Có thể nói, những nội dung đặt ra là sự cụ thể hóa, bám sát quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Nghị quyết số 18 - NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đặc biệt, đây là sự chủ động đón đầu tinh thần "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" mà Đảng ta đang khẩn trương xây dựng.

Về mặt thể chế, cùng với sự ra đời của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2019), Hội đồng nhân dân có sự hoàn thiện rõ nét về tổ chức bộ máy và vai trò, vị trí. Hội đồng nhân dân được xác định là một bộ phận cấu thành của cấp chính quyền địa phương; cùng với Ủy ban nhân dân quản lý, điều hành mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trên một đơn vị hành chính - lãnh thổ trong giới hạn thẩm quyền, cách thức, thủ tục do pháp luật quy định.

hoi-thao-1.jpg
Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Đề án của Đảng đoàn Quốc hội “Tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND các cấp; tăng cường sự gắn kết các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với HĐND các cấp", tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, sáng ngày 18.7

Hai chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Hội đồng nhân dân là quyết định các vấn đề của địa phương do luật định và giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương, việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân được kế thừa và quy định ngày càng "đầy đặn" hơn. Tuy vậy, với phạm vi thẩm quyền rộng, bao trùm lên khắp các lĩnh vực kinh tế, ngân sách, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân ở địa phương đòi hỏi Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân phải có kiến thức, kỹ năng, không ngừng nỗ lực đổi mới cũng như sự bồi dưỡng, hướng dẫn kịp thời về nghiệp vụ của cơ quan chức năng.

Hiệu lực, hiệu quả của quy định pháp luật và hướng dẫn của cơ quan chức năng đối với tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân thời gian vừa qua đã được đánh giá rõ nét trong dự thảo Đề án và các cuộc hội thảo. Bên cạnh kết quả đạt được có thể thấy còn những vấn đề cần tiếp tục được quan tâm. Đó là thể chế pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân cần tiếp tục cụ thể hóa hơn nữa để không gây lúng túng, hạn chế trong tổ chức thực hiện; khắc phục những quy định chồng chéo giữa các văn bản luật; bổ sung những nội dung còn bỏ ngỏ (như chế tài để ràng buộc trách nhiệm trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực, các Ban Hội đồng nhân dân...). Sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Hội đồng nhân dân các cấp cần đảm bảo sự toàn diện, xuyên suốt mà không chỉ tập trung ở công tác bầu cử, công tác tổ chức kỳ họp thứ nhất. Tính chất, hiệu lực, giá trị pháp lý của văn bản hướng dẫn cũng cần nâng lên. Ngoài ra, cần phân định rõ vai trò chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ đối với Hội đồng nhân dân. Chức năng giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Hội đồng nhân dân cần cụ thể, thường xuyên hơn và cũng để trên cơ sở đó Hội đồng nhân dân triển khai đối với Hội đồng nhân dân cấp dưới...

Việc hoàn thiện quy định của pháp luật và việc tăng cường sự chỉ đạo, trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp là hai nội dung mang tính tiền đề, bổ trợ cho nhau. Và trên hết, hai nội dung này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Hội đồng nhân dân phát huy tốt hơn nữa vai trò, vị trí của mình, góp phần xây dựng, củng cố hệ thống cơ quan dân cử - một trong những trụ cột quan trọng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân./.

Nguyễn Thị Anh Hoa

Phó CVP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh