Người mở đường …

Ở tuổi 90, tuy chân đã chậm, mắt một bên đã mờ nhiều nhưng Giáo sư Hà Minh Đức (Nguyên Chủ nhiệm Khoa Báo chí - Đại học Tổng hợp Hà Nội, nguyên Viện trưởng Văn học) còn mẫn tiệp, ông vẫn ra sách đều và thỉnh thoảng gọi học trò đến tặng sách. Khi nhắc đến Giáo sư Đặng Thai Mai, ông nhớ lại: tôi và các anh Nguyễn Đình Chú, Phan Cự Đệ... đều là học trò của Giáo sư Mai những năm 1954 - 1957, sau đó được ở lại trường và được thầy dìu dắt. Ở Giáo sư Đặng Thai Mai có mấy cái "đầu tiên": cụ là Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên sau khi nước nhà giành được độc lập (1945 - 1946); Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Văn Khoa (1954 - 1956); Chủ nhiệm đầu tiên Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm Hà Nội (1956 - 1960); Viện trưởng đầu tiên của Viện Văn học (1960 - 1976). Đồng thời Giáo sư Đặng Thai Mai cũng là người mở đường cho lĩnh vực nghiên cứu lý luận, phê bình văn nghệ cách mạng. Cùng với các nhà trí thức yêu nước như Hải Triều, Trần Huy Liệu, Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp... Giáo sư Đặng Thai Mai tham gia thành lập Hội truyền bá quốc ngữ (1936 - 1939). Đầu những năm 40 của thế kỷ 20, ông đã có những bài viết gây được sự chú ý trên các báo "Thanh Nghị", “Notre Voix" (tiếng nói chúng ta), cũng như bước đầu giới thiệu về nền văn học hiện đại Trung Quốc với các tác giả lớn: Lỗ Tấn, Tào Ngu...

Giáo sư Đặng Thai Mai

Đáng chú ý từ 1941 - 1942 trước sự chuyển biến mau lẹ của chiến tranh thế giới thứ II, trong nước thì thực dân Pháp và phát xít Nhật tuyên truyền văn hóa phục cổ, văn hóa ngu dân, chủ nghĩa Đại Đông Á... mặt khác chúng thẳng tay đàn áp các trí thức, văn nghệ sĩ và nhà văn hóa yêu nước, cách mạng. Trước bối cảnh đó, Đảng ta đã ra chỉ thị toàn Đảng động viên mọi giai tầng xã hội chuẩn bị tham gia tổng khởi nghĩa, trong đó quan tâm nhiều hơn đến phong trào hoạt động văn hóa tiến bộ, văn hóa cứu quốc. Theo đó "Đề cương về văn hóa Việt Nam" do đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng khởi thảo được thông qua tháng 02/1943. Lúc này phong trào thơ mới với những tên tuổi như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Vũ Hoàng Chương... trong trạng thái bế tắc và đi vào thoái trào.

Là một trí thức xuất thân từ dòng dõi nho học yêu nước ở làng Lương Điền, nay là xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương (thân phụ ông là Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn do ủng hộ phong trào Đông Du và hưởng ứng phong trào chống thuế ở Trung Kỳ, năm 1908 cụ bị thực dân Pháp bắt đày ra Côn Đảo 13 năm liền); Chú là Đặng Thúc Hứa và cô là Đặng Quỳnh Anh được tổ chức yêu nước bố trí sang hoạt động cách mạng ở vùng Đông Bắc Thái Lan. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Đông Dương(1928), sớm tiếp xúc với sách báo cộng sản như tờ “Nhân đạo” của Đảng cộng sản Pháp và “Người cùng khổ” của Nguyễn Ái Quốc nên Đặng Thai Mai hăm hở tham gia vào các tổ chức yêu nước như các Hội Hưng Nam, Phục Việt, Tân Việt; rồi các phong trào đòi ân xá cho Phan Bội Châu, truy điệu cụ Phan Châu Trinh… Vừa dạy học, Giáo sư Đặng Thai Mai vừa cộng tác với các báo “Tin tức”, “Lao động” (Le Travail), “Văn mới”, lại có vốn kiến văn Đông - Tây kim cổ nên Đặng Thai Mai sớm tiếp nhận ánh sáng từ "Đề cương văn hóa Việt Nam". Giữa lúc không ít kẻ đang đắm mình trong "Say đi em/ Say cho lơi lả ánh đèn/ Cho cung bậc ngả nghiêng/ cho điên rồ xác thịt" hay bàng quan với xã hội "Rũ áo phong sương trên gác trọ/ Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang" thì nhà trí thức cách mạng Đặng Thai Mai tá túc trong một căn nhà nhỏ trên một con phố yên tĩnh cạnh hồ Trúc Bạch để cặm cụi viết "Văn học khải luận" (1944). Tác phẩm của Giáo sư Đặng Thai Mai gồm bảy chương, trong đó tác giả tập trung vào Chương 3, phân tích và luận giải vấn đề sáng tác, tính giai cấp của văn học qua các hình thái xã hội; Chương 4 đề cập về nội dung và hình thức của tác phẩm; Chương 5 bàn về điển hình hóa và cá tính của nhà văn; Chương 6 nêu vấn đề tự do sáng tác; Chương 7 trao đổi và đề xuất tính dân tộc, tính quốc tế trong sáng tác văn chương.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng dự đám cưới con trai Giáo sư Đặng Thai Mai

