trien-lam-ve-ho-chi-minh-tai-bi.jpg
Triển lãm về Hồ Chí Minh tại Bỉ

Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch chia sẻ: Cách đây hơn một tháng (từ 14 đến 16/4), tại Brussels - Bỉ, Đại sứ quán - Phái đoàn Việt Nam tại Bỉ và Liên minh Châu Âu (EU) đã phối hợp Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức triển lãm quốc tế "Hồ Chí Minh: Cuộc đời và sự nghiệp". Đây là sự kiện nhằm hướng tới kỷ niệm lần thứ 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023) và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Bỉ (22/3/1973 - 22/3/2023). Thật cảm động khi có hàng trăm khách mời đến dự, trong đó có đại sứ, đại diện các nước ASEAN, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Cuba, Chủ tịch và các thành viên Hội hữu nghị Việt - Bỉ, cơ quan đối ngoại EU, các chính đảng tại Bỉ và đại diện Cộng đồng người Việt ở đây. Triển lãm giới thiệu, trưng bày hơn 200 bức ảnh, tài liệu phác họa chân dung, tầm vóc của Hồ Chí Minh từ khi còn là người thanh niên bôn ba tìm đường cứu nước; lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập Đảng cộng sản và lãnh đạo Nhân dân tổng khởi nghĩa cách mạng tháng 8/1945 thành công, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhà nước dân chủ nhân dân non trẻ và cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, làm nên chiến thắng Điện Biên "chấn động địa cầu"; Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất Tổ quốc (1955 - 1969); Biểu tượng Hồ Chí Minh trong lòng Nhân dân thế giới.

tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-dang-huong-tai-nha-67-tuong-nho-chu-tich-ho-chi-minh-nhan-tet-nguyen-an-quy-mao-2023.jpg
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng dâng hương tại Nhà 67 tưởng nhớ Chủ Tich Hồ Chí Minh nhân tết Nguyên đán Quý Mão 2023

Cũng trong khuôn khổ triển lãm, đã diễn ra buổi tọa đàm về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà diễn giả là nhà sử học Alain Russio (người Pháp) đã bỏ nhiều công sức và thời gian nghiên cứu về Bác Hồ. Theo Alain Russio, Hồ Chí Minh là lãnh tụ không hề giống với bất kỳ lãnh đạo quốc gia nào; những lý luận và tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn mang tính thời sự trong thời đại ngày nay. Riêng ông Coeckelberghs Ralph, thành viên Hội Hữu nghị Bỉ - Việt đã trao tặng cuốn sách "Hồ Chí Minh- Cuộc đời và sự nghiệp" cho Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Đây là công trình xuất bản bằng tiếng Pháp từ 1970, tập hợp các bài viết, phỏng vấn của các nhà báo và nhà hoạt động xã hội của nhiều quốc gia về Hồ Chủ tịch mà ông Ralph đã gìn giữ hơn nửa thế kỷ qua.

***

Góp phần lan tỏa những giá trị tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, những ngày qua không ít hội nghị, hội thảo, triển lãm trưng bày chuyên đề, sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật của nhiều cơ quan, tổ chức và tầng lớp Nhân dân được diễn ra khắp các vùng, miền trong cả nước. Nhưng sôi nổi và đậm nét hơn cả chính là trên mảnh đất Nghệ An - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Cùng với hội thảo khoa học "Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ - Định hướng phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh" (nhân 20 năm hình thành công trình và phát triển), trưng bày chuyên đề "Hồ Chí Minh - chân dung một con người", là chương trình nghệ thuật đặc biệt giao lưu điển hình tiên tiến 75 năm công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy với chủ đề "Hoa tháng năm dâng Người". Đặc biệt tại thành phố Vinh (tối ngày 12/5), tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Làng Sen năm 2023 và chương trình nghệ thuật "Người mẹ Làng Sen" nhân kỷ niệm 155 năm ngày sinh bà Hoàng Thị Loan - Thân mẫu Bác Hồ (1868 - 2023) và lần thứ 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023). Lễ hội Làng Sen năm nay quy tụ hơn 600 nghệ sĩ, diễn viên đến từ hơn 20 đoàn nghệ thuật quần chúng thuộc các huyện, thành phố và thị xã trong tỉnh. Kết hợp các tiết mục dân ca ví, giặm và giao lưu nghệ thuật phục vụ Nhân dân là cuộc thi "Bác Hồ trong trái tim thanh, thiếu nhi Nghệ An"; Các trò chơi dân gian gắn với tuổi thơ của Bác Hồ tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn; Chương trình lễ hội đường phố với chủ đề "Quê hương mùa sen nở"... Điểm nhấn của Lễ hội Làng Sen là chương trình nghệ thuật "Người mẹ Làng Sen", được đồng thời diễn ra ở thành phố Vinh và thành phố Huế - nơi Bác Hồ và gia đình đã sống khoảng mười năm thuở thiếu thời. Các tiết mục dân ca, dân vũ và ca khúc hiện đại đã tập trung khắc họa hình tượng bà Hoàng Thị Loan - người phụ nữ cần cù lao động, hết lòng thương yêu chồng con. Với vốn văn hóa dân gian phong phú, bằng những câu hò, điệu Ví và qua những lời ru ngọt ngào, mẹ Hoàng Thị Loan đã dạy dỗ, vun bồi cho các con tình yêu quê hương, đất nước mà trong đó có sự hình thành nên tâm hồn, nhân cách và tư tưởng Hồ Chí Minh về sau.

