tb.jpg

Cái điều chưa đủ ấy, phải chăng xuất phát từ nỗi niềm trăn trở, đau đáu của thế hệ hậu sinh khi nhớ về những người con anh hùng đã mãi mãi nằm lại trong lòng đất Mẹ, để làm nên một Truông Bồn xanh mãi không nguôi? Nếu thế thì, hẳn vẫn cần tiếp tục viết, tiếp tục nhắc nhớ về Truông Bồn, để những điều lặng lẽ và vĩnh hằng nơi đây chẳng bao giờ chìm khuất…

Trong suốt những năm tháng làm báo, chẳng thể tính đếm được đã bao lần tôi về với Truông Bồn. Nếu lần đầu đến với địa danh này là do yêu cầu nhiệm vụ, thì vô số lần sau đó, còn gì khác ngoài nỗi thôi thúc từ tâm khảm, rằng phải về Truông Bồn thêm nhiều lần nữa, phải tìm gặp nhiều nhân chứng hơn nữa, phải hỏi, phải nghe, phải ghi nhớ để làm dày thêm “kho” tư liệu cá nhân về mảnh đất lịch sử này. Bởi, như một lẽ tất yếu của thời gian, mọi nhân chứng rồi sẽ dần vợi đi…

1THTNG1.JPG
Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn công tác dâng hoa, dâng hương tưởng niệm tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương trong chuyến làm việc tại Nghệ An tháng 7_2022
2thtng1.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dâng hương tri ân 13 chiến sĩ TNXP thuộc Đại đội TNXP 317, Đội 65, Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An hy sinh ngày 31_10_1968 tại Truông Bồn

Cụ Nguyễn Thị Phác (xóm 9, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương) - mẹ Thởm yêu thương của những thanh niên xung phong Đại đội 317 - Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh Nghệ An năm nào, nay đã khuất núi. Còn nhớ, những năm 2012, 2013, khi tôi cùng đồng nghiệp tìm đến nhà cụ - một ngôi nhà nhỏ nằm trong con ngõ ngoằn ngoèo và sâu hút, trong gian phòng tranh tối tranh sáng, cụ dù sức yếu vẫn gượng ngồi dậy, nắm chặt lấy tay mọi người để kể về những cô gái, chàng trai mà cụ xem như những đứa con của mình. Trong chập chờn nhớ quên ở tuổi gần bách niên, kỳ diệu làm sao, mẹ Thởm vẫn gọi chính xác tên từng “đứa”: Văn, Thông, Hoài, Dung, Tâm, Đang, Nhung, Phúc, Hiên, Bốn, Doãn, Vinh, Hạp, Hoà…

3--Du-khach-ve-tham-Truong-Bon-lang-minh-khi-nghe-thuyet-minh-ve-su-hy-sinh--anh-dung-cua-cac-anh-hung-liet-si-tren-toa-do-lua-nay.jpg
Du khách về thăm Truông Bồn lắng mình khi nghe thuyết minh về sự hy sinh. anh dũng của các anh hùng liệt sĩ trên tọa độ lửa này

Có “đứa” ở nhà mẹ, có “đứa” ở nhà khác quanh đó, nhưng khuôn mặt, dáng người, tính nết từng “đứa” mẹ vẫn không quên. Nào Văn hay khóc vì nhớ mẹ ở quê, nào Bốn thẫn thờ vì thương nhớ anh trai vừa hy sinh trên mặt trận, nào Hoà nào Tâm ấp ủ ý cười trong đáy mắt khi khấp khởi đợi chờ một ngày vui… Nào ai hay pha trò nhất tiểu đội, nào ai rắn rỏi lúc nào cũng gánh đầy xô nước, nào ai có dáng đi tất bật… Ngày cật lực san lấp hố bom, đêm thấp thỏm làm cọc tiêu sống dẫn đường cho xe vào tiền tuyến, vậy nhưng những chàng trai, cô gái ấy vẫn rộn tiếng cười lạc quan giữa thiếu thốn và bom đạn.

Trong ký ức mẹ Thởm ngày ấy, “đứa” nào cũng hiện ra trọn vẹn hình hài, tính cách; để rồi, nỗi thương nhớ âm ỉ trong mẹ suốt hàng chục năm sau cái ngày 31/10/1968 - khi trận bom Mỹ trút xuống đã tước đi những năm tháng thanh xuân đẹp nhất của 13 đứa con dẫu không phải mẹ sinh ra, nhưng đã cùng ăn, cùng ở, cùng buồn, cùng vui, cùng chia sớt với gia đình mẹ và Nhân dân Mỹ Sơn vắt cơm, quả cà ngày khốn khó.

4--du-khach-lang-di-khi-nghe-ke-ve-su-hy-sinh-anh-dung-cua-13-tnxp-thuoc-dai-doi-tnxp-317-doi-65-tong-doi-tnxp-chong-my-cuu-nuoc-tinh-nghe-an-tren-toa-do-lua-truong-bon.jpg
Du khách lặng đi khi nghe kể về sự hy sinh anh dũng của 13 TNXP thuộc Đại đội TNXP 317, Đội 65, Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An trên tọa độ lửa Truông Bồn

54 năm về trước, trong buổi sáng định mệnh cuối cùng của tháng Mười, những cô gái, chàng trai của Tiểu đội 2, Đại đội 317, Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh Nghệ An chuẩn bị vác cuốc xẻng thực hiện nhiệm vụ san lấp hố bom để thông đường cho những đoàn xe ra tiền tuyến - việc mà họ đã quen thuộc suốt hàng trăm ngày đêm với tinh thần “tim có thể ngừng đập, nhưng đường không thể tắc”; “gãy cầu như gãy xương, đứt cầu như đứt ruột”; “sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”.

Họ - người trẻ nhất chỉ mới 17 tuổi, lớn nhất cũng chỉ 22. Trước khi bám trụ ở Truông Bồn, nhiều người đã dũng cảm vượt qua mưa bom, bão đạn ở những “toạ độ chết” Khe Thần, Phương Tích, Cầu Cấm… Có 8 người trong tiểu đội đã nhận thông báo tạm biệt đơn vị, người thì chuẩn bị nhập học trung cấp, người thì về quê làm đám cưới, người xin nghỉ phép về thăm mẹ…

5--Du-khach-nghe-gioi-thieu-ben-cay-bo-ket-trong-khuon-vien-Khu-Di-tich-lich-su-quoc-gia-Truong-Bon-.jpg
Du khách nghe giới thiệu bên cây bồ kết trong khuôn viên Khu Di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn.

Thế nhưng, mờ sáng hôm ấy, khi tiếng kẻng nôn nao gọi dậy sớm hơn thường lệ, nhận lệnh từ Ban Chỉ huy Tổng đội bằng mọi giá phải thông đường để đoàn xe của bộ đội đi qua trước khi trời sáng, tất cả thành viên Tiểu đội 2 chẳng ngại ngần mà vội vã tập hợp để làm nhiệm vụ san lấp hố bom. Đến khoảng 6h10 phút, khi công việc sắp hoàn thành thì bất ngờ máy bay Mỹ xuất hiện, thả 72 quả bom xuống trọng điểm Truông Bồn - một đoạn đường chỉ có chiều dài khoảng 120m, rộng 50m, đúng nơi các thanh niên xung phong Tiểu đội 2 đang làm nhiệm vụ.

Những quả bom với sức công phá kinh hoàng. Ánh sáng và tiếng nổ ầm ào như xé toạc bầu trời. Chẳng có căn hầm nào chống chịu được sức huỷ diệt ấy. Đất đá bị cày xới hất tung lên, để lại những hố bom sâu hoắm. Không lâu sau, tiếng rít gào biến mất. Truông Bồn chìm trong thinh lặng. Nỗi thinh lặng rợn người báo hiệu chết chóc, thương đau khoét sâu vào năm tháng.

6--tieu-doi-cam-tu-con-goi-tieu-doi-thep-dai-doi-317-dang-lam-nhiem-vu-o-truong-bon--anh-tu-lieu-phung-trieu.jpg
Tiểu đội cảm tử (còn gọi Tiểu đội thép) Đại đội 317 đang làm nhiệm vụ ở Truông Bồn. Ảnh tư liệu Phùng Triệu

Chúng tôi đã nhiều lần gặp gỡ những nhân chứng của trận bom huỷ diệt ngày 31/10/1968 ấy: bà Trần Thị Thông - Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, người duy nhất còn may mắn sống sót trong trận bom thù; ông Nguyễn Tâm Cớn - Tổ trưởng Tổ rà phá bom cảm tử của Đại đội 317; bà Lê Thị Hường - thanh niên xung phong Tiểu đội 2… cùng một số người dân ở xã Mỹ Sơn.

Họ - với ký ức in khảm trong tâm trí, đã tái hiện cho tôi, cho chúng ta khung cảnh đầy đau đớn: Sau trận bom, giữa nồng nặc khói trắng và mùi khét lẹt chết chóc, bộ đội, thanh niên xung phong và Nhân dân địa phương lao vào đào đất lật đá để tìm kiếm 14 người của Tiểu đội 2. Ban đầu, không ai dám dùng cuốc xẻng, họ sợ lỡ tay chạm vào da thịt của đồng đội.

7--thanh-nien-xung-phong-san-duong-giu-vung-mach-mau-giao-thong-qua-truong-bon--anh-tu-lieu.jpg
Thanh niên xung phong san đường giữ vững mạch máu giao thông qua Truông Bồn. Ảnh tư liệu

Tất cả, đôi mắt đỏ au vì thầm nghĩ đến tình huống xấu nhất, với đôi bàn tay trần trụi rướm máu, đã vục xuống những thớ đất bạc phếch khô cằn và âm ấm khét bom để bới tìm những hình hài. Họ hét lên trong vô vọng: “Có ai còn sống không? Trời ơi! Có ai còn sống không?” Tiếng hét dội vào xơ cằn rừng núi Truông Bồn. Và những cái tên vang lên đầy thảng thốt: Đang ơi, Nhung ơi, Phúc ơi, Hiên ơi, Vinh ơi, Doãn ơi… như nhói lên một khoảng trời mênh mông sau cơn bão lửa.

