Nguyễn Văn Tý – người nhạc sĩ mang tâm hồn dân tộc
Khát vọng làm sống dậy dòng chảy dân ca xưa bằng những sáng tác mới, dường như đã là con đường sáng tác mang bản sắc riêng của Nguyễn Văn Tý trong dòng âm nhạc Việt - những ca khúc thấm đượm dân ca, thấm đượm tâm hồn dân tộc.
Khởi nguồn âm nhạc
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý quê gốc ở huyện Kim Anh, tỉnh Vĩnh Phú nay là huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, vùng đất của những câu hát dân gian như trống quân, hát chèo, hát xoan, hát ghẹo. Bố ông tên là Nguyễn Văn Sỹ, thời trai trẻ vốn là trùm bát âm, tinh thông các loại nhạc cụ truyền thống dân tộc, và có thể vào vai kép nhất trong các vở chèo thời bấy giờ. Thấy ông Nguyễn Văn Sỹ lớn rồi mà vẫn mê hát hò như thế, nên ông anh họ ở nhà máy Đêpô của Ga Hà Nội đã đưa ông lên Hà Nội học nghề, rồi gửi vào tận nhà máy xe lửa Trường Thi – Vinh – Bến Thủy làm thợ máy. Tại đây, ông đã gặp bà Lê Thị Thang cũng làm thợ sơn, hai người nên duyên vợ chồng, và sinh hạ Nguyễn Văn Tý vào năm 1924, năm Giáp Tý.
Sống trong xóm thợ nghèo đó, nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Sỹ vẫn giữ nếp sống phong lưu của một tâm hồn yêu đàn hát. Mặc dù là nhà tranh vách đất, nhưng trên vách nứa, vẫn có đủ các loại đàn dân tộc, nào đàn tranh, đàn nguyệt, đàn bầu, đan tam, đàn tứ. Mỗi tối thứ 7, ông lại tập hợp các tay đàn nổi tiếng các nơi đến nhà, cùng hòa đàn, thu hút các nghệ nhân, khách mê nhạc kéo đến ngày càng đông. Ông Nguyễn Văn Sỹ cũng là dòng dõi thi thư, nên dù nghèo, ông luôn dạy con theo triết lý Nho gia, giấy rách phải giữ lấy lề, sống đời sống khí khái, trung thực và nhân nghĩa.
Nguyễn Văn Tý đã lớn lên trong chỉ bảo nghiêm khắc của cha, trong những điệu nhạc du dương như thế. Từ thủa lọt lòng, tiếng đàn của bố đã đưa ông vào giấc ngủ, đã vẽ nên trong tâm hồn ông bao mộng mơ, huyền ảo. Rồi không biết tự bao giờ, lên 6 tuổi, cậu bé Nguyễn Văn Tý ngày ấy đã có thể hát những bài cổ bản, Kim tiền, Sa mạc, Trống quân, Huê tình, Bình bán… Hàng chục làn điệu chèo đều được cậu Tý thể hiện rất trơn tru. Cậu nổi tiếng khắp vùng là “Cậu Tý hát hay”, đặc biệt là bài Lý giao duyên:
“Trăm khúc sông đổ về một bến
Anh chẳng thương nàng, anh đến chi đây”
Khi Nguyễn Văn Tý học năm thứ 3, chuẩn bị thi tốt nghiệp Diplôme, ông Nguyễn Văn Sỹ đã đập hết các nhạc cụ quý. Ông cụ không muốn con trai mình theo nghiệp đàn hát mà phân tâm việc học hành. Thế nhưng, có lẽ chính là dòng chảy âm nhạc dân tộc đã hòa trong huyết quản nên sau này, như một sự sắp đặt của số mệnh, cuộc đời Nguyễn Văn Tý cứ kết duyên với những người bạn, người anh, dẫn lối để ông bước vào con đường hoạt động nghệ thuật và âm nhạc.
Thành Vinh và những kỷ niệm
Thành phố Vinh là nơi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được sinh ra và lớn lên, gắn bó những ngày ấu thơ. Nơi đây, năm 1930, lên 7 tuổi, ông đã học ở trường sơ học yếu lược Bến Thủy, lớp Enfatin, để rồi, ông và bạn bè qua sông Lam cùng nhau dệt nên bức tranh đầy xao động về tuổi thơ. Ngày đó, vào mùa hè, cứ trước mỗi giờ lên lớp, ông lại cùng các bạn hẹn nhau ra đồi, ăn sim, ăn mua, rồi xuống bãi cát dàn đánh trận gỉả. Ký ức như đợt sóng trôi đi, còn để lại những xao động đầu đời của một cậu bé với cô bé Tài cùng lớp mắt sắc như dao cau. Khi cô bé chuyển nhà, chuyển trường về Hải Phòng sinh sống, cũng là lúc để lại cho cậu bé Nguyễn Văn Tý lúc đó một nửa tâm hồn trống vắng lạ kỳ, mà mãi sau này, ông mới nhận ra “đó là tình yêu gì”: “Cái phút thầm kín ấy, cái phút ban đầu/ Ai ngờ phút này còn lưu luyến mãi về sau”.
Nguyễn Văn Tý đã học ở Trường Quốc học Vinh 4 năm, từ 1938 đến 1942. Những năm đó, ông là “cây văn nghệ”, chuyên hát trong màn ca kịch “Cô lái đò”, hay đóng vai nữ như vai “Bà Phán”. Có lần, ông được giải Nhất toàn trường, giải thưởng là một chiếc lọ độc bình bằng đồng, đưa về cho mẹ bán được 6 đồng Đông Dương, khi ấy, một tạ gạo chỉ 4 đồng. Bởi vậy, sau khi tốt nghiệp, ông đã tham gia vào Đoàn Kịch nói và Kịch thơ của Đoàn thanh niên cứu quốc Nghệ An, bắt đầu một hành trình hoạt động cách mạng của người nhạc sĩ sau này.
Năm 1944, Nguyễn Văn Tý tham gia hoạt động Việt Minh trong tổ xung phong Cầu Rầm do đồng chí Trần Đắc (tên thật của nhà thơ Chính Hữu) phụ trách. Thời gian này, để che mắt mật thám, tối nào, Nguyễn Văn Tý cũng tham gia biểu diễn tại ca thứ 3, từ 10h đến 11h đêm tại rạp Đại Nam, một rạp xi-nê lớn nhất ở thành phố Vinh thời kỳ ấy. Phòng trà lúc này chỉ mình ông biểu diễn các tác phẩm lãng mạn như “Biệt ly” của Doãn Mẫn, “Thiên Thai”, “Suối mơ”, “Trương Chi” của Văn Cao, “Cô láng giềng” của Hoàng Quý… Tối nào, ông cũng đến rạp trong xe Ford mui trần, có 3 người bạn trong nhóm tháp tùng. Ông đi hát không lấy tiền, chỉ cần ông chủ phòng trà đối đãi với bạn tử tế. Sau buổi hát, ông về nhà bạn, thoải mái chuyện trò và có thể làm nhiệm vụ cấp trên giao mà không ngại bị mật thám rình mò, nghe ngóng.
Năm 1945, cách mạng tháng 8 vừa thành công, Nguyễn Văn Tý đã cùng bạn bè xây dựng cho Tỉnh Đoàn thanh niên cứu quốc Nghệ An đội kịch nói, kịch thơ, với những vở diễn vang bóng thời kỳ ấy như “Trưng Trắc, Trưng Nhị”, “Nguyễn Trãi – Phi Khanh”, và Nguyễn Văn Tý đã vào vai Thi Sách và Phi Khanh rất thành công…
Lớn lên trong xóm thợ Trường Thi – Bến Thủy, thành Vinh đã nâng bước cho chàng thanh niên giàu ước vọng bước tới trên con đường hoạt động nghệ thuật sôi nổi. Ông từng là Trưởng phòng Thông tin Tuyên truyền huyện Thanh Chương, phụ trách Đoàn văn công tổng hợp Sư đoàn 304, rồi công tác ở Chi hội Văn nghệ Liên khu 4 với các nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, Phạm Duy, Lê Yên, … chắp cánh cho tài năng âm nhạc được thăng hoa.
