I

Tôi sinh năm 1987 trong một gia đình nông dân công giáo ở xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, tức vùng cam Xã Đoài. Khi tôi sinh ra thì trái cam vàng lựng màu mật ong từ vỏ đến ruột, khi bổ ra, hương thơm tỏa sang cả nhà hàng xóm ấy cùng những truyền thống tốt đẹp của Xứ Nghệ đã có rồi.

Tôi lớn lên trong tiếng chuông ngân nga giai điệu thanh bình quyện vị khói cơm chiều. Tiếng chuông đi qua những trầm bổng số phận, màu sương lam từ những dãy núi phía tây, một tiếng gà trưa chợt cất làm xao xác cả những trưa hè vắng lặng… ngân vọng, phảng phất những điều siêu nhiên xa thẳm. Hạt mầm của sự mơ hồ, hư thực gieo vào tâm hồn tôi từ ngày ấy hay lúc nào tôi cũng không biết nữa… Chỉ biết, tình yêu quê hương từng ngày, từng ngày được dệt bằng những sợi tơ óng vàng rơm rạ lẫn những sợi mành thảng thốt.

Trung tâm huyện Nghi Lộc

Tôi sinh ra không lâu thì đã thành một đứa trẻ khuyết tật, bị liệt cả hai chân với một thân hình còm cõi, dị dạng.

Ấy là trong con mắt của người khác. Nhưng bởi ba mẹ tôi coi là chuyện bình thường, trong nhà luôn đầy ắp tiếng cười, sự yêu thương nên tôi cũng thấy bình thường, hồn nhiên mà lớn, mà vui đùa cùng chúng bạn. Đã thế, tôi lại rất hiếu động, tích cực tham gia, thậm chí khởi xướng những trò nô đùa nghịch ngợm. Tôi cười nước túa té trên con nông giang mà nước thì chẳng lấy gì làm sạch sẽ, khi chúng bạn bỏ tôi vào chiếc chậu thau để lặn hụp, đuổi bắt nhau; trong những lúc ấy, tôi nghĩ rằng: nhỡ nó đổ ụp một cái thì sao. Tất nhiên là nó không đổ ụp. Lúc đó chưa biết sợ, nhưng sau này lại giật mình mãi, giật mình đến buốt sống lưng vì cái sự ngu dại của mình…

Có thể nói, cái làng quê nghèo Xứ Nghệ ấy là tình yêu đầu đời của tôi.

Làng quê ấy nay đã thay đổi nhiều. Đô thị hóa như một cơn say trên khắp đất nước. Nếu đứng một góc nhìn khách quan, có lẽ làng nay ngói đỏ, tầng cao, hàng rào kiên cố, đường nhựa, ô tô, áo lành, chăn ấm thì hơn hẳn làng xưa. Nhưng tôi không khách quan được, tôi là tôi. Tôi vẫn nhớ mùi cỏ dại hoang nồng trên những con đường bùn đất, hăng hăng cả mùi phân trâu bò. Tôi nhớ những cánh tay hàng xóm thân ái trao nhau củ khoai vừa luộc, viên thuốc cảm cúm qua những hàng rào từ bi. Trái thù lù, chanh chua, sung chát, nhụy hoa râm bụt mút lấy mút để làm ngọt ngào những năm tháng tuổi thơ non dại. Tôi nhớ những buổi cưỡi trên lưng trâu phi nước đại, trong gió đồng – ôi, đứa bè què quặt, ngã xuống một phát là đi đời, vậy mà nó lấy làm sung sướng, hào hứng biết bao như đang được trị vì cả thế giới!

Trong làng quê nghèo ấy có ba, mẹ, người chị cả, người anh đầy nghị lực. Họ luôn là tấm gương sáng, là động lực sống và vươn lên của tôi. Ba tôi tên là Nguyễn Công Lịch, từ nông dân trở thành người lái xe cho các đức Cha, lại say mê chụp ảnh và làm cộng tác viên cho một số tờ báo.

Ba không tiếc gì để đầu tư cho các con, luôn khuyến khích các con phải thành đạt, phải làm được cái gì đó cho cuộc đời.

