Cuộc “phục dựng” ấy đã biến rú Xước lụi tàn trên sỏi đá một thời cay nghiệt thành những cánh rừng nức tiếng rừng xanh thuộc xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, quê ông.
Yêu đất, yêu rừng
Năm 1991, một lần về thăm quê, ông Lê Duy Nguyên “mang” tâm hồn thơ, nhạc lãng du ra vùng biển Bãi Chùa vắng lặng. Đang dầm chân trong sóng biển, ông ngoái nhìn lên rú Xước, thấy mênh mông cát bạc nối liền lô nhô đồi trọc. Mắt ông dừng lại nơi rải rác những cây bạch đàn đang đứng trụ giữa cát, đá dưới trời nắng chang. Ông nghĩ: “Sao không biến vài chục cây bạch đàn này thành hàng trăm cây, ngàn cây. Sao không vừa trồng rừng vừa bán được cây, lợi đôi bề. Sao không thể “phục dựng” lại cánh rừng rú Xước vốn là rừng xanh bạt ngàn với hổ, bò rừng, hươu, nai…”.
Hôm ấy, ông “mang” tâm hồn thơ, nhạc về không bởi ý nghĩ trồng rừng đang thôi miên ông. Về lại Vinh, ông đến Sở Lâm nghiệp rồi quay ra Hạt kiểm lâm huyện Quỳnh Lưu tìm hiểu cách trồng rừng. Ở đâu ông cũng được giúp đỡ chân tình nhưng về trong căn nhà cấp bốn ở phường Hưng Phúc (thành phố Vinh), ông vấp phải sự lạnh lùng của vợ.
Chuyện là, ông vừa nói chuyện xã Quỳnh Lập, nhất là rú Xước mênh mông đất trống đồi núi trọc, hoang hoá đến nhức mắt nên sẽ tính chuyện hưu “non” để về quê trồng rừng thì bà vợ gắt ngay: “Mình đang là công chức nhà nước, là giáo viên (thực nghiệm Vật lí trường chuyên cấp 3 Phan Bội Châu, thành phố Vinh) cớ chi tính chuyện hưu “non”, về quê hẻo lánh sinh sống. Ông có bị chi không đấy”.
Bản tính ông đã quyết thì không bỏ cuộc nhưng cũng phải mất gần hai năm vừa thuyết phục vợ cho êm vừa tính toán căn cơ từng bước đi sao cho chắc ăn. Biết tính ông nên vợ rồi cũng chiều.
Năm 1993, ông làm đơn nhận 168ha đất trống, đồi núi trọc trong 50 năm theo chương trình trồng rừng 327. Thấy ông cả quyết, hứng thú việc trồng rừng, Hạt kiểm lâm Quỳnh Lưu vận động ông nhận thêm, cho tròn 1.000ha vì đất trống, đồi trọc trên địa bàn đang còn nhiều quá. Ông chống tay lên trán nghĩ một lát rồi quyết định làm thủ tục nhận luôn. Về nhà, vợ chồng ông dốc hết hầu bao được 5 lượng vàng tích góp bấy lâu và 120 triệu đồng tiền mặt. Vốn chưa đủ, vợ chồng quyết bán nốt mảnh vườn ông nội để lại, dồn vốn cho công việc trồng rừng.
Doanh nghiệp…Nhân dân
Có đất nhưng đất lô nhô đủ loại đá núi, dày đặc. Ông Nguyên tính chuyện sẽ phải dùng mũi cuốc chim mổ xuống từng kẽ đá để trồng những cây non bé tẹo ngay chính nơi khó “nhằn” nhất. Ông bảo, “mỗi lần nhìn vào kẽ đá để tìm đất “cắm” vào một cây con tự dưng mặt mũi mình toát mồ hôi hột, cứ đưa tay vuốt mãi”.
Muốn có cây con thì phải có cây giống. Muốn có cây giống thì phải làm vườn ươm. Ông vào làng tìm năm lao động để làm vườn ươm thứ nhất, rộng 200m2 ươm giống cây bạch đàn, phi lao, keo lá tràm và thông.
Lứa ươm đầu đang hi vọng thì ông bị sốc. Đó là ngày thứ ba, cây giống cao tầm 30cm, chuẩn bị bứng, đem đi trồng thì sáng ngày thứ tư vườn ươm trắng phau màu muối. Ông đau điếng vì tiếc giống, tiếc công, tiếc tiền, tiếc thời gian trồng rừng bị chậm lại. Tiếc đứt ruột nhưng rồi ông dằn lòng, kiên nhẫn thuyết phục kẻ xấu, tìm cách bảo vệ cho được vườn ươm thứ nhất và làm tiếp vườn thứ hai 500m2, ươm thêm giống cây dài ngày như dẻ, sao đen, lim xanh.
Có cây giống, ông thực hiện phương thức huy động người dân quê cùng làm doanh nghiệp với mình. Phương thức là: “Doanh nghiệp trả công lao động bằng gạo, đảm bảo đủ ăn trong ngày. Liên tục như vậy cho đến khi thu hoạch. Chủ doanh nghiệp hưởng 20%, lao động hưởng 80% giá trị sản phẩm cây rừng. Nghĩa là lương công nhân “nằm” trong sự phát triển của cây rừng”.
Thấy cách làm minh bạch, thiết thực nên 64 lao động làng Đông Hồi tham gia. Đa số họ là phụ nữ nhàn rỗi trong những gia đình đàn ông đi biển hết. Với phương thức này, rừng của ông cũng là của mỗi lao động nên ai cũng ra sức bảo vệ, chăm sóc.
Cuối năm 1993, lứa cây phi lao đầu tiên phủ kín 10ha dọc bãi biển Đông Hồi. Ông mừng lắm nhưng 10ha chẳng thấm tháp gì so với 1.000ha đã nhận. Ý nghĩ này day trở ông, nhất là những ngày ông cùng bà con gánh hàng vạn cây giống, hàng trăm thùng nước, rẽ đá và vô vàn dây leo chằng chịt, bám từng quả đồi khô khốc để đào hố, trồng và tưới.
Do thấu hiểu từng giọt mồ hôi mặn chát đổ xuống gốc cây nên giữa năm 1994, ông quyết định tăng phần gạo trả công. Năm 2000 khi đã trồng được 300ha rừng bạch đàn, keo và 267ha rừng thông, phi lao, thể theo nguyện vọng của bà con, ông chấm dứt phương thức này chuyển sang trả công bằng tiền mặt. Cứ 25.000 - 28.000 đồng/lao động/ngày.
Năm 2004, rừng cho thu hoạch lứa đầu, được 1,5 tỉ đồng. Ông tính, cứ theo kiểu thu hoạch cuốn chiếu thì 10 năm nữa rừng thông sẽ cho 1,2 tỉ đồng nhựa/năm trong chu kì 50 năm. 300ha bạch đàn, keo có giá trị 9 tỉ đồng/năm trong thời gian tái sinh 8 năm…Nhưng ông không dừng lại ở đó. Ông muốn trồng sao đen và lim xanh.
11 năm sau (2015), ông Nguyên chở tôi “cưỡi” chiếc honda thể thao 155 phân khối, rú máy trườn lên đường rừng toàn dốc đá, đi vào mọi ngả nghách của rừng. Đi qua vùng rừng bạch đàn cao vút, ông cho hay đã bán được năm lứa “cây kinh tế”, cộng vốn vay ngân hàng, mỗi năm làm một đoạn đường. Chúng tôi đi trên con đường chính dài 10km xuyên cánh rừng rợp bóng, qua hồ nước rộng khoảng 3ha, gần 500.000m3 nước trong văn vắt, rẽ vào hai ngả đường phụ dài 2 - 3km. “Có đường xương cá này mới đi kiểm tra, bảo vệ rừng và khai thác thuận tiện. Đây còn là đường băng cản lửa, ứng phó với hoả hoạn. Còn hồ nước giữ độ ẩm cho rừng, có nước cho muông thú uống”, ông Nguyên vui nói.
Giấc mơ cánh rừng nguyên sinh
Hồi ấy, đi qua hồ nước, vượt lên một đoạn dốc hướng về phía đỉnh rừng. Ông Nguyên dẫn chúng tôi đi xem rừng lim xanh 13 năm tuổi, thân cây mới to bằng bắp chân. Ông say sưa nói về giấc mơ cánh rừng nguyên sinh: “Nhiều người trồng rừng nhưng chỉ lo trồng cây nguyên liệu bán cho nhà máy sản xuất giấy, ít nghĩ chuyện trồng lim là do phải 100 năm sau cây gỗ lim mới thu hoạch. Thời gian của cả đời người. Nhưng tôi nghĩ, do chu kì phát triển càng dài nên tính chất bảo vệ môi trường của rừng lim càng bền vững. Mặt khác, lim xanh là cây bản địa, có giá trị kinh tế rất cao”.