Con đường âm nhạc
Thủa ấu thơ, Nguyễn Văn Tý có duyên ở gần nhà một bà giáo người Pháp, tên là Madame Nigon. Ông thường xuyên lui tới, thu gom sách vở cho bà chấm bài và được bà dạy hát một số tác phẩm lãng mạn, sau này đã trở thành bài tủ để Nguyễn Văn Tý tham gia hát ở rạp Đại Nam.
Vốn đam mê âm nhạc, ông đã ngồi hàng giờ liền mỗi tối trước taluy đường chỉ để được nghe vẻ đẹp của dàn nhạc ghi ta vọng ra từ ngôi nhà của ông Mạnh Hinh, người gốc Thượng Hải, Trung Quốc. Nhiều lần bắt gặp Nguyễn Văn Tý lặng lẽ ngồi nghe trước cửa nhà, ông Mạnh Hinh đã cảm kích tấm lòng đó mà mời Nguyễn Văn Tý tham gia vào dàn nhạc. Ông đã phân công học trò tên là Bảo Vân kèm cặp cho anh tham gia vào bè 2, giúp anh có thêm kiến thức về đàn ghi ta Hạ Uy Di theo trường phái Mỹ.
Năm 1948, Nguyễn Văn Tý tham gia công tác cùng các nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương và nhạc sĩ Lê Yên. Ông đã cùng các nhạc sĩ đàn anh, tự học, tự nghiên cứu nội dung trong các cuốn sách quý mà anh Nguyễn Văn Thương được người quen gửi từ nội thành ra. Đó là cuốn Harmonie của Dubois và Contre point của Kochelin. Mỗi cuốn, các ông phân công nhau chép thành 3 cuốn, phòng khi bom đạn, mất một còn hai, rồi phân công nhau nghiên cứu từng chương để thuyết trình, cùng nhau thảo luận học tập. Bằng phương pháp đó, Nguyễn Văn Tý dần dần cũng theo kịp, hiểu được nội dung, nắm được vấn đề, hoàn thiện thêm kiến thức về nhạc lý. Với vốn kiến thức tự học đó, năm 1948, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã có các tác phẩm đầu tay “Ai xây chiến lũy”, “Chiếc áo cánh phin”… Trong đó, bài hát “Ai xây chiến lũy” được ông trực tiếp thể hiện cùng ba tác phẩm mới của nhạc sĩ Phạm Duy: “Về miền Trung”, “Bà mẹ Gio Linh”, “Bao giờ anh lấy được đồn Tây”. Tháng 9 năm 1949, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được kết nạp vào Hội Văn nghệ Việt Nam, chính thức đứng vào hàng ngũ những văn nghệ sĩ chuyên nghiệp của cả nước. Năm 1956, ông là một trong năm nhạc sĩ tham gia Ban vận động thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam. (Năm nhạc sĩ đó là: Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Văn Cao và Nguyễn Văn Tý). Cho tới năm 1957, khi đã là ủy viên Ban chấp hành khóa 1 – Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tiếp tục học lớp Bổ túc Đại học Âm nhạc, chương trình 7 năm dồn vào một năm do chuyên gia Triều Tiên Mao Vĩnh Nhất đảm trách, hoàn thiện hành trang của người nhạc sĩ sáng tác.
Người nhạc sĩ mang tâm hồn dân tộc
Cuộc đời nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý như một bài ca, với nhiều nốt thăng trầm. Ông đã có những ngày hành quân mà ông gọi là cuộc hành trình kỳ lạ. Bởi ở đó, ông – một người lính đơn độc, vì đau ốm nên tụt lại phía sau, lại nhận được sự giúp đỡ, yêu thương của những người dân lao động, để rồi, đêm tối không thấy những giọt nước mắt mà chỉ thấy những bóng anh em cáng bộ đội ra bến sông lủi thủi trở về trong đêm. Hành trình từ chỗ nằm êm ái trên xe chở vải, đến bát cháo ấm nóng của mẹ Trọng, mẹ bộ đội ở Quỳnh Lưu, đến sự nhẫn nại của người phu xe, sự ân cần của người chị họ… để rồi, về nhà với mẹ mà ông òa lên khóc như đứa trẻ, trong lòng mang nặng sự biết ơn những người đã cưu mang, giúp đỡ trong hành trình kỳ lạ đó.
