Nhận thức sâu sắc về niềm tin, sự kỳ vọng của hơn 2 triệu cử tri tỉnh nhà, trong năm 2022, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tiếp tục phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, bám sát thực tiễn, đem “hơi thở cuộc sống” vào nghị trường, như phương châm được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
“Trăn trở với trăn trở của cử tri”
Theo dõi các kỳ họp Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026, Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An đều có nhiều đại biểu phát biểu, đóng góp những ý kiến sâu sắc cho công tác xây dựng luật cũng như hoạt động giám sát thông qua các phiên chất vấn, thảo luận; đặc biệt, qua nhiều ý kiến, cử tri cảm nhận được sự trách nhiệm, tâm huyết của mỗi đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An nhằm chuyển tải kịp thời, trọn vẹn nhất tiếng lòng, trăn trở của cử tri tỉnh nhà lên nghị trường Quốc hội.
Đoàn ĐBQH Nghệ An dự phiên chất vấn tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội chiều 3/11/2022. Ảnh tư liệu: Quang Kháng
Mới đây, trong phiên chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Nội vụ, đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà về những bất cập trong quá trình thực hiện chế độ cho cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn sau khi sát nhập. Đây là vấn đề được cử tri rất quan tâm, hết sức chờ đợi có những thay đổi kịp thời, thỏa đáng.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa nhận đang có những bất cập trong thực tiễn khi thực hiện Nghị định số 34 của Chính phủ về vấn đề này và cho biết, cần phải sửa đổi để phù hợp với thực tiễn. “Chúng tôi xin hứa với các đại biểu Quốc hội, đây là vấn đề có thể gọi rất là nóng, vì được tiếp thu quá nhiều các kiến nghị của cử tri, cho nên, chúng tôi sẽ làm nhanh nhất có thể để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Nghị định số 34”, người đứng đầu Bộ Nội vụ khẳng định.
Đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu chất vấn tại hội trường Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh
Hay đối với đại dự án Thủy lợi Bản Mồng trên địa bàn tỉnh khởi công đã hơn 1 thập kỷ nhưng chưa hẹn ngày “về đích”, thảo luận tại kỳ họp thứ 4 vừa qua, thay mặt Đoàn ĐBQH Nghệ An phát biểu tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chung tâm trạng sốt ruột với cử tri tỉnh nhà khi hàng nghìn tỷ đồng đã bỏ ra, công trình cũng đã hoàn thành 98% hạng mục xây dựng, chỉ chờ giải phóng mặt bằng lòng hồ là chặn dòng, tích nước, phát huy hiệu quả nhưng vẫn “treo” mấy năm nay. Trên Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, vị đại biểu Đoàn Nghệ An đã thẳng thắn đề nghị Chính phủ khẩn trương tháo gỡ khó khăn, sớm bố trí nguồn vốn để tiếp tục thi công hoàn thiện dự án...
Tinh thần trách nhiệm cao
Một nhiệm kỳ 5 năm là thời gian không dài, trong khi đó, Quốc hội làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số, nên đòi hỏi mỗi đại biểu đều phải có đóng góp ý kiến, thể hiện chính kiến của mình, xứng đáng với vai trò là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong cơ quan lập pháp. Ý thức được trách nhiệm sâu sắc đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An và mỗi vị đại biểu Quốc hội trong đoàn đều luôn ý thức nâng cao bản lĩnh, trí tuệ, liên hệ sâu sát thực tiễn, nhằm nâng cao hiệu quả thực thi nhiệm vụ theo luật định.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý trao đổi, thăm hỏi cử tri huyện Thanh Chương. Ảnh tư liệu: Thành Duy
Đơn cử, để chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phối hợp với Ủy ban MTTQ, Thường trực HĐND cấp tỉnh và huyện tổ chức tiếp xúc cử tri, qua đó, tổng hợp 43 kiến nghị của cử tri, trong đó, có 18 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương và 25 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chuyển UBND tỉnh xem xét, trả lời theo quy định. Đoàn cũng đã tổ chức làm việc với UBND tỉnh để nắm bắt một số nội dung có liên quan đến kỳ họp, đặc biệt là các kiến nghị, đề xuất của tỉnh đối với Trung ương để chuyển tải tới Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành xem xét, giải quyết theo thẩm quyền;…
Trong thời gian diễn ra Kỳ họp thứ 4, Đoàn đã tổ chức làm việc với một số bộ, ngành; tham gia các cuộc hội thảo, hội nghị; thăm và làm việc tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc - Trung tâm nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao cấp Quốc gia; tham gia các hoạt động trao đổi kinh nghiệm với các Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố;…
Đại biểu Đoàn ĐBQH Nghệ An thăm, tìm hiểu quy trình sản xuất tại Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, thành phố Hà Nội. Ảnh: Thu Nguyễn
Ngay sau phiên bế mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri gắn với tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại các khu dân cư của 21/21 huyện, thành phố, thị xã - đây là nét mới trong hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh, đã tạo sự gắn kết mật thiết hơn với cử tri.
Cùng với đó, các hoạt động an sinh, xã hội trên địa bàn tỉnh được Đoàn ĐBQH Nghệ An đặc biệt quan tâm, trực tiếp ủng hộ, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ thăm hỏi, tặng quà cho các tổ chức, cá nhân, các hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng, gia đình gặp khó khăn, thiên tai, bão lũ, xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ thiết bị trường học, giúp đỡ, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi... với tổng trị giá gần 8 tỷ đồng.
Các ĐBQH tỉnh trao các phần quà đến hộ dân bị bị thiệt hại nặng nề do ngập lụt ở huyện Quỳnh Lưu. Ảnh tư liệu: Như Thủy
Trao đổi về định hướng trong năm 2023, đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho biết: Năm nay, trong chương trình nghị sự, Quốc hội sẽ xem xét, ban hành nhiều luật quan trọng, đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi). Do đó, bên cạnh tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động trên các mặt, Đoàn sẽ đặt trọng tâm nâng cao chất lượng tham gia xây dựng các dự án luật...