Từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 đến nay, các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã thực hiện tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội đảm bảo nghiêm túc, đúng quy định, có sự đổi mới cả về nội dung và hình thức. Tuy vậy, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần có giải pháp khắc phục để thực hiện tốt hơn công tác tiếp xúc cử tri, góp phần giải quyết những nguyện vọng chính đáng của cử tri, đồng thời nâng cao vai trò, vị trí và hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội.

Kết quả triển khai tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội

Từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 đến nay, các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An khóa XV đã thực hiện 02 đợt tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 2 tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, ở một số điểm đã thực hiện tiếp xúc 2 cấp, 3 cấp kết hợp tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội với đại biểu HĐND tỉnh, cấp huyện, cấp xã để giúp tiết kiệm thời gian, thuận tiện trong việc bố trí và tiếp nhận, tổng hợp, trả lời ý kiến của cử tri. Công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri đảm bảo đầy đủ và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để kịp thời giải quyết các ý kiến, nguyện vọng chính đáng và những bức xúc của cử tri.

1125na-1.jpg
Toàn cảnh hội nghị tiếp xúc cử tri tại phường Vinh Tân, TP. Vinh

Bên cạnh đó, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: hình thức tiếp xúc cử tri chưa đa dạng, phong phú, chưa tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, nhóm đối tượng cử tri; chưa thu hút sự tham gia đông đảo cử tri ở xóm, khối, bản, những người trong độ tuổi lao động tham dự mà chủ yếu là cán bộ xóm, khối, bản, đoàn thể; công tác tổng hợp kiến nghị cử tri có khi chưa phản ánh đầy đủ kiến nghị cử tri hoặc còn có khi trùng lặp, việc thông tin, trả lời kết quả giải quyết kiến nghị cử tri nhiều khi chưa đến được với người có kiến nghị …

Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri

Kế hoạch tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội cần được xây dựng và triển khai sớm để các địa phương chủ động chuẩn bị và thông báo rộng rãi đến cử tri. Tăng cường phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội, Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan khác ở địa phương trong triển khai thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.

Cần đa dạng các hình thức tiếp xúc cử tri phù hợp, linh hoạt, bảo đảm để đại biểu Quốc hội tiếp xúc với cử tri ở đơn vị bầu cử, nơi công tác; nơi cư trú, tại xóm, thôn, bản, tổ dân phố; lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu Quốc hội quan tâm như các khu công nghiệp, trường học; tiếp xúc theo đối tượng như phụ nữ, nông dân, đoàn thanh niên. Thời gian tiếp xúc cử tri không chỉ giới hạn trong giờ hành chính mà cần tăng cường tiếp xúc cử tri vào buổi tối, ngày nghỉ để có điều kiện gặp gỡ nhiều đối tượng phải làm việc vào ban ngày. Ngoài ra, đại biểu Quốc hội cần chủ động linh hoạt trong việc tiếp xúc cử tri thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức như chủ động tiếp xúc cử tri độc lập, gặp gỡ cử tri thông qua tiếp công dân, các cuộc khảo sát, lấy ý kiến bằng phiếu góp ý; quan tâm tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề.

ddc-an-chung-1-%5B1%5D.jpg
Hội nghị nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội

Các đại biểu Quốc hội cần nắm chắc tình hình cơ sở, liên hệ thường xuyên với địa bàn nơi ứng cử; kiểm tra, rà soát những ý kiến, kiến nghị và những vấn đề được cử tri quan tâm nêu tại cuộc tiếp xúc cử tri trước đã được các cấp có thẩm quyền giải quyết, đồng thời cập nhật những thông tin, tài liệu cần thiết của địa phương để thông tin đến cử tri; báo cáo kết quả hoạt động của đại biểu với cử tri tại kỳ họp cuối năm.

Nâng cao công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của hội nghị tiếp xúc cử tri, tăng cường thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng đài truyền thanh xã, xóm để Nhân dân thấy được quyền lợi thiết thực và tham gia đông đủ hơn. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào hoạt động tiếp xúc cử tri, theo dõi việc giải quyết kiến nghị cử tri. Có thể kết hợp trực tiếp với trực tuyến, nhất là tiếp xúc cử tri sau kỳ họp hoặc ở những nơi đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất. Cần xây dựng phần mềm theo dõi việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri. Duy trì việc tiếp nhận, đăng tải ý kiến và trả lời ý kiến cử tri trên Trang thông tin điện tử Đại biểu nhân dân tỉnh Nghệ An.

Cần quan tâm thực hiện tốt công tác phân loại, tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri và thông tin kết quả trả lời của cơ quan có thẩm quyền đến với cử tri. Thường trực HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, cấp huyện, cấp xã cần tăng cường giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri, việc thực hiện lời hứa của các UBND cùng cấp, qua đó góp phần nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri; củng cố, tăng cường niềm tin của cử tri và Nhân dân trên địa bàn tỉnh vào Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương.

Phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua và triển khai đồng bộ các giải pháp sẽ là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, qua đó giải quyết các ý kiến, nguyện vọng chính đáng và những bức xúc của cử tri, tăng cường mối quan hệ giữa cử tri với đại biểu Quốc hội ngày càng gắn bó, đóng góp cho sự phát triển chung của địa phương và hoạt động của Quốc hội.

Phan Trung Tú

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh