Mục tiêu của việc giữ mối liên hệ cử tri là nhằm thu thập thông tin từ các ý kiến của cử tri tại đơn vị bầu cử của các đại biểu, thông qua đó phát huy được tối đa vai trò đại diện của đại biểu đối với cử tri. Mối quan hệ giữa đại biểu và cử tri mang lại cho đại biểu không chỉ là những thông tin, hay ý nguyện của cử tri mà còn có thể giúp đại biểu thông qua đó hình thành các ý tưởng về chính sách hay sáng kiến pháp luật, cũng như có cơ sở để chất vấn cơ quan hành pháp. “Một nghị sỹ, dù ở đâu, vẫn phải duy trì mối liên hệ với các cử tri nhằm bảo đảm tính chính đáng trong quá trình thực hiện công việc của nghị viện, đồng thời trực tiếp nhận được các ý kiến phản hồi của người dân về các hoạt động hay việc thực hiện các chương trình, chính sách công” (Lê Anh, “Để tiếng nói của dân hiện diện trong chính sách”, Báo đại biểu nhân dân). Đây là cơ hội để người dân bình thường đối thoại với các đại biểu, đưa ra những đòi hỏi với Chính phủ. Các đại biểu và cả các cơ quan của Chính phủ cũng coi trọng các cuộc tiếp xúc cử tri này bởi họ hiểu rằng các chính sách của Chính phủ cũng phải được áp dụng với tất cả mọi người, tuy nhiên vẫn có một số người không thể hoặc có lý do chính đáng để không tuân thủ các chính sách quốc gia. Các buổi tiếp xúc với người dân là cơ hội để người dân gửi kiến nghị tới các cơ quan Chính phủ. Các đại biểu Quốc hội đóng vai trò như một kênh thông tin quan trọng, bởi Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Điều đó có nghĩa là Chính phủ phải trả lời bất kỳ đại biểu nào lên tiếng đại diện cho cử tri của họ.

Đại biểu Quốc hội các nước nhận thức rất rõ vai trò quan trọng của mối quan hệ với cử tri trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, đặc biệt trong xây dựng luật và kiểm soát hiệu quả hoạt động của Chính phủ, và họ thực sự coi đây là phương pháp giúp họ phát huy tối hiệu quả hoạt động của mình, bởi thông qua việc duy trì trao đổi, tiếp xúc với cử tri, đặc biệt là cử tri tại nơi bầu cử, các đại biểu sẽ nắm bắt được những vấn đề “nóng”, những sự việc mà cả tri đang quan tâm, cần phải dược giải quyết mà nếu không thông qua mối quan hệ này đại biểu sẽ khó phát hiện được. Tuy nhiên, việc để cử tri có thể “mở lòng”, thẳng thắn nói ra sự thật cũng cần phải có những phương thức giao tiếp với họ phù hợp. Đại biểu phải biết cách gợi mở, lắng nghe để tìm ra mối quan tâm của cử tri, để hiểu cử tri ủng hộ hay không ủng hộ các quan điểm của Nhà nước, tán thành hay không tán thành một dự án luật hay một chính sách được Quốc hội xem xét thông qua. Ở các nước, việc đảm bảo thu thập và phản ánh trung thực ý kiến của cử tri là trách nhiệm lớn lao của nghị sĩ “Nghị viện không thể thực hiện được chức năng của mình mà không có sự phản hồi của người dân mà nghị viện đại diện. Nhờ có phản hồi và đối thoại với dân mà các đại biểu, các đảng chính trị và chính phủ đánh giá được quyết định mình đưa ra có được ủng hộ và có khả năng thực thi hay không.” (Lê Anh, “Để tiếng nói của dân hiện diện trong chính sách”, Báo đại biểu nhân dân).

Ở các nước, việc duy trì mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri tại nơi bầu cử còn có ý nghĩa trực tiếp tới cơ hội tái cử của cá nhân đại biểu. Để có được lá phiểu ủng hộ trong nhiệm kỳ tiếp theo, đại biểu phải làm hài lòng các chủ nhân của những lá phiếu đó. Đại biểu Quốc hội các nước thường “làm hài lòng” cử tri tại đơn vị bầu cử bằng việc làm cầu nối thúc đẩy các cơ quan Chính phủ giải quyết nhanh các giao dịch, các vụ việc của cử tri; thông qua các mối quan hệ để kêu gọi tài trợ xây dựng hoặc tu sửa trường học, đường xá, cầu cống, trại dưỡng lão… Khả năng của cá nhân đại biểu cũng như nguồn lực huy động nhiều khi không đủ thực hiện các công việc theo đòi hỏi của cử tri. Các đảng chính trị có nguồn lực tài chính tốt đôi khi sẽ giúp cho các đại biểu của đảng mình xử lý được những yêu cầu của cử tri, nhưng các đảng chính trị ở các nước nghèo hiếm khi có đủ ngân quỹ để làm được việc đó. Để giúp đại biểu giải bài toán khó này, một số quốc gia giao cho các đại biểu phân bổ quỹ - hoặc xác định quỹ này sẽ được dùng như thế nào - cho một số dự án cụ thể ở địa phương của họ. (Ví dụ, các nghị sỹ Kenya giám sát quỹ của đơn vị bầu cử chiếm 2,5% ngân sách quốc gia giúp thanh toán các nhu cầu ở địa phương như: xây cầu, phòng khám bệnh, hệ thống cấp nước, trường học. Quốc hội Nam Phi tài trợ cho mỗi đảng một quỹ (số tiền được tài trợ dựa trên số đảng viên có trong Quốc hội) để sử dụng cho các mục đích phục vụ cử tri của đảng. Các hạ nghị sỹ Philippines được cấp 1,2 triệu đôla, còn thượng nghị sỹ thì được cấp 3,68 triệu đôla mỗi năm để trả cho các dự án ở đơn vị bầu cử… (Minh Thy, “Để làm hài lòng cử tri”, Báo Đại biểu nhân dân. Các nước có truyền thống nghị viện lâu đời và có nền kinh tế phát triển đều dành sự đầu tư thích đáng để tạo dựng hình ảnh của Quốc hội trước công chúng thông qua hình ảnh của cá nhân đại biểu và tạo điều kiện thích đáng để đại biểu thực hiện việc gặp gỡ, tiếp xúc thường xuyên với cử tri. Nghị sĩ các nước (như: Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Canada… và nhiều nước khác) có văn phòng riêng tại đơn vị bầu cử với từ 3-5 nhân viên chuyên thu thập ý kiến cử tri và thiết lập các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ của đại biểu Quốc hội với cử tri, tư vấn cho đại biểu tham dự các hoạt động mang tính cộng đồng tại đơn vị bầu cử…

Mặt khác, đại biểu Quốc hội phải biết cách thực hiện các yêu cầu vừa đủ làm hài lòng cử tri, vừa tiết chế để không bị sa đà vào công việc của chính quyền hành pháp. Yếu tố quyết định mức độ thành công của việc tiết chế để hài hòa mối quan hệ “tay ba” nêu trên phụ thuộc vào nhận thức, bản lĩnh chính trị, kinh nghiệm nghị trường và kỹ năng của cá nhân đại biểu. Suy cho cùng, các cuộc gặp gỡ cử tri của đại biểu Quốc hội mang bản chất chính trị bởi khi giúp người dân, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp xúc trực tiếp với cử tri, nắm bắt được những vấn đề cử tri quan tâm. Nếu vấn đề mà cử tri đưa ra là vấn đề hóc búa nhưng đại biểu Quốc hội tranh luận với Chính phủ thành công thì uy tín của đại biểu đó sẽ được cải thiện, giúp thu hút được nhiều phiếu ủng hộ hơn trong kỳ bầu cử tiếp theo.

Mối quan hệ trực tiếp, rõ nét nhất giữa đại biểu và cử tri thể hiện ở các cuộc tiếp xúc với cử tri. Chính vì vậy, nghị viện nhiều nước đã bố trí chương trình nghị sự của Quốc hội hợp lý, tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội có thời gian quay về địa phương để gặp gỡ, tiếp xúc, tham vấn cử tri tại nơi mình ứng cử. Tại Canada, Pháp và nhiều nước khác ở Châu Âu, các đại biểu Quốc hội có văn phòng làm việc riêng tại đơn vị bầu cử và họ đều thiết kế lịch gặp gỡ cử tri vào một thời điểm nhất định, xen kẽ giữa các đợt làm việc trong tháng của Quốc hội.