Tham gia sinh hoạt trong Chi hội văn nghệ Liên khu 4 ngày ấy, Nguyễn Văn Tý đã có những ngày gian khổ, có khi suýt mất mạng khi phục vụ dân công hỏa tuyến trong chiến trường. Có những lúc, ông phải nhanh trí trốn dưới hào, lăn lê trong bùn đất, phía trên, lán bốc cháy, những người không chạy kịp đã bị bom Napan đốt thành than, người sống sót kêu la vì bỏng rát… Ông cũng đi qua những năm tháng chỉnh huấn mà khi nghĩ lại vẫn còn ám ảnh, những lần bị cấp trên nghi ngờ tham gia vào nhóm Nhân văn giai phẩm, những khi phải báo cáo lên xuống chỉ vì sáng tác bài hát lãng mạn Dư âm. Hay 6 năm biệt phái xuống Hưng Yên dốc lòng “vun xới” cho mảnh đất này với những tác phẩm vang bóng: “Bờ vùng bở thửa”, “Múa hát mừng chiến công”, “Bài ca năm tấn”. Ông đã xây dựng cho Hưng Yên lần đầu tiên có đoàn ca múa mới, mang phong cách nhạc chèo, đã viết nhạc nền cho những vở chèo hiện đại mà người ta thường gọi là “Chèo ông Tý”… Khó khăn chưa bao giờ làm Nguyễn Văn Tý chùn bước, ngược lại, tâm hồn ông như cần ăng ten luôn sẵn sàng đón bắt những thanh âm từ cuộc sống, để rồi hòa thành giai điệu, lời ca.
Có người đã gọi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là nhạc sĩ của Nhân dân. Điều ấy quả rất đúng. Ông – người trí thức kiêu hãnh, lãng tử nhưng lại sống đắm đuối với đời sống mỗi nơi ông qua, hiểu đến từng câu chuyện, tâm tình mà người địa phương muốn nhắn nhủ. Bởi thế, mỗi ca khúc ông viết ra, vừa có nét riêng cho mỗi vùng đất mà cũng khái quát nét tính cách chung nhân hậu, kiên cường của người Việt Nam. Lời ca cô đọng, hàm súc mà mang tính biểu tượng cao, nên nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã gọi ông là nhà thơ, trong lĩnh vực viết lời.
Về âm nhạc, các tác phẩm của Nguyễn Văn Tý đã vận dụng nhuần nhuyễn dân ca các dân tộc. Bởi ngày bé, âm nhạc dân tộc đã âm thầm chảy trong huyết quản của ông. Ông đã lớn lên bằng những câu hát chèo, những tiếng đàn đáy, đàn nguyệt, tiếng sáo bay bổng lúc chiều tà….Bởi thế mà có những người nước ngoài đã nhầm “Dư âm”, “Mẹ yêu con” là dân ca Việt Nam. Nhưng dân ca trong tác phẩm của ông, không phải mượn màu “son phấn dân ca xưa, kể cả thứ son phấn đã bạc màu” (2), mà chính là chất dân ca chuyển tải hơi thở của thời đại. Bởi thế mới có một “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” ngọt ngào, lắng đọng, đi sâu vào lòng người trên nét âm hưởng của dân ca quan họ xưa, mới có “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” phảng phất câu hò, điệu Ví Giặm, và một “Dáng đứng Bến Tre” mang mác lời ru con, đằm sâu Lý giao duyên, ngợi ca người phụ nữ miền Nam thành đồng Tổ quốc… “Dáng đứng Bến Tre” được ông xem là bài tập thành công trong 5 năm ông học làm người Nam Bộ.
