Hạ tầng giao thông nông thôn ở xã Diễn Xuân, huyện Diễn Châu được đầu tư đồng bộ

Xây dựng nông thôn mới vừa là chủ trương, vừa là thực tiễn yêu cầu phát triển của mỗi địa phương, đặc biệt đáp ứng mục tiêu ngày càng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Bởi vậy, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo, khi đạt chuẩn nông thôn mới thì tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, rồi nông thôn mới kiểu mẫu.

Xã Diễn Xuân (huyện Diễn Châu), sau khi về đích nông thôn mới vào năm 2017 là tiếp tục bắt tay xây dựng nông thôn mới nâng cao với việc tập trung hoàn thiện, nâng chất lượng các tiêu chí; trong đó xác định 4 nhóm trọng tâm: hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu; phát triển sản xuất bền vững; bảo vệ môi trường; đảm bảo an ninh trật tự. Theo đó, ngoài tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, đóng góp tiền, trong đó phát huy vai trò tiên phong, đi đầu của cán bộ, đảng viên; cấp uỷ, chính quyền xã Diễn Xuân cũng rất tích cực trong việc thu hút nguồn lực đầu tư từ cấp trên, doanh nghiệp và con em xa quê để nâng cấp đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, trường học, trụ sở làm việc, nhà văn hoá các xóm. Tổng nguồn vốn huy động hơn 262 tỷ đồng. Hệ thống giao thông nông thôn hơn 33 km đều được nhựa và bê tông; hơn 22 km giao thông nội đồng được bê tông và cứng hoá, đảm bảo vận chuyển hàng hoá thuận lợi.

Chỉnh trang cảnh quan môi trường xanh tại Trạm y tế xã Diễn Xuân, huyện Diễn Châu copy

Ông Ngô Sỹ Việt (xóm Liên Hoa) chia sẻ: Mỗi người dân khi biết hi sinh một ít lợi ích, hiến đất và đóng góp tiền, giá trị nhận lại chính là chất lượng cuộc sống với cảnh quan, môi trường nông thôn sạch - đẹp; đời sống văn hoá tinh thần, sức khỏe nâng lên khi có không gian để tham gia sinh hoạt, vui chơi, giải trí. Đặc biệt mỗi người dân cảm nhận sự tự hào đối với con em xa quê trở về, bởi những người ở lại quê nhà đã chung tay, góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Trong sản xuất nông nghiệp, cấp uỷ, chính quyền kiên trì chỉ đạo, lựa chọn các nhân tố tích cực để tiên phong và lan toả trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế mới. Tại Diễn Xuân hôm nay, hoạt động sản xuất lúa được liên kết với các doanh nghiệp để xây dựng cánh đồng lúa chất lượng cao với tổng 143 ha, đạt thu nhập bình quân 250 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, việc đưa nhà màng, nhà lưới (với 9 nhà) và áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, bón phân tự động đã tạo ra sản phẩm nông nghiệp trên đồng đất Diễn Xuân chất lượng và giá trị kinh tế cao; trong đó có sản phẩm dưa lưới đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Đồng chí Nguyễn Vĩnh Phú – Bí thư Đảng uỷ xã Diễn Xuân chia sẻ: Một mũi kinh tế quan trọng được địa phương tập trung chỉ đạo và tạo điều kiện để phát triển là phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ và ngành nghề. Hiện trên địa bàn xã có 19 doanh nghiệp hoạt động và 41 tổ nề - mộc; giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Nhờ chú trọng phát triển đa lĩnh vực, hiện thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt hơn 69 triệu đồng/người năm, đơn vị thuộc tốp đầu của huyện Diễn Châu.

Nhà văn hoá xóm ở xã Nam Nghĩa, huyện Nam Đàn được xây dựng đồng bộ

Đối với xã Nam Nghĩa (huyện Nam Đàn), thuộc vùng bán sơn địa và đây là địa phương nằm trong diện khó khăn của huyện. Song quá trình xây dựng nông thôn mới, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, xây dựng nông thôn mới nâng cao đạt chuẩn năm 2021 và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đạt chuẩn năm 2022, Nam Nghĩa trở thành điểm sáng, trở thành 1 trong 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Nam Đàn.

Chia sẻ kinh nghiệm quá trình chỉ đạo xây dựng nông thôn, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu; đồng chí Nguyễn Quang Dũng – Bí thư Đảng uỷ xã Nam Nghĩa cho rằng: Trước hết là đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách từ xã đến xóm luôn chủ động nghĩ việc, nghĩ mô hình, nghĩ cách để chỉ đạo và trực tiếp lăn xả vào làm cùng Nhân dân. Công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để người dân hiểu trách nhiệm của mỗi gia đình, cá nhân trong xây dựng nông thôn mới được làm nhuần nhuyễn, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; nơi nào khó thì người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền trực tiếp vận động, giải thích cho người dân, đồng thời hướng dẫn cho các xóm cách thức triển khai.

Lãnh đạo huyện Nam Đàn khảo sát việc khai thác lợi thế vùng bán sơn địa phát triển du lịch sinh thái tại xã Nam Nghĩa

Trong huy động nguồn lực, Bí thư Đảng uỷ xã Nam Nghĩa cho biết: Địa phương tranh thủ lồng ghép các nguồn hỗ trợ từ tỉnh, huyện thông qua các dự án cùng với ngân sách địa phương; tranh thủ kêu gọi con em xa quê và đặc biệt nội lực và sức mạnh của Nhân dân vừa hiến đất, tài sản, đóng góp tiền, vừa đóng góp ngày công lao động để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang bộ mặt nông thôn, nhất là ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường trong Nhân dân được nâng lên.

Ở xã Nam Nghĩa, không chỉ cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, khang trang mà hệ thống cảnh quan môi trường nông thôn thật sự: sáng, xanh - sạch - đẹp với gần 13 đường cây xanh lát hoa, bằng lăng, hoa ban hoặc đặt bồn hoa hai bên đường. Trong mỗi gia đình đều có 3 thùng rác để phân loại rác thải hữu cơ, rác vô cơ, rác tái chế. Đời sống kinh tế của người dân không ngừng được cải thiện, phá vỡ độc canh cây lúa, chuyển sang đa dạng cây trồng rau màu hàng hoá, cây ăn quả, phát triển chăn nuôi, làm dịch vụ. Hiện trên địa bàn xã có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 và 4 sao; có khu du lịch sinh thái trải nghiệm. Phong trào sinh hoạt văn hoá, thể thao được đẩy mạnh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, sức khoẻ cho Nhân dân - yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển về mọi mặt.

Hệ thống giao thông ở xã Nam Nghĩa, huyện Nam Đàn đáp ứng tiêu chí- xanh - sạch - đẹp

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 30/9/2023, toàn tỉnh Nghệ An có 309/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 75,18%. Trong số 309 xã đạt chuẩn nông thôn mới có 53 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 17,15% và có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, chiếm 1,94%. Toàn tỉnh có có 7 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: thành phố Vinh; thị xã Thái Hoà, Hoàng Mai; huyện Nam Đàn, Yên Thành, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu. Hai huyện Đô Lương và Diễn Châu đã hoàn thiện hồ sơ đang trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân tiêu chí cả tỉnh là 16,98 tiêu chí/xã.

 

Thông qua phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, các địa phương đã tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội và đảm bảo quốc phòng – an ninh. Theo số liệu báo cáo của Cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2022 là 38,4 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2022 còn 6,49%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,94%; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn tại Quyết định số 4826/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 87%; có 430 sản phẩm được công nhận OCOP.

Mục đích cuối cùng của xây dựng nông thôn mới chính là cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; đòi hỏi người dân phải vào cuộc thật sự, từ chăm lo chỗ ở và sức khỏe, cải thiện chất lượng bữa ăn, nâng cao dân trí… Bởi vậy, xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc. Đây là phương châm được cấp uỷ, chính quyền các cấp ở tỉnh Nghệ An quán triệt một nhận thức chung và chỉ đạo, góp phần đưa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh được thực hiện hiệu quả, thực chất và bền vững./.