Có thể lấy việc tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội Singapore làm ví dụ. Ở quốc đảo nhỏ bé có 80 nghị sĩ này, một trong những hoạt động đáng kể nhất của các nghị sĩ là gặp gỡ người dân. Họ coi những buổi gặp dân vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm và cũng là cơ hội vận động bầu cử dần để chuẩn bị cho lần bầu cử nhiệm kỳ sau. Để duy trì mối quan hệ với cử tri tại đơn vị bầu cử, nhiệm vụ của nghị sĩ phải thiết kế các cuộc gặp gỡ thường xuyên và dễ dàng cho cử tri. Thông thường các buổi gặp gỡ cử tri diễn ra mỗi tuần một lần tại văn phòng của đại biểu. Đại biểu Quốc hội Singapore tự xây dựng chương trình gặp gỡ người dân hàng tuần, thường là mỗi đại biểu ở mỗi tiểu khu vực lựa chọn một buổi tối cố định trong tuần. Đại biểu Quốc hội bắt đầu tiếp dân từ 8 giờ tối. Họ đến nơi tiếp dân bằng phương tiện cá nhân và bắt tay vào làm việc ngay, không mang tính chất chính thức như một hội nghị, không có thủ tục giới thiệu của chủ tọa, điều hành. Trước đó, những người tình nguyện của khu vực dân cư đã đến làm việc từ 6 giờ tối để tiếp đón và đăng ký những người dân cần gặp đại biểu. Mỗi tối, đại biểu thường gặp khoảng 40 đến 50 người dân, khi ít nhất cũng 20 người. Thời gian dành cho việc tiếp mỗi người dân khoảng 7 đến 10 phút. Việc gặp dân như thế không mang tính chất hành chính, không quy định giờ kết thúc, bao giờ hết người ở nơi tiếp dân đại biểu mới nghỉ. Do vậy, thường 01 giờ sáng, đôi khi đến 03 giờ sáng đại biểu mới được ra về (Theo Vietnam business center tại Singapore). Một cử tri có thể quay lại gặp đại biểu nhiều lần bởi vấn đề của họ có thể không được giải quyết ngay chỉ bằng một lá thư hay một cuộc gặp của đại biểu với cơ quan nhà nước có liên quan. Phần lớn các đại biểu Quốc hội có những tình nguyện viên giúp họ xử lý các vấn đề của cuộc gặp gỡ với cử tri. Bản thân đại biểu cũng phải trực tiếp dành thời gian xử lý các vấn đề trước và sau các cuộc gặp gỡ hằng tuần nói trên hoặc viết thư gửi lên các cơ quan nhà nước có liên quan đề nghị hỗ trợ, giải đáp cho cử tri.

Các chuyên gia chính trị đánh giá các cuộc gặp gỡ giữa đại biểu Quốc hội và cử tri là một tiến trình quan trọng trong hệ thống chính trị của Singapore, nơi người dân có quyền phản ứng lại việc thực thi các chính sách của Chính phủ. Đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm chuyển tải những khiếu nại, thắc mắc, yêu cầu của người dân tới các cơ quan nhà nước có liên quan cũng như tới toàn thể Quốc hội, nơi đại biểu có quyền nói thẳng vì lợi ích của cử tri mà không hề e ngại bất cứ điều gì. Đó còn là nơi đảm bảo những vấn đề mà người dân Singapore gặp phải trong cuộc sống thường ngày được xác nhận và được lắng nghe bởi những người đại diện cho họ và có động lực để chia sẻ những vấn đề của họ.

Mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri thể hiện trách nhiệm của đại biểu với cử tri. Mối quan hệ này mật thiết đến đâu, hiệu quả đến đâu phụ thuộc vào cả hai phía, đại biểu Quốc hội và cử tri./.

Trần Tuyết Mai

Nguyên Giám đốc TT TT khoa học lập pháp,

Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc UBTVQH