mach-nguon-vi-giam-dem-nhac-dac-biet-tri-an-5-nhac-si-tai-hoa-cua-nghe-an.jpg
“Mạch nguồn ví, giặm”: Đêm nhạc đặc biệt tri ân 5 nhạc sĩ tài hoa của Nghệ An

Một sự kiện gây được tiếng vang trong chuỗi hoạt động hướng đến ngày sinh lần thứ 133 Chủ tịch Hồ Chí Minh là đêm nhạc "Mạch nguồn Ví, Giặm" (ngày 14/5). Đây là chương trình nghệ thuật do Hội đồng hương tỉnh Nghệ An tại Hà Nội tổ chức nhằm tri ân và tôn vinh năm nhạc sĩ tài danh xứ Nghệ là Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Tài Tuệ, Hồng Đăng, An Thuyên và Nguyễn Trọng Tạo. Sân khấu trung tâm Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô có sức chứa 1100 chỗ ngồi tối hôm đó ken đặc người, thậm chí không ít khán giả phải đứng ra hai bên cánh gà để được thưởng thức. Ví và Giặm là hai thể hát dân ca độc đáo của người dân Nghệ An và Hà Tĩnh đã được tổ chức UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2014. Các thế hệ người dân xứ Nghệ, đặc biệt năm nhạc sĩ kể trên được sinh ra, lớn lên và tắm mình trong những câu hò, điệu Ví nên trong các sáng tác của họ ít hay nhiều, đậm hoặc nhạt đều có mang âm hưởng của "mạch nguồn Ví, Giặm". 16 ca khúc chọn lọc trong gia tài đồ sộ của năm cố nhạc sĩ được bố cục làm ba phần: Mơ quê; Giai điệu tình yêu; Cung đàn đất nước và được Đài truyền hình Nghệ An truyền trực tiếp cùng hơn 40 đài trong cả nước tiếp sóng. Với giọng ca của các nghệ sĩ đã thành danh như Thanh Lam, Phạm Phương Thảo, Đình Trang, Bùi Lê Mận, Vũ Thắng Lợi, Thanh Tài... đã làm nổi bật lên tâm hồn, khí chất và bản lĩnh của con người xứ nghệ trong dòng chảy của lịch sử dân tộc. Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức chương trình “Mạch nguồn Ví, Giặm” cho rằng: Mặc dù năm nhạc sĩ đã đi xa, nhưng dấu ấn về cuộc đời và những tác phẩm âm nhạc bất hủ, mang đậm chất dân ca, Ví, Giặm vẫn lay động mãi tâm trí chúng ta. Âm nhạc của các nhạc sĩ đã và đang đồng hành cùng dân tộc; tạo dựng những mốc son sáng giá trong dòng chảy văn hóa và đời sống tinh thần của Nhân dân...

mach-nguon-vi-giam-dem-nhac-dac-biet-tri-an-5-nhac-si-tai-hoa-cua-nghe-an--n7.jpg
Một tiết mục trong đêm nhạc Mạch nguồn Ví, giặm

