b33e4d8e-c9d3-4643-97ec-877fbfb6054c.jpg

Nhà thơ Nguyễn Bính. Ảnh: tư liệu.

Sự yêu thương ấy, trước hết là lòng hiếu thảo đối với cha mẹ. Nếu có gì day dứt nhất, là day dứt vì làm cho cha mẹ phải buồn Lạy đôi mắt mẹ đừng buồn/ Ngày mai con lại lên đường ra đi (Lại đi).
Nguyễn Bính là con một nhà nho, nên “bách thiện hiếu vi tiên” – chữ hiếu đứng đầu những phẩm chất, những việc làm tốt đẹp của con người. Đó cũng là một truyền thống đặc biệt quý báu được truyền giữ trong mọi gia đình Việt Nam. Nguyễn Bính lớn lên không biết mặt mẹ. Nhưng hình ảnh người mẹ, người phụ nữ luôn xuất hiện trong thơ ông với sự bình dị mà cao hơn hết thẩy như lửa ấm, như vầng sáng chỉ cảm nhận được mà không tả được: Thấy rét u tôi bọc lại mền; Tôi kể: “U tôi đã mất rồi/ Cửa nhà còn có một mình tôi...”; Bao giờ Hội Đặng đi ngang ngõ/ Để mẹ em rằng hát tối nay? Người phụ nữ ấy khi trẻ thì Vú sữa đầy căng mặt yếm sồi để duy trì nòi giống, ban cho đời sự sống; khi già thì hóa Phật Những bà tóc bạc hiền như Phật/ Sắm sửa hành trang trẩy hội chùa.
Bước chân càng đi xa, tấm lòng càng trở về da diết với thầy mẹ, quê hương:


Con đi mười mấy năm rồi,
Một thân bé bỏng, nửa đời gió sương.
Thày đừng nhớ, mẹ đừng thương,
Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi.
…Nhớ thương thày mẹ vô cùng
Lạy thày, lạy mẹ thấu lòng cho con!
(Thư gửi thày mẹ)


Tình mẹ trong thơ Nguyễn Bính thấm đẫm trong những hội xuân, mẹ không chỉ cho con vóc dáng hình hài, nuôi dưỡng lớn khôn mà còn cho con, đưa con vào cả một vùng văn hóa:

Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: thôn Đoài hát tối nay
(Mưa xuân)


Giống như Nguyễn Du, thơ Nguyễn Bính thường hướng đến những số phận bất hạnh. Đó là người mẹ phải tiễn con lên biên ải:


Có lần tôi thấy một bà già
Đưa tiễn con đi trấn ải xa
Tàu chạy lâu rồi bà vẫn đứng
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga.
(Những bóng người trên sân ga)


Và vẫn người mẹ Việt Nam ấy, đến tuổi đáng được hưởng sự chăm sóc thì lại bước vào cuộc sống cô đơn một cách tuyệt đối:


Xóm Tây bà lão lưng còng,
Có hai cô gái lấy chồng cả hai.
Gió thu thở ngắn than dài,
Bà đem áo rét phơi ngoài cửa thưa.
(Phơi áo)


Một hạng người mà Nguyễn Bính hay nghĩ tới là những cô gái lỡ bước sang ngang, không tròn duyên phận, những kẻ tha hương mà ta sẽ nói tới sau này trong trường hợp tiêu biểu của chị Trúc; của chính tác giả.

8d9162a6-560c-4ed7-a969-156127aa5ce5.jpg
Tình thương yêu con người sâu sắc của Nguyễn Bính có thể nói dành hầu hết cho phụ nữ. Từ một trinh nữ chàng chỉ gặp hoặc chỉ biết sơ, nhưng khi hay tin nàng mất, chàng như thấy cả đất trời rơi rụng, chìm trong một màu tang trắng:


Chiều về chầm chậm trong hiu quạnh,
Tơ liễu theo nhau chảy xuống hồ,
Tôi thấy quanh tôi và tất cả
Kinh thành Hà Nội chít khăn sô.


Và thật cảm động khi chàng hóa thân làm những đứa em của nàng khóc chị, làm người đọc cũng khóc theo:

Những đứa em kia chưa khóc ai,
Mà nay đã khóc một người rồi!
Mà nay trên những môi ngoan ấy,
Chả được bao giờ gọi: Chị ơi!

Và Nguyễn Bính đã khóc thật khi người hàng xóm chết, cố thoát hình ảnh của nàng nhưng không thể thoát nổi:


Bên hiên vẫn vắng bóng nàng,
Rưng rưng... tôi gục xuống bàn rưng rưng...
Nhớ con bướm trắng lạ lùng!
Nhớ tơ vàng nữa, nhưng không nhớ nàng…
(Người hàng xóm)


Nhà thơ xót thương, bênh vực cho phe nước mắt, cho những người dưới đáy, đồng thời bóc trần sự giả dối trong những dáng vẻ đạo mạo:


Lẳng lơ đi võng, đi tàn cả
Gái chính chuyên kia đứng vệ đường.
Đất đổi hoa màu, nhà đổi chủ,
Trâu quên mục tử, ngựa quên chuồng.
(Xuân vẫn tha hương)

dung-lai-cuoc-doi-thi-si-_471645763675.jpg
Nhà thơ Nguyễn Bính và vợ

Một nhà thơ lớn không phải là nhà thơ thiên về phê phán, mà cảm hứng chủ đạo phải là xây đắp; xây đắp đạo lý, nghĩa tình; xây đắp tình yêu quê hương đất nước và lòng biết ơn đời, ơn người.
Tình yêu thương con người, những giá trị nhân văn trong thơ Nguyễn Bính là sự kế thừa những giá trị truyền thống của thơ Việt, được kết tinh, tỏa sáng ở Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, và Nguyễn Bính đã làm cho nó gần gũi, da diết hơn!