Liên kết chuỗi giá trị trong nông nghiệp
Chuỗi giá trị trong nông nghiệp gồm: Đầu vào (nhà cung cấp giống, vật tư, phân bón,… ) > Sản xuất (hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp) > Chế biến > Thương mại.
Để thúc đẩy chuỗi phát triển cần có:
- Nhà nước: quy hoạch, chính sách hỗ trợ phát triển,
- Hội nông dân, Liên minh HTX,..
- Ngân hàng….
- Nhà khoa học, các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ quan khuyến nông,…
Chuỗi giá trị nếu nó khép kín trong một doanh nghiệp, trang trại,… thì diễn ra suôn sẻ, dễ quản lý và thúc đẩy. Nhưng khi chuỗi giá trị đó được liên kết bởi nhiều doanh nghiệp/đối tác thì phức tạp hơn nhiều và rất dễ bị đổ vỡ nếu không được triển khai bài bản, thấu đáo.
Một vấn đề mấu chốt để liên kết theo chuỗi giá trị bền vững đó là xây dựng được niềm tin giữa các đối tác và chia sẻ lợi ích/giá trị giữa các khâu, các đối tác một cách hài hoà, theo cơ chế “Win- Win”. Đồng thời mối liên kết ngang – dọc trong chuỗi cũng cần đảm bảo chặt chẽ.
Ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng phát triển dựa trên nền tảng chính là đất đai thuộc nông hộ, chính vì vậy việc sản xuất sản phẩm nông nghiệp phải liên kết theo chuỗi giá trị mới đảm bảo tính bền vững khi sản xuất hàng hóa, tránh tình trạng “được mùa mất giá”, “giải cứu nông sản”.
Dự án phát triển khoai tây ở Nghệ An
Trong những năm qua, chúng ta đã có chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ phát triển liên kết theo chuỗi gía trị và cũng đã có những mô hình thành công. Trong đó, mô hình thành công nhất có thể nói, đó là mô hình phát triển khoai tây theo chuỗi giá trị tại Diễn Châu.
Vấn đề trồng khoai tây ở Nghệ An không mới. Đã nhiều năm cơ quan khuyến nông cũng đã triển khai nhiều mô hình ở các huyện và cũng thành công trong năng suất, hiệu quả mô hình. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích gặp khó khăn do vấn đề tiêu thụ bị động, khó bán sản phẩm. Thậm chí một dự án liên kết chuỗi trồng khoai tây do tổ chức Jica tài trợ cũng không duy trì được lâu do nông dân không bán sản phẩm cho doanh nghiệp do chưa thống nhất giá tiêu thụ,…
Trước tình hình sản xuất cây vụ Đông ngày càng thu hẹp so với những năm trước, trong khi khoai tây là đối tượng sản phẩm được sử dụng chế biến thực phẩm có nhu cầu rất lớn, mặt khác vấn đề sản xuất giống sạch bệnh và tiêu thụ là hai khâu quyết định mà Nghệ An đang thiếu, vì vậy, khi được biết, Công ty Orion Vina và Viện Công nghệ sinh học (thuộc Viện Nông nghiệp Việt Nam) đang hợp tác triển khai phát triển liên kết trồng khoai tây ở một số tỉnh phía Bắc, Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An đã đặt vấn đề với Viện Công nghệ sinh học chuyển giao cho Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ (Trung tâm Ứng dụng) quy trình sản xuất giống khoai tây siêu nguyên chủng bằng công nghệ khí canh (cây giống sản xuất bằng công nghệ nuôi cấy mô).Từ đó triển khai sản xuất giống nguyên chủng và giống xác nhận. Đồng thời xúc tiến xây dựng kho lạnh để bảo quản giống.
Sau khi thành công công đoạn nhân giống siêu nguyên chủng, giống nguyên chủng, vụ Đông năm 2020, dự án được triển khai chính thức mô hình sản xuất giống xác nhận và trồng thâm canh tại Diễn Phong (Diễn Châu), với quy mô 1 ha sản xuất giống xác nhận và 9 ha thâm canh. Qúa trình triển khai có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên: Viện Công nghệ sinh học và Trung tâm Ứng dụng khảo sát lựa chọn đất trồng, cung cấp giống và tập huấn kỹ thuật (theo đặt hàng của Công ty Orion Vina) cho các hộ nông dân đăng ký, công khai chính sách, tiêu chuẩn sản phẩm, công bố giá thu mua khi thu hoạch, công khai năng suất, giá thành (nếu tuân thủ kỹ thuật và chế độ phân bón, chăm sóc đúng quy trình và không có rủi ro thiên tai), chính quyền vận động người dân canh tác liên vùng, đảm bảo an ninh,.. Sau 3 tháng, dự án đã thành công với năng suất đạt bình quân 18 tấn/ha. Toàn bộ sản phẩm được công ty Orion tổ chức thu mua tại đồng ruộng với giá đã công bố (trừ khoảng 15% sản phẩm không đạt chuẩn). Người dân đã đạt lợi nhuận thuần khoảng 50-70 triệu đồng /ha.
