Gia đình ông Văn Huy Toàn ở thôn 10 xã Quỳnh Lộc có hơn 170 tổ ong mỗi năm thu hoạt từ 800-900 lít mật ong nguyên chất

Ông Văn Huy Toàn ở thôn 10 xã Quỳnh Lộc có thâm niên hơn 10 năm nuôi ong lấy mật, từ đầu mới chỉ 3-5 tổ ong, ông đã gây dựng và phát triển đàn trở thành một trong những hộ nuôi ong nhiều nhất xã Quỳnh Lộc với hơn 170 tổ ong cho mật. Mỗi năm đàn ong sẽ cho thu hoạch 3 đợt mật, với tổng sản lượng thu được từ 800-900 lít mật ong nguyên chất, ngoài ra ông Toàn còn bán 50-60 tổ ong giống cho người dân nuôi. Việc nuôi ong hoàn toàn bằng hình thức tự nhiên, để đàn ong tự tìm hoa lấy mật, do vậy luôn đảm bảo chất lượng đặc, sánh, thơm ngon, rất được khách hàng, người dân tin tưởng lựa chọn. Để cho đàn ong cho mật đều, đảm bảo chất lượng ông Toàn luôn chăm sóc cẩn thận tỉ mỉ, từ dọn vệ sinh tổ ong, chia tách đàn. Bên cạnh đó, ông đầu tư hệ thống tưới nước tự động để làm mát và cung cấp nước uống cho ong nhất là vào mùa hè nắng nóng.

Còn tại xã Quỳnh Lập, từ cách đây gần 20 năm nhiều người dân đã có niềm đam mê nuôi ong lấy mật. Ban đầu chủ yếu là thú vui tao nhã của các thành viên, sau đó đàn ong phát triển với hàng trăm tổ cho sản lượng mật ong lớn, có chất lượng. Đồng thời, với mong muốn xây dựng thương hiệu mật ong riêng cho mình, năm 2022 ông Văn Đức Tụy đã cùng với 6 thành viên thành lập Hợp tác xã Hoàng An, do ông Văn Đức Tụy là Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Tiến hành đăng ký thương hiệu sản phẩm Mật ong Hoàng An tại Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam, đăng ký nhãn mác, lô gô, mã vạch truy xuất nguồn gốc, có tem chống hàng giả. Tất cả sản phẩm mật ong của Hợp tác xã Hoàng An đảm bảo chất lượng được người tiêu dùng tin tưởng. Năm 2023 sản phẩm Mật ong Hoàng An đạt tiêu chuẩn 3 sao thương hiệu OCOP.

Ông Văn Đức Tụy- Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Hoàng An xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai cho biết: “Để bảo vệ chất lượng sản phẩm mỗi lần sản xuất ra, đóng gói sản phẩm sẽ có số lô, số ngày sản xuất và ghi rõ là lô đó bao nhiêu chai. Cam kết với khách hàng, sau khi khách hàng tiêu dùng mà gặp một chai nào bị trục trặc lỗi kỹ thuật, Hợp tác xã sẽ thu hồi về, đồng thời bồi thường sản phẩm”

Ong được nuôi bằng phương thức tự nhiên nên đảm bảo chất lượng mật nguyên chất thơm ngon

Thị xã Hoàng Mai có hơn 7000 ha đất rừng phòng hộ, rừng trồng được phân bố ở các xã phường như Quỳnh Lộc, Quỳnh Lập, Quỳnh Trang, Quỳnh Vinh,.. ngoài ra có nhiều diện tích đất trồng cây ăn quả, rau màu. Đây là điều kiện thuận lợi để các hộ dân phát triển nghề nuôi ong trên địa bàn thị xã.

Hiện nay việc nuôi ong trở thành một nghề mang lại nguồn thu nhập lớn cho nhiều hộ dân trên địa bàn thị xã. Để sản phẩm mật ong của Hoàng Mai ngày càng có chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng biết đến, UBND thị xã đã chỉ đạo Phòng Kinh tế, các địa phương hướng dẫn, xây dựng lôgô, đăng ký thương hiệu, làm các bước quy trình công nhận sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn OCOP. Các sản phẩm mật ong của Hoàng Mai không chỉ người dân địa phương biết đến mà đã được tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng lớn tại các tỉnh, thành phố trong nước.

Mật ong Hoàng An được đóng gói cẩn thận, có nhãn mác lô gô được đăng ký thương hiệu sản phẩm

Có thể thấy rằng, việc nuôi ong của các hộ dân, các tổ hội, Hợp tác xã trên địa bàn thị xã không chỉ đem lại lợi ích kinh tế, mà còn có lợi cho sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái. Để nghề nuôi ong phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, hiện nay, thị xã Hoàng Mai đang hỗ trợ, hướng dẫn người dân, Hợp tác xã tiếp cận, áp dụng những kỹ thuật tiên tiến vào trong quy trình sản xuất, xây dựng mật ong Hoàng Mai là sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương./.