Tôi là người Miền Trung, Hà Tĩnh.
Mỗi người một tỉnh, một quê. Vậy mà nhắc đến Miền Trung, tôi cứ thấy quê mình cả và ở đó. Nhắc đến Miền Trung là thốt lòng, chột dạ, sởn da, là hồn quê bay áng mây Hàng bâng khuâng từ Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, vân vi kinh thành Huế, trắng bạc ngút ngàn với Hải Vân, dọc dài cùng Phan Rang, Phan Thiết!
Nhắc đến Miền Trung là nhớ, là thương đứt ruột, nao lòng!
Nhắc đến Miền Trung là vọng về câu hát.
Đây là người trai đi xa in dấu không phai trong nhạc phẩm “Thương về Miền Trung” của nhạc sĩ Minh Kỳ: Đã bao lâu rồi không về Miền Trung thăm người em… Em ơi chờ anh về. Đừng cho năm tháng xóa mờ thương nhớ…
Đây là người em, tơ duyên dang dở mà nhớ thương yêu dấu còn dằng dặc thương và đêm ngày bất chợt nhói đau trong “Chiều miền Trung” của Dương Hồng Loan: Lòng em nhớ ai em còn mong chờ người xa/ Con sông quê nay đã già mà người đi biền biệt phương xa…/ Ơi quê hương man mác buồn/ Chiều miền Trung mưa tím bên sông/ Tình yêu chưa trọn thành đôi mà lòng đau như cắt bạn tình ơi/ Dù cho anh nay xa rồi miền Trung vẫn thương trọn đời/ Dù cho anh nay xa rồi miền Trung vẫn chờ đợi ai…
Trong “Miền Trung” thì có lẽ Xứ Nghệ là gian lao và day dứt hơn cả:
Thương quê mình Xứ Nghệ - Miền Trung đất khô cằn.
Mùa đông trời buốt giá, mùa hạ nắng cháy da,
Ruộng đồng khô nứt nẻ, mưa đi không kịp về.
Bao đời dân Xứ Nghệ, một lòng yêu thương quê.
Hò ơ, ai về Đô Lương, Nam Đàn ngày nớ
Xưa phà Bến Thủy bóng dáng ai còn ghi
Một thời chờ đợi người đi
Sao ai không nói điều gì hỡi ta…
Nguyễn Tất Tùng là một nhạc sĩ còn trẻ, sao câu hát đã già như thời của tổ tiên ông bà; những câu hát của các nhạc sĩ tiền chiến lại trẻ như niềm thương mới mọc trong mảnh hồn của gen Z hôm nay?
Đấy là sự kỳ lạ của Miền Trung. Miền Trung, chiếc đòn gánh gánh hai đầu đất nước, chiếc đòn gánh quẩy tình người, quẩy những câu ca đi suốt những dặm dài của lịch sử dân tộc. Đó là Miền Trung, miền của những điều không thay đổi…
***
Tôi là người Miền Trung, Xứ Nghệ.
Cả đời tôi đã viết nhiều bài thơ về quê hương, đã mơ sẽ có một bài thơ về Miền Trung thật hay.
Ấy nhưng khi đọc “Trầm tích”, phần cuối của “Trầm tích” là “Miền Trung” của Hoàng Trần Cương thì tôi không viết nữa. Vì không chỉ “Miền Trung”, cả “Trầm tích” đã viết về Miền Trung quá đỉnh. Tôi nhận thức, không ai còn làm thơ về Miền Trung, Miền Trung Xứ Nghệ hay hơn Hoàng Trần Cương! Lý Bạch là nhà thơ vĩ đại thế, khi đọc “Hoàng Hạc lâu” của Thôi Hiệu cũng đành gác bút!
***
Tôi được biết anh Hoàng Trần Cương từ những năm 1980, qua nhà thơ Võ Thanh An, quê Võ Liệt, Thanh Chương, Nghệ An - biên tập viên thơ Báo Văn nghệ và nhà thơ Võ Văn Trực, quê Diễn Châu, Phó Tổng Biên tập của tờ báo danh giá này. Anh Hữu Nhuận người Hà Tĩnh làm Thư ký Tòa soạn. Hồi đó người Nghệ thân nhau, thương nhau lắm. Không biết vì nghèo hay vì người Nghệ ở Hà Nội còn ít, hay vì văn chương còn thiêng liêng. Anh Cương lúc ấy là kế toán của Báo Nông nghiệp Việt Nam. Anh thường hay lặng lẽ. Có lẽ anh có mặc cảm với cái chức danh kế toán, nó xa vời với văn chương quá, và có lẽ với anh nó không danh giá như người phóng viên, biên tập viên! Anh chỉ thủ thỉ đọc thơ trong quán nước, không hay “nạt thơ” như sau này. Anh đến với thơ muộn, nhưng xuất hiện trên Báo Văn nghệ, lập tức bừng sáng với Trường ca Trầm tích và đạt Giải Nhất cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ 1989-1990. Trầm tích xuất sắc đến nỗi, đoạt tiếp Giải thưởng Văn học nghệ thuật - Bộ Quốc phòng (1994 – 1999; Giải đặc biệt của Giải thưởng Văn học – nghệ thuật Hồ Xuân Hương (1997- 2002) của tỉnh Nghệ An…
Sau Trầm tích, Hoàng Trần Cương còn hai tác phẩm đáng chú ý: Bầu - trời - đất ( Thơ, NXB Hội Nhà văn , 2015) và Long mạch (Trường ca, NXB Hội Nhà văn, 2015).
Hoàng Trần Cương có nhiều bài thơ hay. Lại nhớ có một lần, tôi, anh Cương và Trần Quang Đạo (Tổng Biên tập Báo Nhi đồng) đi ăn trưa ở Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đạo khoe vừa phổ nhạc bài “Bóng cỏ” của anh Cương. Rồi ôm đàn ghi ta hát. Bài Bóng cỏ chỉ có mấy câu thơ ngũ ngôn:
Anh sẽ về quê kiểng
Nằm xoài trên cỏ non
Mặt không cần úp nón
Nhấm ngọn mưa đầu nguồn
Ngày trong, trong mắt buồn
Nắng trổ ngồng hoa cải
Màu dưa vàng đáy vại
Giấm mặt trời qua đêm
Hăng hăng đám cỏ mềm
Bãi sông chiều mướt sóng
Nắng cuối ngày chín mọng
Rụng xuống đồng trống trơn
Vạt mưa chừng xanh hơn
Khi chạm vào bóng cỏ
Xa nhà đến cả gió
Cũng lần hồi lang thang
Anh sẽ về xóm nhỏ
Nơi cỏ xanh bóng làng.
Tôi khen hai câu thơ hay nhất, rất Hoàng Trần Cương là Màu dưa vàng đáy vại/ Giấm mặt trời qua đêm
và Xa nhà đến cả gió/ Cũng lần hồi lang thang. Đạo lấy câu sau làm điệp khúc, đẩy thành cao trào. Ba người hát mãi, cho đến khi ba gương mặt vừa giống màu dưa vàng đáy vại, vừa giống ba mặt trời trong đêm…
Chất Hoàng Trần Cương là gì? Là chất Nghệ.
Chất Nghệ ở những từ ngữ đặc sệt kiểu nói của người nhà quê, đặc sệt Đô Lương Tôi lấm láp đáp mình vào đất; Những vạt lúa đỏ đuôi luội mình đổ rạp; Tảng cháy cạy đi rồi/ Còn hằn vết móng tay/ Cày lên/ Sưng cả đáy nồi; Lá chuối khô xô nhau như xáo ốc…
Anh khổ sở, thô tháp đến cả vầng trăng Trăng đầu tháng đỏ ngầu/ Như cái bã trầu ai nhè ngang đỉnh núi. Anh bạo liệt, sắc nhọn như cật nứa, không nên đến gần: Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa…
Đọc “Miền Trung”, đọc “Trầm tích” và những bài thơ khác, tôi cảm giác anh viết như nói; cứ kể ra chuyện của mình, chuyện của quê hương, cứ thật thà như đếm, không cần tu từ mà cứ thành thơ:
Tiếng võng bờ tre
Tiếng nghé cạy ràn
Tiếng học bài nóng ran xóm nhỏ
Tiếng gọi đò méo cả bến sông
Cái nón mê mẹ đội nửa đời người
Khi chóp thủng lại trùm lên vại nhút…
Nhưng lạ lùng là, đang thô tháp như cục đất vừa vật lên ấy, bỗng vút lên những ánh hào quang của từ ngữ được chắt lọc, thuần khiết tinh anh, nguyên khí của trời đất, của những liên tưởng tự nhiên mà kỳ diệu. Sau cái nón mê chóp thủng của mẹ, anh thấy Những vòm trời xa hút/ Trở về dưới nón mê. Anh có những quan sát như trẻ con, hồn nhiên mà chính xác, tinh tế: Bà già thế/ Sao tiếng cười vẫn trong như lọc; Tuổi ngoài tám mươi bà ngồi bện dây thừng/ Bện cả màn sương vào mái tóc…
Hoàng Trần Cương, như mọi vật thể ở Xứ Nghệ, là một thứ quặng giàu, một trầm tích, chứa đựng rất nhiều kỷ của địa chất và lịch sử loài người; mỗi lần đọc, người ta lại tìm thấy những điều quý giá.