Ông tính bài toán hóc búa và thú vị về cây lim xanh: “1ha tôi trồng 500 cây nhưng khi thu hoạch chỉ chọn 300 cây. Sau 100 năm, một cây lim xanh cho ít nhất 2 khối. Nếu tính theo giá hiện tại là 30 triệu đồng/khối thì một cây cho 60 triệu đồng. Nếu trồng 600ha sẽ cho gần 11.000 tỉ đồng. Đây là một rừng tiền”.
Ngoài “rừng tiền” từ cây lim xanh, ông Nguyên còn tâm đắc với cánh rừng nguyên sinh ở chỗ “sẽ giữ gìn và lưu trữ được nguồn gen của loài cây bản địa quý hiếm trong khi cây lim xanh ở các huyện vùng cao đang có nguy cơ bị mất dần”.
Tôi truy vấn: “100 năm sau chắc chắn ông không còn sống để hưởng lợi này”. Ông nói: “Đời người bình quân chỉ 70 năm. “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Ông Đỗ Phủ, đời nhà Đường ở Trung Quốc đã nói rồi. Đời cây lim 100 năm mới cho khai thác. Để 600ha cây đặc chủng này thành rừng nguyên sinh như tôi mong muốn thì đó là cả hành trình dài. Nhưng nghề trồng rừng, suy cho cùng không nên chỉ lăm lăm tính toán lợi ích tiền bạc trước mắt, có được hưởng lợi trong vài ba năm mới làm”.
Nối tiếp giấc mơ của người cha
Ông Nguyên sinh năm 1947, qua đời năm 2016 ngay tại khu rừng này, do bạo bệnh. Sau khi người cha qua đời, chàng trai Lê Duy Khánh, 34 tuổi tiếp nối giấc mơ cánh rừng nguyên sinh do cha anh để lại.
Theo Khánh, nhiệm vụ chính của anh lúc ấy vẫn chưa phải là lấy vợ, sinh con, xây nhà mà lo bảo vệ, cải tạo, tu bổ rừng, tạo độ bền vững cho rừng. Đứng nhìn những cây lim đã hơn 20 năm tuổi, cao tầm10m, Khánh thầm biết những công việc mình cần làm. Khánh kể, năm 2019 anh đã thuê một đơn vị tư vấn về đánh giá chất lượng rừng để làm hồ sơ xin chứng chỉ quản lí rừng FSC. Tiếp đó, anh cũng “đánh vật” với một số nghề “lấy ngắn nuôi dài” như nuôi ong, trồng dứa, nuôi tôm, nuôi ốc hương để góp phần trang trải cho việc bảo vệ, phát triển rừng ngoài một số dự án lâm nghiệp của tỉnh.
Khánh bộc bạch tâm huyết về những cánh rừng đang xanh lên trên rú Xước: “Rừng ở đây không phải tài sản của cá nhân mà là tài sản của đất nước. Rừng phát triển bền vững, mọi người dân đều được hưởng lợi từ vốn quý phi lâm sản và dịch vụ của rừng. Đó là sức lan toả của thị trường carbon rừng, giúp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Khi rừng phát triển bền vững trên toàn bộ diện tích thì doanh nghiệp đưa vào bảo tồn (không phục vụ kinh doanh) và mở cửa rừng cho người dân tham quan miễn phí. Doanh nghiệp cũng không nghĩ chuyện làm du lịch trong những cánh rừng này bởi dịch vụ du lịch đi liền với xây dựng nhà cửa và các công trình phục vụ sẽ gây những tác động ngoài mong muốn, ảnh hưởng đến hệ sinh thái động thực vật từng được nuôi nấng trong rừng”.
Mới đây, tôi trở lại khu rừng trên rú Xước, chúng tôi như lạc giữa những cánh rừng thông rưng rưng ngàn búp hướng lên bầu trời. 25 km đường rừng mới mở đi qua bốn hồ nước mới kiến tạo, vừa tạo độ ẩm lớn cho rừng, vừa cung cấp nước cho PCCC, vừa tạo cảnh quan mới cho những cánh rừng bề thế, vững chãi. Giám đốc trẻ Lê Duy Khánh, đưa bàn tay gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên vầng trán, nói: “Ước mơ về một khu rừng nguyên sinh đẹp, hay và ý nghĩa thật đấy nhưng còn nhiều gian nan lắm”.