netnghe-a1.png

“Nết”, nếu hiểu theo câu “cái nết đánh chết cái đẹp”, thì nết thuộc về đạo đức, thuộc về cái tốt. Nếu thế thì nết Nghệ có lẽ cũng không khác nhiều nết Việt nói chung, hay nết Thanh, nết Huế, nết Quảng... nói riêng. Nhưng, tiếng Việt vốn rất giàu có, bên cạnh chữ “nết” còn cho ta chữ “tính”. Chỉnh hợp chập hai lại ta có từ “tính nết”. Rõ ràng, tính nết thì không còn đơn thuần là nết, là đạo đức, phẩm chất nữa rồi. Cũng cái nết hiếu thảo với cha mẹ chẳng hạn, nhưng trong một gia đình có mười người con, thì mười người con ấy chí ít sẽ có mười cách khác nhau để thể hiện lòng yêu thương, tình cảm và trách nhiệm đối với cha mẹ. “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính” là như thế. Vậy thì cũng có thể nói “tính” là cách, là hình thức mà cái nết bộc lộ, biểu hiện ra bên ngoài. Tính và nết thống nhất, gắn bó với nhau như giữa hình thức và nội dung. Xét theo nghĩa nào đó, tính nết cũng chính là “tính cách”, một khái niệm của tâm lý học cá nhân. Chính vì thế, bàn về “Nết Nghệ” hay “Tính nết Nghệ” cũng chính là bàn về Tính cách Nghệ.

Năm 1996, khi công cuộc đổi mới ở nước ta đã bắt đầu đi vào thực chất, với những biến đổi sâu rộng về kinh tế xã hội, những vị lãnh đạo Nghệ An thời đó đã sớm nhận ra cần phải đổi mới ngay chính nhân tố căn cốt nhất của công cuộc đổi mới, đó chính là con người. Chính vì vậy, một chương trình khoa học lớn đã được khởi động. Đó là chương trình nghiên cứu về con người Nghệ An trước yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chương trình do Trường Đại học Sư phạm Vinh chủ trì, PGS Lê Bá Hán làm chủ nhiệm. Thế nhưng, không phải đến lúc đó vấn đề người Nghệ mới được đem ra giải phẫu, mà từ hàng trăm năm trước cho đến tận ngày nay, tính cách Nghệ luôn luôn khơi gợi được cảm hứng cho các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Tất thảy họ đều quả quyết rằng: Người Nghệ quả thật rất đặc biệt, tính cách Nghệ quả thật rất độc đáo. Những hằng số tính cách Nghệ thường được điểm danh là: Trung dũng; quyết liệt; cần kiệm; khảng khái; hiếu học; giàu chí tiến thủ; chân thành, thẳng thắn; tự trào...

netnghe-b1.png

z3146739892159_5df330e4964352d984c3943fc31ec100.jpg
Hoa sen xứ Nghệ - Ảnh: Tư liệu

Tuy nhiên, bên cạnh những phẩm chất đáng quý đó, người Nghệ cũng có không ít “điểm trừ” trong tính cách. Điều đáng nói là hầu như các phẩm chất của người Nghệ, khi bị đẩy cao lên cực đỉnh lại thành ra là điểm yếu. Quyết liệt quá thì thành ra cực đoan; Thẳng thắn quá thì là thô ráp, cứng nhắc; Cần kiệm quá trở nên ki bo, kẹt xỉn; Khảng khái quá thì dễ là gàn; Kiên định quá thì có khi trở thành bảo thủ; Cố kết cộng đồng quá thì dễ cục bộ, địa phương, kết bè kéo cánh... Trong rất nhiều những nét tính cách được coi là “điểm trừ” của người Nghệ có lẽ gàn và cực đoan là nổi trội hơn cả. “Đồ gàn Xứ Nghệ” từ lâu đã là một thương hiệu, một biểu tượng.

Bên cạnh đó tính cách Nghệ cũng bộc lộ rất rõ qua giao tiếp ứng xử. Giáo sư Vũ Ngọc Khánh dùng từ “cứng cỏi” để nói về điều này. Theo ông, trong mỗi con người Nghệ đều có bốn đặc điểm: Có lý tưởng trong tâm hồn; Sự trung kiên trong bản chất; Sự khắc khổ trong sinh hoạt; Sự cứng cỏi trong giao lưu. Một nhà nghiên cứu khác cho rằng: Nếu người đồng bằng Bắc Bộ có sự ứng xử mềm mỏng, khéo léo, được ông mô hình hóa bằng hình tròn, thì mô hình ứng xử của người Nghệ được ông vẽ bằng hình vuông. Hình vuông thật dễ hiểu, thật bộc trực, thật kiên định, thật chắc chắn, nhưng rõ ràng là khó chuyển động hơn, khó thích nghi, khó hài hòa và dễ gây tổn thương cho người khác hơn so với hình tròn. Trong một xã hội duy tình, ưa chuộng sự hài hòa, thì rõ ràng mô hình giao tiếp ứng xử theo kiểu hình vuông của người Nghệ không phải lúc nào cũng được chấp nhận một cách dễ dàng.