14 thanh niên xung phong chỉ cứu được 1 người - đó là Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông; 13 người còn lại vĩnh viễn ra đi, trong đó, chỉ 6 người tìm được thi hài. 13 người, 13 cuộc đời thanh xuân, có người thậm chí chưa một lần hò hẹn, chưa một lần nắm tay người mình thương… Tất cả những gì còn lại là những mảnh thi thể không vẹn nguyên, nửa vành nón ghi hai chữ “Tặng Dung”, một đoạn cánh tay mà trên đó còn buộc chiếc khăn mùi soa màu đỏ, trong khăn cuốn giấy báo nhập học mang tên Vũ Thị Hiên;…

8--bo-doi-va-tnxp-tai-toa-do-lua-truong-bon-trong-nhung-nam-thang-chong-my-cuu-nuoc-voi-quyet-tam-quyet-tu-cho-truong-bon-thong-xe--anh-tu-lieu.jpg
Bộ đội và TNXP tại tọa độ lửa Truông Bồn trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước với quyết tâm quyết tử cho Truông Bồn thông xe. Ảnh tư liệu

Nhiều lần, đi giữa Truông Bồn hôm nay, mỗi lần ngẫm lại những vần thơ: “Nghìn đêm thức trắng cung đường/Mười ba khuôn mặt, khói hương một ngày” trong bài “Cõi xanh trong” của tác giả Minh Châu, tôi chìm trong những suy tưởng cùng các nhân chứng của Truông Bồn ngày ấy. Tôi đã cồn cào cái mong muốn được biết rằng các anh, các chị đã nghĩ gì vào thời khắc ấy? Thời khắc mà sợi dây mỏng manh giữa sự sống và cái chết hiện diện trong ánh sáng xé trời bom Mỹ, họ nhắm mắt lại, và nghĩ về quê hương, về mẹ cha, về bóng dáng người thương, về những dự định mãi mãi chỉ còn là dự định? Những cuộc đời đẹp nhất đã hoà vào lòng đất Mẹ. Họ không chung quê quán, năm sinh, nhưng đã chung khoảng khắc cuối cùng của sự sống, khi chỉ còn ít giờ nữa, đế quốc Mỹ chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc Việt Nam.

9--cam-coc-tieu-pha-bom-tai-toa-do-lua-truong-bon--anh-tu-lieu.jpg
Cắm cọc tiêu phá bom tại tọa độ lửa Truông Bồn. Ảnh Tư liệu

Như một hẹn ước không tên, dịp tháng Mười hàng năm, dong xe trên con đường 15A lịch sử, thấy lòng mình tĩnh tại lạ kỳ. Mỗi năm về với Truông Bồn đều thấy có những điều mới mẻ. Dày thêm những cây xanh, vàng rực hay đỏ thắm những bồn hoa, sự khang trang bề thế của nhiều hạng mục trong khuôn viên khu di tích…

Thế hệ sau như chúng ta hôm nay khó hình dung nổi trên 6.000 m2 Truông Bồn, cứ bình quân 35 m2 và 1,5 phút lại phải hứng chịu sức công phá của 1 quả bom tấn. Một cường độ hủy diệt khủng khiếp trong các cuộc chiến tranh hiện đại của lịch sử nhân loại. Vậy mà, từ một vùng thung sâu hoắm hố bom, bạc thếch trơ cằn đất đá sau bao năm chịu quằn xéo của đạn bom đế quốc để đưa hơn 94 nghìn lượt xe cơ giới, vận chuyển và giải tỏa hơn 1 triệu tấn hàng vượt qua Truông Bồn theo sát các đoàn quân vào chiến trường miền Nam, mảnh đất thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương đã thực sự hồi sinh từ bàn tay, khối óc và tấm lòng tri ân của các thế hệ hôm nay.

10--gio-giai-lao-cua-tnxp-tren-toa-do-lua-truong-bon-nhung-nam-khang-chien-chong-my.jpg
Giờ giải lao của TNXP trên tọa độ lửa Truông Bồn những năm kháng chiến chống Mỹ

Nhớ về Truông Bồn, không chỉ nhớ về những hy sinh mất mát, mà còn nhớ về một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, một địa danh lịch sử ghi dấu trong những trang sử vàng chói lọi của dân tộc anh hùng. Những ngày tháng Mười, Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn nhộn nhịp đón hàng trăm đoàn khách trong, ngoài tỉnh, cả du khách nước ngoài về thăm viếng. Tất cả đều lặng lẽ dâng hương, lặng lẽ lau vội đi giọt nước mắt khi nghe thuyết minh về cái ngày cuối cùng của tháng Mười năm 1968, và lặng lẽ khảm sâu trong tim mình niềm cảm phục về một thế hệ “đã đi không tiếc đời mình”… - một thế hệ đã nằm lại trong từng thớ đất nhành cây, hiến dâng cho quê hương những gì đẹp nhất, cho Truông Bồn xanh mãi không nguôi.