Mẹ lại là một người khác hẳn, gần như trái ngược. Quan tâm của bà, hạnh phúc của bà là các con ăn ngon, ngủ yên, không cần một thứ gì khác trên đời. Họ như hai nửa quả cam Xã Đoài bổ đôi, đều ngọt ngào hoàn thiện. Cái hoàn thiện dù chia ra vẫn là hoàn thiện, mới là hoàn thiện. Và bởi họ quá lo, quá thương cho anh em chúng tôi, mục đích sống đầu tiên tôi xác định được là phải khỏe mạnh vui tươi, phải sống tốt để bố mẹ không phải lo lắng gì. Hiếu tử năng an phụ mẫu tâm. Mãi sau này tôi mới biết câu ấy, cái câu thật bình thường mà khó biết bao: Người con có thể làm cho bố mẹ yên tâm về mình là người con có hiếu!

II

Tôi tin rằng, mỗi người sinh ra trên đời để mà vượt qua nghịch cảnh hoặc để thực hiện một sứ mệnh nào đó. Hoặc cả hai.

Có lẽ tôi là một người “cả hai”. Năm 12 tuổi tôi đã khóc rất nhiều. Năm 12 tuổi, khi nghe bọn trẻ cùng trang lứa gọi là “Đồ quái thai”, “Người ngoài hành tinh” và nhiều xú từ khác, tôi có cảm giác nặng nề hơn cả ngọn núi Ngũ Hành đè lên Tôn Ngộ Không. Sự tổn thương sâu sắc tưởng không bao giờ lành nổi. Nhiều ngày, sự ám ảnh, mặc cảm về sự yếu thế của bản thân làm cho tôi không nhìn thấy gì nữa, biến tôi thành người vô giá trị. Tôi là người khuyết tật, đi học còn khó, vả lại còn bé lấy đâu ra chữ nghĩa để biết đến câu thơ nổi tiếng của Lý Bạch Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng, Thiên kim tán tận hoàn phục lai (Trời sinh thân ta, hẳn có dùng, Nghìn vàng tiêu hết rồi lại đến) hay Châm ngôn 19:3 trong Kinh Thánh Sự ngu dại của một người phá hỏng đường lối người, và lòng người lại oán trách Đức Chúa. Dường như tôi đã oán trách rất nhiều. Dường như tôi đã có lần, không phải một lần nghĩ đến sự quyên sinh…

Nhưng niềm ham sống trong tôi lớn hơn tất cả mọi thứ dường như ấy. Bởi các thành viên trong gia đình tôi là những người rất nghị lực, kiên cường. Họ chưa bao giờ đầu hàng trước bất cứ hoàn cảnh nào. Bởi tôi là người Xứ Nghệ, Xứ Nghệ bền bỉ, kiên cường của tôi không thấy ai buồn chết, khuất phục trước nghèo đói, bệnh tật, bom đạn, gió Lào và bão lũ. Xứ Nghệ yêu thương của tôi, góc đời nào tôi cũng cất lên tiếng hát thủy chung, kiêu hãnh…

Và bởi tôi, như trên đã nói, chưa hề biết để học và làm theo một châm ngôn nào. Nhưng một ngày, một ý nghĩ lóe lên sực tỉnh cả một đời: Mình là mình mà không biết yêu mình, khẳng định mình thì ai sẽ yêu mình, giúp mình trong cuộc sống? Mỗi người đều có một giá trị riêng mà ít ai biết đến nên hay bị dẫn dắt bởi người khác, hay bị lôi cuốn, chìm lặn theo thói đời. Không phát huy được giá trị của mình thì không tránh khỏi bị người khác chà đạp. Tôi yêu bản thân từ đó. Tôi mắm môi, mắm lợi từ đó. Tôi nhận ra giá trị của mình: Nghị lực, Trí tuệ, Tình thương và Niềm vui sống.Tôi cười nhiều hơn từ đó. Ôi nụ cười của con người! Nó quý giá vô cùng. Nó đem lại hạnh phúc cho mình, cho người. Ai cũng có nụ cười, vậy mà tiếc thay, không phải ai cũng biết tiêu dùng cái kho báu trời ban ấy!

III

Con đường lập nghiệp dẫn tôi từ quê ra huyện Diễn Châu mở quán internet, vào Sài Gòn và hiện đỗ bến Linh Đàm, Hà Nội. Con đường lập nghiệp trải qua nhiều nghề, nhiều mò mẫm, nhiều thử thách và thất bại, có thể bỏ qua nhiều thứ, nhưng không thể bỏ qua sự học.

