0-NGANG-OK.jpg

Mường Lống là một trong những điểm dừng chân của người Mông tại tỉnh Nghệ An. Cách xa thị trấn Mường Xén huyện Kỳ Sơn hơn 60km nhưng Mường Lống đã níu bước người Mông cắm bản sinh sống, làm say lòng người lữ thứ bởi thiên nhiên và con người.

Cách đây 25 năm về trước nói tới Mường Lống - nơi mệnh danh là Sapa xứ Nghệ - nào có ai đủ can đảm để đi. Người vào Mường Lống chỉ là anh bộ đội, là chị giáo viên đi nghĩa vụ hay dăm thì mười hoạ có cán bộ huyện vào làm việc với xã, thôn bản. Đường đi vào Mường Lống loanh quanh, cua gấp khuỷu tay như tất cả con đường miền núi phía Bắc, ngoằn nghoèo và dựng đứng không hề thua kém sự hùng vĩ của con đường lên đỉnh Fuxailaileng (một đỉnh núi trên dãy Trường Sơn chỉ đứng sau nóc nhà Đông Dương, đỉnh Fanxipan về độ cao 2722/3143m so với mực nước biển) nhưng đã vào rồi thì lại đắm say.

Anh-1.jpg

Lên Mường Lống mùa nào cũng đẹp. Thiên nhiên khắc nghiệt nhưng tạo hoá cũng không nỡ đóng hết mọi cánh cửa đối với con người. Thung lũng đá trầm tích thành một lòng chảo mà người Mông bao đời sinh sống đã làm cho nó trở nên trù phú hơn, nên thơ hơn. Cái đẹp của sự nhọc nhằn, đẹp của người đàn ông chăm chỉ hay lam hay làm, cái đẹp của người đàn bà vất vả gùi ngô trỉa thóc trên những mảnh ruộng canh tác nhỏ bé. Nhưng vào các lễ hội, phụ nữ Mông ở Mường Lống chẳng bao quên xúng xính váy xoè hoa cùng với những chiếc vòng bạc, xà tích rung rinh theo nhịp hoà cùng sự háo hức của những điệu nhạc tưng bừng bản làng...

Cổng Trời Mường Lống là nơi gặp gỡ giữa Trời - Đất, nơi mây tụ hội thành sông thành núi mênh mông trắng xoá như chốn Bồng Lai, để các vị thần tiên hay người trần chỉ có thể là trầm trồ, ngưỡng mộ với khí tiết quần tụ đầy đủ phong, tuyết, vân, sơn. Khái niệm Cổng Trời có phải là nơi tụ khí của thiên địa hay không nhưng ở vùng miền núi phía Bắc, hầu như tỉnh nào cũng có Cổng Trời. Bạn đến được những Cổng Trời như vậy, bạn đã vượt qua bao khó nhọc của việc leo núi, luồn rừng, thì lên đó, tâm hồn bạn hoà với mây, trời, với gió đại ngàn vi vu, sẽ thấy mình bớt chú ý những tiểu tiết vụn vặt của đời sống, để thấy mình nhẹ nhàng hơn, bớt đi sự lo toan đời thường.

Anh-3.jpg

Di cư thường là tập quán của người vùng biên giới với tập tục du canh, du cư giống như người Mông, vốn bắt nguồn từ Trung Quốc thiên di đến những vùng núi cao của các nước Đông Nam Á. Ở Việt Nam, việc cư trú ở trên dãy Trường Sơn là điểm tận cùng nơi trên chặng đường thiên di của người Mông, nhưng chỉ quần cư vào một số vùng nhất định. Người Mông ở trên cao, và những điểm họ dừng chân đã nói lên đều là nơi trù phú cho sự sống tự cung tự cấp mà không hề phụ thuộc. Điều này đã nói lên tính cách thông minh, cần cù chịu khó, ham học hỏi khám phá của một tộc người sống rải rác rất nhiều nơi trên thế giới.