***

Cận kề kỷ niệm lần thứ 133 năm ngày sinh nhật Bác, hòa vào dòng người đông đảo, tôi ghé vào Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Đã được vào đây vài lần, nhưng mỗi lần rảo bước dưới bóng xoài và các loại cây đang tỏa xanh bóng mát, tôi lại liên tưởng đến mấy vần thơ của nhà thơ Tố Hữu "Anh dắt em vào cõi Bác xưa/ Đường xoài hoa trắng nắng đu đưa/ Có hồ nước lặng sôi tăm cá/ Có bưởi, cam thơm mát bóng dừa". Di tích đầu tiên mà bất cứ khách du lịch nào đến đây đều tận mắt nhìn ngắm là nhà sàn Bác Hồ - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở, làm việc suốt từ tháng 5/1958 đến trung tuần tháng 8/1969. Chuyện là, sau ngày quân dân ta tiếp quản thủ đô, Hồ Chủ tịch từ Chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội. Ban đầu Bác được bố trí ở và làm việc trong Phủ toàn quyền Đông Dương (sau này là Phủ Chủ Tịch) ngay phía trước là Quảng trường Ba Đình. Nhưng với bản tính giản dị, muốn gần gũi với thiên nhiên nên Người chọn cho mình một ngôi nhà nhỏ - nơi ở của một người thợ điện trong khuôn viên Phủ Chủ Tịch. Sau chuyến thăm một hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên, trên đường về Bác đề xuất với các đồng chí phục vụ: Trong kháng chiến 9 năm, Bác đã ở trong nhiều ngôi nhà sàn bằng tre gỗ của đồng bào các dân tộc nên đã quen và ưa thích kiểu kiến trúc, không gian ấy. Vì vậy Bác muốn có một căn nhà sàn nằm cạnh bờ ao trong khuôn viên để ở và làm việc cho thoáng đãng. Theo gợi ý của Hồ Chủ tịch, kế hoạch xây dựng ngôi nhà được giao cho Cục Thiết kế cơ bản (Tổng cục Hậu Cần Quân đội Nhân dân Việt Nam và tác giả thiết kế là Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, Cục trưởng Cục Thiết kế dân dụng (Bộ Kiến trúc thời ấy). Tập trung nhân lực, khẩn trương thi công vào đầu tháng 5/1958 công trình được hoàn thành. Đúng dịp sinh nhật 19/5 năm ấy, Bác Hồ đã chuyển sang sống và làm việc ở ngôi nhà sàn cho đến trung tuần tháng 8/1969, khi Người lâm bệnh nặng và qua đời ở Nhà 67. Nhà sàn Bác Hồ, một công trình nhỏ bé, khiêm nhường và giản dị nhưng có một ý nghĩa đặc biệt trong cụm di tích Phủ Chủ Tịch. Bởi nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Bộ Chính trị họp bàn và quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; chính trong ngôi nhà “mộc mạc chẳng mùi sơn” này Bác đã khởi thảo nhiểu văn kiện quan trọng trong đó có Bản Di chúc lịch sử để lại cho toàn đảng, toàn dân. Đây cũng là nơi Bác thường tiếp đón các đoàn khách quốc tế, các đại biểu nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước cũng như các cháu thiếu niên, nhi đồng yêu quý... Bà Julia Helen, một du khách người Anh sau khi tham quan nhà sàn Bác Hồ đã phải thốt lên: "Tôi thực sự ngạc nhiên và ngưỡng mộ khi tới thăm ngôi nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi không thể hình dung một lãnh tụ, nguyên thủ quốc gia lại sống giản dị và đơn sơ như vậy. Bác Hồ quả là một nhân cách đáng kính trọng".

nha-san-bac-ho.jpg
Nhà sàn Bác Hồ

Trên đường từ nhà sàn men theo ao cá Bác Hồ, tôi bước cạnh một phụ nữ trạc tuổi 50, dẫn đầu một đoàn học sinh, đang lẩm nhẩm trong miệng "Con cá rô ơi chớ có buồn/ Ngày ngày Bác vẫn gọi rô luôn/ Dừa ơi cứ nở hoa đơm trái/ Bác vẫn chăm tay tưới ướt bồn" (Tố Hữu). Hỏi chuyện chị cho biết: Chị dạy học ở một trường THCS thuộc huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Cuối năm học, nhà trường tổ chức cho các cháu về viếng lăng Bác, tham quan nơi ở và làm việc của Người khi còn sống, nhằm giúp các em có thêm vốn hiểu biết về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác, cũng như thuận lợi hơn trong quá trình học các tác phẩm thơ, văn viết về Hồ Chí Minh... Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch là nơi sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ kính yêu (từ ngày 19/12/1954 đến 02/9/1969). Bên cạnh ngôi nhà sàn đơn sơ còn có hàng chục công trình khác như di tích Nhà 54, di tích Nhà 67; là vườn cây xanh, ao cá, nhà bếp và xe ô tô phục vụ Bác thuở sinh thời. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch đã đón tiếp hơn 80 triệu lượt khách tham quan và học tập (trong đó có 950-1000 đoàn/năm được thuyết minh). Theo ông Nguyễn Văn Dương, Phó Giám đốc Khu di tích thì nhiều năm gần đây, cứ vào dịp tết Nguyên đán Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng lại vào dâng hương thành kính tưởng nhớ Bác. Mỗi lần như vậy, Tổng Bí Thư không quên căn dặn cán bộ, nhân viên Khu di tích khắc phục khó khăn, nỗ lực hơn nữa trong công tác giữ gìn và bảo quản các tài liệu, hiện vật liên quan đến Bác. Nhất là mỗi cán bộ, nhân viên cần tìm cách truyền cảm hứng; không ngừng lan tỏa các giá trị về tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh đến khách tham quan trong và ngoài nước một cách có hiệu quả nhất.