Bạn hãy thử đọc lại một lần “Miền Trung”, xem điều tôi nói có đúng vậy không?
MIỀN TRUNG
Bao giờ em về thăm
Mảnh đất quê anh một thời ngún lửa
Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa
Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam
Miền Trung
Tấm lưng trần đen sạm
Những đốt sống Trường Sơn lởm chởm dăng màn
Thoáng bóng giặc núi bửa thành máng súng
Những đứa con văng như mảnh đạn
Thương mẹ một mình trời sinh đá mồ côi
Miền Trung
Đã bao đời núi với bể kề đôi
Ôi! Biển Đông - giọt nước mắt của muôn ngàn thế hệ
Nóng hổi như vừa lăn xuống
Theo những tảng đá cụt đầu của Trường Sơn uy nghiêm
Miền Trung
Câu ví dặm nằm nghiêng
Trên nắng và dưới cát
Đến câu hát cũng hai lần sàng lại
Sao lọt tai rồi vẫn day dứt quanh năm
Miền Trung
Bao giờ em về thăm
Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt
Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ
Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ
Không ai gieo mọc trắng mặt người
Miền Trung
Eo đất này thắt đáy lưng ong
Cho tình người đọng mật
Em gắng về
Đừng để mẹ già mong.
(5-1990)
Miền Trung trong thơ Hoàng Trần Cương là khổ, “chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ”, “nỗi âu lo mọc nhanh như cỏ”. Nhắc đến Miền Trung, bất cứ người nào, ở đâu cũng có cảm nhận đầu tiên là khốc liệt, khó sống. Nhà thơ Phan Cung Việt quê Đức Thọ, kể chuyện tình của anh thuở sinh viên Có cô gái Thủ đô về nơi đó/ Và khi ra dứt bỏ một mối tình.
Ở nơi gian khổ ấy, con người mãnh liệt, ý chí vươn lên. Nhưng cũng đầy lo âu, phấp phỏng. Không chỉ lo vì nghèo. Mà sự linh cảm còn khiến anh lo cho cả thời đại. Rất nhạy bén, linh cảm, mang nhiều dự báo cũng là một đặc điểm nổi bật trong thơ Hoàng Trần Cương. Năm 2012, khi viết cho cháu nội Hoàng Trần Nguyên, tên thân mật là Nghé anh viết:
Ngắm nghé con ngọ nguậy quậy lòng bà/ Không hiểu sao ông ngỡ ngàng chột dạ/ Thôi mình cứ từ từ cháu ạ/ Vịn tháng ngày thư thả lớn lên/ Rồi cháu sẽ thương hôm nay lắm đấy/ Biết mấy đêm ròng Ông gắng gượng ngồi canh từng trang giấy/ Cháu sẽ đọc gì đây/ Cháu sẽ hát gì đây/ (Cái thời ấy hình như nhiều thơ quá)/ Thơ dầy kệ sách/ Thơ đầy mặt báo/ Nhưng sao lại toàn một giọng buồn thiu/ Bài nào cũng hờn/ Câu nào cũng tủi/ Nhỡ chạm vào Nghé còn biết lui không? Nào ông cháu mình cứ thủng thỉnh đi rông...
Nhưng thơ anh không chỉ kể khổ, buồn tủi. Thơ anh mang niềm hy vọng.
Mẹ là trầm tích của bạt ngàn thương mến/ Xanh mát bầu trời đượm ấm hương quê/ Đưa ngọn gió trở về xóm nhỏ/ Đưa cơn mưa xuống mạch giếng làng/ Đưa mây trắng về trời khêu lại nắng/ Đưa nỗi buồn ra khỏi thôn trang…
Thơ là vậy. Muối đã mặn rồi, đừng pha thêm nước mắt. Đất nước này cần nhiều hơn nước mắt dành cho hạnh phúc chứ không phải vì cay đắng!
Nhà thơ Hoàng Trần Cương sinh năm 1948 tại xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Ông tốt nghiệp Đại học Tài chính - Kế toán 1970, rồi nhập ngũ vào chiến trường miền Nam. Sau năm 1975, ông chuyển về ngành tài chính, rồi làm Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam. Các tác phẩm chính của Hoàng Trần Cương gồm: các tập thơ Đường chân trời (1989), Dấu vết tháng ngày (1991), Bóng cỏ (1996), Quà tặng hành tinh (2000), Trường ca Trầm tích (2000), Trường ca Long mạch (2016). Ông được trao nhiều giải thưởng thơ như: giải Nhất Báo Văn Nghệ (1989 - 1990), giải C Bộ Quốc phòng (1994 - 1999), Giải thưởng Văn học – Nghệ thuật Hồ Xuân Hương (1997- 2002), Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (2001, 2016).