Tháng 5, nhân kỷ niệm 133 năm sinh của Chủ tịch Hồ chí Minh và 119 năm sinh của cố Tổng Bí thư Trần Phú, xin giới thiệu đôi nét về mối quan hệ đặc biệt và những lời dặn dò ân cần của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với học trò Trần Phú trước khi Người cử đồng chí trở về nước hoạt động. Đồng chí Trần Phú đã ghi lòng tạc dạ tình cảm sâu nặng và những lời dặn dò về kinh nghiệm trong công tác hoạt động cách mạng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cho đến trọn đời.

* * * * *

tu-nguyen-ai-quoc-den-ho-chi-minh-lanh-tu-bao-chi-cach-mang-viet-nam.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Báo Người Cùng Khổ (Le Paria). Ảnh: Tư liệu

Năm 1922, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động trong phong trào Cộng Sản Quốc tế thứ ba do Lênin sáng lập. Để tố cáo những tội ác của Thực dân Pháp đã gây ra ở Việt Nam và các nước trên bán đảo Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc đã cho ra mắt bạn đọc Tờ báo “Người cùng khổ”. Mùa hè năm 1922, Trần Phú đã thi tốt nghiệp và đỗ đầu thủ khoa kỳ thi Thành chung tại Trường Quốc học Huế. Ra trường, Trần Phú được bổ nhiệm về dạy học tại Trường Tiểu học Pháp Việt Vinh (còn gọi là Trường Cao Xuân Dục). Lúc bấy giờ, Vinh là nơi hội tụ nhiều nhân tài trong các phong trào đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Đặc biệt, do vị trí địa lý, kết hợp với chính sách khai thác thuộc địa của Thực dân Pháp, vào những năm đầu của thế kỷ XX, Vinh - Bến Thủy đã trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, là đầu mối giao thông quan trọng của hai miền Nam Bắc và là cửa ngõ ra vào của các nước trong khu vực Đông Nam châu Á. Được về dạy ở Vinh là một điều may mắn cho người thanh niên trí thức yêu nước như Trần Phú.

Trần Phú về dạy học tại Trường Cao Xuân Dục là nơi tập trung nhiều công chức làm việc trong các nhà máy và lớp thanh niên trí thức học tập ở các Trường: Quốc học Vinh, Cao Xuân Dục và Nguyễn Trường Tộ. Phần lớn họ đều có tinh thần yêu nước và kháng Pháp, họ đã bí mật tìm đọc các tác phẩm của cụ Phan Bội Châu từ nước ngoài gửi về kêu gọi tinh thần đoàn kết đấu tranh. Những bài báo cách mạng của Nguyễn Ái Quốc được xuất bản từ Pháp đã theo đường dây bí mật truyền về Vinh, làm nức lòng những người yêu nước trong các trường học như Trần Phú, Trần Mộng Bạch, Trần Văn Tăng, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thức Mẫn, Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai, Nguyễn Sỹ Sách… Đối với thầy giáo Trần Phú thì mảnh đất Thành Vinh lịch sử đã giúp anh có đầy đủ điều kiện tôi luyện và trưởng thành, phát triển đức, tài từ ngày đầu cách mạng.

tran-phu-01.jpg

Những năm dạy học ở Vinh, Trần Phú luôn nổi tiếng là thầy dạy giỏi, đức độ, yêu thương học trò, đoàn kết với đồng nghiệp, nhân ái luôn giúp đỡ mọi người, gần gũi với những người lao động luôn được học trò kính trọng, Nhân dân yêu mến. Từng bước tìm hiểu sách báo bí mật, Trần Phú đã tiếp nhận tư tưởng yêu nước và cách mạng, tinh thần độc lập dân tộc của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Ngoài giờ lên lớp, Trần Phú đã liên kết với nhiều bạn bè, trí thức, công nhân và những học trò có tư tưởng tiến bộ, kháng Pháp như Nguyễn Sỹ Sách, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Đình Thanh, Trần Văn Tăng, Phan Đăng Lưu, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Mao, Lê Viết Thuật, Siêu Hải và thành lập hội kín (đó là những hạt giống đỏ của phong trào cách mạng Việt Nam sau này)