Tôi bỏ học vào năm lớp 9, trước áp lực của sự kỳ thị. 15 tuổi, đang kiếm được tiền, bỗng một hôm thầy hiệu trưởng một trường cấp ba dân lập bước vào quán internet của tôi: “Vân ạ, thầy ôn tồn, em nên quay lại trường học. Thầy sẽ miễn cho e học phí, sẽ bảo các bạn đến đón em". Tự dưng, nước mắt tôi trào ra. Đấy là lần đầu tiên tôi khóc vì sự cảm động và sung sướng, lần đầu tiên biết được sự thiêng liêng, cao quý của giọt nước mắt. Trước đây, đọc câu thơ của nhà thơ Nam Hà người Đô Lương quê tôi trong bài Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi:

Đất Nước

Của những người con gái con trai

Đẹp như hoa hồng cứng như sắt thép

Xa nhau không hề rơi nước mắt

Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt

Tôi thấy hay, đẹp nhưng bây giờ mới thực thấm thía, vì sao nước mắt lại nên dành cho những điều đẹp nhất.

Tuyển tập thơ “Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi” 

Tôi đi học cấp ba, cộng với kiến thức tự học tiếng Anh, tin học trước đó cùng sự quyết tâm, tôi trở nên một học sinh nổi bật. Tôi hoàn toàn tự tin, thoát ly được định kiến. Tôi nhận thức được rằng, không có nghịch cảnh, không biết được sức vươn phi thường của con người; cũng như trong phim, không có cái xấu, không có nhân vật phản diện, không nổi bật lên người anh hùng, nhân vật chính diện. Những vết thương trong đời cũng cần thiết cho cuộc sống, tôi gọi đó là những vết thương lành…

Không chỉ học vấn.

Con đường để tôi đến tôi hôm nay còn phải đi qua người khác.

Đến đây, có lẽ bạn đọc cần biết tôi là ai trước khi tiếp tục câu chuyện.

Tôi là Nguyễn Thị Vân, người sáng lập Trung tâm Nghị lực sống, Chủ tịch HĐQT Công ty Imgator, một công ty đồ họa có 50% là người khuyết tật, chuyên sản xuất và bán sản phẩm cho nhiều nước trên thế giới; đồng thời sáng lập Bền Spa đồ hiệu và một số công ty khác. Tôi là Đại sứ cho một số sự kiện, là diễn giả từng đi thuyết trình cho hơn 13 nước trên thế giới. Tôi là một trong ba người năm 2019 giành được Giải thưởng vinh danh những người phụ nữ khuyết tật có những cống hiến góp phần thay đổi thế giới (HER ABILITIES); và cũng năm đó, thuộc Top 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam do Forbes bình chọn. Lẽ dĩ nhiên, tôi rất vui nhưng danh hiệu không phải là mục đích tôi hướng tới. Mục đích là giúp được nhiều người, trước hết là người khuyết tật có công ăn việc làm, có niềm vui sống.  

Nguyễn Thị Vân, người sáng lập Trung tâm Nghị lực sống, Chủ tịch HĐQT Công ty Imgator

Ngày nhỏ, bọn trẻ nhất quỷ nhì ma trong làng từng cõng tôi đi ăn trộm khoai sắn, quả vườn. Có lần ăn trộm dưa gang, bị chủ nhà đuổi, chúng vứt tôi xuống đường chạy tháo thân. Ông chủ cõng tôi về nhà, nói chuyện với cha tôi thân mật, dặn chăm sóc cháu cẩn thận. Tôi ý thức được lòng vị tha của con người.

Một lần tôi từ Hà Nội về Vinh, xe khách hẹn đón ở một điểm trên đường cao tốc. Ở đó có mấy người đứng bán bánh mì. Nhìn thấy tôi, một bà bán bánh già dúi vào tay tôi hai cái, bảo: “Cháu cầm lấy, ăn cho đỡ đói, về Vinh phải mất 6 tiếng nữa cơ đấy”. Tôi cảm ơn, từ chối thưa cháu đã có đồ ăn rồi, nhưng bà cứ không chịu, cháu cầm lấy, không phải suy nghĩ gì đâu. Xe vẫn chưa đến. Tôi thấy bà bỗng lao ra đường, nơi tờ bạc một nghìn của bà vừa bay ra đấy. Bà sắp lấy được thì nó lại cuốn lên không, bay liệng như cánh diều nhỏ theo sức hút của chiếc xe vừa qua. Mấy lần như thế, bà vẫn không quản hiểm nguy để nhặt bằng được tờ một nghìn, trong khi đó bà sẵn sàng cho tôi mấy cái bánh. Lòng tôi thắt lại, lo cho tính mạng của bà, đến nay vẫn còn ám ảnh. Tại sao người coi một nghìn giá trị lớn như thế, lại cho đi cái lớn hơn? Đâu là chân giá trị của cuộc sống con người?

