Người chiến sĩ cộng sản kiên trung

Sinh ra trong một gia đình nông dân ở xã Nghi Thọ (nay là xã Phúc Thọ), huyện Nghi Lộc, 17 tuổi, Nguyễn Duy Trinh đã tham gia phong trào thanh niên yêu nước ở thành phố Vinh. 18 tuổi gia nhập Đảng Tân Việt Cách mạng rồi vào Sài gòn hoạt động trong phong trào công nhân, bị địch bắt và kết án 18 tháng tù. Ra tù, ông về quê tiếp tục hoạt động, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, làm Bí thư chi bộ, rồi Bí thư huyện ủy Nghi Lộc, lãnh đạo quê nhà hòa vào cao trào cách mạng 1930-1931. Cuối năm 1931 ông bị địch bắt và bị kết án 13 năm khổ sai, bị đày từ địa ngục trần gian Côn Đảo tới nhà ngục Kon Tum. Trong tù, kẻ địch luôn coi các chiến sĩ cộng sản như ông là đặc biệt nguy hiểm, bị theo dõi hết sức chặt chẽ mọi hành động, không được tiếp xúc, trao đổi với bạn tù. Vậy mà chi bộ Đảng do Nguyễn Duy Trinh làm Bí thư vẫn được duy trì hoạt động. Ông cùng các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Lê Văn Lương… vẫn kiên cường lãnh đạo, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, học tập văn hóa, lý luận, giữ vững khí tiết, đấu tranh bền bỉ cho thắng lợi ngày mai. Có lẽ đó là nền tảng bồi đắp phẩm chất đạo đức, tri thức lý luận, chuyên môn, phương pháp cách mạng cho Nguyễn Duy Trinh cùng nhiều tiền bối của Đảng làm nên những thành công và đóng góp to lớn cho đất nước sau

1d2134e172b7b9e9e0a6.jpg
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris về Việt Nam ngày 27/1/1973

Người được Bác Hồ giao nhiều trọng trách đa dạng nhất

Sau cách mạng tháng Tám, ông là người được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn lựa, giao nhiều trọng trách đa dạng nhất: từ Bí thư Liên khu ủy Khu V, kiêm phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính Liên khu V; đến công tác hành chính- Bộ trưởng Phủ Thủ tướng; công tác kinh tế- Chủ nhiệm Ủy ban khoa học Nhà nước; công tác Đảng- Thường trực Ban Bí thư; đến công tác ngoại giao- Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao. Trên mỗi cương vị, ông đều để lại nhiều dấu ấn, đóng góp tích cực cho đất nước. Trong một bài viết tại Hội thảo về đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ: “Rất muốn nghe thời kỳ Nguyễn Duy Trinh đã cùng các đồng chí Phạm Văn Đồng, Nguyễn Chánh… lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Liên khu V thế nào, vì sao quân dân Liên khu V đã lập nên kỳ tích độc đáo không chỉ về kháng chiến mà cả trong phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, cho dù ở xa Trung ương và bị cô lập hai đầu”.

Một nhà Ngoại giao lỗi lạc

Dấu ấn lớn nhất về Nguyễn Duy Trinh được các nhà nghiên cứu và Nhân dân hiểu rõ có lẽ là giai đoạn ông đảm nhận cương vị Bộ trưởng Ngoại giao từ 1965-1980. Ông được đánh giá là Kiến trúc sư trưởng của mặt trận ngoại giao trong một thời điểm lịch sử gay cấn, nhạy cảm, có tính bước ngoặt. Trong đó, Đàm phán Pari được khẳng định là đỉnh cao của ngoại giao Việt Nam. Thêm một dẫn chứng về tài dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi lựa chọn Nguyễn Duy Trinh- một người không được đào tạo và chưa từng làm qua công tác ngoại giao lại đảm nhận cương vị rất quan trọng: Bộ trưởng Ngoại giao.

Những năm tháng cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn cam go, quyết liệt, mối quan hệ Xô- Trung có những rạn nứt…, bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh đã rất xuất sắc trong vai trò là cầu nối điều phối các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao; giữa chiến trường miền Nam với các cuộc họp của Bộ Chính trị; giữa Hà Nội với Pari; giữa Đảng, Nhà nước ta với Liên Xô, Trung Quốc…Bức chân dung của vị Bộ trưởng Ngoại giao gắn liền với thời kỳ oanh liệt ấy còn in đậm trong rất nhiều tờ trình, đề án đàm phán, đấu tranh ngoại giao; trong các điện mật gửi từ Hà Nội đi Pari; trong các tài liệu công khai, trả lời phỏng vấn báo chí vv. Ông là người trực tiếp đề xuất nhiều chủ trương, bước đi lớn trong đấu tranh ngoại giao. Các chủ trương như: Đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, Kết hợp vừa đánh vừa đàm; Tranh thủ sự ủng hộ của mặt trận Nhân dân thế giới…đều có dấu ấn về vai trò đề xuất, triển khai thực hiện của Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh. Một nhà ngoại giao thời kỳ đó nhớ lại: Mỗi khi Bộ Chính trị nghe một đề án, kế hoạch về ngoại giao, Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng thường hỏi: đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã đọc chưa?. PGS TS Trần Việt Thái- Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Ngoại giao cho biết: Những năm qua, đã có nhiều bài báo, hồi ký nói về vai trò của đoàn Đàm phán Việt Nam tại Pari, vai trò của một số đồng chí lãnh đạo cao cấp như Lê Đức Thọ, Nguyễn Thị Bình…nhưng dường như vẫn còn một khoảng trống nào đó ở trong nước, đặc biệt với cá nhân đồng chí Nguyễn Duy Trinh. Có một thực tế khách quan lúc đó là việc bảo mật các chủ trương đàm phán, bước đi ngoại giao, kế hoạch đấu tranh của ta là vô cùng quan trọng. Nhiều tài liệu cho đến nay vẫn được bảo quản với chế độ “Tuyệt mật”; vì vậy ít nhiều đã ảnh hưởng tới đánh giá của các thế hệ hiện nay về vai trò, dấu ấn của Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh trong đàm phán đấu tranh ngoại giao tại hội nghị Pari giai đoạn 1968 - 1973 cũng như hoạt động ngoại giao nói chung.

31de77eb3ebdf5e3acac.jpg
Hội thảo khoa học đồng chí Nguyễn Duy Trinh - nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và Cách mạng Việt Nam
7e734ede0788ccd69599.jpg
Các đồng chí Nguyễn Xuân Thắng Uỷ viên BCT, Bí thư TW Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phạm Bình Minh- Uỷ viên BCT, Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ, Thái Thanh Quý, Uỷ viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ và một số đại biểu tại Hội Thảo.

Hội thảo khoa học về đồng chí Nguyễn Duy Trinh nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh uỷ Nghệ An tổ chức mới đây đã làm rõ hơn nhiều về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất; về tài năng và những đóng góp to lớn của một nhà nhà ngoại giao xuất sắc, một nhà lãnh đạo tận tụy cống hiến, giàu đức Nhân - Tâm. Cứ nhớ mãi chia sẻ của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan về Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh: “Chúng ta học được những bài học ấy, cũng đáng làm người lắm rồi và xứng đáng là nhà ngoại giao lắm rồi”.

Nguyễn Mai Linh