Ngay trong thời gian thu hoạch, Sở Khoa học và Công nghệ cùng UBND huyện tổ chức hội thảo đầu bờ để các huyện có điều kiện tương tự đến tham khảo, cũng như học tập cách làm của Diễn Châu. Sau đó, Viện Công nghệ sinh học và Trung tâm Ứng dụng đã đi khảo sát đồng ruộng ở các huyện Nghi Lộc, Đô Lương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Tân Kỳ, Thái Hoà để triển khai tiếp nối. Và vụ Đông 2021, toàn tỉnh đã đạt 198 ha tham gia chuỗi với năng suất bình quân đạt 19 tấn/ha (trong tổng số 267 ha). Đặc biệt, năm 2021, Trung tâm ứng dụng và Viện công nghệ sinh học đã triển khai thành công tại vùng đất đỏ bazan ở Thái Hoà với năng suất 20 tấn/ha. Vụ Đông năm nay, theo số liệu đăng ký hợp tác theo chuỗi đã lên 350 ha.
Điều đáng quan tâm là do giá phân bón tăng nên năm nay Công ty đã nâng giá thu mua từ 7000 đ/kg lên 7700 đ/kg. Và như cam kết chính sách, Công ty Orion đã cấp cho các hợp tác xã của Diễn Châu 3 máy cày đa năng (cày, bừa, xới, thu hoạch…) trong hai năm với trị giá trên 1,2 tỷ đồng.
Những bài học từ dự án phát triển khoai tây
Có thể nói, dự án đã thành công đồng bộ ở nhiều khía cạnh cả về mặt kỹ thuật, kinh tế và bền vững. Điều đặc biệt là cán bộ và người dân hiểu rõ hơn về tầm quan trong của trách nhiệm mỗi đối tác khi tham gia liên kết theo chuỗi giá trị.
Từ việc triển khai dự án trên, chúng ta có thể rút ra bài hoc để phát triển nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị một cách bền vững là:
1. Trước hết, các cấp chính quyền, nhà khoa học, nông dân, cùng doanh nghiệp cần thảo luận kỹ về đối tượng sản phẩm dự kiến chọn triển khai: giá trị sản phẩm, mục tiêu thị trường (bán tươi, hay phục vụ chế biến), khả năng bảo quản đảm bảo chất lượng, độ lớn thị trường, khả năng mở rộng quy mô vùng sản xuất sản phẩm đủ lớn, lợi thế để tạo thế cạnh tranh, khả năng đáp ứng của nông dân, khả năng đáp ứng thị trường của doanh nghiệp, năng lực tài chính, công nghệ của doanh nghiệp và các đối tác tham gia chuỗi… Những vấn đề thuận lợi, khó khăn nếu triển khai liên kết chuỗi. Việc này làm tốt sẽ tạo điều kiện nền tảng cho việc thiết lập liên kết chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm nông nghiệp.
2. Để liên kết theo chuỗi giá trị thành công và bền vững thì trước hết liên kết dọc cũng cũng đảm bảo bền vững.
Liên kết dọc là liên kết giữa những người nông dân với doanh nghiệp tiêu thụ chế biến sản phẩm, cũng như đơn vị cung ứng đầu vào (giống, vật tư, kỹ thuật…). Đây là liên kết lõi, chìa khóa của thành công. Nó bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như năng lực tài chính, con người cũng như năng lực kỹ thuật, sản xuất, tiêu thụ, thị trường sản phẩm cũng như văn hóa doanh nghiệp của doanh nghiệp đối tác đóng vai trò kéo chuỗi. Thứ nữa là ý thức trách nhiệm của các bên trong việc tuân thủ hợp đồng, không vì lợi ích trước mắt (do các doanh nghiệp khác chen vào mua sản phẩm cao hơn vì không xây dựng chuỗi, không hỗ trợ ban đầu…). Ba là niềm tin được xây dựng từ các bên, cũng như thông qua đơn vị khâu nối, xác lập chuỗi. Bốn là chia sẻ lợi ích giữa các bên (như việc công ty Orion hỗ trợ 3 máy cày đa năng cho Diễn Châu đã tạo lập niềm tin cho người dân, bên cạnh đó để hỗ trợ giảm giá thành sản xuất cho bà con nông dân). Năm là tính minh bạch và cam kết thực hiện những điều khoản chính của hợp đồng sản xuất (giá vật tư đầu vào, giá thu mua, tiêu chuẩn sản phẩm, quy trình kỹ thuật, chính sách hỗ trợ,… được công bố trước để các HTX, nông dân tính toán xem sản xuất có lãi không, có hơn các sản phẩm khác không để từ đó quyết định).