Một tiếng đàn tranh của người con gái xứ Huế mà Nguyễn Văn Tý nghe được trên đất Thọ Xuân, Thanh Hóa đã đi sâu vào tâm tưởng ông, để đến 25 năm sau, ngày giải phóng miền Nam, khi ông được về Sài Gòn trong những ngày tiếp quân, giữa bộn bề bao thanh âm chộn rộn của nhạc nhẹ, nhạc thị trường, tiếng đàn tranh ở đâu bỗng vọng về. Ông như nghe được tiếng đàn của ngày xưa, giọng ca như nước mắt đầy vơi. Giọng ai? Ai hát? Ông không hề quen biết, thế nhưng, ông đã thấy một sự gặp gỡ kỳ lạ, sự đồng cảm và thân thương, có cái gì như “máu hòa vào máu, tâm hồn hòa vào tâm hồn”. Ông gọi đó là “tâm hồn dân tộc”. Tình yêu với âm nhạc truyền thống của ông cha đã đi vào trong con người ông sâu nặng như thế.
Một tấm lòng với xứ Nghệ
Nghệ An, nơi chôn nhau cắt rốn, vùng đất thiêng liêng kết nối với người thân trong họ tộc, nơi ghi những dấu ấn quan trọng trong cuộc đời của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Ông yêu quê bằng cả tấm lòng mình. Nơi đây đã cho ông những nguồn cảm xúc thật đẹp, thật trong sáng để viết nên bản tình ca bất hủ: “Dư âm”. Năm 1950, khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đến nhà một người bạn ở Quỳnh Lưu chơi, bất chợt bắt gặp một ánh mắt to tròn, đen láy đang nhìn ông đăm đắm. Nhà có hai chị em gái, thì đó là cô em, mới 16 tuổi. Trái tim ông đã rung lên những nhịp đập khác lạ khi bắt gặp ánh mắt ấy. Tối hôm sau, đến nhà bạn chơi, khi ông đang trò chuyện ngoài sân thì gặp cô bé đang hong tóc và khe khẽ hát. Hình ảnh ấy đã in đậm trong trái tim chàng trai đa cảm. Ông giữ mãi một dáng hình, và một đêm khi đang là Trưởng đoàn văn công Sư đoàn 304, ông vừa buông màn nằm xuống thì bỗng tràn về nỗi thương nhớ về mối tình son trẻ vừa tan vỡ. Câu hát rất lạ hiện ra: “Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn…”, ông cuống quýt đi tìm giấy bút và đèn, cùng với cây đàn ghi ta. Qua một đêm trong tấm cót quây tròn, trên một cái nong phơi, tình khúc “Dư âm” đã ra đời, đánh dấu một bước ngoặt lớn trên con đường sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.
Hay trong ca khúc “Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh” có hình ảnh rất nên thơ “Thương con đò cắm cây sào đứng đợi”, ít người biết, hóa ra con đò ấy là biểu tượng cho một người con gái thủy chung. Con gái Nghệ thường ít nói, mà chỉ cười, có biết đâu, ánh mắt nụ cười, đôi khi cũng là tiếng lòng của họ. Khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý còn ở trong quân đội, trong một lần hành quân về nhà, ông đã gặp một cô gái dễ thương chăm chỉ dệt lụa bên khung cửi. Khi đó, vợ đầu ông, bà Mai Thị Cúc đã mất mấy năm, ông cũng muốn có bạn tâm giao chia sẻ. Nhưng ông nói chuyện mãi, mà cô gái thì chỉ mỉm cười. Chán nản, ông bỏ về và rồi, theo bước hành quân đi xa mãi. Hơn 20 năm sau, có người hỏi ông, sao để người con gái đó chờ đợi suốt 18 năm ròng? Ông mới vỡ lẽ, sững sờ… Ông viết chữ “Thương” cũng là để trách mình, sao để cho cuộc đời trong sáng đó phải đợi chờ vô vọng?
Sau này, khi công tác ở Hà Nội, mỗi khi gặp người quen ở Nghệ An, ông mừng lắm, ríu rít nhận đồng hương và nói với nhau những thổ ngữ mà chỉ người xứ Nghệ mới hiểu được. Những dịp tình cờ như thế, cũng tạo nên chìa khóa bất ngờ cho những từ đang nung nấu trong tác phẩm “Bài ca người phụ nữ Việt Nam”.
