“Người thợ cày” trên “cánh đồng” BTA
Lớn lên bên dòng sông Lam
“Tôi sinh ra ở đất Nam Đàn. Từ năm 10 tuổi tôi đã bắt đầu đi cỏ, đi củi qua sông Lam. Cha tôi hướng dẫn tôi cày và tôi cày rất giỏi. Cha thường dặn tôi: Đường cày phải cày cho thẳng, muốn đường thẳng, phải nhìn về phía xa, về phía trước”. (Nguyễn Đình Lương)
![](/dbndna-media/25/2/9/nguoi-tho-cay-tren-canh-dong-bta--n12.jpg)
Nguyễn Đình Lương đã lớn lên với tuổi ấu thơ nhọc nhằn, nhưng đầy ắp kỷ niệm của những bát cơm độn khoai khi đi học về quây quần cùng gia đình, của những lần cùng chúng bạn lên Tràng Đen (Thanh Chương) cắt củi. Năm 1960, tốt nghiệp cấp ba, ông thi vào Đại học Bách khoa với giấc mơ trở thành kỹ sư chế tạo máy. Thế nhưng, một tháng sau khi nhập học, chủ nhiệm khoa đã gọi ông lên thông báo về việc được chọn đi du học ở Liên Xô. Sau khóa học tiếng Nga cơ bản tại Đại học ngoại ngữ Gia Lâm, Hà Nội, chàng sinh viên chế tạo máy được phân công đi học chuyên ngành Ngoại thương Trường Quan hệ quốc tế Matxcơva.
Hồi đó, ngành Ngoại thương còn là một lĩnh vực mới mẻ, chưa nhiều người am hiểu. Tò mò, Nguyễn Đình Lương hỏi về ngành học thì nhận được câu trả lời, đó là ngành …”chữa bệnh ngoài da”. Giờ phút đó, cậu hiểu, mình là dân quê, không ai nâng đỡ, tổ chức phân công đâu đi đó, cậu chỉ có một quyết tâm vươn lên, chăm học và học thật giỏi.
Thế nhưng, khi sang Matxcơva thì Nguyễn Đình Lương mới biết ngôi trường mình học là nơi đào tạo con em các nhà lãnh đạo ngoại giao cấp cao của các nước Đông Âu, sinh viên tốt nghiệp từ ngôi trường này có thể trở thành nhà đàm phán quốc tế. Điều đó đã nhen nhóm một ước mơ mới mẻ trong chàng thanh niên nghèo xứ Nghệ.
Về nước, Nguyễn Đình Lương được phân công về Trường Đại học Ngoại thương. Tại đây, ông đã có quá trình phấn đâu, trở thành Bí thư Đoàn trường và Trưởng Ban kiểm tra Đảng ủy của trường.
![](/dbndna-media/25/2/9/nguoi-tho-cay-tren-canh-dong-bta--n13.jpg)
Năm 1978, Việt Nam chuẩn bị đàm phán gia nhập Hội đồng tương trợ kinh tế - xã hội chủ nghĩa - SEV, là người được đào tạo bài bản về ngoại thương, lại thông thạo tiếng Nga, ông Nguyễn Đình Lương được đề nghị chuyển công tác về Vụ 1, Bộ Thương mại. Kể từ đó, ông đã đi khắp các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới, kết giao bạn bè, tạo dựng các mối quan hệ thân hữu. Ông trở thành Vụ trưởng Vụ 1 và tiếp tục công việc của mình với các nước tư bản chủ nghĩa như Singapore, Canada và một số nước châu Âu không thuộc EU như Na Uy, Thụy Sĩ…
Ngày 5/11/1996, tại cuộc họp bàn về việc chuẩn bị đàm phán kinh tế - thương mại với Mỹ, Phó thủ tướng phụ trách kinh tế đối ngoại Trần Đức Lương đã quyết định thành lập “Tổ công tác liên bộ về Hiệp định Kinh tế - Thương mại với Hoa Kỳ”. Ngay tại cuộc họp, Phó thủ tướng đã quyết định “cử đồng chí Nguyễn Đình Lương làm tổ trưởng” trong sự bất ngờ, dường như không kịp phản ứng gì của ông Nguyễn Đình Lương.
