Từ những năm 1950, người thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Bùi Vợi đã có những hoạt động sôi nổi, tuyên truyền, cổ động cho phong trào giảm tô. Cũng chính trong những năm tháng ấy, với năng khiếu bẩm sinh, ông có cơ duyên gặp gỡ, kết giao với những nhà thơ nổi tiếng, trong đó có Xuân Diệu. Từ năm 1953, ông được đào tạo Sư phạm tại Nam Ninh Trung Quốc; về giảng dạy tại trường sơ cấp Sư phạm Trung ương; ông là một trong những sáng lập viên hội Văn nghệ Vĩnh Phúc, một thời gian dài biên tập chương trình Văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam; sau đó là biên tập chương trình Văn hóa văn nghệ của báo Giáo dục và Thời đại.
Năm 1972, tại lớp bồi dưỡng học sinh giỏi Văn của tỉnh, chúng tôi được thầy giáo Nguyễn Lâm Cát - bạn học cũ với ông giảng bài thơ Qua Thậm Thình của ông. Nửa thế kỷ đi qua, lời giảng của thầy vẫn in đậm trong trí nhớ: Bài thơ viết theo thể lục bát, giản dị mà không giản đơn, chân thành mà không cường điệu. Tác giả như kể lại một câu chuyện, vẽ lại một bức tranh sống động về cội nguồn quá khứ “...Bâng khuâng nhớ nước non mình nghìn năm”/ Vua Hùng một sáng đi săn/ Trưa tròn bóng nắng nghỉ chân chốn này”. Một bức tranh đằm sâu tình quê, tình người, tình vua tôi mộc mạc của cái thuở ban đầu dựng nước: “Dân dâng một quả xôi đầy/ Bánh chưng mấy cặp, bánh giầy mấy đôi”. Ông viết “quả xôi” chứ không viết là mâm xôi - Đó là sự sinh thành, vun đắp của sự sống,... chúng tôi như nuốt từng lời.
Năm 1990, phòng Giáo dục huyện mời Nguyễn Bùi Vợi về nói chuyện thơ tại nhiều cơ quan, trường học trong huyện. Có lẽ đây là sở trường của ông? Do được tiếp xúc với nhiều nhà thơ lớn của đất nước, lại nhiều năm làm biên tập thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam, của Báo Giáo dục Thời đại,... nên ông am hiểu khá tường tận rất nhiều tác giả, tác phẩm, những “chuyện bếp núc” làng thơ, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, đến những tính cách thú vị của từng tác giả, ông là một “kho tư liệu” về giai thoại các nhà văn, nhà thơ... Tùy theo đối tượng mà nội dung từng buổi không giống nhau. Ông như một “biên niên sử” của nền thơ ca hiện đại.
Vốn liếng sâu, rộng, dáng vóc cao lớn, mái tóc bồng bềnh, nước da hồng hào, giọng nói trầm, ấm, âm vang, trông ông thật sang trọng. Ông sử dụng ngôn ngữ rất chuẩn mực của nhà giáo. Nếu để ý, khi nói đến ai đó, ông đều gọi “anh ấy”, “chị ấy”, không vì hơn nhau tên tuổi, vị trí, tuổi tác mà gọi “ngôi thứ ba” là “lão ấy”, “bọn kia”... Kỳ lạ là không chỉ thuộc thơ mình mà ông thuộc rất nhiều thơ của các tác giả, lại có “biệt tài” bắt chước giọng một số nhà thơ một cách có duyên và độc đáo, cuộc nào ông cũng tạo ra sự hấp dẫn, thu hút kỳ lạ. Nói đến Nguyễn Bùi Vợi là nói đến tình yêu quê hương, yêu con người. Ông có nhiều bài thơ viết về quê như Quê, Với quê, Tiếng Nghệ, Thăm thầy giáo cũ, Bến cũ, Thanh Chương tráng khúc...