3. Để hỗ trợ cho liên kết dọc bền vững thì cần có liên kết ngang phù hợp và chặt chẽ. Liên kết ngang ở đây là liên kết giữa những người dân với nhau. Nếu liên kết dọc giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp thì đơn giản hơn nhiều vì nó sẽ được ràng buộc bằng hợp đồng kinh tế chặt chẽ. Tuy nhiên liên kết dọc ở đây là liên kết giữa doanh nghiệp với nhiều nông hộ nên sẽ rất khó cho doanh nghiệp, nên cần có liên kết ngang, đó là Hợp tác xã. Vì sản phẩm làm ra cần khối lượng lớn, giống, quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn phải đồng đều,… Cho nên ở đâu HTX hoạt động tốt thì ở đó liên kết ngang chặt chẽ, có thể đảm bảo đại diện cho quyền lợi của nông hộ và tổ chức thực hiện hợp đồng tốt, đảm bảo liên kết với doanh nghiệp chặt chẽ và bền vững.
4. Để hỗ trợ liên kết theo chuỗi giá trị phát triển bền vững, rất cần vai trò của các nhà khoa học (trong đó kể cả các cơ quan khuyến nông) tham gia để hỗ trợ cho cả phía doanh nghiệp chế biến thu mua, cả các HTX thông qua việc cung cấp dịch vụ tập huấn kỹ thuật, theo dõi diễn biến sinh trưởng, dịch bệnh, đảm bảo chất lượng giống, chất lượng sản phẩm,… Đặc biệt là khảo sát đánh giá những nơi đủ điều kiện để khuyến cáo nông dân, HTX, chính quyền tham gia hay không, tránh tình trạng tự phát gây thiệt hại không đáng có cho nông dân (tránh tư duy bắt chước, phong trào), góp phần củng cố lòng tin của các bên với nhau.
5. Một tác nhân cũng đóng vai trò quan trọng trong việc việc hỗ trợ chuỗi phát triển bền vững là Nhà nước. Chính quyền, cấp ủy cũng như hệ thống chính trị các cấp cần coi đây là nhiệm vụ của chính mình để vào cuộc. Việc đó nhằm tổ chức quy hoạch vùng phát triển sản phẩm đủ lớn để thuận lợi canh tác cũng như thu mua. Hỗ trợ các HTX tổ chức sản xuất như vấn đề an ninh, hỗ trợ dịch vụ, đề xuất chính sách như chính sách khuyến khích, lồng ghép chính sách tín dụng,.. (như vừa qua UBND tỉnh đã kịp thời điều chỉnh mức hỗ trợ phát triển khoai tây vụ Đông năm 2021; UBND huyện Diễn Châu đã triển khai đề án phát triển khoai tây của huyện…).
6. Một mắt xích cuối cùng trong hệ sinh thái thúc đẩy chuỗi phát triển bền vững đó là Ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Hợp tác xã nông nghiệp hiện nay hầu như không có/ít vốn, trong khi đó nông hộ cũng nằm trong hoàn cảnh thiếu vốn, do vậy việc cấp vốn cho HTX, nông hộ vay để thực hiện các hợp đồng, đảm bảo các yếu tố đầu vào của quy trình kỹ thuật rất quan trọng. Nhiều nơi sản phẩm làm ra đạt chuẩn nhưng thu mua thấp do không đảm bảo quy trình kỹ thuật vì thiếu vốn. Mặc dù có một số doanh nghiệp vẫn có nguồn vật tư đầu vào cung cấp (cho nợ đến mùa khấu trừ sản phẩm), tuy nhiên việc được cung cấp tài chính từ Ngân hàng cho nông dân chủ động mua sắm cũng cực kỳ quan trọng.
Việc chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp thành kinh tế nông nghiệp là một hướng đi tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, sản xuất theo kế hoạch, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là một trong những giải pháp quan trọng và cần ưu tiên hàng đầu nhằm góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.