Bối cảnh đặc thù
Bước vào cuộc đàm phán, mối quan hệ của Việt Nam và Mỹ vẫn còn một hố sâu ngăn cách, được gói gọn qua hai từ “cựu thù”.
Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống xâm lược, nhưng có lẽ, không có cuộc chiến tranh nào số lượng vũ khí, bom đạn khổng lồ dội xuống như cuộc chiến tranh Mỹ tiến hành tại Việt Nam. Gần như không có một làng mạc nào nguyên vẹn, không có gia đình nào không chịu tổn thất, đau thương… Dù cuộc chiến đã đi qua, nỗi ám ảnh, nỗi đau tinh thần để lại vẫn còn dai dẳng.
![](/dbndna-media/25/2/9/nguoi-tho-cay-tren-canh-dong-bta--n14.jpg)
Về phía Mỹ, như bà Virginia Foote, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt cho biết, “chiến tranh ở Việt Nam là vấn đề chính trị đau đầu với nước Mỹ”. Trong lịch sử, nước Mỹ với thiết bị quân sự tối tân, chưa từng chịu thua ai bao giờ. Chịu thất bại ở Việt Nam đã trở thành “nỗi đau quằn quại trong lòng chính trị nước Mỹ”.
Từ ám ảnh của nỗi đau chiến tranh, không khí nghi kỵ bao trùm lên cả bàn đàm phán. Dù đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao song phương, song người ta vẫn khó chấp nhận được việc làm ăn với kẻ thù. Câu nói của cựu Ngoại trưởng Kissinger vẫn lởn vởn trong đầu nhiều người một mối lo: “Người Mỹ không giành chiến thắng trong chiến tranh thì sẽ giành chiến thắng trong thời bình”. Có người nghi ngờ “Hiệp định BTA là một âm mưu để chuyển hóa chế độ chính trị của Việt Nam”. Tất cả áp lực đó đè nặng lên vai những người đàm phán từ hai phía.
Chính bởi thế, 5 năm đàm phán là 5 năm ông Nguyễn Đình Lương đi trên làn ranh mong manh giữa công và tội. Đàm phán với Mỹ là một cuộc đấu trí cam go, một nỗ lực vượt lên bản thân về kiến thức, cường độ làm việc, nhưng khó khăn hơn, chính là nỗ lực thuyết phục, tìm sự đồng thuận của trong nước về lợi ích của Hiệp định. Trong 5 năm đó, ông Nguyễn Đình Lương đã trải qua nhiều khó khăn, có lúc tưởng như gục ngã, nhưng chính là tia sáng cực mạnh về lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc đã soi sáng trong lòng ông một quyết tâm: “Việc gì cần làm thì phải làm, và làm đến cùng”. “Nếu có phải chết trên bàn đàm phán, cũng phải ký xong”. Ông khao khát với sức ép từ Hiệp định, Việt Nam sẽ phá bỏ cơ chế “xin cho”, “độc quyền”, cung cách làm ăn bùng nhùng, không hiệu quả, từ đó kiến tạo bộ khung pháp luật, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, tạo đà để Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới.
![](/dbndna-media/25/2/9/nguoi-tho-cay-tren-canh-dong-bta--n4.jpg)
Gỡ dần cuộn chỉ rối
Ông Nguyễn Đình Lương cho rằng, nếu Đàm phán Giơnevơ, ta có chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Đàm phán Pari, ta có chiến thắng liên tiếp trên các chiến trường, Mỹ xuống thế muốn rút lui; thì Đàm phán BTA, chúng ta đứng trong hoàn cảnh hoàn toàn khác, không có gì để mất. Với kinh nghiệm 20 năm đàm phán các hiệp định thương mại song phương, ông Nguyễn Đình Lương chủ yếu đàm phán với các nước xã hội chủ nghĩa, trên cùng một thể chế chính trị và kinh tế. Cuộc đàm phán này, hai bên hầu như chưa hiểu gì về nhau. Về phía Việt Nam, từ lâu đã lánh xa luật chơi của tư bản. Khi chấp nhận luật chơi của WTO là luật chung cho cuộc đàm phán BTA Việt – Mỹ, với các nhà đàm phán Việt Nam, cái gì cũng lạ lẫm.