"Văn học khái luận" ra đời cách đây gần 80 năm, bây giờ nhìn lại một số nhà nghiên cứu, phê bình cho rằng không tránh khỏi một vài hạn chế do hoàn cảnh lịch sử chi phối. Nhưng phần lớn các Giáo sư danh tiếng như Phương Lựu, Phong Lê (Nguyên Viện trưởng văn học), Nguyễn Đình Chú đều đánh giá cao giá trị của công trình "Văn học khái luận". Bởi như Giáo sư Phương Lựu nhận xét "trước năm 1945 mà Giáo sư Đặng Thai Mai đã có cái nhìn cởi mở muốn gây dựng một nền văn học quốc gia cho đầy đủ, vững vàng, thì ta càng cần thâu thái lấy những tinh hoa của thế giới, của nhân loại". Còn Giáo sư Hà Minh Đức thì cho rằng "Văn học khái luận" của Giáo sư Đặng Thai Mai là công trình lý luận văn nghệ đầu tiên được viết theo quan điểm cách mạng, nó phê phán các lý thuyết duy tâm về văn học- nghệ thuật; đồng thời góp phần khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.

Vun bồi cán bộ trẻ

PGS, KTS. Đặng Thái Hoàng (con trai Giáo sư Đặng Thai Mai) có lần chia sẻ: Dù cha tôi hơn từ 18 đến 20 tuổi nhưng ông hay gặp gỡ, giao du với các chú Huy Cận, Nguyễn Xuân Sanh, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi... Khi còn sống vào các ngày nghỉ cuối tuần, các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Sơn Tùng hay qua lại uống cà phê với cụ và đàm đạo chuyện văn chương, thế sự. Giáo sư Hà Minh Đức kể rằng: cuối những năm 50 của thế kỷ trước, khi còn làm trợ giảng cho Giáo sư Đặng Thai Mai, một hôm ông được phân công lên lớp giảng thử, cụ Mai đến dự. Kết thúc giờ giảng, nhóm giáo viên trong khoa ngồi lại nhận xét, đánh giá, Giáo sư Mai nhẹ nhàng: Thế là tạm ổn, nhưng muốn tiến xa hơn thì cần phải đọc và nghiên cứu thêm nữa để làm chủ kiến thức của mình.

Tôn Quang Phiệt và Lê Chủ-những người bạn thân thiết của Giáo sư Đặng Thai Mai

Từ năm 1960, Hà Minh Đức chuyển hẳn sang giảng dạy ở Khoa Ngữ Văn - Đại học Tổng hợp và Giáo sư Đặng Thai Mai đảm nhận vai trò Viện trưởng Viện Văn học, nhưng thỉnh thoảng gặp nhau trong các hội nghị, hội thảo ông vẫn nhận được những lời chỉ bảo thân tình của bậc "sư phụ" Đặng Thai Mai. Giáo sư Phong Lê dường như cả cuộc đời và sự nghiệp gắn bó với Viện Văn học (ông nguyên là Viện trưởng 1989 - 1995), gần đây tôi mạn phép gọi điện hỏi ông: Nhiều năm sống và làm việc gần Giáo sư Đặng Thai Mai, anh có kỷ niệm sâu sắc nào về cụ? - Với tôi, Giáo sư Đặng Thai Mai là sự tổng hợp và thống nhất giữa hai tư cách người thầy - nhà văn hóa và tư chất văn hóa trong một người thầy. Ở ông không chỉ là một học giả quảng bác, uyên thâm mà còn thể hiện phong cách của một nhà văn hóa lớn. Sống và làm việc nhiều năm với Giáo sư Mai, cụ vừa là thủ trưởng, nhưng đồng thời là thầy của chúng tôi trên nhiều phương diện. Con người rất nghiêm túc trong khoa học, song lại thân tình chỉ bảo, khích lệ thế hệ đi sau về thái độ và phong cách người nghiên cứu, phê bình văn hóa, văn nghệ. Nhà thơ Vũ Cao, nhà soạn kịch Tào Mạt, nhà nghiên cứu Phạm Tú Châu đều nhận mình là những học trò gần gũi của cụ Mai.

Phòng lưu niệm Giáo sư Đặng Thai Mai(tầng 2) trên phố Nguyễn Huy Tự - Hà Nội
Góc làm việc của Giáo sư Đặng Thai Mai lúc sinh thời

Sinh thời, Giáo sư Đặng Thai Mai không chỉ được người đời kính trọng, cảm phục bởi các cương vị mà ông đã đảm trách như: Bộ trưởng Giáo dục, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh Thanh hóa, Giám đốc Đại học Sư phạm Hà Nni, Viện trưởng Văn học, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam... hay ông là nhạc phụ của ba vị tướng (trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp lừng danh), mà các thế hệ hoạt động văn hóa, văn nghệ đương đại tôn kính, ngưỡng mộ Giáo sư Mai còn ở chỗ ông luôn quan tâm đến sự tiến bộ của lớp cán bộ trẻ. Cũng chính nhờ có sự khích lệ, dìu sắt của Giáo sư Đặng Thai Mai mà lĩnh vực nghiên cứu lý luận, phê bình xuất hiện những cây bút gây được ấn tượng trong lòng độc giả một thời như các Giáo sư Cao Huy Đỉnh, Hoàng Trinh, Hà Minh Đức, Phong Lê; các Phó Giáo sư Vũ Đức Phúc, Thành Duy... Có lẽ vì thế chăng trong lễ tang Giáo sư Mai cách đây 40 năm (ông mất ngày 25/9/1984), đông đảo người dự (có sự hiện diện các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước) đều thể hiện sự xúc động, tiếc thương lẫn cảm phục nhà văn hóa lớn; bài điếu văn được soạn thảo bởi hai bậc đàn em danh tiếng là Huy Cận và Nguyễn Đình Thi./.