Là người Nghệ, dù có “ngoại đạo” đến đâu thì người ta vẫn thuộc và thích những câu thơ: Cái gầu thì gọi cái đài/ Ra sân thì gọi ra ngoài cái cươi; Nhớ quê cả bốn mùa/ Không riêng gì mùa mít...
Ông nổi tiếng về sự nghiêm cẩn, đàng hoàng, ngay thẳng. Cũng vì tính cách ấy mà trong cuộc đời sóng gió của ông từng gánh chịu không ít đắng cay, chua chát. Với bản lĩnh một người Nghệ, một nhà giáo, nhà báo, nhà thơ, nhà biên tập chân chính, ông đã không chấp nhận sự luồn cúi, hư danh... Ông là người lao động cần mẫn, tận tụy, cống hiến, để lại cho đời một tấm gương về nhân cách của một kẻ sĩ thời hiện đại!
Nguyễn Bùi Vợi nổi tiếng với cá tính thẳng thắn. Ông từng viết: Đã nói khi nào cũng nói to; Đã nhìn ai thì nhìn thẳng mặt; Biết bao nhiêu bận bị mất lòng; Đánh chết cũng không chừa thói thật!
Ông nhìn ra xa xăm, kể về những năm tháng cải cách ruộng đất, bị hiểu nhầm, tổ chức bắt ông kiểm điểm, phải đấu tố, “vạch mặt chỉ trán” cha, chú mình - những người từng có đóng góp công sức trong phong trào 1930-1931,... ông nhất quyết không làm. Ông còn có chuyện là thầy giáo nhưng lại đem lòng yêu cô học trò sinh viên Sư phạm xinh đẹp, cô Đỗ Thị Từ “người Hà Nội gốc” - điều “cấm kỵ” lúc bấy giờ. Chưa hết, hồi còn đi dạy học, sau một tiết dự giờ của bạn đồng nghiệp, ai cũng đánh giá là tiết dạy thành công, chỉ có ông Vụ trưởng lại phê bình gay gắt, phủ nhận khá nặng nề. Ông khiêm tốn, nhưng ôn tồn, thiết tha đề nghị cho tranh luận một cách khách quan, bình đẳng về học thuật. Ông Vụ trưởng tức giận, bỏ về báo cáo với Bộ trưởng. Mấy hôm sau, đích thân Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên trực tiếp đến dự giờ giảng Kiều của ông. Ông rất vui khi được Bộ trưởng dự giờ, nhưng cũng thẳng thắn nói rõ với Bộ trưởng là dự giờ không báo trước là không có trong quy chế (!). Bài giảng tài hoa, hấp dẫn, thu hút từ đầu đến cuối. Trống báo hết giờ, Bộ trưởng lên ôm chầm lấy thầy giáo trẻ, khen: Tôi ước gì thầy giáo dạy Văn nào của ta cũng giảng được như thầy!... Nhắc lại những kỷ niệm buồn, nhưng cái nhìn của ông rất biện chứng, vị tha, độ lượng: Mình cũng phải chấp nhận với những cái ấu trĩ trong điều kiện lúc bấy giờ, khi bị sức ép từ nhiều phía,... và cái gì sai thì đã sửa...