Về phía Mỹ, do khác biệt về hệ thống kinh tế, nên họ cũng chưa hiểu gì về hệ thống thương mại của Việt Nam và các luật lệ. Bởi vậy, những vòng đàm phán đầu tiên, thực chất là hai bên “đấu tranh để hiểu nhau”, đặt câu hỏi về hệ thống thương mại, luật thương mại và chính sách thương mại của hai nước.
![](/dbndna-media/25/2/9/nguoi-tho-cay-tren-canh-dong-bta--n5.jpg)
Với tâm niệm “chưa hiểu đối tác thì chưa thành công”, ông Nguyễn Đình Lương và các thành viên trong đoàn tìm hiểu về nước Mỹ, về WTO… Ông đã đọc nát cuốn sách “Văn hóa Mỹ”, đã đi khắp nơi “tầm sư học đạo”. Ông đã vào Sài Gòn gặp Giáo sư Nguyễn Xuân Oánh, từng làm hai nhiệm kỳ ở IMF, gặp chuyên gia các nước Trung Quốc, Ba Lan, Nga, Hungari. Thời gian đó, đối với ông, gần như không có Chủ nhật và lễ, Tết. Ông hầu như ít về nhà. Cuộc sống của ông chỉ xoay quanh những chương, điều, khoản và hằng hà sa số văn bản về luật thương mại quốc tế. Có lần, làm việc quá sức, ông đã ngã sấp từ trên bàn xuống nền gạch ngay tại phòng làm việc tại trụ sở Bộ Thương mại. Ngay lập tức, ông được đưa tới Bệnh viện 108 chụp cắt lớp. Bác sĩ thở phào, may quá, cú ngã không ảnh hưởng gì tới não, chỉ cần phải nghỉ ngơi lấy lại sức thôi…
Năm 1997, khi đang loay hoay tìm con đường đi đến với Hiệp định, đúng lúc Chính phủ Mỹ đã cho phép mời tư vấn Mỹ và bà Virginia Foote, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Việt Mỹ đã xuất hiện. Bà giới thiệu các chuyên gia, giáo sư sang giảng bài cho đoàn đàm phán, và ông Nguyễn Đình Lương đã chọn luật sư Dan Pice, người đã từng làm việc cho Cơ quan đại diện Thương mại Mỹ, đã từng đàm phán BTA với Liên Xô và NAFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ).
Dưới sự tham vấn của Dan Pice, mọi thứ dần sáng tỏ. Đoàn đàm phán Việt Nam đã thiết kế, điều chỉnh Bản Dự thảo hiệp định trên từng mảng Sở hữu trí tuệ, Đầu tư, Dịch vụ… sao cho phù hợp nhất với điều kiện của Việt Nam. Bản tờ trình gồm 350 trang đã hoàn chỉnh, được gửi lên cho các cơ quan cấp trên, nhưng không phải ai cũng ủng hộ. Một đồng nghiệp ở Bộ Thương mại đã nói với ông: trách nhiệm của những người đi đàm phán là phải thiết kế làm sao cho khung pháp lý không va đập với khung pháp lý hiện hành. Nhưng, nếu không sửa đổi, làm sao Việt Nam có thể xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Xã hội cần lợi ích để phát triển. Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản … đã đi vào thị trường Mỹ, tại sao Việt Nam lại không?
![](/dbndna-media/25/2/9/nguoi-tho-cay-tren-canh-dong-bta--n9.jpg)
Bởi thế, song song với tiến trình đàm phán, ông Nguyễn Đình Lương quyết định tìm sự giúp đỡ từ bà Virginia Foote. Thông qua bà Virginia Foote, ông tìm kiếm nguồn tài trợ từ cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, mời các Giáo sư Mỹ sang Việt Nam nói chuyện với các bộ ngành về lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế, toàn cầu hóa và WTO. Đây là một bước chuẩn bị quan trọng: tìm sự đồng thuận ở trong nước trước khi tìm sự đồng thuận của đối tác trên bàn đàm phán.
Và tới tháng 5/1998, tại vòng đàm phán thứ 5 ở Washington cuộc đàm phán đã đi vào thực chất. Bản thiết kế khi hoàn thành, so với bản của phía Mỹ đưa ra trước đó 8 tháng đã được thay đổi khá nhiều. Đặc biệt, chương Thương mại Dịch vụ được viết lại hoàn toàn. Sau khi nhận được bản thiết kế, chính Joe Damond, trưởng đoàn đàm phán BTA của Mỹ đã ngạc nhiên thốt lên: “Chúng tôi quá ngạc nhiên về sự tiến bộ của Việt Nam. Đàm phán với một đối tác như các ông, tôi cũng thấy sướng”. Phía Mỹ hoàn toàn chấp nhận các điều chỉnh của ta, và cảm ơn Việt Nam đã đưa ra một lộ trình mà Mỹ có thể áp dụng cho các nước có điều kiện tương tự mà trước đây chưa hề có khuôn mẫu.