netnghe-b2.png

tre-lang-min_1.jpg
Hình ảnh minh họa

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất hiện nay không phải là tổng kết để khẳng định những phẩm chất được coi là hằng số của người Nghệ, hay những tật xấu được cho là cố hữu của người Nghệ. Vấn đề là người Nghệ cần làm gì, cần thay đổi gì để vẫn là người Nghệ, với những hằng số phẩm chất đã được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử, nhưng đồng thời lại là người Nghệ hiện đại, sẵn sàng thích nghi và đáp ứng những yêu cầu của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Con người là sản phẩm của lịch sử. Đối mặt với những hoành cảnh sống, điều kiện sống mới, tính cách người Nghệ có dịp thử thách và tự biến đổi để thích nghi. Không khó để thấy rằng: Những người Nghệ có sự biến đổi tính cách mạnh nhất chính là những người Nghệ xa quê. Có thể ta vẫn thấy họ vẹn nguyên “lý tưởng trong tâm hồn; sự trung kiên trong bản chất”, như giáo sư Vũ Ngọc Khánh nói. Nhưng, hai yếu tố còn lại “sự khắc khổ trong sinh hoạt và sự cứng cỏi trong giao lưu”, thì xem ra đã thay đổi rất nhiều. Với người Nghệ ở quê hương, hầu như sự biến đổi về tính cách của mỗi giới, mỗi người tỷ lệ thuận với mức độ giao lưu với bên ngoài của họ. Chúng ta có thể cảm nhận thấy sự biến đổi của tính cách Nghệ, nhất là trong giao tiếp, ứng xử khá rõ nét qua cách sử dụng tiếng Nghệ hiện nay. Về từ vựng, dân ta đã dùng tiếng phổ thông nhiều hơn, nhất là khi giao tiếp với người ngoại tỉnh. Về âm điệu, giọng nói của dân mình cũng không thật nặng và khó nghe như trước. Về phong cách, những người giao tiếp nhiều với bên ngoài cũng đã tiết giảm được cả về âm lượng và tốc độ phát âm. Có thể nói đó là những chỉ dấu rất tích cực, cho thấy người Nghệ đang tự điều chỉnh mình, sao cho vừa giữ bản sắc, vừa thích nghi với điều kiện mới.

Một phẩm chất nổi trội của người Nghệ là hiếu học. Thậm chí có nhà nghiên cứu đã nói, người Nghệ đã biến sự học thành đạo học. Thế nhưng, mới cách đây mười mấy năm thôi vẫn có nhiều nhà nghiên cứu, nhà sư phạm than phiền rằng hiếu học của người Nghệ là hiếu học lệch lạc, là chỉ hiếu học theo kiểu tầm chương trích cú, học để lập ngôn, lập danh, chứ không học để lập nghiệp. Thế rồi, chính cuộc sống đã buộc người Nghệ phải xem lại sự hiếu học của mình. Nếu như mười mấy năm trước, gần như 100% học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học đều dự thi đại học, thì liên tục trong mấy năm gần đây tỷ lệ đó chỉ còn trên dưới 60%. Điều này cho thấy người Nghệ vẫn rất hiếu học, đất Nghệ vẫn là đất học, nhưng đạo học xứ Nghệ đã được điều chỉnh về mục tiêu theo hướng thiết thực và gia dụng hơn.

netnghe-b3.png

z3146784605349_b0b096361e2e19958816be07bdeef583.jpg
Hình ảnh minh họa

Đó là những tín hiệu rất tích cực, cho thấy tính cách Nghệ cũng có khả năng điều chỉnh, biến đổi theo hướng thích nghi ngày càng tốt hơn với kinh tế thị trường và giao lưu, hội nhập. Tuy nhiên, quá trình biến đổi đó rất cần được nhận thức và định hướng môt cách đúng đắn và chủ động. Ít ra là trên truyền thông hãy giảm bớt những bài ca về người Nghệ cao đẹp, hãy nói nhiều hơn đến những thói hư tật xấu, những “điểm trừ” trong tính cách Nghệ, để gột rửa và điều chỉnh. Hãy đầu tư nhiều hơn, đúng hướng hơn cho giáo dục, để đạo học xứ Nghệ không còn lệch lạc, phiến diện. Nhưng, quan trọng nhất vẫn là tìm mọi cách mở rộng giao lưu, hội nhập, đưa cả nước, đưa cả thế giới đến với người Nghệ và đưa người Nghệ đến với cả nước và thế giới.. Trong môi trường hội nhập sâu rộng đó, người Nghệ không chỉ thấy rõ mình hơn, mà đồng thời vừa biết tự vệ để mình vẫn là mình, vừa biết biến đổi để ít nhất là thích nghi, cao hơn là trở thành công dân toàn cầu. Hơn một trăm năm trước, những nhà đầu tư đến từ Pháp, Ấn, Trung Hoa, Hà Nội, Nam Định…đã tạo cú hích lớn để định hình nên một đô thị Vinh - Bến Thủy về kỹ nghệ và thương mại mang kích cỡ Đông Dương. Nhưng chính đô thị đa văn hóa Vinh - Bến Thủy trong thời kì đó, đến lượt nó lại tác động mạnh mẽ đến giao tiếp, ứng xử của người Nghệ, góp phần tạo nên những trí thức, nhà doanh nghiệp lừng danh và một thế hệ thị dân “đời đầu” ở Vinh rất Nghệ, nhưng cũng rất cách tân. Chúng ta đã từng có những Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh, hay gần hơn, những Nguyễn Mạnh Cầm, Trương Đình Tuyển, Đặng Thai Mai, Nguyễn Xiển…rất Nghệ, rất Việt, nhưng cũng rất quốc tế.

Nết Nghệ, tính cách Nghệ không chỉ hun đúc, chưng cất và lắng đọng lại thành bản sắc văn hóa Xứ Nghệ không thể lẫn lộn với ai, mà chính nó cũng đã và đang biến đổi theo chiều gạn đục khơi trong. Cho nên, câu chuyện Nết Nghệ, vì vậy cũng không phải chỉ là câu chuyện của lịch sử và hoài niệm, mà quan trọng hơn đó là câu chuyện của cuộc sống đương đại và tương lai.

thanh-pho-vinh-nhin-tu-nui-dung-quyet.jpg
Thành phố Vinh nhìn từ Bến Thủy - Ảnh: Sách Nguyễn

Phạm Xuân Cần