Chuyện là trong tác phẩm có câu: “Trước mặt kẻ thù chẳng một giây nao núng”, ông trăn trở lắm. Dùng từ “trước”, nếu có ai vặn vẹo hỏi: vậy “sau” thì thế nào? Khái quát tinh thần dũng cảm, mặt đối mặt với quân thù mà chỉ thu gọn vào một từ, thật không dễ. Suốt cả đêm, hết đứng lại ngồi, bật đèn lên suy nghĩ rồi tắt đèn đi nằm, mà vẫn không nghĩ ra từ nào đắt giá để thay từ “trước”.
Sáng hôm sau, ông đến phòng thu Đài Tiếng nói Việt Nam, đang đợi ca sĩ đến để thu âm trong tâm trạng nặng nề thì bất ngờ gặp anh Thụ, một biên tập viên của Đài, người Nghệ An chính cống. Anh em gặp nhau, hồ hởi: “Ôi! Lâu lắm mình mới xáp mặt ông!”. Từ “xáp” để lại trong nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý một âm vang khác lạ. “Xáp” có nghĩa là gặp nhưng không xa mà ở rất gần. Có một từ nào tương tự như vậy, hoàn toàn có thể thay thế cho cụm từ “mặt đối mặt”, và từ “giáp” bỗng nhiên hiện ra khiến ông thở phào nhẹ nhõm. Đây rồi, từ ông cần tìm cho bài hát chính là đây. Ca sĩ vừa đến, và bài hát “Bài ca người phụ nữ Việt Nam” đã kịp hoàn thành trong những phút cuối cùng như thế.
Vỹ thanh
Trong tâm tưởng của cô Thái Linh – con gái của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, hình như bố cô vẫn ở đâu đây, vẫn về bên cô mỗi khi ca khúc “Mẹ yêu con” vang lên. Những lúc như vậy, dù xung quanh ồn ào, náo nhiệt, dù không khí tiệc tùng vui vẻ, thì những dòng nước mắt vẫn lặng lẽ chảy ra, như một điều tự nhiên không cầm được… Sống trên đời, cũng tựa như mặc một chiếc áo, đển một lúc, chiếc áo đã cũ càng, thì sẽ chuyển sang một hình thức khác, chỉ có điều, mắt ta không nhìn được mà thôi… Bởi vậy, cô Thái Linh vẫn tin rằng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vẫn đang ở đâu đó thật gần.
Điều cô nuối tiếc là, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, mẹ cô, bà Bạch Lê và cô Thái Linh ngẫu nhiên đúng vào chuỗi tuổi tứ hành xung: Tý – Dậu – Ngọ. Thì ra, khắc tuổi cũng làm cho những số phận không được gần nhau, có nhiều cách trở dẫu yêu thương vẫn thật đong đầy.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã từng nhớ thương vợ mình mà sáng tác bài Con sáo sang sông, rồi vừa đàn, vừa khóc. Bà Bạch Lê dù đã sang Tây Đức với con gái, nhưng chưa kịp nghe bài hát đã vội trở về bên ông… Còn Thái Linh, đến tuổi này, cô càng thấm thía tình thương bao la mà bố đã dành cho cô. Cô vẫn còn nhớ ánh mắt lo lắng khi bàn tay chơi đàn của cô bị phồng rộp lên, nhớ giọt nước mắt của người đàn ông kiên cường đã rơi xuống khi người ta vu vạ cho ông mua chuộc để con gái thi đỗ thủ khoa, đi học nước ngoài… Và giọt nước mắt đó đã lặng lẽ rơi lần nữa khi tàu chuyển bánh, đưa con gái học đi xa, để trong lòng người nhạc sĩ ấy ngân lên những giai điệu, như một tiếng lòng mà cũng như một dự báo thật tốt lành gửi tới con:
Giờ con biết đi rồi
Đi trên con đường lớn
Mẹ ngắm con cười
À ơi ru hời, ơ hời ru…
(1). Trích trong bài Tôi – người nhạc sĩ sáng tác với dân ca; Nguyễn Văn Tý tự họa, Tr 460. NXB Trẻ.
(2). Trích trong bài Tôi – người nhạc sĩ sáng tác với dân ca; Nguyễn Văn Tý tự họa, Tr 458. NXB Trẻ.
(3). Trích trong bài “Cũng một tiếng đàn tranh”; Nguyễn Văn Tý tự họa, Tr 79. NXB Trẻ.