Trên con đường về đích
Ngày 25/7/1999, sau 4 năm đàm phán, hai bên đã đưa ra bản thông cáo báo chí, xác nhận các nhà đàm phán hai bên đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc các điều khoản trong Hiệp định Thương mại song phương. Hai bên hy vọng và thống nhất lễ ký kết sẽ diễn ra tại Auckland, New Zealand vào tháng 9/1999, nhân dịp Hội nghị APEC. Nhưng việc ký kết đã không diễn ra. Phía Mỹ tỏ ra thất vọng. Bà Virginia Foote nhớ lại: “Gần đi đến kết thúc, chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội để rồi mất đi quãng thời gian lãng phí với một lý do không đáng so với tầm quan trọng của nó đối với nền kinh tế Việt Nam cũng như đối với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ”.
![](/dbndna-media/25/2/9/nguoi-tho-cay-tren-canh-dong-bta--n15.jpg)
Còn ông Joe Damond thì cho rằng: “Rõ ràng, Việt Nam đã tin rằng, các bạn cần thêm thời gian để nghiên cứu và xem xét bản thỏa thuận đó. Chúng ta đã bỏ phí vài tháng”.
Thời gian sau đó, lại là nỗ lực của bà Virginia Foote với vai trò ngoại giao con thoi đã gắn kết, để hai bên xích lại gần nhau và hiểu nhau hơn. Và ngày ký kết mong đợi đã tới.
Trong cuốn hồi ký “Give Trade a Chance”, Joshep Damond đã kể: “3h chiều ngày 13/7/2000, tôi kiểm tra lại các việc chuẩn bị cho lễ ký. Phòng ốc đã xong. Lúc này Rhonda đã hoàn thành việc in ấn. Nhưng không ai thấy ông Lương và nhóm của ông ấy ở đâu. Nancy Leamond, người liên lạc của Nhà trắng trở nên nóng nảy. Bà ấy nói đã đến giờ ký kết. Tôi chuyển lời tới Bộ trưởng Vũ Khoan, nhưng ông ấy vẫn không nhúc nhích. Ông ấy muốn đợi ông Lương, người đã làm tất cả các việc và đợi bản in trên giấy của đoàn Việt Nam. Cuối cùng, Charlene (Bộ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ) đành gỡ bí bằng việc đề xuất với ông Vũ Khoan rằng, hai Bộ trưởng sẽ ký chính thức vào hôm sau. Tuy nhiên, vẫn cần ký một biên bản ngay lúc này để Tổng thống tuyên bố Lễ ký kết đã được thực hiện. Hai Bộ trưởng đã ngồi vào bàn ký văn bản chỉ bằng tiếng Anh. Xong xuôi, Nancy lại giục chúng tôi phải nhanh để đến Nhà Trắng.
Nhưng ông Lương vẫn mất tăm và có nguy cơ lỡ cả buổi lễ ở Nhà Trắng. Ông Vũ Khoan thất vọng thấy rõ, còn tôi cảm giác đau đớn. Chúng tôi di chuyển chậm về phía Nhà Trắng. Khi chúng tôi chuẩn bị vào thì chiếc xe của ông Lương lao xuống đường 17. Chỉ cách vài giây, chỉ cần một đèn đỏ là ống ấy sẽ bị bỏ lỡ….”
Ông Nguyễn Đình Lương thực chất đã đi đâu trong giờ phút quan trọng đó? Thực tế, trước lúc ra đi, Bộ Ngoại giao đã rất cẩn thận, chuẩn bị cho đoàn Bìa Hiệp định, mấy trăm tờ giấy có viền, giấy dung cho Hiệp định của Việt Nam. Nhưng, ở Mỹ lại không có máy in cho giấy cứng. Loay hoay mãi, cuối cùng đoàn đàm phán Việt Nam đã in Hiệp định từ đĩa ra giấy trắng Mỹ rồi chụp lại, in chụp những gần 300 tờ cho hai bộ Việt Nam và Mỹ. Công việc phải mất gần một ngày mới hoàn tất.
Thật may mắn, trong những giây cuối cùng, ông đã có mặt, cùng đoàn đàm phán Việt Nam bước vào Nhà Trắng, chứng kiến giây phút lịch sử, khi tổng thống Mỹ đọc diễn văn tuyên bố về Lễ ký kết của Hiệp định, mở ra một trang mới trong lịch sử hai dân tộc: “Hiệp định này là một điều nhắc nhở nữa rằng, những cựu thù có thể đến với nhau và tìm được điểm chung theo cách cùng có lợi cho Nhân dân họ, bỏ qua quá khứ, nắm lấy tương lai, tha thứ và hòa giải”. (Trích bài phát biểu của Tổng thống Bill Clinton tại cuộc họp báo sau lễ ký kết Việt Nam – Hoa Kỳ)
Qua 5 năm, 11 vòng đàm phán, ngày 13/7/2000, Hiệp định Thương mại song phương Việt Mỹ được ký kết. Ông Nguyễn Đình Lương và các đồng nghiệp đã ghi vào tiến trình hội nhập của Việt Nam một mốc son lịch sử trọng đại. Như người thợ cày đã cày xong thửa ruộng, lòng thanh thản, ông đã thắp hương báo lên người cha quá cố: “Việc khó nhất đời con, con đã làm được. Nợ với đời, con đã trả. Con đã xứng đáng với cha”.
BTA đã mở cánh cửa đưa Việt Nam hội nhập thực sự vào nền kinh tế toàn cầu, thay đổi những tư duy cũ kỹ, làm vỡ tan tảng băng trì trệ của nền kinh tế bao cấp, nghiêng đổ cột đồng chống đỡ nền kinh tế “xin-cho”, tháo tung chiếc hộp pháp lý của độc quyền và phân biệt đối xử… Khát khao của người thợ cày Nguyễn Đình Lương đã chạm đích, mở ra con đường mới, đưa Việt Nam đi lên, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Tình bạn cao cả giữa hai trưởng đoàn đàm phán Việt – Mỹ
Ông Joe Damond khi được chỉ định làm Trưởng đoàn đàm phán BTA của Mỹ còn rất trẻ, chỉ mới 30-35 tuổi. Ký ức của ông không nặng nề bởi những câu chuyện chiến tranh. Ngược lại, với tư duy của một người trẻ, ông nhìn nhận ở Việt Nam có tiềm năng của thị trường mới nổi, và Việt Nam cần thị trường Mỹ để phát triển, chính bởi vậy, ông đặt niềm tin vào Hiệp định.
Tuy nhiên, khi biết rằng, ông Nguyễn Đình Lương, người giữ vai trò quan trọng trong cuộc đàm phán được đào tạo ở Nga, nói tiếng Nga khá lưu loát,… ông Joe đã lo sợ điều xấu nhất có thể xảy ra.
![](/dbndna-media/25/2/9/nguoi-tho-cay-tren-canh-dong-bta--n6.jpg)
Nhưng hóa ra không phải như điều Joe lo ngại. Dù có nhiều kinh nghiệm trên bàn đàm phán, nhưng ông Nguyễn Đình Lương không bao giờ áp đặt. Ông biết cách để các thành viên trong bàn đàm phán thể hiện quan điểm riêng, nói ra những điểm khó và cùng nhau tìm cách tháo gỡ. Với cách ứng xử thẳng thắng, trung thực, ông biết cách “nhặt nhạnh từng viên sỏi, để lấp đầy hố sâu khoảng cách, hay chăm chút từng mũi kim để gỡ dần cuộn chỉ rối”. Ông Nguyễn Đình Lương cho rằng: “Đàm phán thương mại là đàm phán để xây dựng quan hệ đối tác lâu dài. Muốn có quan hệ đối tác, phải có lòng tin cậy. Muốn có lòng tin cậy, phải thắng thắn và trung thực”.
Chính sự trung thực đó đã xây dựng niềm tin qua từng vòng đàm phán, hướng tới một mục tiêu chung đôi bên cùng có lợi. Sau này, chính ông Joe đã khẳng định, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến Việt Nam – Hoa Kỳ ký được Hiệp định BTA, đó chính là các nhà đàm phán hai bên đã có thể xây dựng niềm tin và thông cảm chung.