Sau tiếng bom của liệt sỹ Phạm Hồng Thái (19-6-1924), cuối tháng 11-1924, được sự đồng ý của Quốc tế Cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ nước Nga đã chuyển về Quảng Châu Trung Quốc hoạt động. Được sự giúp đỡ của Phan Bội Châu và Hồ Học Lãm, năm 1925, Nguyễn Ái Quốc đã tập hợp và tuyển chọn những thanh niên tích cực trong tổ chức Tâm Tâm Xã để thành lập nhóm Thanh niên Cộng sản Đoàn gồm 9 người. Từ những thanh niên nòng cốt như Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Trương Vân Lĩnh, Lê Hồng Phong… Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra Hội Thanh niên cách mạng đồng chí. Để phục vụ công tác tuyên truyền và mục đích tôn chỉ hoạt động của Hội Thanh niên, ngày 21-6-1925 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã cho xuất bản Tờ báo “Thanh niên” để chuyển về trong nước tuyên truyền về cách mạng tháng Mười Nga và cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Ngày14-7-1925, tại Núi Con Mèo (Bến Thủy), những người trí thức yêu nước và tù chính trị vừa ở Côn Đảo được thả về đã họp nhau lại sáng lập ra Hội Phục Việt (Trần Phú, cụ Lê Huân, Nguyễn Đình Kiên, Tôn Quang Phiệt, Trần Văn Tăng…) Hội Phục Việt đã ra truyền đơn kêu gọi nhân dân đấu tranh. đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu, tổ chức mít tinh, biểu tình ngày mất cụ Phan Chu Trinh (1926) và làm lễ truy điệu cụ tại Chùa Diệc thành phố Vinh nhân ngày giổ đầu cụ vào tháng 3 năm 1927). (1). Mặc dù chưa được gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhưng khi được đọc những tài liệu và Báo Thanh niên theo đường bí mật chuyển về nước tuyên truyền, làm cho thầy Trần Phú luôn khao khát, mong muốn được gặp người thầy của phong trào cách mạng Việt Nam. Tháng 7-1926, dịp may đã đến, Hội Hưng Nam đã cử Trần Phú và một số đồng chí khác sang Quảng Châu Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc để xin ý kiến chỉ đạo của Người về đường lối và phương hướng hoạt động của tổ chức Hội Hưng Nam. Vào đầu tháng 8-1926, tại Quảng Châu, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang chuẩn bị tổ chức khai mạc lớp huấn luyện chính trị đặc biệt khóa thứ hai, do chính Nguời trực tiếp giảng dạy. Trần Phú được tham dự khóa học chính trị này, Nguyễn Ái Quốc lấy bí danh là Lý Thụy, học trò Trần Phú lấy bí danh là Lý Quý. Được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đào tạo, huấn luyện chính trị, bồi dưỡng lý luận học thuyết Mác Lênin theo con đường cách mạng vô sản, Trần Phú đã chuyển lý tưởng: Từ chủ nghĩa yêu nước sang Chủ nghĩa Cộng sản. Kể từ đây cho đến trọn đời, mọi hoạt động của đồng chí Trần Phú trên con đường cách mạng đều có một mối quan hệ gắn bó mật thiết với Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Tháng 10-1926, kết thúc khóa học, Trần Phú được kết nạp vào nhóm Cộng sản Đoàn. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Tổng bộ Thanh niên phân công Trần Phú về nước, hoạt động tại Trung kỳ. Trước giờ chia tay tiễn Trần Phú và đoàn lên đường về nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã xiết chặt tay Trần Phú ân cần dặn dò: “…Cần trau dồi tư cách đạo đức của người cách mạng, luôn khiêm tốn, giản dị, tích cực, tận tụy, trung thành với lý tưởng cách mạng. Khi về nước cần đi sâu vào quần chúng lao động, lấy công nhân, nông dân làm lực lượng chủ chốt, làm được những điều đó thì cách mạng mới thành công. Phải tuyệt đối giữ bí mật…