Người Mông ở Mường Lống luôn nhớ về nguồn cội, thiên di, đốt rừng làm rẫy. Trước đây chẳng có nhà nào mà không trồng cây anh túc để dùng, để bán. Sau do Nhà nước cấm, họ dần hiểu ra và trồng cây khác ,vừa sử dụng vừa làm hàng hoá như mận, chè tuyết san, khoai sọ, gừng.... Mận Mường Lống trắng trời hoa nở mùa xuân, pha sắc hồng phơn phớt của đào rừng đã mê hoặc thiếu nữ Mông khi mùa xuân đến và làm khao khát phụ nữ miền xuôi bằng loại quả to ngon ngọt chín đỏ căng mịn được kết tinh từ vùng đất riêng có của một vùng đất hấp tinh tuý thiên địa xa xôi. Thảo dược thất diệp nhất hoa ở vùng Mường Lống là quý hiếm nhất, được so sánh còn hơn loại nhân sâm Hàn Quốc có thể kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư. Rồi mật ong rừng trong vắt màu hổ phách nghiêng không đổ ra ngoài mà kết thành một khối lấp lánh....

Rau củ Mường Lống mùa nào thứ đó, xanh tươi và ngọt hơn mặc dù rất hiếm như là cải Mông, dưa chuột Mông....Còn gà Mông, là loại gà ác chân đen sì, con bé chỉ độ 1,2 -1,5 kg nhưng lại là thứ đặc sản bồi bổ cho người sau sinh và người mới ốm dậy được nấu với một loại rau rừng mang bí quyết riêng, được thưởng thức 1 lần rồi nhớ mãi chẳng thể nào có được nếu không quay lại đó.

hong-ngoc-ha-travel_du-lich-viet-nam_vuon-man-cong-troi_1-768x933-1.jpg
Mường Lống đẹp mơ màng trong những ngày xuân hoa mận nở rộ. Ảnh: Internet

Mường Lống thấp thoáng lên cao hơn 1500m lại đổ xuống thung lũng lưng chừng. Những ngôi nhà thấp nhưng không quá tuềnh toàng quây quần bên nhau, xua đi nỗi sợ hãi thú rừng và các loại ma rừng theo phong tục người Mông. Bếp lửa người Mông đỏ rực, hồng hào đôi má người phụ nữ. Họ chẳng niềm nở với người lạ đâu. Lúc nào cũng lầm lũi hết làm cái nọ đến làm cái kia, luôn chân luôn tay, ai hỏi gì thì trả lời nấy. Họ nói tiếng Việt rất sõi nhưng khi trao đổi với người bản mình thì lại líu lo ngôn ngữ Mông và cười với nhau rất sảng khoái khiến cho những vị khách ngơ ngác vui lây. Khói bếp buổi chiều lẫn trong sương mù màu xám sao chẳng thấy buồn, chỉ thấy bâng khuâng.

Đàn ông Mông hiền lành. Khuôn mặt tròn và đôi mắt một mí, chiều cao khiêm tốn ẩn sau bộ đồ nâu. Họ sẵn sàng trả lời những câu hỏi của các vị khách như một pho sử từ lịch sử, văn hoá, cây trồng, cây rừng. Nụ cười và chất giọng lơ lớ chàng trai Mông như có sức hút đưa khách về với cội nguồn bí ẩn đầy phong tục cổ xưa. Con chó Mẹo Mường Lống như là hậu duệ của chó Ngao vùng Tây Tạng đưa đôi mắt tinh ranh liếc nhìn chủ nhân để nắm bắt tâm lý mà đối xử với những vị khách miền xuôi hiếu kỳ...

Anh-9.jpg

Người Mông ở Mường Lống cũng như người Mông ở Nghệ An, bản làng là quê hương, phong tục là văn hoá, tính cách là truyền thống, họ làm cho người xuôi sững sờ bởi sự thông minh, hiền lành và chừng mực, bởi vẻ đẹp mang âm hưởng núi rừng. Thời tiết mát mẻ quanh năm, mùa đông lạnh hơn thi thoảng xuất hiện tuyết rơi. Rừng còn nguyên sinh đại ngàn, người còn mang đậm nét truyền thống dù rất là quảng giao. Mây trắng Cổng Trời níu bước lữ khách suy tư về thuyết Thiên - Địa - Nhân giao nhau nơi mênh mang phù vân đỉnh núi. Chén rượu men lá làm điệu khèn ngây ngất hơn trong buổi giao lưu, điệu múa xoè hoa bồng bềnh váy áo sặc sỡ cùng phụ kiện diêm dúa của cô gái Mông, kẻ lữ khách bỗng thấy lòng nao nao. Tạm biệt Mường Lống về xuôi, nhưng lòng người lữ thứ còn vấn vương bởi địa danh xa ngái, vấn vương bởi vẻ sơn cùng thuỷ tận hữu tình giữa cảnh sắc và tấm lòng người bản ấm áp ở miền biên cương xứ Nghệ đầy sắc màu./.

Thu Thủy