Về xã biên giới Hạnh Lâm (Thanh Chương) chúng tôi bị cuốn hút bởi màu xanh mướt mát của cây chè nguyên liệu nõn nà len trong nắng vàng ngày chớm Đông tạo nên bức tranh thiên nhiên thơ mộng. Nằm sát bên đường Hồ Chí Minh, xưởng sản xuất, chế biến chè của gia đình ông Phan Đình Đường hoạt động nhộn nhịp với công suất gần 20 tấn mỗi ngày. Lớp lớp thành phẩm chè xanh được đóng gói quy củ, sạch sẽ.
Tiếp khách bên ấm chè thơm nóng, “lão nông” Phan Đình Đường nhớ lại quãng thời gian “khởi nghiệp” đầy gian truân: Hơn 10 năm về trước, mảnh đất Hạnh Lâm vẫn còn mang nhiều sự lam lũ, khó nhọc khi được mệnh danh là vùng “tứ tắc”. Đời sống người dân vô cùng khó khăn, chỉ biết nhìn vào cây ngô, cây sắn năng suất thấp và phụ phẩm từ rừng.
Với sự quyết tâm biến khó khăn thành lợi thế, gia đình ông Đường khai thác tiềm năng đất đai, khe, suối của vùng đồi núi, huy động nhân công địa phương phát triển cây chè công nghiệp. Từ đầu những năm 2000, gia đình ông đã tập trung vào việc ươm giống cây chè cung cấp cây giống cho bà con nhân dân trên địa bàn với giá rẻ để xây dựng vùng nguyên liệu tập trung của xã.
Tiếp đó, để tìm đầu ra cho cây chè, ông Đường tìm tòi học hỏi kỹ thuật làm chè khô. Ông mạnh dạn đầu tư dây chuyền chế biến mi-ni để thu mua sản phẩm cho bà con nông dân trong vùng, bước đầu sản xuất với quy mô mỗi ngày 300 – 800 kg chè búp tươi, từ đó khích lệ nhiều hộ gia đình trồng chè, trong đó, có hộ đã tự ươm giống mở rộng diện tích, tăng nhanh sản lượng chè hàng năm. Để đáp ứng với nhu cầu chế biến, nâng cao giá trị kinh tế từ cây chè cho bà con nông dân, bản thân ông Đường không ngừng tìm tòi, học hỏi nhằm nâng cao trình độ tay nghề, đổi mới khoa học, kỹ thuật áp dụng vào trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế trên cây chè. Ông vay mượn thêm đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, đảm bảo sản phẩm chè xanh có giá trị cao, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước. Chè tươi được thu mua tại địa phương 3.000 đồng/kg, chè khô sau khi chế biến và bán ra giá dao động từ 40.000 – 50.000 đồng/kg.
Từ ngày có xưởng chế biến chè quy mô lớn của ông Đường, bà con trồng chè ở vùng Hạnh Lâm phấn chấn phát triển vùng nguyên liệu. Gần 100 ha chè có đầu ra ổn định. “Tôi đặc biệt chú trọng đến quy trình chất lượng sản xuất chè. Chè sau khi được thu mua về, công nhân lựa, sao chè xong đến công đoạn vò chè, sau đó chuyển đến dây chuyền sấy chè, khi đó mới định hình phân loại và đóng gói chè trong quy trình khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng chè sạch, thơm, ngon” – ông Đường nói.
Hiện nay, sản phẩm của cơ sở sản xuất, chế biến chè Đường Hương của ông Phan Đình Đường chủ yếu xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Đông và nhiều thị trường khác. Ngoài trồng chè, gia đình ông còn trồng 30 ha cây keo lấy gỗ, kinh doanh, dịch vụ, tạp hóa và dịch vụ phân bón, kinh doanh vận tải,… mang lại nguồn thu cho gia đình và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Ông Nguyễn Xuân Khánh – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Chương cho biết: “Ông Phan Đình Đường là người tiên phong trong việc trồng, chế biến chè xanh ở địa phương với mô hình sản xuất khép kín bằng hệ thống máy móc hiện đại, mang lại cho hiệu quả kinh tế cao, thông qua tổ, hội sản xuất, chế biến chè, một mặt vừa tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, vừa chia sẻ kinh nghiệm, liên kết sản xuất giữa các hộ trồng chè. Đến nay, ngoài một lượng lớn chè bán ra thị trường trong nước, sản phẩm chè xanh Đường Hương còn xuất khẩu ra nước ngoài và dần khẳng định thương hiệu chè xanh xứ Nghệ”…
Là hộ làm ăn giỏi, gia đình ông Phan Đình Đường còn thường giúp đỡ các hộ nghèo bằng cách tạo việc làm, cho mượn đất, hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất, cách thức trồng chè đạt năng suất cao, giúp hộ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện để vươn lên trong cuộc sống.
Ông luôn tích cực tuyên truyền, trao đổi kinh nghiệm làm ăn của gia đình trong các tổ chức đoàn, hội và cộng đồng dân cư, đồng thời, nhiệt tình tham gia các phong trào của địa phương và đoàn thể, tặng nhiều suất quà cho hộ nghèo trên địa bàn xã; trực tiếp vận động thành lập và hiện đang là tổ trưởng tổ, hội sản xuất, chế biến chè Hạnh Lâm của hội nông dân xã với mục tiêu là tiếp tục phát triển nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế và thương hiệu chè Hạnh Lâm. “Tôi luôn ghi nhớ những lời dạy của Bác, sống tương thân, tương ái, thương người như thể thương thân. Khi mình phát triển kinh tế thành công thì mình phải có trách nhiệm đóng góp các phong trào của địa phương, nhất là giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, vì đó là tình thương, là văn hóa nhân văn của con người Việt Nam”- ông Phan Đình Đường tâm sự.
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình ông Phan Đình Đường đã ủng hộ hàng chục triệu đồng vào các phong trào do địa phương phát động như: Ủng hộ hàng trăm triệu đồng để làm đường giao thông, cầu, cống được chính quyền địa phương ghi nhận. Đặc biệt, năm 2013 gia đình ông đã phối hợp với chính quyền địa phương đầu tư xây dựng 2 cây cầu bắc qua sông để phục vụ nhân dân đi lại.
Ngoài ra, gia đình đã đóng góp tích cực vào phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và chủ quyền quốc gia” như: Tự nguyện hiến 2.000m2 đất để góp phần vào việc mở tuyến đường quốc phòng từ đường Hồ Chí Minh lên Mốc 10 biên giới Việt – Lào; mới đây, tình hình dịch Covid-19 bùng phát tại địa phương, gia đình ông Đường đã nấu hàng trăm suất cơm hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Với những đóng góp tích cực của mình, ông Phan Đình Đường được UBND huyện Thanh Chương tặng Giấy khen đã có thành tích trong sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2016-2020; Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2016 – 2020. Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc, đại biểu điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2015-2020.