Trung tâm Nghị lực sống

Vào một buổi chiều se lạnh cách đây hơn 10 năm, tôi và anh Hùng tôi đang ngồi chơi cờ thì có một bác cõng trên lưng con gái bị khuyết tật đến gặp. Bác tới để xin cho con gái được học nghề, được tìm việc làm tại Trung tâm Nghị lực sống. Sau lúc tìm hiểu, tôi nói với bác là con gái bác không đủ điều kiện. Bác lặng người, cảm ơn, cõng con ra về không nói một câu gì. Tôi nhìn theo bóng bác và nhìn thấy giọt nước mắt bác rơi xuống. Trái tim tôi như bị bóp nghẹt. Không chỉ bác, mà chính tôi mới là người thất vọng và mong muốn làm được nhiều hơn thế...

Tôi luôn thấy Chúa, khi thì Người cho tôi một bài học, khi thì cho cơ hội, khi thì giao thêm một sứ mệnh…

IV

Trong số những người tôi đã gặp, được cuộc đời ban cho có Neil Bowden Laurence. Anh là một kỹ sư công nghệ thông tin và điện tử người Úc. Chúng tôi quen nhau qua facebook. Đó là năm 2016. Ngồi uống trà, thả một lời mời trong chiều. Vậy mà Neil bay sang Việt Nam thật. Rồi ngỏ lời kết hôn, cưới, và ở lại hẳn Việt Nam. Neil tinh tế, chu đáo, sống vô tư, không suy nghĩ nhiều, không bị ràng buộc bởi bất kỳ một định kiến nào. Hầu hết mọi người đều ngạc nhiên, một anh Tây khỏe mạnh, đẹp trai nữa, nghề nghiệp ổn định, bỗng dưng lại bỏ tất cả lấy một cô gái tàn tật Việt Nam làm vợ. Có người hỏi Neil trước mặt tôi, anh hồn nhiên đáp "Ấn tượng mạnh mẽ đầu tiên là nụ cười của Vân. Tôi yêu Vân vì vẻ đẹp phát ra từ lòng yêu đời của cô ấy. Bên cạnh Vân tôi thấy an lành”. Tôi trân quý tất cả mọi quan tâm đến cuộc sống của chúng tôi, nhưng tôi đồ rằng, với tất cả những người bình thường, trong điều kiện bình thường, không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa và giá trị của tình yêu, đôi khi, người này chỉ là thùng rác cảm xúc của người khác. Sự tôn trọng, sẻ chia thật sự mới có sức bền của lửa…

Chị Nguyễn Thị Vân (ngồi hàng đầu, thứ ba, từ trái sang) cùng các đồng nghiệp

V

Vân kể với tôi những câu chuyện ấy trong một chiều tháng Chạp năm 2023 – khi tôi tìm đến nhà Vân. Đến nơi, tôi thấy Vân đang ngồi bên cốc trà hát từng đoạn, từng đoạn trong bài “Hận tình trong mưa”:

Người yêu dấu ơi trở về đây với tôi

Nép bên bờ vai, bên tôi hay ngồi và nói những câu buồn vui và vuốt mái tóc cho tôi

Dù chỉ là những lời nói dối với tôi

Nói lên câu ân tình, tình đã chết nơi xa vời…

Tôi hỏi: Em thích bài hát này à? Vân nói: Rất thích. Những bài hát buồn, mơ hồ ấy cũng là lời ru của em. Em còn thích gì nữa? Em thích đọc sách tâm linh, thích cái gì khác biệt với số đông. Thích cái gì không giải thích được. Còn công việc thì thế nào? Nghiêm. Chuẩn không cần chỉnh. Em đã đưa ba mẹ, gia đình em từ Nghệ An ra Hà Nội, các cụ muốn gì có nấy, muốn du lịch trong nước, ngoài nước đều được!

Em đã tạo việc làm cho hơn 1000 người khuyết tật để đảm bảo cuộc sống. Nhưng theo em, cái quan trọng nhất là giúp cho các bạn ấy hiểu được lời dạy của ba em đối với em từ nhỏ: Không có rào cản nào là không vượt được. Và sự chia sẻ của em với các cộng sự: Cái gì thành công thì “hoan hô các bạn, các bạn giỏi lắm”. Cái gì chưa thành công thì cùng nhau rút kinh nghiệm, tìm chỗ sai, mai ta tiếp tục và nhất định thành công!

Vân cứ thế mà đi, cứ thế mà viết tiếp những câu chuyện tình yêu…/.