Tháng 12-1926, đoàn của Trần Phú, Nguyễn Sỹ Sách, Nguyễn Ngọc Ba… về đóng trụ sở làm việc của Hội Hưng Nam tại Vinh. Để có thời gian cùng các đồng chí Trần Văn Cung, Nguyễn Sỹ Sách tổ chức và xây dựng lực lượng theo lời dặn dò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trước khi về nước, Trần Phú trao đổi công việc của tổ chức với thầy giáo Hà Huy Tập, Nguyễn Thức Mẫn và Trần Văn Tăng rồi bắt tay vào việc sửa đổi chương trình hoạt động theo Hội VNTNCM. Phong trào cách mạng ở Nghệ -Tĩnh lúc này đã phát triển mạnh, các cuộc đấu tranh đã chuyển dần từ tự phát lên tự giác. Hoạt động của Trần Phú ngày càng có ảnh hưởng, phong trào càng phát triển mạnh thì uy tín của đồng chí Trần Phú càng cao trong mọi tầng lớp quần chúng Nhân dân. Kẻ thù đã treo giải thưởng lớn, dán ảnh, yết cáo khắp nơi, chúng tung mật thám chăng lưới, đêm ngày lùng sục, quyết bắt bằng được Trần Phú. Để tránh sự truy nã của địch, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Tổng Bộ TNCMĐCH đã quyết định điều động đồng chí Trần Phú trở lại Quảng Châu hoạt động bên cạnh lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Để chuẩn bị cán bộ tương lai cho cách mạng Việt Nam, đầu năm 1927, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã cử Trần Phú sang học tập tại Trường Đại học Phương Đông ở Mátxcơva. Ngày 25-6-1927, Nguyễn Ái Quốc đã gửi thư đề nghị với Ban lãnh đạo của Trường Đại học Phương Đông cử đồng chí Trần Phú làm Bí thư của nhóm Cộng Sản người Việt Nam đang theo học tập tại trường. Tháng 11-1929, Trần Phú tốt nghiệp xuất sắc khóa học tại trường Đại học Phương Đông, xét năng lực của Trần Phú và tình hình cách mạng Việt Nam đang rất cần một người lãnh đạo có trình độ và năng lực như Trần Phú để tổ chức, vận động và tập hợp lực lượng cách mạng, hợp nhất các tổ chức để thành lập một chính Đảng. Xét và năng và nhiệm vụ cần kíp, Quốc tế Cộng sản và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thống nhất cử ngay đồng chí Trần Phú về nước hoạt động. Đầu năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lo xúc tiến việc hợp nhất ba tổ chức cách mạng trong nước để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trên đường Trần Phú đi từ nước Nga về Việt Nam, đến Hồng Kông thì gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Người thông tin với Trần Phú kết quả Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản và trao đổi tỉ mỉ về tình hình cách mạng trong nước; phương hướng hoạt động của Đảng trong giai đoạn tới là phát động phong trào đấu tranh sôi nổi của quần chúng Nhân dân trong khắp cả nước. Thực hiện lời dạy của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, mở cuộc tuyên truyền, vận động, xây dựng lực lượng cách mạng, phát động quần chúng đấu tranh mạnh mẽ khắp mọi nơi, đặc biệt quan tâm chỉ đạo phong trào đấu tranh của công nông hai tỉnh ở Nghệ- Tĩnh. Từ cuộc đấu tranh mở đầu của công nông Vinh Bến Thủy trong ngày 1-5-1930, để tăng cường cán bộ lãnh đạo có năng lực cho Đảng, tháng 7-1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đề nghị bổ sung đồng chí Trần Phú vào BCH Trung ương lâm thời và giao cho Trần Phú viết dự thảo bản Luận cương chính trị của Đảng. Tháng 10-1930, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất họp tại Ma Cao đã thông qua nội dung bản Luận cương chính trị đặc biệt do đồng chí Trần Phú khởi thảo và bầu Ban chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

tranh_ve_cao_trao_xo_viet_nghe_tinh_cua_tac_gia_nguyen_duc_nung7236337_1192021.jpg
Tranh vẽ cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh của tác giả Nguyễn Đức Nùng.