Có lẽ, là người từng bị đối xử bất công nên ông có bài thơ “Khóc ông Kim Ngọc” rất cảm động. Năm 2003, sau bữa cơm tại Huyện ủy, ông đọc cho chúng tôi nghe:
Sách không làm nên đời mà đời làm nên sách
Tay cầm lõm seo cày nên ông thấu lòng dân
Giọt mồ hôi mặn đồng những tháng năm khoán hộ
Êm ấm mọi nhà, cay đắng một mình ông
Nằm dưới đất, ngực còn thơm Huân chương Độc lập
Nghe xôn xao đất nở những mùa vàng
Cánh đồng nào cũng thơm hồn Kim Ngọc
Người lặng lẽ đi về trong chuyện kể dân gian
Ông kể: Người thân ông Kim Ngọc muốn khắc bài thơ lên bia đá trước mộ Kim Ngọc. Ông cảm động lắm và nói: Ở đời, chẳng có ai được trăm người quý cả trăm. Ông Kim Ngọc làm đến Bí thư Tỉnh ủy còn bị đối xử bất công, mãi đến khi ông qua đời rồi người ta mới hiểu ông. Tôi làm thơ rồi cũng có những người không thích. Khắc bài thơ ông lên đó, lỡ mai sau có người họ ghét tôi, họ đòi bỏ bài thơ thì sao? Và như vậy là làm đau Kim Ngọc đến hai lần? Ông lại rất lấy làm tiếc là ông viết “Êm ấm mọi nhà”, không hiểu sao, do nhầm hay biên tập, họ lại sửa là “No ấm mọi nhà”? Ông tâm đắc, tiếc nuối với từ “êm ấm” lắm!
Sau khi ông mất, nhiều người thắc mắc tại sao Nguyễn Bùi Vợi chưa được tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Anh Nguyễn Từ Sơn, con trai nhà thơ cho biết: “Hội Nhà văn cũng đã có đề cập với gia đình, nhưng sau khi trao đổi trong gia đình, thì thấy sinh thời ông cụ vẫn nói: làm nhà thơ, nhà văn, thì giải thưởng lớn nhất là tác phẩm của mình được bạn đọc nhớ đến và yêu mến, còn tất cả mọi danh hiệu, giải thưởng do cấp nọ cấp kia trao, dù có to đến cỡ nào, cũng chỉ là hư danh. Gia đình thấy rằng mọi người vẫn đọc, vẫn nhớ đến Tiếng Nghệ, đến Qua Thậm Thình,... của Nguyễn Bùi Vợi, đó đã là giải thưởng lớn nhất mà ông cụ từng muốn có, không danh hiệu, giải thưởng nào sánh được, nên cũng chưa thấy có nhu cầu làm hồ sơ giải thưởng Nhà nước ạ”.
Dù mắc bệnh hiểm nghèo, ông vẫn hay về quê, ông ghé thăm, gọi điện với các anh Thạch Quỳ, Lê Huy Mậu, Nguyễn Thế Quang, Phan Thanh Chương,... Ông muốn tặng quê nhà Cát Văn toàn bộ tủ sách gia đình, hơn 3.000 cuốn sách quý. Vậy mà ông cứ băn khoăn: “Cậu nghèo, cậu chỉ có văn chương”; “Sách với người này như nước dừa trong cơn khát, nhưng với người khác lại như lược với nhà sư”,... “để bảo quản, sử dụng sách lại phải có Thư viện, có thủ thư... không khéo lại làm phiền cho xã?”. Và ước nguyện ấy của ông đã được gia đình, con em quê hương chung tay thực hiện năm 2009 nhân ngày giỗ đầu của ông.
Tôi xa quê vừa trọn ba mươi năm
Năm em tôi lên Điện Biên giết giặc
Ba mươi năm bưng bát cơm xứ Bắc
Vẫn không quên vị gạo đỏ quê nhà
Những bữa tiệc sang vẫn nhớ nhút với cà
Phòng máy lạnh nhớ quạt mo xứ Nghệ...
(Thanh Chương tráng khúc)
Với tính cách ấy, tấm lòng ấy, năm 2014, gia đình đã đưa ông về với quê, với thầy Mai Xuân Châu, thầy Giản Tư Vận, thầy Bùi Gia Thúy, an nghỉ khiêm nhường với tổ tiên, với những vị tiền bối cách mạng và anh em tại nghĩa trang họ Nguyễn Bùi ở quê nhà theo di nguyện của ông.
* 'Tiếng Nghệ' của Nguyễn Bùi Vợi
https://amp.vnexpress.net/tieng-nghe-cua-nguyen-bui-voi-1974075.html (Nguồn:vnexpress.net)
Anh Đặng