ sống mãi trong trái tim người dân Cu Ba, của gia đình và đồng bào từ Bắc vào Nam. Tấm gương và ký ức về ông sẽ đi theo chúng tôi mãi mãi. Vinh quang bất diệt, Lý Văn Sáu, người bạn yêu quý của chúng tôi”!
Xứ Nghệ nói chung, Yên Thành nói riêng, thật đáng tự hào có một người con như vậy!