Năm 1931, thực dân Pháp tập trung đàn áp phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh trong biển máu, hàng ngàn chiến sỹ cách mạng trong nước bị bắt và bị hành hình, trong đó có Tổng Bí thư Trần Phú. Ở nước ngoài, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc luôn theo dõi mọi hoạt động và diễn biến của cuộc cách mạng trong nước, đặc biệt là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Nhận được tin đồng chí Trần Phú bị bắt, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vô cùng lo lắng, Người đã khẩn trương viết thư để báo cho BCH Quốc tế Cộng sản biết và khẩn thiết đề nghị BCHQTCS cần lên ngay kế hoạch để kịp thời có sự giúp đỡ, các Đảng Cộng sản phát động phong trào đấu tranh và ủng hộ để chia bớt máu và lửa cho Nhân dân Nghệ - Tĩnh đang đấu tranh. …(2)

Bắt được đồng chí Trần Phú, thực dân Pháp đưa về giam và hỏi cung tại bốt Catina, kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn, tra tấn hết sức dã man và xảo quyệt, hòng khuất phục ý chí ở con người gang thép. Trước những lời đe dọa, ép cung rồi mua chuộc, dụ dỗ của địch, đồng chí Trần Phú vẫn ngẩng cao đầu, đanh thép tấn công lại chúng: “Tôi biết nhiều người là để làm việc cho Đảng của tôi, nước tôi, chứ không phải khai cho các ông bắt bớ…”.

Không lung lạc được ý chí và lòng trung thành với Đảng với Nhân dân của người học trò xuất sắc mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã hết lòng tin tưởng giao nhiệm vụ. thực dân Pháp hoang mang lo sợ rằng: Nếu Trần Phú còn sống ngày nào thì còn tiếp tục tuyên truyền và gieo mầm cộng sản, “biến nhà tù thành trường học cách mạng”, bởi vậy chúng đã tìm mọi cách để giết dần, giết mòn đồng chí. Ngày 6-9-1931, tại Nhà thương Chợ Quán-Sài Gòn, trước giờ vĩnh biệt cuộc đời, đồng chí Trần Phú đã cố hết sức lực, gửi lại lời nhắn nhủ với các đồng chí của mình: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.

Thương nhớ, ghi nhận người học trò xuất sắc, đa tài, đã hy sinh tuổi thanh xuân vì dân, vì nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Đồng chí Trần Phú là một người con ưu tú của Đảng và của Nhân dân, đã oanh liệt hy sinh cho cách mạng” và “Là một người rất thông minh, hăng hái và cần cù, đồng chí Trần Phú đã làm được nhiều việc quan trọng cho Đảng”.

motranphu2.jpg
Khu tưởng niệm Tổng bí thư Trần Phú.

Từ một thanh niên trí thức yêu nước, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đào tạo, đồng chí Trần Phú đã trở thành một Tổng Bí thư lỗi lạc của Đảng Cộng sản Việt Nam và phong trào Cộng sản Quốc tế. Năm 1932, trong bài tưởng nhớ đồng chí Trần Phú, Quốc tế Cộng sản đã khẳng định: “Sự nghiệp cách mạng, niềm tin và phẩm chất cao đẹp của Tổng Bí thư Trần Phú trong nhà tù đế quốc sẽ mãi mãi là tấm gương bất diệt cho những người Cộng sản trên toàn thế giới, đặc biệt là những người Cộng Sản Đông Dương .

Chú thích: 1) Hội Phục Việt thành lập ngày 14-7-1925. Năm 1926 Hội Phục Việt đổi tên thành Hội Hưng Nam. Năm 1927 lại đổi thành Đảng Tân Việt .

2) Thư của Nguyễn Ái Quốc và các tư liệu, hình ảnh, hiện vật của Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản các nước đấu tranh ủng hộ “Nghệ Tĩnh Đỏ” hiện đang trưng bày tại Viện Bảo tàng XVNT