20 năm sau ngày ký kết hiệp định thành công, ông Joe Damond đã viết thư cho người bạn của mình: “Gửi bạn tôi, Nguyễn Đình Lương!
Tôi không biết hai bên có thể hiểu được nhau không, nếu Việt Nam không lựa chọn người có sự thông tuệ, sự kiên trì, bền bỉ cộng thêm tính hài hước trong vai trò trưởng đoàn đàm phán. Đó là một trải nghiệm hoàn toàn bất ngờ với tôi, là cuối cùng chúng ta đã không thành người đối đầu trên bàn đàm phán mà đã gần như trở thành đối tác có cùng chung một sứ mệnh. Sứ mệnh đó là xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau để cùng dự thảo lên một Hiệp định có lợi cho cả hai bên”.
![](/dbndna-media/25/2/9/nguoi-tho-cay-tren-canh-dong-bta--n8.jpg)
Không riêng gì Joe, những người bạn phía Mỹ đã dành cho ông Nguyễn Đình Lương tình cảm tốt đẹp và sự khâm phục về ý chí, bản lĩnh và trí tuệ uyên bác, sắc sảo. Ông Dan Price đã viết thư bày tỏ tình cảm của mình: “Tôi vô cùng vinh dự đã được làm việc với ông và những cộng sự tài giỏi của ông. Ông luôn là hình mẫu cho tất cả chúng tôi, cống hiến hết mình cho sự nghiệp chung. Tổ quốc ông và tất cả những ai được ông truyền cảm hứng vô cùng biết ơn ông”
Suốt 30 năm qua, ông Nguyễn Đình Lương luôn giữ tình bạn tri kỷ với những người bạn Mỹ, đặc biệt là Joe. Mỗi khi có dịp, họ lại ngồi tâm tình với nhau, chia sẻ với nhau về cuộc sống, về gia đình và cả con cái của mình. Sau khi ký kết Hiệp định, ông Joe Damond đã rời công việc tại Chính phủ Hoa Kỳ. Ông hiện nay là Phó Chủ tịch Phụ trách tài chính của BIO – Liên minh các hãng dược lớn nhất của Hoa Kỳ. Ông đã trở lại Việt Nam trong rất nhiều dự án, với khát khao cháy bỏng được góp sức để đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong ngành sinh dược học toàn cầu. Và trong những câu chuyện, khi nói về những người bạn Việt Nam, về Việt Nam, ông Joe Damond thường đặt bàn tay lên ngực trái như một lời khẳng định: “Việt Nam – trái tim tôi đã chọn”.
![](/dbndna-media/25/2/9/nguoi-tho-cay-tren-canh-dong-bta.jpg)
Vỹ thanh
Ngẫm lại hành trình đã trải qua, ông Nguyễn Đình Lương luôn cho rằng, nếu không sinh ra từ vùng đất nắng gió xứ Nghệ, không được rèn giũa bản lĩnh trong sự kiên cường khó nhọc ngày ấu thơ, chắc hẳn, ông khó lòng vượt qua tầng tầng khó khăn để đi đến cuối con đường.
Trong căn phòng của ông ở phố Đặng Tiến Đông (Hà Nội) vẫn treo bức ảnh khoảnh khắc lịch sử, khi ông diện kiến Tổng thống Mỹ Bil Clinton, và hai bài thơ của những người bạn viết về ông. Những câu thơ rất ngắn, nhưng đủ nói lên được khí phách thanh cao, bản lĩnh cứng cỏi và một tấm lòng trọn vẹn với non sông:
“Một người không Phật mà rất Phật
Không tắm Hoàng Hà, tắm sông Lam
Một người rất Mác, mà không Mác
Nghèo như tương nhút, ngọt như cam
Một người hóa thân thành dân nước
Một lòng sau trước nghĩa non sông
Cuộc đời vạn biến mà không khác
Một người toàn vẹn chỉ Việt Nam”.
(Trần Việt Phương, nguyên Thư ký Thủ tướng Phạm Văn Đồng thân tặng Nguyễn Đình Lương)
![](/dbndna-media/25/2/9/nguoi-tho-cay-tren-canh-dong-bta--n1.jpg)